Vĩnh Phúc tăng cường phát triển KCN, tạo nền tảng thu hút nguồn vốn FDI
Toàn cảnh KCN Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

Đẩy mạnh phát triển các KCN

Theo phương án phát triển hệ thống KCN trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06/02/2024), đến năm 2030 Vĩnh Phúc có 28 KCN với diện tích là 4.815 ha; đến năm 2050 có 29 KCN với diện tích là 5.489,68 ha; và các KCN có tiềm năng, dự kiến thành lập mới trong trường hợp được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật với diện tích là 10.000 ha. Trong đó ưu tiên phát triển các KCN mới dọc theo các trục đường giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường vành đai 4, vành đai 5.

Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc cho biết, tính đến ngày 15/10/2024, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 17 KCN được thành lập với tổng diện tích 3.146 ha; trong đó: 09 KCN đã đi vào hoạt động (gồm KCN: Kim Hoa, Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện, Bình Xuyên II-giai đoạn 1, Bá Thiện II, Tam Dương II - khu A, Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa – khu vực II – giai đoạn 1, Thăng Long Vĩnh Phúc); 03 KCN đang triển khai xây dựng, gồm: KCN Sơn Lôi, KCN Tam Dương I- khu vực 2, KCN Sông Lô II; 05 KCN chưa được giao đất, chưa triển khai xây dựng (gồm KCN: Bình Xuyên II-giai đoạn 2, Nam Bình Xuyên, Phúc Yên, Sông Lô I, Đồng Sóc).

Vĩnh Phúc tăng cường phát triển KCN, tạo nền tảng thu hút nguồn vốn FDI
Toàn cảnh KCN Bá Thiện II, tỉnh Vĩnh Phúc

Tăng tốc thu hút dòng vốn FDI

Theo lãnh đạo Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc chia sẻ: Đến nay các KCN của Tỉnh đã thu hút được 495 dự án còn hiệu lực, trong đó có 376 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 6.795,11 triệu USD; 119 dự án DDI với tổng vốn đầu tư trên 38.822,61 tỷ đồng.

Các dự án đầu tư FDI đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ với ngành nghề sản xuất chủ yếu là linh kiện điện tử, chiếm 50,4%; lắp ráp ô tô, xe máy chiếm 12,8%... Vốn thực hiện các dự án đạt từ 60 - 65%.

Đến nay, các KCN đã tạo việc làm cho 142.440 lao động. Các dự án FDI đầu tư vào có một số dự án có công nghệ cao thuộc lĩnh vực linh kiện điện tử. Ngành nghề chủ yếu là sản xuất linh kiện điện tử, tiếp theo là nhóm ngành nghề công nghiệp khác, nhóm ngành sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy, còn lại là lĩnh vực dệt may và vật liệu xây dựng…

Vốn thực hiện (giải ngân) của dự án đạt trung bình từ 60-65% so với tổng vốn đầu tư. Tính đến nay, vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI đạt 4,16 tỷ USD, đạt 62% tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án; tương đương với mức trung bình chung của cả nước.

Cơ bản các dự án FDI triển khai đúng tiến độ theo đăng ký đầu tư, cá biệt có số ít dự án FDI đề xuất giãn tiến độ do tiến độ xây dựng hoặc các thủ tục liên quan đến môi trường, phòng cháy chữa cháy chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ chung đi vào hoạt động.

Được biết trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về phát triển các KCN tỉnh Vĩnh Phúc, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Vĩnh Phúc đã không ngừng nâng cao vai trò, chức trách, nhiệm vụ được UBND Tỉnh giao; nỗ lực đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư và phát triển hạ tầng các KCN của Tỉnh; đồng thời đồng hành, sát cánh, hỗ trợ hiệu quả cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp (từ khâu giải quyết các thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, phối hợp cùng các cơ quan liên quan kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đâu tư và doanh nghiệp…). Cùng với đó là sự cố gắng vượt bậc của các nhà đầu tư và doanh nghiệp hạ tầng và thứ cấp đã tập trung mọi nguồn lực, từng bước vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đưa dự án được triển khai đúng tiến độ và đạt được các kết quả tích cực; góp phần đưa hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các KCN Tỉnh ngày càng phát triển vững mạnh./.

Vĩnh Phúc tăng cường phát triển KCN, tạo nền tảng thu hút nguồn vốn FDI
Công nhân làm việc trong Công ty TNHH EXEDY Việt Nam tại KCN Khai Quang, tỉnh Vĩnh Phúc