Kỳ vọng xuất khẩu trong năm 2024
Kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2024: cao nhất kể từ tháng 9/2022
Theo Bộ Công Thương, do số ngày làm việc của tháng 1/2024 nhiều hơn tháng 1/2023 (là tháng có Tết Nguyên đán diễn ra trọn trong tháng) nên kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm trước đều tăng mạnh. Cụ thể, tháng 1/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng tới 42% so với cùng kỳ năm trước, giúp cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,92 tỷ USD.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2024 ước đạt 64,22 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 42%; nhập khẩu tăng 33,3%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2024 tăng tới 42%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 62,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 35,6%. Trong tháng 1/2024 có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 65,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, gồm: gỗ và sản phẩm gỗ; hàng dệt và may mặc; giầy dép các loại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; phương tiện vận tải và phụ tùng.
Đáng chú ý, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tăng trưởng mạnh, đồng đều cả ở nhóm nông, lâm, thủy sản (tăng tới 98,6%) và nhóm công nghiệp chế biến (tăng 38,4%).
Tháng 1/2024, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu tăng trưởng mạnh, đồng đều cả ở nhóm nông, lâm, thủy sản (tăng tới 98,6%) |
Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong tháng 1/2024 chiếm gần 85% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, ước đạt 28,52 tỷ USD, tăng 7,4% so với tháng trước. Bộ Công Thương cho biết, đà tăng trưởng này có sự đóng góp lớn của mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện, khi kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong tháng đầu tiên của năm 2024 ước đạt 5,8 tỷ USD, tăng 56,3% so với tháng trước, do Samsung mới cho ra mắt dòng sản phẩm mới Samsung Galaxy S24 vào giữa tháng 1/2024.
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cũng tăng 4,6% so với tháng trước, ước đạt 1,4 tỷ USD. Tương tự, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 10,8%, ước đạt 1,3 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 8,1%, ước đạt 900 triệu USD.
Về cơ cấu thị trường xuất khẩu, nhìn chung, xuất khẩu hàng hóa tới các thị trường xuất khẩu lớn đều phục hồi tốt trong tháng đầu của năm 2024. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2024 với kim ngạch ước đạt 9,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với tháng 12/2023 và tăng tới 55,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu tới các thị trường chính khác ước tính cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái như: Trung Quốc tăng 57,8%, ước đạt 6,1 tỷ USD; EU tăng 17,9%, ước đạt 3,9 tỷ USD; ASEAN tăng 38,5%, ước đạt 3,04 tỷ USD; Nhật Bản ước tăng 39,6%; Hàn Quốc ước tăng 22,4%; EU ước tăng 18%...
Thuận lợi và khó khăn đặt ra cho xuất khẩu năm 2024
Bước sang năm 2024, Bộ Công Thương đánh giá, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đã có nhiều yếu tố tích cực hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Kết quả xuất nhập khẩu cũng bước đầu ghi nhận tín hiệu tích cực từ các tháng cuối năm 2023 khi kim ngạch đã có sự phục hồi đáng kể.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân năm 2023 duy trì ở mức tương đương năm 2022, vốn đăng ký vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng hơn 45% so với cùng kỳ. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian qua ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh đó, các nỗ lực trong đẩy mạnh đàm phán, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu trong thời gian qua sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh hơn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Về bối cảnh quốc tế, tình hình kinh tế vĩ mô khả quan hơn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra những thông điệp ngừng tăng lãi suất và tiến tới xem xét giảm lãi suất trong năm 2024 để thúc đẩy tăng trưởng và tiêu dùng. Vấn đề hàng tồn kho cao tại Hoa Kỳ đang dần được khắc phục. Việt Nam mới nâng cấp mối quan hệ lên Ðối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, hứa hẹn sự phát triển bền vững cho quan hệ thương mại giữa hai nước.
Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định, nhất là khi xung đột Nga-Ukraine và mới đây là Israel-Hamas chưa có dấu hiệu kết thúc. Các tổ chức quốc tế lo ngại nếu cuộc xung đột tại Israel lan rộng ra toàn khu vực Trung Ðông, kinh tế thế giới sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ tăng trưởng chậm lại. Cuộc chiến chống lạm phát vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, đặc biệt là chính sách tiền tệ của các quốc gia lớn.
Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn nhưng độ mở lại lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế. Những yếu tố đột xuất, bất ngờ vẫn tiềm ẩn rủi ro, khó dự báo; dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Các doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt được cơ hội, tận dụng ưu đãi FTA
Dự báo về tình hình xuất nhập khẩu năm 2024, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định, năm nay, bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen.
Cụ thể, xu hướng phi toàn cầu hóa đang trỗi dậy mạnh mẽ, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới các hình thức khác nhau. Các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, từ đó dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới với các sản phẩm nhập khẩu.
Xuất khẩu vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng trong năm 2024 khi vấn đề hàng tồn kho cao tại nhiều quốc gia đang dần được khắc phục. Cùng với đó, các doanh nghiệp trong nước tiếp tục tận dụng những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do cho xuất nhập khẩu…
Cục Xuất nhập khẩu cũng dự kiến, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 có thể tăng trên 6% so với năm 2023. Cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu.
Để thúc đẩy xuất khẩu, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm khai thông thị trường xuất khẩu; trong đó, có những thành tích lớn về công tác đàm phán, mở cửa thị trường. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường này, vấn đề cần chú trọng là phát triển được nguồn hàng cho xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng và bảo đảm đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi về thuế quan theo các hiệp định.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt được cơ hội, tận dụng ưu đãi FTA để được hưởng nhiều lợi ích từ thuế suất thấp, ưu đãi từ cơ chế hỗ trợ giữa các thành viên ký kết FTA, thông qua việc gỡ bỏ rào cản phi thuế quan.
Đặc biệt, theo Bộ Công Thương, các đại sứ quán cũng như tham tán thương mại cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, qua đó giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường cảnh báo sớm, hỗ trợ doanh nghiệp trong phòng tránh các biện pháp phòng vệ thương mại./.
Bình luận