Thu hút FDI 2 tháng đầu năm nhiều điểm sáng, kỳ vọng bội thu trong năm 2024

Nhiều điểm sáng trong thu hút FDI 2 tháng đầu năm

Đầu tư mới tăng mạnh cả về số dự án lẫn tổng vốn đăng ký

Nếu nhìn lại thời điểm này năm ngoái, sẽ thấy tình hình năm nay đã khác. Thời điểm đó, nhiều người không khỏi lo ngại khi vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm tới 38% so với cùng kỳ năm 2022. Nhưng giờ, vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam đã tăng mạnh. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/02/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, đầu tư mới tăng mạnh cả về số dự án lẫn tổng vốn đăng ký. Với mức tăng 55,2% về số dự án và một số dự án lớn có quy mô vốn đầu tư hàng trăm triệu USD được đăng ký mới, tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 2 tháng đầu năm 2024 gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ và tăng 36,9 điểm phần trăm so với tháng 1 năm 2024.

Đặc biệt, dù vốn đầu tư điều chỉnh tuy vẫn giảm so với cùng kỳ, song mức độ giảm được cải thiện so với tháng 1. Số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng tăng 19,5% so với cùng kỳ, thay vì giảm 15,7% so cùng kỳ trong tháng 1, điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng và mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Cụ thể, vốn đăng ký cấp mới có 405 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 3,6 tỷ USD, tăng 55,2% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 103,8% về số vốn đăng ký. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 2,09 tỷ USD, chiếm 58,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,37 tỷ USD, chiếm 38%; các ngành còn lại đạt 139,3 triệu USD, chiếm 3,9%.

Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/02 các năm 2020-2024 (Tỷ USD)

Thu hút FDI 2 tháng đầu năm nhiều điểm sáng, kỳ vọng bội thu trong năm 2024
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Vốn đăng ký điều chỉnh có 159 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 442,1 triệu USD, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2,45 tỷ USD, chiếm 60,7% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,38 tỷ USD, chiếm 34,1%; các ngành còn lại đạt 209,4 triệu USD, chiếm 5,2%.

Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 367 lượt với tổng giá trị góp vốn 255,4 triệu USD, giảm 68% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 131 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 131,5 triệu USD và 236 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 123,9 triệu USD.

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 86,53 triệu USD, chiếm 33,9% giá trị góp vốn; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đạt 58,8 triệu USD, chiếm 23%; ngành còn lại 110,1 triệu USD, chiếm 43,1%.

10 địa phương top đầu thu hút FDI đã chiếm 74,3% số dự án mới và 81,7% số vốn đầu tư của cả nước

Đánh giá chung về thu hút đầu tư nước ngoài 2 tháng qua, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, tổng vốn đầu tư đăng ký 2 tháng đầu năm 2024 tiếp tục tăng so với cùng kỳ (tăng 38,6%), song mức tăng giảm nhẹ 1,6 điểm phần trăm so với tháng 1/2024.

Cơ quan quản lý nhà nước cho biết, vốn đầu tư tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…).

10 địa phương có lợi thế cũng là 10 địa phương thu hút FDI nhất gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hưng Yên. Riêng 10 địa phương này đã chiếm 74,3% số dự án mới và 81,7% số vốn đầu tư của cả nước trong 2 tháng đầu năm 2024.

Trong số 30 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 1,94 tỷ USD, chiếm 53,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 460,7 triệu USD, chiếm 12,8%; Nhật Bản 408,4 triệu USD, chiếm 11,4%; Trung Quốc 381,6 triệu USD, chiếm 10,6%; Hàn Quốc 137,9 triệu USD, chiếm 3,8%; Đài Loan 67 triệu USD, chiếm 1,9%.

Vốn FDI thực hiện cao nhất của 2 tháng trong 5 năm qua

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 2 tháng trong 5 năm qua.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 2 tháng đầu năm các năm 2020-2024

Thu hút FDI 2 tháng đầu năm nhiều điểm sáng, kỳ vọng bội thu trong năm 2024
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2,17 tỷ USD, chiếm 77,5% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 279,3 triệu USD, chiếm 10%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 128,4 triệu USD, chiếm 4,6%.

Kỳ vọng về kỷ lục mới được thiết lập năm 2024

Năm 2023, Việt Nam đã đạt kỷ lục về vốn FDI đăng ký với 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới đạt hơn 20 tỷ USD, tăng 62,2%; vốn đăng ký điều chỉnh đạt gần 7,9 tỷ USD, giảm 22,1%; tổng giá trị vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 8,5 tỷ USD, tăng 65,7% so với cùng kỳ.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2024, vốn đầu tư thực hiện có thể đạt khoảng 23,5 tỷ USD, tăng 1,3% so với năm 2023. Nếu kịch bản này xảy ra, kỷ lục mới sẽ được thiết lập. Trong khi đó, với vốn giải ngân, con số được Cục Đầu tư nước ngoài dự ước khoảng 36-37 tỷ USD, tương đương năm 2023. Dù không có sự tăng tốc, song đây là một con số rất có ý nghĩa trong bối cảnh dòng đầu tư toàn cầu được dự báo tiếp tục chậm lại trong năm 2024.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng dự báo, năm 2024 sẽ là năm đột phá về thu hút FDI. Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế và Dự báo, GS, TS. Nguyễn Mại - Chủ tịch VAFIE đã nhận định, việc thay đổi trong chính sách thu hút FDI của Việt Nam đã tạo hiệu ứng rõ rệt. Cụ thể, Samsung, LG tiếp tục dốc vốn, Apple và hàng chục tập đoàn kinh tế lớn tìm đến Việt Nam.

Từ năm 2019. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030 đề ra mục tiêu chiến lược và các giải pháp đột phá của Việt Nam đối với khu vực FDI, các tiêu chí lựa chọn và đánh giá dự án FDI, để tạo “bộ lọc” giúp thu hút các dự án có chất lượng hơn; đồng thời, tối ưu hóa hiệu quả kinh tế - xã hội của khu vực FDI.

Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 50-NQ/TW, năm 2022, Chính phủ ban hành Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030.

Ngày 29/11/2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, theo đó, từ ngày 01/01/2024 áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu Euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam và thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Đồng thời, giao Chính phủ khẩn trương xây dựng hồ sơ Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), bổ sung vào Chương trình xây dựng luật năm 2024, để có thể áp dụng từ năm tài chính 2025, đảm bảo giữ được quyền đánh thuế đối với các khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu của Việt Nam theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.

Ông Mại cũng đưa ra nhận định: Câu chuyện được kỳ vọng hiện nay về làn sóng mới FDI có chất lượng cao hơn giống như hơn 10 năm trước, khi các tỷ phú Bill Gates, Steve Ballmer, Lee Kun Hee tìm đến Việt Nam để thực hiện các dự án công nghệ cao nhiều tỷ USD. Đó là việc tỷ phú Jensen Huang, Chủ tịch, CEO của Tập đoàn Nvidia (Mỹ) đã đến nước ta để thảo luận về việc hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Người được mệnh danh là “phù thủy” trí tuệ nhân tạo (AI), giàu thứ 34 thế giới chia sẻ về những cơ hội hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực AI và bán dẫn.

"Trong bối cảnh cạnh tranh trong khu vực để thu hút FDI đặt ra nhiều thách thức đối với nước ta khi “miếng bánh” vốn đầu tư quốc tế nhỏ hơn trước, thì cơ hội mới Việt Nam có được là sức hấp dẫn của điểm đến đầy hứa hẹn, là nơi đáng sống của doanh nhân và nhà ĐTNN, lại có nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành bán dẫn", ông Mại khẳng định.

Mới đây, Fitch Ratings - một tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng ổn định, đồng thời cũng nhấn mạnh Việt Nam đang có lợi thế trong thu hút FDI nhờ viễn cảnh kinh tế tích cực.

Thực tế, Việt Nam đang trở nên rất hấp dẫn đối với các tập đoàn sản xuất công nghệ cao. Điển hình như Apple thông báo sẽ đưa hoạt động thiết kế sản xuất iPad sang Việt Nam. Ngoài ra, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như: Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor… Các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới như: Goertek, Foxconn, Luxshare cũng đang có kế hoạch chuyển các hoạt động sản xuất và tăng vốn đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ cao, như: bán dẫn, năng lượng mặt trời, điện gió, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tài chính (Fintech). Điều này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thì cho biết, Việt Nam đã có những quyết sách đúng đắn, quan trọng, mang tính quyết định nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Theo đó, Việt Nam đang xây dựng Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn đến năm 2023 và Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, với mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực cho ngành đến năm 2030. Vừa qua, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết, giao cho Chính phủ xây dựng Nghị định, thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho ngành công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn, dự kiến ban hành vào giữa năm 2024.

Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII và thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về các công trình trọng điểm ngành năng lượng với mục tiêu cung cấp điện ổn định, bền vững phục vụ các dự án đầu tư… tạo thuận lợi và nâng cao sức cạnh tranh của các dự án bán dẫn.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, đặc biệt là năng lực cung cấp điện và hạ tầng giao thông, kho vận; không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo cũng như giáo dục hướng nghiệp để đảm bảo chất lượng nguồn lao động cung cấp cho thị trường trong tương lai…

Để đón nhận được các cơ hội này, ông Mại đề xuất, cần đẩy nhanh hơn việc chuyển sang kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, cải cách có kết quả hơn nền hành chính quốc gia, bao gồm: cơ cấu lại bộ máy nhà nước theo hướng tính giản, giảm thiểu đầu mới; bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ công chức, viên chức, đáp ứng đòi hỏi của Chính phủ kiến tạo, Chính phủ điện tử; phân công, phân nhiệm, đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính để thu hút không những các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tập đoàn phần lớn đến từ châu Á, mà thu hút nhiều hơn, có chất lượng hơn các dự án quy mô lớn từ Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Italia, Hà Lan và nhiều nước thuộc OECD; thực hiện được đích đến của dân tộc là trở thành nước có thu nhập trung bình cao, công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước có thu nhập cao, hiện đại hóa năm 2045.cho biết, Việt Nam đang có rất nhiều kinh nghiệm trong thu hút FDI. Đặc biệt, trong quan hệ quốc tế, “cú huých” nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ đã tạo hiệu ứng lan tỏa tới dòng vốn FDI từ Mỹ, châu Âu vào Việt Nam./.