Để đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng: Cơ hội đan xen thách thức
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội (KTXH) tháng 02 và 02 tháng năm 2024, phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: VGP

Bộ trưởng cho biết, kinh tế vĩ mô 02 tháng đầu năm cơ bản ổn định, nền kinh tế tiếp tục phục hồi; các doanh nghiệp FDI, tổ chức quốc tế tiếp tục dự báo lạc quan về triển vọng tăng trưởng của nước ta. Không khí đón Tết thanh bình, vui tươi, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm, tạo niềm tin, phấn khởi cho Nhân dân. Các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương, quyết liệt triển khai công việc trước, trong và ngay sau Tết, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Nhận diện 4 khó khăn, thách thức trong 2 tháng đầu năm

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ, những khó khăn, thách thức chung của thế giới, khu vực tiếp tục tác động không nhỏ đến tình hình KTXH nước ta trong 02 tháng đầu năm.

Thứ nhất, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục có chuyển biến, nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm do các thị trường xuất khẩu lớn, chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu và khu vực tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Tính chung 02 tháng, có gần 63 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,5% so với cùng kỳ, trong đó có 13,7 nghìn doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể, 49,2 nghìn doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh.

Tiếp cận vốn còn nhiều khó khăn; dư nợ tín dụng đến ngày 22/02 giảm 1,12% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ tăng 0,71%); gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng triển khai chậm, đến nay mới giải ngân được 531 tỷ đồng. Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính vẫn chậm được sửa đổi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Cầu tiêu dùng dịp cận Tết và Tết tăng khá, nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và các năm trước dịch 2011-2019. Sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu đối với một số mặt hàng, thị trường như bánh, kẹo, hoa và cây cảnh... Bên cạnh vấn đề có tính cơ cấu là do sự thay đổi thị hiếu, thói quen, nhu cầu tiêu dùng của người dân, tình trạng này còn phản ánh tâm lý tiết kiệm, chi tiêu thận trọng của doanh nghiệp, người dân trước những khó khăn của nền kinh tế hiện nay.

Thị trường bất động sản đã chuyển biến tích cực hơn, nhưng vẫn còn khó khăn; một số bất cập, vướng mắc kéo dài nhiều năm, nhất là về pháp lý của một số doanh nghiệp, dự án bất động sản vẫn chậm được xử lý. Chính phủ đã trình Quốc hội tháo gỡ căn bản các khó khăn, vướng mắc tại các luật đất đai, kinh doanh bất động sản, nhà ở... Các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương ban hành, trình ban hành văn bản hướng dẫn thi hành và tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả.

Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, bờ sông, bờ biển, El nino... diễn biến khó lường, tác động nặng nề hơn đến các hoạt động kinh tế, sản xuất, đời sống người dân; dự báo nguy cơ nắng nóng, thiếu nước đầu năm, bão lũ phức tạp trong nửa cuối năm tại nhiều vùng trên cả nước.

"Đây là vấn đề cần được quan tâm ngay từ đầu năm để chủ động phòng, chống thiên tai, điều tiết nguồn nước, chống xâm nhập mặn và tổ chức sản xuất, thi công các công trình, dự án", Bộ trưởng nêu rõ.

Thứ hai, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro. Tỷ lệ nợ xấu cao hơn mục tiêu kiểm soát đề ra. Tỷ giá có xu hướng tăng, tiến gần ngưỡng 25 nghìn đồng/USD, chủ yếu do nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp trong các tháng đầu năm tương đối lớn để nhập khẩu nguyên vật liệu; tuy nhiên, cần theo dõi sát, điều hành linh hoạt, bảo đảm cân đối, hài hòa giữa việc giảm lãi suất và ổn định tỷ giá, đồng thời chủ động thông tin, truyền thông chính sách để tránh tác động tâm lý lên doanh nghiệp, người dân.

"Các yếu tố rủi ro, biến động về nguồn cung, giá xăng dầu, lương thực, chất bán dẫn... trên thế giới cần được quan tâm, theo dõi sát để chủ động ứng phó kịp thời", Bộ trưởng lưu ý khi báo cáo.

Thứ ba, nhiều vấn đề lớn, cấp bách đặt ra cả trước mắt và lâu dài, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung nghiên cứu ngay từ đầu năm 2024, chủ động tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách mới, toàn diện, đột phá trong thu hút nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ... từ bên ngoài, các dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao.

Qua đó, giúp nền kinh tế khai thác hiệu quả cơ hội phục hồi từ các thị trường, đối tác; tranh thủ thời cơ, cơ hội mới, các xu thế lớn toàn cầu để tạo chuyển biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng tăng trưởng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Thứ tư, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số. Công tác phòng cháy, chữa cháy, vấn đề ngập úng, ùn tắc, tai nạn giao thông, văn hóa giao thông, ô nhiễm không khí, phơi nhiễm với nồng độ bụi PM 2.5, nhất là ở các đô thị lớn... vẫn là thách thức lớn. Kỷ luật, kỷ cương có lúc có nơi còn chưa nghiêm. Tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm vẫn chưa được khắc phục triệt để. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội, tội phạm ở một số địa bàn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp.

"Khó khăn, thách thức đặt ra cả bên trong và bên ngoài còn rất lớn, tạo sức ép lên điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn về đầu tư, tiêu dùng, an sinh xã hội... trong năm 2024. Thiên tai, biến đổi khí hậu, El nino diễn biến khó lường, tác động ngày càng nặng nề hơn. Nhiều thách thức, yêu cầu lớn, cấp bách đã và đang đặt ra để tranh thủ, khai thác tối đa thời cơ, cơ hội mới từ các xu thế lớn toàn cầu, thành tựu đối ngoại, ngoại giao kinh tế của nước ta thời gian qua", Bộ trưởng tóm lại.

10 giải pháp cần lưu ý thực hiện trong thời gian tới

Chỉ rõ, tình hình thế giới, khu vực thời gian tới dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro, song Bộ trưởng cũng chỉ rõ, những cơ hội, thuận lợi, thời cơ đan xen, nhất là từ các xu thế lớn, sự dịch chuyển thương mại, dòng vốn đầu tư toàn cầu và khu vực, sự phục hồi nhu cầu đối với một số nhóm hàng tại một số thị trường, đối tác xuất khẩu lớn... để nước ta có thể đẩy mạnh và làm mới các động lực đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, phát triển các động lực tăng trưởng mới trong năm 2024, trung và dài hạn.

Khối lượng, yêu cầu công việc trong nửa đầu năm 2024 và cả năm là rất lớn, trong khi đã hết tháng 02, Bộ trưởng nhấn mạnh 10 nhiệm vụ, giải pháp.

(1) Bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án Luật, Nghị quyết, nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, nhất là những vấn đề thể chế, cơ chế, chính sách, quy định mới, thí điểm, đặc thù. Khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành và triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở... góp phần giải phóng nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng ngay trong năm 2024.

(2) Tiếp tục thực hiện quyết liệt, tổng thể và đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

(3) Bảo đảm yêu cầu, tiến độ thực hiện chế độ tiền lương mới kể từ ngày 01/7/2024 theo đúng chủ trương của Trung ương Đảng, Quốc hội.

(4) Thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn...

(5) Khẩn trương cụ thể hóa các điều ước, thỏa thuận quốc tế, thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao; nghiên cứu, tham mưu các cơ chế, chính sách, giải pháp mới, toàn diện và đột phá để khai thác tối đa thời cơ, cơ hội, thuận lợi mới cho tăng trưởng và phát triển.

(6) Đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính. Tập trung tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc kéo dài, nhất là trong phân cấp, phân quyền. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong xử lý các vấn đề có tính liên ngành.

(7) Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo dõi sát tình hình, làm tốt công tác dự báo, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, chủ động phương án ứng phó từ sớm, từ xa với các tình huống có thể phát sinh.

(8) Làm tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống người dân; chú trọng phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường... Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội CTMTQG về phát triển văn hóa Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, y tế cơ sở, y tế dự phòng, làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Phòng chống thiên tai, hạn hán, sạt lở, xâm nhập mặn, cháy rừng...; chủ động xây dựng kế hoạch, phương án điều tiết, bảo đảm đủ nước cho sản xuất nông nghiệp, nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu giải pháp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, phơi nhiễm với nồng độ bụi PM 2.5 tại các đô thị lớn.

(9) Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, nâng cao văn hóa giao thông để hạn chế thấp nhất tình trạng tai nạn giao thông. Đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm. Chuẩn bị chu đáo các hoạt động đối ngoại cấp cao, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, huy động các nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước; tiếp tục củng cố và nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

(10) Tăng cường thông tin, tuyên truyền, nhất là công tác truyền thông chính sách, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội./.