Kinh tế năm 2024: Cần phát huy hiệu quả các động lực hiện có, tạo động lực mới cho tăng trưởng nhanh và bền vững
Nhân dịp bước sang năm mới 2024 – Xuân Giáp Thìn, phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương xung quanh những nội dung này.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương |
NĂM 2023: NỖ LỰC TRONG KHÓ KHĂN CHUNG CỦA NỀN KINH TẾ THẾ GIỚI
PV: Kết quả tăng trưởng 5,05% trong năm 2023 là không đạt được mục tiêu đề ra. Thứ trưởng nhận định như thế nào về bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Kinh tế thế giới năm 2023 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tổng cầu suy giảm; lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, nợ công thế giới đã tăng lên mức kỷ lục, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina phức tạp hơn, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng. Tại thời điểm cuối năm 2023, các tổ chức quốc tế đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu so với dự báo trước đây theo các hướng khác nhau, nhưng hầu hết các dự báo đều thấp hơn tốc độ tăng trưởng năm 2022.
Trong bối cảnh khó khăn ấy, kết quả đạt được của nền kinh tế Việt Nam năm 2023 đã cho thấy sự kiên cường, vững vàng, để trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tích cực của thế giới. Nền kinh tế cũng tiếp tục cho thấy xu hướng phục hồi mới với tăng trưởng kinh tế ước đạt 5,05%, mức tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước (cụ thể: quý I đạt 3,41%; quý II là 4,25%; quý III là 5,47% và ước quý IV đạt 6,72%); trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83% đóng góp 0,46 điểm phần trăm; công nghiệp, xây dựng tăng 3,74% đóng góp 1,51 điểm phần trăm (riêng công nghiệp tăng 3,02%) và dịch vụ tăng cao nhất với 6,82% đóng góp 3,25 điểm phần trăm và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,33%.
Nhìn sâu vào bức tranh tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam năm 2023 có thể thấy những điểm sáng.
Nếu nhìn từ phía cung, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là “bệ đỡ” của nền kinh tế đang tích cực đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu vừa đảm bảo nguồn cung và an ninh lương thực vừa gặt hái được nhiều kết quả tích cực tạo nên tăng trưởng ổn định trong thời gian qua. Kết quả tăng trưởng quý IV ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4,13%, trong đó, ngành nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan tăng 4,12%, ngành lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan tăng 4,28%; khai thác và nuôi trồng thủy sản tăng 4,10%.
Ngành công nghiệp có xu hướng phục hồi tích cực trong những tháng cuối năm làm cho tăng trưởng của ngành này đạt 6,86% trong quý IV đạt và cả năm 2023 đạt 3,02%; trong đó; hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,97% trong quý IV và 3,62% trong năm 2023; hoạt động sản xuất và phân phối điện tăng 7,76% trong quý IV và 3,79% trong năm 2023 phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ điện trong sản xuất và đời sống dân cư.
Ngành xây dựng có tốc độ tăng trưởng vượt bậc do thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, giá một số nguyên vật liệu chủ yếu phục vụ cho xây dựng (sắt, thép, xi măng…) hạ nhiệt sau thời gian dài tăng giá, lãi suất thấp và hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là điểm sáng. Kết quả tăng trưởng quý IV ngành xây dựng đạt 9,32%, cao nhất so với 3 quý đầu năm và cao nhất trong quý IV các năm của giai đoạn 2020-2023. Điều này đã làm cho tăng trưởng của ngành xây dựng năm 2023 đạt 7,06%, đóng góp 0,51 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung tổng giá trị tăng thêm.
Một số ngành dịch vụ thị trường trong quý IV tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định kể từ đầu năm, như: bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 9,88%; vận tải kho bãi tăng 9,97%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,85%. Tính chung cả năm 2023, các ngành này vẫn tăng trưởng khá tốt, là điểm sáng của khu vực dịch vụ trong năm 2023 (bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 8,82%; vận tải kho bãi tăng trên 9,18%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 12,24%).
Nhìn từ phía cầu, trong năm 2023, tiêu dùng cuối cùng dù chưa thể sôi động trở lại như trước khi đại dịch Covid-19, nhưng cơ bản vẫn ổn định, cả năm đạt 3,52%, đóng góp 2,07 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung. Nhìn chung, cầu tiêu dùng vẫn là nhân tố chủ yếu của tăng trưởng kinh tế.
Tích lũy tài sản năm 2023 ước tăng 4,09%, đóng góp 1,34% vào tăng trưởng chung, điều này do sự quyết tâm nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc quyết liệt đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công, vốn trong Chương trình phục hồi, đôn đốc tiến độ các công trình sớm hoàn thiện để phục vụ xã hội, tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế.
Hơn nữa cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu khoảng 28 tỷ USD đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đóng góp 1,6 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
PV: Khái quát lại thì đâu là "bệ đỡ", là động lực của nền kinh tế năm 2023, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Tăng trưởng kinh tế năm 2023 được hỗ trợ bởi một số yếu tố thuận lợi sau:
Thứ nhất, kinh tế vĩ mô giữ ổn định, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ kết hợp hiệu quả đã giúp kiểm soát lạm phát ở vùng an toàn, lãi suất điều hành giảm dần là cơ sở để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất.
Thứ hai, khu vực I (nông nghiệp) tiếp tục là “bệ đỡ” của nền kinh tế đang tích cực đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu vừa đảm bảo nguồn cung và an ninh lương thực vừa gặt hái được nhiều kết quả tích cực tạo nên tăng trưởng ổn định trong thời gian qua.
Thứ ba, khối ngành dịch vụ đang từng bước phục hồi với điểm sáng là hoạt động du lịch. Du lịch phát triển cao điểm kể từ cuối tháng 4 đã kích thích cầu tiêu dùng gia tăng; từ đó lan tỏa mạnh tới sản xuất của nhóm ngành dịch vụ khác như vận tải, lưu trú ăn uống, lữ hành, hoạt động nghệ thuật, vui chơi giải trí… là yếu tố tích cực trong tăng trưởng kinh tế…
Thứ tư, hoạt động công nghiệp dần phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp đã có xu hướng tăng nhẹ trở lại.
Thứ năm, Chính phủ nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.
Thứ sáu, lạm phát được kiểm soát hiệu quả sẽ giúp ổn định dòng tiền là yếu tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
NĂM 2024: KHÓ KHĂN VẪN BỦA VÂY
PV: Năm 2024, các dự báo của các tổ chức đều chỉ ra rằng, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kinh tế năm 2024 sẽ thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Năm 2024, khó khăn vẫn bủa vây nền kinh tế thế giới nói chung, nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Một điều có thể thấy ngay, đó là hậu quả của đại dịch Covid-19 vẫn còn dai dẳng. Lạm phát ở một số nền kinh tế lớn nhiều khả năng vẫn ở mức cao do tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Nợ công tiếp tục gia tăng. Tăng trưởng thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng thấp, chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh địa chính trị diễn biến căng thẳng, khó lường. Áp lực từ giá dầu thô, lương thực biến động mạnh, tăng lãi suất kéo dài ở nhiều quốc gia… Khả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu chưa rõ ràng.
Ở trong nước, tuy thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng động lực truyền thống còn yếu, động lực mới chưa rõ ràng, nên năm 2024 dự báo kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tác động từ sự suy giảm của nền kinh tế thế giới dồn nén từ thời đại dịch tới nay nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục tác động đến nền kinh tế Việt Nam ít nhất trong nửa đầu năm 2024 trước khi đón nhận những dấu hiệu tích cực, khả quan hơn.
Tuy vậy, kinh tế Việt Nam sẽ vẫn có cơ hội phục hồi tích cực hơn nếu các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế; các động lực về đầu tư (bao gồm cả đầu tư tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ; các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn trong năm 2024, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…
Căn cứ chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 đã được Quốc hội thông qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và trình Chính phủ 2 kịch bản tăng trưởng tương ứng với GDP tăng trưởng 6% và 6,5%.
Kịch bản 1: Để đạt mức tăng trưởng GDP cả năm 6%, tăng trưởng GDP quý I phải đạt 5,2%, quý II đạt 5,8%, tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 5,5%, tăng trưởng GDP quý III đạt 6,2%, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 5,7%, tăng trưởng quý IV đạt 6,5%.
Kịch bản 2: Để đạt mức tăng trưởng GDP cả năm 6,5%, tăng trưởng GDP quý I phải đạt 5,6%, quý II đạt 6,2%, tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 6,0%, tăng trưởng GDP quý III đạt 6,7%, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,2%, tăng trưởng quý IV đạt 7%.
Năm 2024 cũng là năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm 2021-2025. Do đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng sẽ dốc toàn lực cho chặng đường về đích này. Đây có thể là những thuận lợi mang tính chủ quan, nhưng cũng là áp lực lớn cho hoạt động kinh tế của đất nước. Trong bối cảnh thế giới nhiều bất định, Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đây là nền tảng quan trọng để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng.
CẦN PHÁT HUY HIỆU QUẢ CÁC ĐỘNG LỰC ĐỘNG LỰC MỚI THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG NĂM 2024
PV: Quốc hội đã “chốt” mục tiêu tăng trưởng năm 2024 trong khoảng 6-6,5%. Xin Thứ trưởng cho biết, đâu sẽ là động lực cho nền kinh tế năm 2024 tăng trưởng theo mục tiêu kỳ vọng?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Năm 2024, để nền kinh tế đạt chỉ tiêu tăng trưởng do Quốc hội đặt ra, chúng ta cần phải tập trung triển khai, nâng cao hiệu quả các động lực truyền thống, song hành là khai phá các động lực mới.
Năm 2024, Chính phủ xác định định hướng trọng tâm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng tiếp tục tập trung vào 3 động lực là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Chúng ta cần tận dụng những thuận lợi, thời cơ, cơ hội từ cả trong và ngoài nước để tranh thủ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng nêu trên, nhất là:
(1) Các FTA, những thành tựu đối ngoại, ngoại giao kinh tế đạt được qua nhiều nhiệm kỳ, đặc biệt trong năm 2023, nhất là đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược với tất cả các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và G20… mở ra cơ hội mới, thời cơ, thuận lợi mới để tăng cường hợp tác, mở rộng thị trường, thu hút FDI, tài chính xanh, công nghệ… phục vụ phát triển đất nước.
(2) Trong năm 2023, nền kinh tế nước ta có xu hướng phục hồi qua từng tháng, từng quý; tăng trưởng cả năm ước đạt 5,05%, thuộc nhóm các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất khu vực và toàn cầu, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Những kết quả này đã được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp lớn toàn cầu, tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá cao. Từ đó, tạo đà để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp trong năm 2024.
(3) Các yếu tố nền tảng về thể chế, hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… tiếp tục được cải thiện, đạt nhiều kết quả rõ nét, nhất là việc Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp đầu năm 2024. Nhất là, đã cơ bản hoàn thành các quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh; đưa vào khai thác nhiều dự án, công trình kết cấu hạ tầng chiến lược, quan trọng, nhất là các tuyến đường cao tốc, ven biển, liên vùng… mở ra không gian phát triển mới cho cả nước, vùng và địa phương.
(4) Nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là pháp lý của doanh nghiệp, dự án đầu tư, đầu tư công, ngân sách nhà nước, xây dựng, đấu thầu… đã và đang được tập trung tháo gỡ, đạt kết quả rõ nét. Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh.
Các giải pháp để củng cố các động lực tăng trưởng hiện có cần được triển khai đồng bộ. Trong đó, nhấn mạnh tới các giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, đặc biệt là giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, trong năm 2024, vốn đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng, hỗ trợ đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực. Để củng cố động lực tăng trưởng này, cần tiếp tục tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ hiệu quả, kịp thời khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, liên vùng, ven biển và các chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao. Điều chuyển vốn các dự án không giải ngân được sang các dự án có khả năng giải ngân, không để lãng phí, kém hiệu quả. Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về mặt bằng, mỏ vật liệu, nhân công... để thực hiện ngay sau khi được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn. Cần xóa bỏ tư duy tháo gỡ từng điểm, từng sự án trong đầu tư công, mà cần có giải pháp giải quyết đồng bộ. Việc khơi thông dòng vốn đầu tư công cần được bắt đầu từ giải quyết từ những vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hằng năm, thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn; vướng mắc trong công tác xác định giá đất để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng; trình tự thủ tục cấp phép kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Cùng với các động lực tăng trưởng hiện có, cần kiến tạo kiến tạo động lực tăng trưởng mới gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Các động lực mới có thể kể đến như: chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế, tăng trưởng xanh, đẩy mạnh liên kết vùng, tận dụng cơ hội từ hội nhập và ngoại giao kinh tế…
Theo một số nghiên cứu, nếu chuyển đổi số tốt sẽ giúp GDP Việt Nam tăng trưởng thêm hằng năm từ 0,65-1,35 điểm phần trăm. Cải cách thể chế kinh tế nếu được đẩy mạnh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn, sẽ đóng góp thêm bình quân 0,2 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Đối với tăng trưởng xanh, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu Việt Nam triển khai và chuyển dịch tốt về tăng trưởng xanh có thể giúp GDP tăng thêm từ 1,8-2 điểm phần trăm…
Đối với cơ hội từ hội nhập, Việt Nam tận dụng được lợi thế từ 2 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới gồm: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu tăng thêm khoảng 15%-16% từ nay đến năm 2030. Tuy nhiên, một khảo sát của VCCI cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam mới tận dụng được khoảng 31% các ưu đãi, lợi ích từ các FTA, do đó, còn nhiều dư địa để khai thác.
Tại Diễn đàn Kinh tế Tthế giới 2024, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra thông điệp: "Không một quốc gia, nền kinh tế nào, nếu vẫn giữ tư duy cũ, chỉ dựa vào các động lực tăng trưởng truyền thống, có thể phát triển nhanh và bền vững"; cũng tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, chuyển đổi, tìm kiếm và kiến tạo các động lực tăng trưởng mới là xu thế khách quan và tất yếu của thế giới ngày nay.
Để phát huy, khai thác các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững, Việt Nam cần tập trung vào các nhóm giải pháp chính: hoàn thiện thể chế; phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đặc biệt, cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ưu tiên phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng công nghệ lõi toàn cầu, tạo ảnh hưởng của kinh tế Việt Nam ở tầm thế giới, trong những thập niên tới./.
PV: Xin cám ơn Thứ trưởng về cuộc trao đổi này, kính chúc Thứ trưởng một năm mới an khang, hạnh phúc!
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 3/2024)
Bình luận