Trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Liên bang Đức tài trợ, ngày 15/1, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng”.

Triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng
"Với vai trò là cơ quan nghiên cứu và tham mưu hàng đầu cho Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương luôn phát huy quan điểm và truyền tải thông điệp phải không ngừng nâng cao chất lượng thể chế kinh tế", à Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết.

Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, năm 2023 đã khép lại với rất nhiều khó khăn, thách thức đối với kinh tế thế giới và khu vực.

"Nhiều khó khăn, thách thức chúng ta đã dự báo từ trước, như biến đổi khí hậu, xung đột Nga-Ucraina kéo dài, xu hướng thắt chặt tiền tệ ở các thị trường chủ chốt, tăng giá hàng hóa trên thị trường thế giới. Chúng ta cũng thấy những khó khăn, thách thức mới, trong đó có xung đột bùng phát ở dải Gaza, Biển Đỏ, lệnh cấm xuất khẩu một số mặt hàng thiết yếu ở một số quốc gia, xu hướng “an ninh hóa”, “vũ khí hóa” các công cụ chính sách thương mại…", bà chỉ rõ.

Song, năm 2023 cũng chứng kiến sự phát triển đột phá của các công nghệ mới, mà được nhắc đến nhiều nhất chính là trí tuệ nhân tạo (AI). Trước những bước phát triển nhanh chưa từng có tiền lệ của AI, chúng ta cũng đã chuyển nhanh từ trạng thái ngạc nhiên, ấn tượng sang thảo luận sôi nổi về việc tận dụng cơ hội mới, xử lý tác động đối với lao động, việc làm, an ninh và an toàn thông tin,… AI cũng trở thành chủ đề của nhiều thảo luận về hợp tác quốc tế, thậm chí là một lĩnh vực cạnh tranh chiến lược.

Nằm ở một khu vực hội nhập kinh tế sôi động, Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong việc thúc đẩy các FTA, gắn với cải thiện mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Kinh tế Việt Nam đã thể hiện đà phục hồi tăng trưởng khá rõ nét trong nửa cuối năm 2023

Thay mặt nhóm nghiên cứu công bố Báo cáo Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho biết kinh tế Việt Nam đã thể hiện đà phục hồi tăng trưởng khá rõ nét trong nửa cuối năm 2023.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2023 tăng 5,05%, thấp hơn 1,45 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra (6,5%), nhưng đã có sự cải thiện giữa các quý. Đà phục hồi tăng trưởng kinh tế không đi kèm với gia tăng áp lực lạm phát.

Khu vực doanh nghiệp chứng kiến những chuyển biến tích cực trong nửa cuối 2023. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2023 đạt mức kỷ lục, đạt gần 160.000 doanh nghiệp, cao gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm. Số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 2023.

"Kết quả này cho thấy khu vực doanh nghiệp đang có sự cơ cấu lại, song niềm tin vào triển vọng kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp vẫn được củng cố", ông Dương cho biết.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2023 tăng 3,25% so với năm 2022, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra cho cả năm 2023 (4,5%). CPI bình quân tăng 2,89% trong quý III/2023 và 3,54% trong quý IV/2023. Lạm phát cơ bản bình quân cả năm 2023 đạt 4,16%, cao hơn so với năm 2022 (2,59%) và cao hơn mức lạm phát chung.

Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2023 ước đạt 3.423,5 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 33,5% GDP, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đầu tư của khu vực nhà nước tăng nhanh nhất, tiếp đó là của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội suy giảm mạnh đã phản ánh khó khăn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước do chịu tác động mạnh từ nhiều tác động tiêu cực cả trong và ngoài nước. Trong bối cảnh khó khăn đó, nỗ lực giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong năm 2023 đã giúp duy trì tăng trưởng đầu tư từ nguồn vốn nhà nước ngang với mức tăng cùng kỳ 2022, qua đó tạo động lực quan trọng cho phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng
Toàn cảnh Hội thảo

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là điểm sáng đáng ghi nhận. Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2023 đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với 2022. Vốn FDI thực hiện năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với 2022, đánh dấu số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.

Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 683 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư ước đạt 28 tỷ USD. Cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm trong năm 2023, song đã có sự cải thiện đáng kể trong các tháng cuối năm, và giữa các tháng trong năm. Các FTA đã góp phần đáng kể cho phục hồi hoạt động xuất khẩu cũng như đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 6,48%

Báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng” của đưa ra 2 kịch bản dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024. Kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 6,13% theo Kịch bản 1, và 6,48% trong Kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,02% trong Kịch bản 1 và tăng 5,19% trong Kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 4,02 tỷ USD và 5,19 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2024 dự báo lần lượt ở mức 34% và 3,72%.

“Kịch bản tích cực có thể đạt được khi các giải pháp chính sách tăng tốc phục hồi được xây dựng dựa trên cải cách nền tảng kinh tế vĩ mô, sau những nỗ lực cải thiện khá đáng kể của năm 2023. Đây cũng chính là nội dung chính của khuyến nghị mà CIEM đưa ra”, ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh.

Cụ thể, trong kịch bản 2, các giả thuyết được đưa ra là GDP của thế giới tăng 3,2%; tổng phương tiện thanh toán tăng 10%; tín dụng tăng 16%; giá nhập khẩu hàng hóa giảm 5%; tỷ giá VND/USD của ngân hàng thương mại tăng 2% và cải cách thể chế mạnh mẽ giúp tăng chất lượng tăng trưởng, trong đó có năng suất lao động.

Đặc biệt, kịch bản này nhấn mạnh đến các giải pháp đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi hóa cho các mô hình kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo...).

“Các yếu tố này sẽ cải thiện niềm tin của nhà đầu tư, làm cơ sở thúc đẩy vốn thực hiện của khu vực FDI (bao gồm cả phía nước ngoài và phía Việt Nam) tăng 5%”, ông Dương làm rõ.

Triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng
Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho biết kinh tế Việt Nam đã thể hiện đà phục hồi tăng trưởng khá rõ nét trong nửa cuối năm 2023.

So với kịch bản 2 (tích cực), kịch bản được xác định là trong tầm thi, với dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 6,13%, các giả thiết trên có tăng hơn một chút. Cụ thể, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi chậm, lạm phát neo cao, các nước chưa hạ lãi suất ở quy mô lớn, chuỗi cung ứng hàng hóa tiếp tục đối mặt với gián đoạn nghiêm trọng ở một số tuyến vận tải. GDP của thế giới tăng 2,9% trong năm 2024.

Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, biến số kinh tế thế giới có lẽ sẽ còn khó dự báo hơn trong năm tới. “Đây là năm bầu cử ở nhiều nước, với 4 tỷ dân trên thế giới sẽ đi bầu cử. Chúng ta cần chuẩn bị cho khả năng thay đổi chính sách xuất nhập khẩu và đầu tư ở nhiều thị trường”, ông Dương nhấn mạnh.

Kết quả dự báo một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2024 của CIEM

Chỉ tiêu

Kịch bản 1

Kịch bản 2

Tăng trưởng GDP (%)

6,13

6,48

Lạm phát bình quân (%)

3,94

3,72

Tăng trưởng xuất khẩu (%)

4,02

5,19

Cán cân thương mại (tỷ USD)

5,64

6,26

Thể chế chính là một nguồn lực, thậm chí là “chìa khóa” quan trọng

Kịch bản 2 là cơ sở để Báo cáo của CIEM tập trung vào các khuyến nghị chính sách liên quan đến hướng dẫn thực thi các luật; đặc biệt hoàn thiện khung chính sách cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, như Luật Giao dịch điện tử, khung chính sách thử nghiệm các mô hình kinh tế mới, đảm bảo an tâm cho doanh nghiệp là có thể thực thi được; hoàn thiện và triển khai hiệu quả khung chính sách ở tầm quốc gia nhằm cải thiện năng suất lao động.

Cùng với đó, thực hiện hiệu quả các FTA tiếp tục được nhắc đến, đề xuất nghiên cứu, đàm phán nâng cấp một số FTA của ASEAN cũng đã được đưa ra.

Ông Dương cũng nêu rõ, Việt Nam cần tiếp tục xử lý một số thách thức trong quá trình thực hiện RCEP trong thời gian tới, trong đó có các thách thức về cải thiện tỷ lệ tận dụng ưu đãi, rủi ro gia tăng nhập siêu với một số đối tác trong RCEP, và bảo đảm chất lượng của các dự án FDI từ khu vực RCEP. Thách thức lớn nhất là tăng cường nhận thức, quán triệt cho các cơ quan, doanh nghiệp về tư duy phù hợp để tiếp cận và khai thác hiệu quả cơ hội từ RCEP.

Đặc biệt, điều hành chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp được các chuyên gia nhấn mạnh. “Năm nay, điều hành kinh tế vĩ mô đòi hỏi nghệ thuật, để đảm bảo sự cân bằng trong thế giới bất ổn. Chính phủ nhấn mạnh ưu tiên tăng trưởng, nhưng phải trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô trong nước”, ông Dương nhấn mạnh.

"Thực tế cho thấy, Việt Nam không chỉ dựa vào các giải pháp tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà đã tạo dựng không ít động lực mới từ cải cách thể chế kinh tế", TS. Trần Hồng Minh nhận định và chỉ rõ, các động lực ấy đến từ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển các mô hình kinh tế mới, cải cách môi trường kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện quy hoạch và thể chế liên kết vùng. Chính phủ cũng đã nhìn nhận thẳng thắn, cầu thị về các vấn đề cần tháo gỡ, trong đó có tình trạng nợ đọng văn bản, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ, khó khăn đối với hấp thụ vốn… để từ đó có những chỉ đạo, nghiên cứu tháo gỡ.

Kiến nghị của nhiều chuyên gia về việc tăng cường mở rộng tài khóa-tiền tệ nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế cũng dựa trên đánh giá về cải thiện nền tảng về chất lượng thể chế và năng lực cải cách-điều hành kinh tế vĩ mô. Nếu duy trì và làm sâu sắc hơn chất lượng cải cách thể chế, kinh tế Việt Nam có thể tự tin về khả năng có những kết quả tích cực trong thời gian tới.

"Với vai trò là cơ quan nghiên cứu và tham mưu hàng đầu cho Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương luôn phát huy quan điểm và truyền tải thông điệp phải không ngừng nâng cao chất lượng thể chế kinh tế", bà Minh nhấn mạnh và chia sẻ: "Trong bối cảnh phát triển mới, chúng tôi tâm niệm thể chế chính là một nguồn lực, thậm chí là “chìa khóa” quan trọng".

Đồng tình với nhiều quan điểm của bà Minh, ông Dennis Quennet, Cố vấn trưởng Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/tăng trưởng xanh lại nhấn mạnh tới một trong những vấn đề cần ưu tiên đối với nền kinh tế Việt Nam năm 2024 là nâng cao năng suất lao động.

Cụ thể, theo Báo cáo của CIEM, năng suất lao động của Việt Nam tuy đã được cải thiện, nhưng tốc độ tăng năng suất lao động không đạt mục tiêu đề ra khi năng suất lao động năm 2023 chỉ tăng 3,65%, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu kế hoạch đề ra là 5-6%.

“Năng suất lao động là vấn đề cần giải quyết trong năm 2024 để Việt Nam có thể thoát bẫy thu nhập trung bình”, ông Dennis Quennet nói./.