Tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo tập trung quyết liệt giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp
Một góc KCN Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc |
Tại Hội nghị “Phát triển bền vững khu công nghiệp (KCN) tỉnh Vĩnh Phúc”, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Phúc đã nêu rõ tổng quan những khó khăn hiện nay trong công tác phát triển các KCN của Tỉnh, điển hình như: Công tác bồi thường (BT), giải phóng mặt bằng (GPMB) triển khai thực hiện còn chậm, kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai thực hiện dự án; hiện nay một số KCN đã được UBND Tỉnh giao đất, nhưng chưa xác định được giá đất thuê nên chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào KCN và phương án huy động vốn từ các tổ chức tín dụng để đầu tư KCN; chất lượng quy hoạch chi tiết xây dựng KCN còn hạn chế nên trong quá trình triển khai quy hoạch phải điều chỉnh nhiều lần. Quy hoạch xây dựng một số KCN được lập, thẩm định và phê duyệt chưa đồng thời với phê duyệt quy hoạch bố trí xây dựng nhà ở công nhân, các công trình văn hóa, xã hội phục vụ người lao động…; hiện nay giá thuê đất bình quân trên địa bàn Tỉnh cao hơn mặt bằng chung một số tỉnh nên khó khăn trong cạnh tranh thu hút đầu tư…
Ông Hà Đình Nhã- Trưởng ban, Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Phúc phát biểu tại Hội nghị “Phát triển bền vững khu công nghiệp Vĩnh Phúc” |
Tiếng nói của các nhà đầu tư hạ tầng KCN
Phát biểu tại Hội nghị này, một số nhà đầu tư hạ tầng KCN tại tỉnh Vĩnh Phúc đã có những chia sẻ thực tế về những khó khăn hiện nay tại các KCN mà các nhà đầu tư đã và đang triển khai đầu tư, cụ thể:
Bà Đàm Thị Bích Ngọc, Giám đốc Công ty Cổ phần Amane - Chủ đầu tư KCN Thái Hòa Liễn Sơn - Liên Hòa (giai đoạn 1) đã chỉ ra một số tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, tiền sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng, kết nối ngoài hàng rào khu công nghiệp…gây ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư.
Bà Đàm Thị Bích Ngọc cho biết, Dự án KCN Thái Hòa Liễn Sơn - Liên Hòa (giai đoạn 1) của Công ty được ngân hàng cấp vốn từ lâu, phía ngân hàng đôn đốc doanh nghiệp giải ngân nhưng doanh nghiệp không thể giải ngân được do dự án không giải phóng mặt bằng ngay được. Sau khi giải phóng mặt bằng xong thì chưa thể nộp tiền vào ngân sách vì chưa có đơn giá; trong khi đó các khách thuê liên tục yêu cầu có mặt bằng để triển khai đầu tư. Thực tế này dẫn đến sự lãng phí nguồn lực lớn cho cả doanh nghiệp, nhà đầu tư và địa phương.
Bà Đàm Thị Bích Ngọc - Giám đốc Công ty Cổ phần Amane, Chủ đầu tư KCN Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa, huyện Lập Thạch phát biểu tại Hội nghị “Phát triển bền vững khu công nghiệp Vĩnh Phúc” |
Theo bà Ngọc, nhà đầu tư hạ tầng muốn cạnh tranh thu hút được các dự án có tỷ suất đầu tư cao, công nghệ cao, xanh và sạch, có hàm lượng giá trị gia tăng lớn, thì việc chuẩn bị tốt các điều kiện về hạ tầng theo hướng hiện đại là yếu tố then chốt. Trên thực tế, khi tìm hiểu, đề xuất đầu tư vào Tỉnh, các nhà đầu tư quan tâm đến vấn đề giải quyết thủ tục hành chính; bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao đất; công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng, bảo đảm hạ tầng ngoài hàng rào KCN; các công trình thiết yếu như: xử lý chất thải, hệ thống cây xanh, hạ tầng dịch vụ và các công trình cộng đồng. Bên cạnh đó là công tác phối hợp trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế gắn liền với an sinh xã hội; việc chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, xây dựng xã hội công nghiệp ổn định, hài hòa trong một trật tự mới, bền vững.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm hoạt động đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN tại tỉnh Vĩnh Phúc, ông Trịnh Văn Quang, Giám đốc phát triển Dự án KCN Bá Thiện 2, Công ty cổ phần Vina – CPK có ý kiến đề nghị Tỉnh cần sớm triển khai, hoàn thiện các quy hoạch, làm cơ sở để các nhà đầu tư rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai việc nghiên cứu, lập hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án các KCN mới.
Ông Trịnh Văn Quang - Giám đốc phát triển Dự án Công ty Cổ phần Vina CPK, KCN Bá Thiện II, huyện Bình Xuyên phát biểu tại Hội nghị “Phát triển bền vững khu công nghiệp Vĩnh Phúc” |
Ông Quang nhấn mạnh: Một dự án hạ tầng KCN để phát triển thành công cần nhiều yếu tố, trong đó, yếu tố về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kết cấu hạ tầng là nền tảng, còn năng lực của nhà đầu tư hạ tầng và sự đồng hành, quyết tâm của các cấp chính quyền địa phương là yếu tố tiên quyết.
Để tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn, phát triển bền vững các KCN, qua kinh nghiệm thực tiễn của Đơn vị, Giám đốc Trịnh Văn Quang đề nghị UBND Tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương liên quan sớm hoàn thiện các quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu, quy hoạch phát triển KCN, cụ thể hóa quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở cho các nhà đầu tư rà soát và xây dựng kế hoạch triển khai việc nghiên cứu, lập hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án các KCN mới.
Liên quan đến công tác BT, GPMB là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp chính quyền địa phương nằm trong vùng Dự án và các cơ quan chuyên môn liên quan trong việc nâng cao vai trò tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của nhà nước trong công tác này.
Quan tâm chỉ đạo việc đầu tư và nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong KCN và cả hạ tầng bên ngoài KCN để ổn định sản xuất cho doanh nghiệp như điện sản xuất, nước sinh hoạt và sản xuất, nhà ở công nhân, giao thông công cộng…
Đại diện Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc (VPID), ông Nguyễn Anh Đệ, Phó Tổng Giám đốc VPID- Chủ đầu tư hạ tầng KCN Khai Quang cho biết: VPID là một trong những nhà đầu tư hạ tầng KCN có mặt sớm tại tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện nay VPID là chủ đầu tư hạ tầng của 4 KCN, trong đó tại tỉnh Vĩnh Phúc có 2 KCN, gồm KCN Khai Quang được xây dựng từ năm 2003, thu hút 80 dự án đầu tư, đạt tỷ lệ lấp đầy 94%; KCN Sông Lô II, tổng diện tích trên 165ha được khởi công xây dựng cuối tháng 6/2023. Dự án có mục tiêu cung cấp hạ tầng - dịch vụ đồng bộ, chất lượng cao, môi trường xanh - sạch - đẹp, đáp ứng các yêu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp.
Ông Nguyễn Anh Đệ, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc phát biểu tại Hội nghị “Phát triển bền vững khu công nghiệp Vĩnh Phúc” |
Để khuyến khích các nhà đầu tư hạ tầng và các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp hướng đến mục tiêu chung phát triển bền vững, tạo động lực thúc đẩy thu hút đầu tư FDI, ông Đệ cho rằng: Tỉnh cần có các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, cộng đồng tham gia các hoạt động phát triển bền vững, bảo vệ nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, nhất là trách nhiệm của doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ, áp dụng các quy trình sản xuất xanh, hướng tới các giải pháp giảm thiểu tác động môi trường.
Là chủ đầu tư hạ tầng KCN hiện đại nhất của tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay, ông Kenta Kawanabe, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long- Chủ đầu tư KCN Thăng Long Vĩnh Phúc cho biết: KCN Thăng Long Vĩnh Phúc hiện đã thu hút 41 dự án đầu tư, trong đó 29 dự án đã đi vào hoạt động (chủ yếu là nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và một số doanh nghiệp đến từ Đài Loan, Hong Kong, Việt Nam). Các dự án hoạt động trong KCN đến từ các nhà đầu tư có thương hiệu (như: TOTO, Daiwa, Tsuchiya) với công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao, ít gây ảnh hưởng môi trường. Trước nhu cầu cần mở rộng sản xuất của các nhà đầu tư nên nhu cầu thuê nhà xưởng tăng cao, Công ty đang tiến hành xây thêm 3 nhà xưởng và sẽ đưa vào hoạt động từ tháng 2/2025.
Ông Kenta Kawanabe, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long- Chủ đầu tư KCN Thăng Long Vĩnh Phúc phát biểu tại Hội nghị “Phát triển bền vững khu công nghiệp Vĩnh Phúc” |
Để phát triển KCN bền vững, ông Kenta Kawanabe cho rằng, Tỉnh cần làm tốt công tác đào tạo nguồn lao động; hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tuyển dụng được nguồn lao động chất lượng cao thông qua các hội chợ giới thiệu việc làm hoặc làm đầu mối kết nối với các trường đại học, cao đẳng, trường nghề. Tiếp tục có các cơ chế, chính sách thông thoáng hỗ trợ các nhà đầu tư về đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo hệ thống chính quyền Tỉnh giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư hạ tầng KCN
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị “Phát triển bền vững khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc”, Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông khẳng định các khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng chính là khó khăn vướng mắc chung của các địa phương mà tới đây cần phải nhanh chóng tháo gỡ.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị “Phát triển bền vững khu công nghiệp Vĩnh Phúc” |
Chủ tịch Trần Duy Đông nhấn mạnh, để thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển bền vững các KCN, cần có sự vào cuộc cả hệ thống chính trị của Tỉnh, sự nỗ lực tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các cấp, các ngành, các cơ quan liên quan trong Tỉnh. Theo đó, trong thời gian tới các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc và các cơ quan chuyên môn liên quan cần tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ sau:
Nhiệm vụ chung:
Các sở, ngành; UBND huyện, thành phố tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với các KCN theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cụ thể như sau:
Một là, tập trung quyết liệt vào công tác Bồi thường, GPMB; nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh về công tác quản lý nhà nước về KCN, của các cơ quan quản lý chuyên ngành, các địa phương; thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, đưa các dự án vào hoạt động theo đúng kế hoạch, nhất là các khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Hai là, tập trung giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc về xác định giá đất; nguồn đất san nền cho các dự án, đảm bảo kịp thời nhưng chặt chẽ, không để xảy ra sai sót.
Ba là, tiếp tục nghiên cứu, có chính sách mang tính dài hạn, ổn định trong hỗ trợ phát triển KCN đối với nội dung thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác phát triển KCN trên địa bàn Tỉnh, tạo điều kiện hỗ trợ các chủ đầu tư và thu hút các doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh trong KCN hoạt động theo quy định.
Bốn là, nghiên cứu để có phương án phân cấp, ủy quyền phù hợp, theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý gắn với tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết kịp thời các khó khăn, hỗ trợ tốt nhất cho các chủ đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp trong KCN.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, nâng cao trách nhiệm, chất lượng công tác tham mưu, lề lối làm việc, cách thức giải quyết công việc để giải quyết khẩn trương, có hiệu quả các thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, cấp phép xây dựng, nghiệm thu xây dựng, nghiệm thu PCCC… nhằm hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án.
Sáu là, thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa các cơ quan, chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc theo Quyết định số 40/2022/QĐ-UBND ngày 25/11/2022 của UBND tỉnh.
Bảy là, lập kế hoạch và triển khai giải quyết các khó khăn vướng mắc cho các KCN thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao. Yêu cầu các cơ quan có lộ trình giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc hiện nay của các KCN. Định kỳ hàng tháng/quý báo cáo kết quả giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các KCN (Qua Ban Quản lý các KCN tổng hợp chung).
Tám là, khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ nhằm tháo gỡ khó khăn về bồi thường GPMB, giao đất, xác định giá đất, về đất đắp nền… cho các dự án hạ tầng khu công nghiệp đã được UBND tỉnh chỉ đạo tại các Thông báo số 118/TB-UBND ngày 20/8/2024 và số 125/TB-UBND ngày 30/8/2024 và 136/TB-UBND ngày 09/9/2024).
Nhiệm vụ cụ thể:
Ban Quản lý các Khu công nghiệp: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục chủ động hơn nữa trong việc tham mưu, đề xuất với UBND Tỉnh nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về KCN trên địa bàn Tỉnh theo đúng quy định của pháp luật, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh… Trong đó:
(1) Nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh về định hướng phát triển các KCN theo hướng phát triển KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn; Quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp trong thời gian tới phải có quy mô đủ lớn để thuận lợi cho việc đâu tư đồng bộ hạ tầng, giảm giá thuê đất khu công nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh trong thu hút đầu tư so với các địa phương khác.
(2) Khẩn trương tổ chức lập quy hoạch xây dựng khu công nghiệp theo quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP và các quy định có liên quan để có căn cứ thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp mới trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
(3) Tham mưu cho UBND tỉnh thu hút các nhà đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm phát triển thành công các khu công nghiệp trên địa bàn cả nước; thực hiện đầu tư phát triển các KCN chặt chẽ, đúng quy hoạch đã được phê duyệt; tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp; phát triển các KCN phải gắn chặt với yêu cầu bảo vệ môi trường.
(4 ) Đôn đốc, giám sát các nhà đầu tư để hoàn thiện, duy trì hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và ổn định sản xuất kinh doanh các KCN hiện có; tập trung nguồn lực vào công tác BT, GPMB và hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trạm xử lý nước thải tập trung tại các KCN
(5) Nỗ lực thu hút thành công các dự án lớn, các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia, các dự án công nghệ cao, công nghệ bán dẫn để chuyển dịch mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tăng hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng theo hướng chủ động, tích cực, trọng tâm, trọng điểm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.
(6) Phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, địa phương, chủ đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp, các nhà đầu tư thứ cấp kịp thời nắm bắt thông tin, đôn đốc tiến độ thực hiện, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của dự án.
(7) Định kỳ hàng tháng/quý tổng hợp báo cáo về các khó khăn, vướng mắc; đề xuất giải quyết khó khăn vướng mắc cho các KCN (đề xuất phải cụ thể cơ quan chủ trì, thời hạn giải quyết).
(8) Khẩn trương hoàn thành việc khắc phục, đôn đốc giám sát các nhà đầu tư khắc phục các tồn tại đã được chỉ ra trong kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán liên quan đến khu công nghiệp.
Các sở, ngành chức năng:
(1) Sở Tài nguyên và Môi trường: Giải quyết các khó khăn, vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất; nguồn đất san nền; xác định giá đất cho các KCN (nhiệm vụ cụ thể, thời gian hoàn thành UBND tỉnh đã giao tại các Văn bản số 118/TB-UBND ngày 20/8/2024 và số 125/TB-UBND ngày 30/8/2024 và số 136/TB-UBND ngày 09/9/2024)
(2) Sở Xây dựng: Giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác rà soát, lập quy hoạch xây dựng KCN để phát triển các KCN mới; các vướng mắc liên quan đến việc lập quy hoạch xây dựng khu công nghiệp Lập Thạch I, Lập Thạch II, việc điều chỉnh quy hoạch nghĩa trang đầm Trôi ra khỏi khu công nghiệp Nam Bình Xuyên (nhiệm vụ UBND tỉnh đã giao tại Văn bản số 5931/UBND- CN3 ngày 12/8/2024); chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu, bố trí quỹ đất trong quy hoạch xây dựng với quy mô phù hợp để thu hút các nhà đầu tư đầu tư dự án nhà ở xã hội phục vụ người lao động trong khu công nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
(3) Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu UBND Tỉnh triển khai nội dung chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024; Đề án hỗ trợ kết nối, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp của Tỉnh và các doanh nghiệp FDI từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; Đề án thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại Tỉnh đến năm 2030; rà soát, tham mưu cho UBND Tỉnh về nguồn vốn hoàn trả Quỹ phát triển đất đối với tái định cư phục vụ GPMB các dự án hạ tầng KCN theo đúng quy định của pháp luật.
(4) Sở Công Thương: Tham mưu cho UBND Tỉnh thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn; chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc các dự án, công trình điện để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án, đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định phục vụ sản xuất kinh doanh và phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
(5) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Có giải pháp phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của Tỉnh trong thời gian tới. Phối hợp với Ban Quản lý các KCN hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp trong việc thực hiện các chính sách cho người lao động, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đội ngũ công nhân kỹ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp.
(6) Sở Tài chính: Tham mưu cho UBND Tỉnh bố trí vốn, tạm ứng ngân sách để thuê tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các KCN, lập quy hoạch phân khu các KCN chưa có chủ đầu tư để đảm bảo kế hoạch và thu hút đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
(7) Công an Tỉnh: Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị nghiệp vụ, công an cấp huyện hỗ trợ UBND các huyện, thành phố trong việc xử lý những vi phạm đất đai; sẵn sàng cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật để bảo vệ thi công đối với các trường hợp cố tình không chấp hành quyết định thu hồi đất.
(8) Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường: Nghiên cứu, tham mưu cho UBND Tỉnh ủy quyền, phân cấp các lĩnh vực về môi trường, xây dựng cho Ban Quản lý các Khu công nghiệp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Các huyện, thành phố: UBND các huyện, thành phố tiếp tục tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư, tiến độ thực hiện công tác BT, GPMB, giao đất cho các KCN trên địa bàn huyện, thành phố, hỗ trợ các chủ đầu tư xây dựng các KCN.
Ban Thường vụ huyện ủy, thành ủy các huyện, thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân trong công tác bồi thường GPMB; chỉ đạo, đôn đốc UBND huyện, thành phố tháo gỡ khó khăn vướng mắc đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án khu công nghiệp.
Thường trực HĐND Tỉnh: Báo cáo, trình HĐND Tỉnh xem xét, thông qua các cơ chế chính sách (thuộc thẩm quyền) về hỗ trợ các KCN, các doanh nghiệp trong KCN (trên cơ sở UBND Tỉnh trình). Xem xét, giải quyết các khó khăn vướng mắc (thuộc thẩm quyền) của các KCN, doanh nghiệp trong KCN.
Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt công tác BT, GPMB cho các KCN.
Các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Tỉnh; Các Hiệp hội, Hội doanh nghiệp và các cơ quan có liên quan khác: Theo chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục hỗ trợ các KCN, các doanh nghiệp trong KCN trong đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các chủ đầu tư hạ tầng KCN, các doanh nghiệp trong KCN: Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, tích cực thực hiện dự án đầu tư theo đúng hồ sơ đăng ký,…trong đó:
Các chủ đầu tư hạ tầng KCN tập trung nguồn lực tối đa để triển khai dự án đảm bảo hạ tầng KCN đồng bộ, hiện đại, đạt chất lượng,.. Thực hiện dự án đúng tiến độ; tuân thủ đúng quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường và các quy định khác có liên quan; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan trong công tác bồi thường, GPMB. Các chủ đầu tư hạ tầng KCN có giải pháp nâng cao kỹ năng đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, quan tâm chăm sóc, duy tu bảo dưỡng, vận hành hệ thống cây xanh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo giá thuê đất KCN, giá thuê nhà xưởng trong KCN hợp lý.
Các chủ đầu tư dự án thứ cấp trong KCN tập trung nguồn lực tối đa thực hiện dự án đúng tiến độ; tuân thủ đúng quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường và các quy định khác có liên quan./.
Khu Công nghiệp Khai Quang, tỉnh Vĩnh Phúc |
Bình luận