Ninh Bình tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo bứt phá lớn trong phát triển kinh tế, xã hội
Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình chủ trì hội nghị phiên thường kỳ tỉnh Ninh Bình tháng 8/2024 |
Tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Với quan điểm “Chính quyền kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp”, những năm gần đây, tỉnh Ninh Bình đã tích cực đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính và chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành; tăng cường chuyển đổi số trong khu vực doanh nghiệp, quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao, cải thiện các chỉ số thành phần của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI)...
Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, tỉnh Ninh Bình đã triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND huyện, thành phố (DDCI). Qua đó, đã phản ánh thông tin trung thực, khách quan về đánh giá của doanh nghiệp, người dân đối với công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước; tinh thần thái độ, trách nhiệm, tác phong của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Mặt khác thể hiện sự quan tâm, tinh thần cầu thị của Tỉnh đối với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, với mong muốn xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Ninh Bình phát triển bền vững trên nền tảng kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch và bình đẳng giữa các doanh nghiệp và nhà đầu tư ở trong và ngoài nước.
Được biết, theo công bố mới nhất, năm 2023 kết quả chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX 2023) của tỉnh Ninh Bình xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố của cả nước; chỉ số PCI xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố; chỉ số sự hài lòng về phục vụ hành chính SIPAS xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố.
Những kết quả trên đã thể hiện rõ sự chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình với tinh thần hướng về cơ sở, sâu sát với cơ sở để tạo đà bứt phá, tăng tốc về đích, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội nhiệm kỳ 2020-2025.
Nhà máy lắp ráp ô tô của Công ty Cổ phần Ô tô Thành Công Ninh Bình tại KCN Gián Khẩu, tỉnh Ninh Bình |
Bà Đinh Thị Thúy Ngần, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình chia sẻ: Năm 2024 Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh tiếp tục vận dụng đa dạng các hình thức khảo sát mức độ tín nhiệm, hài lòng của doanh nghiệp như: thư gửi qua đường bưu điện, khảo sát online, phỏng vấn trực tiếp; trong đó Sở chú trọng tập trung nhiều hơn vào hình thức phỏng vấn trực tiếp để có đánh giá, cảm nhận chính xác hơn từ các doanh nghiệp. Cùng với đó, bước sang năm thứ 4, các hiệp hội, tổ chức đại diện doanh nghiệp cấp tỉnh và cấp huyện đã tích cực đồng hành cùng Sở trong việc vận động hội viên tích cực tham gia khảo sát. Cùng với việc đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông rộng rãi đã lan tỏa đến các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh và giúp họ nhận thức rõ nét hơn, trả lời tích cực hơn để từ đó đưa ra cảm nhận, suy nghĩ của bản thân nhiều hơn. Với số lượng doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tham gia dự kiến khoảng 3.100 doanh nghiệp, trong đó có 800 doanh nghiệp đánh giá khối địa phương; 2.300 doanh nghiệp đánh giá khối sở, ban, ngành; số phiếu khảo sát dự kiến phát ra khoảng 5.400 phiếu sẽ giúp Sở đưa ra góc nhìn đa dạng, khách quan và mang tính đại diện cao hơn.
Trung tâm phục vụ hành chính Công tỉnh Ninh Bình |
Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cho biết, kết quả khảo sát DDCI tại tỉnh Ninh Bình là cơ sở để Tỉnh nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao PCI; khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong công tác điều hành của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua nâng cao chất lượng điều hành kinh tế giữa các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện; thúc đẩy tinh thần chủ động cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc và lãnh đạo Tỉnh đến thăm doanh nghiệp may mặc tại cụm công nghiệp Gia Phú , tỉnh Ninh Bình |
Đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư
Được biết, định kỳ hàng tháng lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ tiếp xúc với các doanh nghiệp, Hợp tác xã để lắng nghe các các khó khăn, vướng mắc nhằm kịp thời chia sẻ, động viên và có giải pháp tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình chủ trì tại Hội nghị gặp gỡ định kỳ doanh nghiệp, Hợp tác xã tháng 9/2024 |
Gần đây nhất, ngày 26/9 vừa qua, ông Nguyễn Cao Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã chủ trì hội nghị gặp gỡ định kỳ tháng 9 đối với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn Tỉnh. Cùng tham dự Hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành chức năng và địa phương liên quan. Các ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp tại Hội nghị đã được ông Cao Sơn và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương lắng nghe, chia sẻ, phân tích và giải đáp ngay Hội nghị gặp gỡ trên cơ sở thực tế, khách quan đúng theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Tùy theo tính chất công việc cụ thể, ông Sơn đã trực tiếp giao cho các sở, ngành chức năng và UBND huyện liên quan kiểm tra, rà soát thực tế các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và triển khai thực hiện giải quyết kịp thời theo quy định được phân cấp, ủy quyền nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp, HTX duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh và nâng cao thương hiệu của các doanh nghiệp. Các đề xuất, kiến nghị của khối doanh nghiệp, hợp tác xã được lãnh đạo Tỉnh và các ban, ngành chức năng, UBND các huyện liên quan giải quyết thấu đáo, kịp thời, hợp tình, hợp lý đúng theo quy định của pháp luật ngay tại Hội nghị đã giúp các doanh nghiệp, HTX giải quyết được kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, lãnh đạo Tỉnh thường xuyên tổ chức các Đoàn công tác đi kiểm tra thực tế tình hình hoạt động đầu tư, kinh doanh tại các cơ sở sản xuất trong các KCN, CCN để động viên và kịp thời có giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. Qua đó, góp phần xây dựng niềm tin lớn của doanh nghiệp vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền tỉnh Ninh Bình luôn hướng về doanh nghiệp, sát cánh và động hành cùng doanh nghiệp, tạo tiền đề thúc đẩy thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh Ninh Bình.
Trước đó, tại Đại hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Bình lần thứ V, nhiệm kỳ 2024-2028 diễn ra ngày 09/09/2024 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn tiếp tục khẳng định quan điểm của Tỉnh về sự đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp: “Những năm qua, UBND Tỉnh luôn thực hiện nhất quán chủ trương "Chính quyền đồng hành, gắn bó, chia sẻ" cùng cộng đồng doanh nghiệp. Với phương châm "Lấy doanh nghiệp làm trung tâm, hướng đến doanh nghiệp", UBND Tỉnh luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ pháp luật để khuyến khích các doanh nghiệp phát huy nội lực, phát triển nhiều loại hình doanh nghiệp và đặc biệt là đối với Hội Doanh nhân trẻ”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn phát biểu tại Đại hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Bình lần thứ V, nhiệm kỳ 2024-2028 |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Cao Sơn đề nghị Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Bình Nhiệm kỳ 2024 – 2028 tiếp tục đẩy phát huy vai trò và sức mạnh của tuổi trẻ; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đội ngũ doanh nhân trẻ nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vai trò, sứ mệnh, kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết, nêu cao tinh thần yêu nước; thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước; xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nêu cao trách nhiệm với xã hội, tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Tiếp tục là cầu nối giữa các doanh nhân trẻ với các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể và Hiệp hội Doanh nghiệp Tỉnh. Phát huy sức sáng tạo và phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của hội viên, tham mưu cho lãnh đạo Tỉnh những chủ trương, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Xây dựng hệ thống thông tin đảm bảo nhanh nhạy về thị trường. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; nắm bắt ứng dụng công nghệ mới; là thành viên tích cực tham gia xây dựng "Bốn trụ cột" kinh tế phát triển của Tỉnh, trong đó tập trung phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa gắn với kinh tế di sản làm đột phá; phát triển công nghiệp công nghệ cao, lấy công nghiệp cơ khí giao thông hiện đại, thân thiện môi trường làm động lực; thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển nông nghiệp sinh thái, đa giá trị làm trụ đỡ để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Tỉnh.
Kinh tế, xã hội Ninh Bình tiếp tục tăng trưởng và phát triển
Với những cố gắng nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tỉnh Ninh Bình trong thời gian qua, kinh tế, xã hội Ninh Bình tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực với tốc độ tăng trưởng và phát triển ở mức độ cao. Đóng góp quan trọng vào thành công của tỉnh Ninh Bình hiện nay không thể không nhắc đến yếu tố then chốt "kim chỉ nam" cho mọi hành động, đó chính là sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành năng động, sáng tạo, tận tâm, tận lực của lãnh đạo các cấp chính quyền tỉnh Ninh Bình, đã luôn kiên định với chủ trương: “Chính quyền kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp”, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển các ngành dịch vụ.
Ông Quang Thìn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình phát biểu tại Hội nghị UBND Tỉnh phiên thường kỳ tháng 9/2024 |
Tại Hội nghị phiên thường kỳ đánh giá tình hình kinh tế, xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tổng Quang Thìn đã đánh giá tổng quan tình hình phát triển kinh tế, xã hội của Tỉnh trong 8 tháng đầu năm 2024. Theo đó, kinh tế, xã hội tỉnh Ninh Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng cao, cụ thể:
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được tăng cường đẩy mạnh; sản xuất công nghiệp tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng hai con số/tháng, giá trị sản xuất trong tháng ước đạt 8.501,1 tỷ đồng, tăng 13,5%; lũy kế 8 tháng đầu năm 2024 xuất, nhập khẩu trên địa bàn Tỉnh đạt 65.305,9 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Ngành nông nghiệp phát triển ổn định; huyện Yên Khánh đã tổ chức thành công lễ đón nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023; huyện Yên Mô và các xã trong kế hoạch tập trung hoàn thiện hồ sơ thẩm tra huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024.
Khu công nghiệp Khánh Phú, tỉnh Ninh Bình |
Đặc biệt ngành du lịch tỉnh Ninh Bình tiếp tục khẳng định là điểm đến hàng đầu của khách du lịch trong và ngoài nước. Luỹ kế 8 tháng đầu năm 2024 Ninh Bình đón gần 6,9 triệu lượt khách, tăng 32,7%, trong đó khách quốc tế đạt gần 828 nghìn lượt, gấp 3,1 lần so với cùng kỳ; số lượt khách lưu trú đạt gần 1,4 triệu lượt khách, tăng 63% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 6.758,2 tỷ đồng, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm trước. Trên nền tảng hướng dẫn du lịch TripAdvisor (Mỹ), Ninh Bình đã được du khách bình chọn và lọt vào “Top 10 trải nghiệm cuốn hút nhất thế giới năm 2024”. Chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng được nâng cao, từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đổi mới các tuyến du lịch tạo nên diện mạo mới đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của du khách.
Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 8 năm 2024 đạt 317,4 triệu USD, tăng 4,0%; lũy kế 8 tháng đầu năm đạt 2.281 triệu USD, tăng 9,6%... Tổng kim ngạch nhập khẩu trong tháng đạt 286 triệu USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ; lũy kế 8 tháng đầu năm 2024 đạt trên 2.088,6 triệu USD, tăng 14,1%.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Tỉnh đến hết tháng 8 năm 2024 là 10.414,678 tỷ đồng, đạt 56% dự toán HĐND Tỉnh giao. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tính đến 30/8/2024 đạt 3.104,1 tỷ đồng, bằng 47,32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn mức trung bình trung toàn quốc là 40,5%.
Phó Chủ tịch tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn và Đoàn công tác của Tỉnh đến thăm doanh nghiệp dệt may trong cụm công nghiệp Đồng Hướng, tỉnh Ninh Bình |
Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế đi vào chiều sâu; ngành thương mại và dịch vụ trên địa bàn Tỉnh ngày càng phát triển; hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục phục hồi tích cực và tăng trưởng so với cùng kỳ; các hoạt động văn hóa được tổ chức đa dạng, phong phú; công tác khám chữa bệnh được duy trì, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; công tác an sinh xã hội được quan tâm đặc biệt, an ninh chính trị trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn được đảm bảo và giữ vững; hoạt động khắc phục hậu quả sau bão được triển khai nhanh và hiệu quả.
Phó Chủ tịch Thường trực Tống Quang Thìn nhấn mạnh, để đảm bảo hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong những tháng cuối năm 2024, các cấp, các ngành trong Tỉnh cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong triển khai thực hiện hiệm vụ chung, nhiệm vụ được phân cấp; quan tâm triển khai đảm bảo công tác phòng chống bão lũ trong thời gian tới; tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội; tăng thu ngân sách nhà nước; tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đấu giá quyền sử dụng đất; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng địa phương; triển khai hiệu quả các Đề án Văn hoá đã được Thường trực, Ban thường vụ Tỉnh uỷ giao. Chuẩn bị tốt cho kỳ họp chuyên đề HĐND trong thời gian tới; tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025, Đề án xây dựng và phát triển “Thành phố Hoa Lư”; điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung lập Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Bình đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045.
Phó Chủ tịch tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn và Đoàn công tác của Tỉnh đến thăm doanh nghiệp dệt may trong cụm công nghiệp Văn Phong, tỉnh Ninh Bình |
Với những nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tỉnh Ninh Bình cùng với những kết quả hết sức khởi sắc được minh chứng bằng hiện thực trong thời gian qua; đặc biệt tinh thần cầu thị, đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư, coi “Thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư chính là thành công của tỉnh Ninh Bình”, chắc chắn trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục gặt hái được những kết quả rực rỡ hơn nữa trong phát triển kinh tế, xã hội và là điểm đến du lịch, đầu tư hấp dẫn của du khách gần xa và các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước./.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu tại buổi thăm và làm việc tại cụm công nghiệp Gia Phú, tỉnh Ninh Bình |
Bình luận