Thực trạng và giải pháp phát triển các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Một góc KCN Bá Thiên II, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc |
Nhiều “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ
Ban Quản lý các Khu công nghiệp Vĩnh Phúc (Ban Quản lý) được UBND Tỉnh giao nhiệm vụ quản lý nhà nước và phát triển các KCN, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn. Do tính chất đặc thù hoạt động quản lý nhà nước về KCN liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nên công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động chuyên môn tương đối khó khăn, phức tạp. Bên cạnh đó, các chính sách về phát triển KCN, khu kinh tế (KKT) tại Việt Nam còn nhiều vấn đề chưa hoàn thiện, nên đã gây ảnh hưởng lớn đến quá trình thực thi công vụ của Ban Quản lý và của các nhà đầu tư hạ tầng và thứ cấp trong các KCN.
Ông Hà Đình Nhã- Trưởng ban, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Vĩnh Phúc cho rằng, tuy mỗi địa phương có những điều kiện thuận lợi, khó khăn riêng song nhìn chung chính sách phát triển KCN của Chính phủ là yếu tố tiên quyết quyết định sự phát triển lớn mạnh của hệ thống các KCN tại Việt Nam. Vì vậy, những khó khăn vĩ mô về chính sách phát triển KCN, KKT đã gây cản trở lớn đến sự phát triển của các KCN, KKT Việt Nam chứ không chỉ riêng tại tỉnh Vĩnh Phúc, cụ thể:
Một là, hiện nay các cơ chế, chính sách phát triển các KCN, KKT mới chỉ dừng lại ở cấp Nghị định, chưa có luật chuyên ngành về KCN, KKT, nên tính pháp lý chưa phải khung cao nhất. Các chính sách pháp luật chuyên ngành liên quan đến KCN, KKT còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo (Luật Xây dựng, Luật Môi trường, Luật Đầu tư; Luật Quy hoạch; Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Nhà ở...), chưa đảm bảo tính ổn định, thống nhất, đồng bộ. Do đó, gây khó khăn trong quá trình thực thi chính sách về KCN. Đồng thời, thường có sự xung đột, thiếu thống nhất khi quy định của pháp luật chuyên ngành được sửa đổi, bổ sung, thay thế.
Hai là, một số nhiệm vụ theo quy định của pháp luật được ủy quyền/phân cấp cho Ban Quản lý các KCN thực hiện, nhưng hiện nay Ban Quản lý các KCN vẫn chưa được ủy quyền/phân cấp trong lĩnh vực môi trường; quản lý chất lượng công trình đối với dự án, công trình xây dựng trong KCN. Ban Quản lý các KCN không được giao thực hiện việc cấp, cấp lại, gia hạn, xác nhận không thuộc diện cấp phép, thu hồi giấy phép lao động và tiếp nhận báo cáo giải trình của doanh nghiệp trong KCN về nhu cầu sử dụng người nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người Việt Nam chưa đáp ứng được; đồng thời không tiếp nhận báo cáo về tình hình sử dụng lao động nước ngoài, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, do chưa tập trung về một đầu mối để giải quyết tất cả các thủ tục hành chính; khó khăn…
Ba là, về mô hình phát triển và quản lý nhà nước đối với KCN: Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ về quản lý KCN đã đề cập đến các loại hình KCN mới như: KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN sinh thái và KCN công nghệ cao, nhưng chưa có quy định cụ thể về về quy hoạch, thành lập, đầu tư, phát triển và quản lý các loại hình KCN này để các tỉnh triển khai không bị vướng mắc.
Về khó khăn tại các KCN của Tỉnh, Trưởng ban ông Hà Đình Nhã chỉ ra nhóm vướng mắc sau:
Một là, công tác bồi thường (BT), giải phóng mặt bằng (GPMB) triển khai thực hiện còn chậm, kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai thực hiện dự án. Việc triển khai các khu tái định cư, việc di chuyển mồ mả phục vụ GPMB của các KCN triển khai chậm đã làm ảnh hưởng đến công tác GPMB các KCN. Do vậy, ảnh hưởng lớn đến tiến độ đầu tư, cũng như hiệu quả đầu tư của các KCN.
Hai là, nguồn đất san nền KCN trong thời gian gần đây gặp rất nhiều khó khăn, trong đó hầu hết các KCN đều có nhu cầu lớn về đất san nền.
Ba là, chưa xác định giá đất: Hiện nay một số KCN đã được UBND Tỉnh giao đất, nhưng chưa xác định được giá đất thuê. Do đó, chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào KCN và phương án huy động vốn từ các tổ chức tín dụng để đầu tư KCN.
Bốn là, chất lượng quy hoạch chi tiết xây dựng KCN còn hạn chế: Trong quá trình triển khai quy hoạch phải điều chỉnh nhiều lần (giai đoạn 2015-2021, các quy hoạch xây dựng KCN được điều chỉnh đến 21 lần cho 10 đồ án quy hoạch). Quy hoạch xây dựng một số KCN được lập, thẩm định và phê duyệt chưa đồng thời với phê duyệt quy hoạch bố trí xây dựng nhà ở công nhân, các công trình văn hóa, xã hội phục vụ người lao động.
Năm là, công tác xúc tiến đầu tư hiệu quả chưa cao; tính cạnh tranh, hấp dẫn đầu tư vào các KCN bị giảm dần, chưa có dự án lớn mang tính dẫn dắt so với một số tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng. Thêm vào đó, các ngành mũi nhọn hiện tại cũng có xu hướng giảm sút và mất dần lợi thế cạnh tranh.
Sáu là, các dự án đầu tư trong nước (DDI) thứ cấp trong KCN chủ yếu là dự án có quy mô nhỏ và vừa, công nghệ cũ. Một số chủ đầu tư có năng lực hạn chế, dẫn đến dự án chậm tiến độ, kinh doanh không hiệu quả. Việc kết nối trong sản xuất, kinh doanh và chuyển giao công nghệ giữa khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Số lượng doanh nghiệp trong nước trên địa bàn Tỉnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI không nhiều.
Bảy là, quá trình phát triển các KCN, cùng với sự mở rộng không ngừng về số lượng các doanh nghiệp dẫn đến nhu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trong KCN tăng nhanh. Nhưng khả năng đáp ứng về nhu cầu chất lượng nhân lực cho các doanh nghiệp còn hạn chế, nên cần tập trung phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp ở các KCN.
Tám là, năng lực và hiệu lực thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư chưa cao và thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành; chưa kịp thời phát hiện và xử lý các dự án triển khai chậm tiến độ.
Chín là, vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, UBND cấp huyện trong quản lý các KCN chưa được thực hiện đầy đủ, hiệu quả trên một số lĩnh vực như: Quản lý trật tự xây dựng; quản lý đất đai, công tác BT và GPMB, công tác bảo vệ môi trường…
Mười là, theo quy định của pháp luật hiện hành, giá thuê đất trong KCN do nhà đầu tư hạ tầng quyết định (theo cơ chế thị trường). Hiện nay giá thuê đất bình quân trên địa bàn Tỉnh cao hơn mặt bằng chung một số tỉnh, dẫn đến giảm sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư so với các tỉnh: Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương…
Mười một là, năng lực kinh nghiệm, năng lực tài chính của một số chủ đầu tư còn hạn chế. Một số chủ đầu tư chưa chủ động, chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan đến giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác BT, GPMB; một số thời điểm chủ đầu tư chưa kịp thời ứng vốn để thực hiện công tác BT, GPMB.
Dây chuyền sản xuất Honda của nhà máy Honda Vĩnh Phúc |
Phát huy cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả hoạt động, tập trung quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ phát triển KCN
Trên cơ sở phân tích những lợi thế và khó khăn, vướng mắc hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các sở, ban, ngành trong Tỉnh cần tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của các sở, ngành, chính quyền các cấp đối với KCN theo hướng phân cấp, ủy quyền phù hợp, theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý gắn với tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết kịp thời các khó khăn, hỗ trợ tốt nhất cho các chủ đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp trong KCN.
Đối với Ban Quản lý các Khu công nghiệp Vĩnh Phúc, do tính chất đặc thù của cơ quan đầu mối giúp UBND Tỉnh quản lý nhà nước về KCN nên vai trò, trách nhiệm sẽ nặng nề và sâu sát hơn để hoàn thành “sứ mệnh” được phân công. Do đó, hơn lúc nào hết, Ban Quản lý cần nâng cao hơn nữa vai trò, chức trách, nhiệm vụ được giao để phát huy cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả hoạt động công tác, giúp UBND Tỉnh quản lý nhà nước hiệu quả về KCN và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý chuyên ngành, các địa phương có KCN trong công tác phát triển KCN.
Đồng thời tập trung quyết liệt đôn đốc các nhà đầu tư hạ tầng KCN đẩy mạnh công tác BT, GPMB; thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, đưa các dự án vào hoạt động theo đúng kế hoạch, nhất là các KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Cùng với đó giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc về xác định giá đất; nguồn đất san nền cho các dự án, đảm bảo kịp thời nhưng chặt chẽ, không để xảy ra sai sót.
Mặt khác, tiếp tục nghiên cứu, có chính sách mang tính dài hạn, ổn định trong hỗ trợ phát triển KCN đối với nội dung thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác phát triển KCN trên địa bàn Tỉnh, tạo điều kiện hỗ trợ các chủ đầu tư và thu hút các tổ chức, cá nhân vào sản xuất, kinh doanh trong KCN hoạt động theo quy định. Trong đó, quan tâm đến các chính sách: (i) Xây dựng một số gói ưu đãi cho đối với từng nhà đầu tư, từng lĩnh vực cần thu hút đầu tư (đặc biệt khuyến khích đầu tư), về tiếp cận đất đai; (ii) Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; (iii) Hỗ trợ về công tác bảo vệ môi trường; (iv) Hỗ trợ về nhà ở cho công nhân, người lao động trong các KCN trên địa bàn Tỉnh.
Nghiên cứu, xây dựng các công cụ thu hút đầu tư có chọn lọc, như: Danh mục dự án thu hút các nhà đầu tư chiến lược, lĩnh vực, ngành nghề chiến lược; xây dựng Bộ công cụ về sàng lọc dự án đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc; bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN, đảm bảo lựa chọn được các nhà đầu tư đủ năng lực, điều kiện để thực hiện dự án theo định hướng thu hút đầu tư trên địa bàn Tỉnh.
Toàn cảnh KCN Bình Xuyên , tỉnh Vĩnh Phúc |
Đẩy mạnh phát triển đồng bộ các KCN, tạo "đòn bẩy" thu hút đầu tư chất lượng cao
Căn cứ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06/02/2024; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Vĩnh Phúc định hướng phát triển KCN trong thời gian tới trọng tâm vào những nội dung sau:
Hoàn thiện, thường xuyên duy tu, bảo dưỡng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật các KCN đã được thành lập; tập trung nguồn lực vào công tác BT, GPMB để sớm giao đủ đất cho các chủ đầu tư hạ tầng KCN nhằm và hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trạm xử lý nước thải tập trung tại các KCN đã được thành lập. Kiên quyết khắc phục những tồn tại, hạn chế (nhất là hạ tầng kỹ thuật các KCN), đưa công tác quản lý KCN vào nề nếp, đúng định hướng; thực sự phát huy vai trò, hiệu quả của các KCN.
Đầu tư phát triển thêm một số KCN có lợi thế, có tính khả thi theo Danh mục các KCN tại Phụ lục III ban hành kèm theo Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ; phát triển mới KCN theo lộ trình cụ thể, không phát triển ồ ạt. Dự kiến đến năm 2025, lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ 4 - 8 KCN mới (như KCN: Lập Thạch I, Lập Thạch II, Tam Dương II – Khu B, Chấn Hưng, Bình Xuyên – Yên Lạc I, Bình Xuyên – Yên Lạc II và một số KCN có tiềm năng khác).
Phấn đấu đến năm 2030 Vĩnh Phúc có 28 KCN với diện tích là 4.815 ha. Ưu tiên thu hút các nhà đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng KCN có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm phát triển thành công các KCN trên địa bàn cả nước; thực hiện đầu tư phát triển các KCN đảm bảo chặt chẽ, đúng quy hoạch đã được phê duyệt; phát triển các KCN mới gắn chặt với yêu cầu bảo vệ môi trường, hạ tầng xã hội (bao gồm nhà ở công nhân, các thiết chế văn hóa, thể thao, chương trình phúc lợi phục vụ người lao động), hạ tầng đến hàng rào KCN (gồm: giao thông, điện, nước, viễn thông…). Các KCN phải đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng xử lý nước thải mới được phép đi vào hoạt động.
Thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc trên cơ sở định vị tầm nhìn, phương hướng, cách thức xây dựng hệ thống giải pháp khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút thành công các dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia. Đồng thời chuyển dịch dần mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế từ chiều rộng đến chiều sâu, từ hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp hướng tới hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn theo hướng chủ động, tích cực, trọng tâm, trọng điểm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.
Ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo công nghệ cao bao gồm công nghiệp máy tính, điện thoại và điện tử; công nghiệp bán dẫn; công nghiệp ô tô, xe máy điện và công nghiệp dược phẩm, nông nghiệp công nghệ cao; dự án của các tập đoàn đa quốc gia đầu chuỗi và nhà cung ứng then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu của tập đoàn đa quốc gia./.
Công nhân nhà máy FDI đang làm việc trong KCN tỉnh Vĩnh Phúc |
Bình luận