Thuế tối thiểu toàn cầu khó có thể ảnh hưởng đến dòng vốn FDI vào Việt Nam
Đặc biệt, với việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, thì nhiều chuyên gia cho rằng, việc Việt Nam sẽ áp dụng chế độ thuế tối thiểu toàn cầu không gây nhiều ảnh hưởng tới dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Quỹ hỗ trợ đầu tư nhằm mục tiêu ổn định môi trường đầu tư; khuyến khích, thu hút nhà đầu tư
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, mục tiêu hoạt động của Quỹ Hỗ trợ đầu tư (viết tắt là Quỹ) nhằm ổn định môi trường đầu tư; khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư.
Quỹ hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện không vì mục đích lợi nhuận; Quỹ chịu trách nhiệm trong phạm vi hỗ trợ của mình.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nhiệm vụ của Quỹ bao gồm: Hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này; Tiếp nhận, quản lý và sử dụng vốn đúng quy định; Thực hiện chế độ báo cáo, kế toán theo quy định tại Nghị định này và quy định pháp luật có liên quan; Chịu sự thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Mua bảo hiểm tài sản và các loại bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật để bảo đảm an toàn cho Quỹ; Cung cấp số liệu, công bố công khai về quy chế hoạt động, cơ chế tài chính, kết quả hoạt động của Quỹ và báo cáo tài chính hàng năm đã được kiểm toán theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.
Quyền hạn của Quỹ là: Kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất việc sử dụng nguồn vốn của Quỹ; thu hồi vốn hỗ trợ đối với tổ chức vi phạm các điều kiện, cam kết đã ký với Quỹ; Được thuê các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học để hỗ trợ hoạt động của Quỹ; Được yêu cầu doanh nghiệp trả chi phí khi tham gia các hoạt động hỗ trợ của Quỹ;
Bộ máy quản lý và điều hành của Quỹ gồm Hội đồng quản lý Quỹ, Cơ quan điều hành Quỹ và Ban Kiểm soát Quỹ.
Nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ vào tháng 09 hằng năm theo kế hoạch tài chính được phê duyệt, bao gồm: Nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn ngân sách nhà nước khác. Các nguồn ngoài ngân sách nhà nước như thu từ các khoản lãi tiền gửi và các khoản thu khác; các khoản đóng góp tự nguyện, hiến tặng của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Chi trực tiếp bằng tiền mặt từ Quỹ theo các hình thức hỗ trợ đầu tư bao gồm: Hỗ trợ chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ chi phí đầu tư tạo tài sản cố định và chi phí đầu tư hệ thống công trình hạ tầng xã hội; Hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao; Hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển; Hỗ trợ tín dụng, lãi suất. Khoản hỗ trợ đầu tư từ Quỹ mà doanh nghiệp được nhận không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thu hút FDI 2 tháng đầu năm nhiều điểm sáng, kỳ vọng bội thu trong năm 2024 |
Chính sách đầu tư toàn cầu trong bối cảnh mới và hàm ý cho Việt Nam |
Chuyên gia nước ngoài khẳng định, không cần lo ngại
Thực tế, nhiều lo ngại rằng, Việt Nam áp dụng chế độ thuế tối thiểu toàn cầu có thể ảnh hưởng đến dòng vốn FDI, bởi điều này hạn chế khả năng Việt Nam đưa ra các ưu đãi thuế để thu hút nhà đầu tư FDI.
Tuy nhiên, theo phân tích của ông Michael Kokalari - CFA, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital trong Báo cáo “Hướng đến năm 2024”, không cần lo ngại vấn đề này vì hai lý do:
Thứ nhất, Việt Nam có thể đưa ra các giáp pháp khác để hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ khoản thuế mà các công ty đa quốc gia phải trả khi Thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang nghiên cứu đề xuất “Quỹ Hỗ trợ Đầu tư” (ISF) để hoàn thuế cho một số công ty thông qua việc hỗ trợ chi phí đào tạo nhân viên, chi phí R&D, hoặc chi phí lãi vay.
"Thông tin về ISF vừa được công bố vài ngày gần đây, và chúng tôi mong đợi sẽ có thêm nhiều chi tiết được chia sẻ trong thời gian tới. Các quốc gia cạnh tranh thu hút FDI trong khu vực chắc chắn cũng sẽ có những biện pháp tương tự, sẽ khiến mặt bằng thuế giống như trước khi áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu", ông Michael Kokalari nhấn mạnh.
Thứ hai, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác, ưu đãi thuế không phải là động lực chính để các công ty đa quốc gia quyết định đầu tư vào một quốc gia đang phát triển. Các công ty đa quốc gia cân nhắc nhiều yếu tố như chi phí, chất lượng nhân công, chất lượng hạ tầng, độ mở của môi trường kinh doanh… khi quyết định đầu tư.
Hiện nay, ở các nước phát triển, các yếu tố trên là gần như tương đồng, nên thuế trở thành yếu tố quan trọng hơn để các công ty đa quốc gia cân nhắc, quyết định đầu tư, so với khi họ cân nhắc đầu tư ở các nước đang phát triển.
Còn Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại Quỹ quản lý đầu tư Manulife Kenglin Tan cho biết, ở góc độ nhà đầu tư nước ngoài, dù đầu tư vào Việt Nam hay các nước khác theo hiệp định như Mexico hay Thái Lan, họ đều chịu ảnh hưởng từ chính sách tương tự.
Điều đáng nói là Việt Nam đang ở bối cảnh nhiều thuận lợi để thu hút FDI.
Số liệu mới được công bố gần đây cho biết, tổng vốn FDI vào Trung Quốc chỉ đạt 33 tỷ USD trong năm 2023, giảm khoảng 80% so với năm 2022. Như vậy, đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm năm thứ hai liên tiếp và chỉ bằng chưa đến 10% so với mức đỉnh 344 tỷ USD được ghi nhận vào năm 2021.
Nếu vốn đầu tư nước ngoài không vào Trung Quốc, thì kỳ vọng dòng vốn này sẽ vào các nền kinh tế khác, trong đó có Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực đầu tư mới, như bán dẫn, AI, công nghiệp công nghệ cao… Đây chính là lĩnh vực mà gần đây Việt Nam đang mong muốn thu hút đầu tư và các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang coi Việt Nam là tâm điểm của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Sách Trắng 2024 được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố, môi trường kinh doanh Việt Nam thời gian qua đã được cải thiện đáng kể, sức hấp dẫn đầu tư toàn cầu của Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ. 63% doanh nghiệp được khảo sát đã xếp Việt Nam vào danh sách 10 điểm đến FDI hàng đầu của họ. 31% đánh giá Việt Nam là một trong 3 mục tiêu đầu tư hàng đầu, trong đó 16% xem Việt Nam là điểm đến đầu tư tốt nhất. Đáng chú ý, hơn một nửa số doanh nghiệp được khảo sát có kế hoạch tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vào cuối năm nay.
Mới đây, Fitch Ratings - một tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng ổn định, đồng thời cũng nhấn mạnh Việt Nam đang có lợi thế trong thu hút FDI nhờ viễn cảnh kinh tế tích cực./.
Bình luận