Xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ phục hồi và tăng nhẹ từ 10% - 15% trong năm 2024
Năm 2023, giảm cả về lượng và trị giá so với năm 2022
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2023, xuất khẩu tôm chỉ đạt khoảng 3,4 tỷ USD, thấp hơn 21% so với năm 2022. Nguyên nhân là do nhu cầu thị trường thế giới giảm mạnh dưới tác động của lạm phát cao và tôm Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với nguồn cung cấp tôm đến từ Ecuador, Ấn Độ.
Mặc dù vậy, năm 2023, Việt Nam vẫn xuất khẩu tôm sang 100 thị trường và nằm trong Top 4 thế giới cùng với Ecuador, Ấn Độ và Indonesia về xuất khẩu.
Xuất khẩu tôm chỉ đạt khoảng 3,4 tỷ USD, thấp hơn 21% so với năm 2022. |
Về thị trường nhập khẩu, Hoa Kỳ là thị trường đơn lẻ lớn nhất, tiếp tục tăng nhập khẩu tôm của Việt Nam trong tháng 11. Tháng 11/2023, xuất khẩu tôm sang thị trường này tăng 24% đạt 51 triệu USD, ghi nhận tháng thứ năm liên tiếp tăng trưởng dương. Lũy kế 11 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 640 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với thị trường EU, mức sụt giảm trong xuất khẩu sang thị trường này đã nhẹ hơn do nhu cầu cuối năm tăng, lạm phát tại đây cũng đã có phần hạ nhiệt. Tháng 11, xuất khẩu tôm sang thị trường này giảm 3% đạt 36 triệu USD.
Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) tiếp tục giảm trong tháng 11. Nhu cầu của thị trường này không ổn định, tăng trưởng dương trong 3 tháng từ tháng 6 đến tháng 8, sau đó quay lại đà giảm trong tháng 9, 10 và 11. Tuy vậy, mức độ sụt giảm không mạnh như những tháng đầu năm. Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) là thị trường có mức sụt giảm thấp nhất trong số các thị trường nhập khẩu chính.
Nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam của thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) không chỉ phụ thuộc tình hình tăng trưởng kinh tế, lượng tồn kho tại nước này mà còn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung giá rẻ từ Ecuador.
Nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc vẫn tăng mạnh, nhưng do có quá nhiều nguồn cung “đổ xô” vào thị trường này với giá chào thấp, nên tôm Việt Nam rất khó cạnh tranh về giá. Tháng cuối năm 2023, xuất khẩu tôm Việt sang thị trường này vẫn giảm so với cùng kỳ. Các tháng đầu năm 2024, có thể phục hồi nhẹ.
Trung Quốc là thị trường mục tiêu của nhiều nước xuất khẩu tôm như Ecuador, Ấn Độ với nguồn cung tôm nguyên liệu giá rẻ nên tôm Việt Nam phải chịu áp lực cạnh tranh về giá. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ chính các nhà chế biến tôm tại thị trường nội địa Trung Quốc.
Thách thức và cơ hội đối với xuất khẩu tôm năm 2024
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển tôm nước lợ năm 2024 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 23/2/2024, theo Hội Thủy sản Việt Nam, những thách thức đối với ngành hàng này trong năm 2024, có thể kể tới là: chi phí đầu vào vẫn tiếp tục tăng cao hơn so với các nước, Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn cạnh tranh về giá với các nước Ecudor và Ấn độ. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng là một thách thức với xuất khẩu tôm.
Ngoài ra, theo Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tại Việt Nam giá thành sản xuất tôm vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực do chi phí thức ăn nuôi tôm đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp).
Mặt khác, hiện tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác tự nhiên. Các cơ sở trong nước mới cung cấp được một phần, chưa chủ động trong sản xuất… Đây là những khó khăn mà ngành hàng này đang phải đối mặt.
Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, năm 2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ phục hồi và tăng nhẹ từ 10%-15% và dự kiến thu về hơn 4 tỷ USD. Sở dĩ có được dự báo khả quan trên, bởi nhiều cơ hội mở ra, như: kinh tế của các nước có nhu cầu tiêu thụ tôm dần hồi phục; nhu cầu sản phẩm có nguồn protein từ thủy sản đang dần thay thế nguồn protein từ động vật, nên trong thời gian tới thủy sản, đặc biệt là tôm, có cơ hội phát triển.
Về thị trường, Hoa Kỳ và Trung Quốc được nhận định sẽ tiếp tục là hai thị trường lớn nhất của xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2024, chiếm khoảng 40% - 45% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.
Do những ảnh hưởng của biến động do xung đột chính trị, những biến động ở Trung Đông dẫn đến chi phí vận chuyển cao, nên nhóm thị trường có vị trí gần Việt Nam như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng sẽ là lợi thế. Ngoài ra, sự tăng trưởng của thị trường nhỏ lẻ cũng là động lực để xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng trong thời gian tới.
Nâng cao năng lực sơ chế, chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 10%-15% trong năm 2024, thì cần thúc đẩy việc sản xuất các mặt hàng tôm giá trị gia tăng trong thời gian tới để ngành tôm tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến nghị, cần xem xét nâng cao năng lực sơ chế, chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm nhằm nâng cao kim ngạch xuất khẩu.
Để nâng cao hơn nữa giá trị từ con tôm và định hướng phát triển ngành tôm bền vững, các địa phương chú ý đến sự liên kết trong chuỗi sản phẩm từ giống, sản xuất đến tiêu thụ.
Theo đó, các địa phương, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần chú ý đến việc xây dựng chất lượng nguồn giống đạt chất lượng cao để chủ động trong sản xuất và giảm chi phí trong quá trình nuôi và hạn chế dịch bệnh. Cùng với đó, cần đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển vùng nuôi, logistics, hướng đến sản xuất xanh, ít phát thải và ứng dụng công nghệ số trong nuôi trồng thủy sản.
Để tận dụng những cơ hội từ các nước nhập khẩu, VASEP khuyến nghị, hoạt động giao thương B2B cần được tăng cường hơn nữa, trong đó giao thương cấp địa phương cần được quan tâm hơn. Ngoài ra, cần có sự trao đổi, chia sẻ thông tin về nhu cầu và quy định thị trường, đặc biệt khi có những thay đổi về chính sách xuất - nhập khẩu./.
Bình luận