Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới trên đất nước ta. Ngày 2/9 – ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam - đã trở thành một ngày hội lớn của toàn dân tộc.

Những kỳ tích đã được viết lên

Lịch sử của dân tộc ta suốt 73 năm qua đã tạo nên những kỳ tích vang dội. Đó là thắng lợi của 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu; thắng lợi của hơn 20 năm chống đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước 32 năm qua vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa nước ta phát triển từ đống tro tàn đổ nát của chiến tranh, vượt qua bao vây cấm vận, ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, đất nước đã đứng vững và tiếp tục đi lên trong cơn "động đất chính trị” trên thế giới khi mà chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, làm cho hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới lâm vào thoái trào.

Đồng thời, Việt Nam cũng là một trong số ít các quốc gia vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế ở khu vực (năm 1997-1998) và cuộc khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế thế giới diễn ra phức tạp 10 năm trước (2008-2009)…

73 năm qua cũng đã chúng kiến một Việt Nam đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử.

Việt Nam đã được Liên hợp quốc đánh giá là quốc gia về đích trước Chương trình xóa đói giảm nghèo; an sinh xã hội được quan tâm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao.

Việt Nam từ một nước nghèo, thu nhập thấp trở thành một nước có nền kinh tế phát triển năng động; chính trị xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, đời sống nhân dân được cải thiện, dân chủ xã hội ngày càng được tăng cường.

Theo Tổng cục Thống kê, GDP năm 2017 cao hơn nhiều so với các mức tăng của các năm từ 2011-2016. Trong đó, 3 năm 2012-2014, GDP đều dưới 6% và 3 năm còn lại, 2011, 2015, 2016 đều dưới 6,7%.

Năm nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc Khánh 2-9 trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều thuận lợi, như: Trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn.

Đặc biệt, tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm 2018 tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) sáu tháng ước tính tăng hơn 7,08% so cùng kỳ năm trước, và là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011.

Kim ngạch trong trong 8 tháng đầu năm đạt gần 300 tỷ USD, tăng 14%, vốn FDI đạt gần 25 tỷ USD.

Thành tựu KT - XH đất nước sau 73 năm (2/9/1945-2/9/2018) độc lập/ Nguồn: TTXVN

Về chính sách đối ngoại, Việt Nam tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hợp tác bình đẳng cùng có lợi vì phồn vinh chung và sự phát triển bền vững, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, theo phương châm là bạn, là đối tác tin cậy của các nước, và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng góp phần thúc đẩy hội nhập khu vực, như Năm APEC 2017, Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) tháng 3/2018.

"Chúng tôi quyết tâm giữ vững ổn định chính trị xã hội, phấn đấu GDP 2018 tăng 6,7% trở lên", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh điều này tại tiệc chiêu đãi đoàn ngoại giao nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày Quốc khánh 2/9. .

Việt Nam cũng đang chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, phê chuẩn Hiệp định CPTPP, cùng với EU hoàn tất để ký Hiệp định EVFTA vào cuối năm 2018 và đẩy nhanh đàm phán Hiệp định RCEP.

Các cơ quan nghiên cứu trong nước, nhiều tổ chức quốc tế như IMF, WB, ADB đều đánh giá tích cực về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2018: tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt được từ 6,6 - 7,1%, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, tỷ giá ngoại tệ dao động 1-3%, thị trường tài chính, tiền tệ diễn biến tích cực, môi trường đầu tư - kinh doanh được cải thiện, đầu tư trong nước và FDI mở rộng, lòng tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân gia tăng.

Phát huy hào khí Quốc khánh 2/9 phát triển nhanh và bền vững

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều thời cơ, thách thức, như: Tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn nhưng cuộc chiến tranh thương mại giữa một số nước, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng; chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang chi phối và ảnh hưởng đến tăng trưởng của kinh tế toàn cầu; cục diện thế giới theo xu hướng đa cực diễn ra nhanh hơn, tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo trên biển Đông diễn ra gay gắt.

Văn kiện Đại hội XII cũng thừa nhận, năng suất, chất lượng, quy mô, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; tình trạng tham nhũng, tiêu cực còn diễn biến phức tạp, khoảng cách giàu - nghèo ngày càng doãng ra, phân hóa xã hội gia tăng, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp đáng lo ngại; biến đổi khí hậu, thiên tai diễn ra nhanh và phức tạp.

Bốn nguy cơ mà Đảng nêu ra từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, lại xuất hiện các vấn đề bức xúc về: An toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm và an ninh mạng; các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị chống đối trên nhiều lĩnh vực, nhất là sử dụng công nghệ cao, mạng xã hội chống phá Đảng, Nhà nước hòng phủ nhận nền tảng tư tưởng và đường lối đổi mới Đảng, thúc đẩy "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Cần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ

Trong bối cảnh đó, phát huy tinh thần và hào khí của Cách mạng tháng Tám và Quốc Khánh 2-9, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kiên định lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Bên cạnh đó, thực tiễn cho thấy, để phát triển, đuổi kịp các nước phát triển, phải có giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế, khơi thông những nút thắt thể chế để phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Cần coi đột phá về thể chế và cải cách hành chính là trọng tâm nhất hiện nay, có tác dụng lan tỏa đối với các đột phá chiến lược khác.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Ngoài ra, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ, tương lai tốt đẹp của Việt Nam gắn liền với hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực và thế giới. Việt Nam luôn nỗ lực hội nhập quốc tế, trong đó đặc biệt là hợp tác về kinh tế sẽ được đẩy mạnh; cùng cộng đồng quốc tế tăng cường đối thoại và hợp tác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng luật pháp quốc tế, coi đó là nền tảng và là phương pháp, phương cách hiệu quả nhất bảo đảm lợi ích chính đáng cho các quốc gia./.