Tái cơ cấu nền kinh tế: Vẫn mới chỉ là bước đầu

Báo cáo kết quả giảm sát Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, Đề án tái cơ cấu và hệ thống văn bản liên quan đến lĩnh vực này ban hành trong thời gian qua đã tạo khuôn khổ pháp lý, tạo chuyển biến nhận thức, tập trung chỉ đạo và ý thức trách nhiệm, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Đối với lĩnh vực tái cơ cấu đầu tư công, đã quy định rõ các nguyên tắc đổi mới quản lý và phân cấp đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, từ trái phiếu chính phủ. Các cấp có thẩm quyền chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, quy trình đã phê duyệt.

Đối với lĩnh vực tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước được quy định rõ hơn, phát huy vai trò chủ sở hữu nhà nước đối với các doanh nghiệp. Cơ chế chuyển đổi, cổ phần hóa doanh nghiệp được hoàn thiện, hướng đến nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Với lĩnh vực tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các văn bản trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng được sửa đổi, tạo cơ sở pháp lý cho tái cơ cấu. Đưa ra nhiều cơ cấu quản trị, kiểm soát rủi ro trong hoạt động ngân hàng, như thành lập công ty quản lý tài sản.

Kết quả cụ thể của việc tái cơ cấu nền kinh tế, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, quá trình chuyển dịch cơ cấu có sự thay đổi theo hướng tích cực. Đến năm 2013, tỷ trọng của nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm so với giai đoạn trước năm 2011 (từ 20,08% xuống còn 18,38% GDP), trong khi tỷ trọng của công nghiệp và dịch vụ tăng lên (từ 79,92% lên 81,62% GDP). Cán cân thương mại trong 3 năm 2012, 2013 và 2014 cải thiện đáng kể, xuất khẩu giữ nhịp độ tăng trưởng cao, quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa vượt kế hoạch đề ra.

Làm rõ thêm về cái được của quá trình tái cơ cấu, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhìn nhận, cái được lớn nhất là Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị đã đồng tâm, hiệp lực chèo lái con thuyền kinh tế Việt Nam đầy bất ổn vào thời điểm năm 2011 (lạm phát 2 con số, lãi suất cao, đồng tiền mất giá, bong bóng bất động sản, hệ thống ngân hàng trước nguy cơ đổ vỡ), đến nay, kinh tế vĩ mô đã ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, tốc độ tăng trưởng được duy trì, năm sau cao hơn năm trước. CPI cả năm 2014 dự kiến ở mức dưới 4% trong khi tốc độ tăng trưởng ở mức 5,8%... là những chỉ số trước đây chúng ta hằng mong muốn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng thẳng thắn nhìn nhận: chất lượng nền kinh tế của chúng ta đang có vấn đề. Động lực để chúng ta tăng trưởng cao hơn nữa không như mong muốn. Điều này đốc thúc chúng ta phải đổi mới mô hình tăng trưởng, thay đổi thể chế. Đây là điều mọi người dân cũng cảm nhận được chứ không riêng đại biểu Quốc hội hay thành viên Chính phủ.

Bộ trưởng Vinh không đồng tình với ý kiến cho rằng, Việt Nam tăng trưởng dưới tiềm năng. Ông đặt câu hỏi: “Tiềm năng tính bằng gì? Căn cứ nào để tính tiềm năng tăng trưởng là bao nhiêu, 7%? Không phải. Việt Nam sẽ tăng trưởng 8-9% và quốc tế đang đề nghị Việt Nam phải tăng trưởng từ 8-9,5% thì 40 năm sau chúng ta mới bằng Hàn Quốc bây giờ”.

Theo Bộ trưởng, tiềm năng hay không chính ở con người, còn tài nguyên không phải quyết định. Những đất nước không có tiềm năng về tài nguyên nhưng họ có tiềm năng con người, họ là những nước phát triển mạnh mẽ nhất.

Không đổi mới cán bộ sẽ không đổi mới được nền kinh tế

Đi sâu phân tích những yếu kém của đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thẳng thắn, không đổi mới cán bộ sẽ không đổi mới được nền kinh tế. Các chuyên gia quốc tế đã chỉ ra rằng, nếu đổi mới doanh nghiệp Nhà nước mà vẫn để nguyên những cán bộ đã từng sinh ra những doanh nghiệp đó, lãnh đạo doanh nghiệp đó là không thể. Phải có người khác đến đổi mới. Đặc biệt, đổi mới cán bộ là một yếu tố phải có tác động, tác động triệt để, kiên trì và quyết liệt mới làm được.

Thực tế hiện nay cho thấy, nếu đổi mới doanh nghiệp nhà nước mà vẫn để nguyên những cán bộ đã từng sinh ra những doanh nghiệp đó, lãnh đạo doanh nghiệp đó, thì “hôm nay họ không tự chặt chân mình đâu”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Vinh cũng chỉ rõ: Chúng ta phải tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế. Chính phủ tiếp thu ý kiến đại biểu, những việc làm được mới chỉ là ban đầu, trong 3 lĩnh vực này cần tiếp tục làm nhiều hơn. Nhưng chúng ta chưa thảo luận nhiều về vấn đề này. Ba nội dung này chỉ là chủ chốt còn trong đề án Chính phủ phê duyệt thì nói rõ mục tiêu của tái cấu trúc đầu tư công, định hướng của nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ… Các lĩnh vực đều có định hướng và nguyên tắc phấn đấu tới đó. Mục tiêu cuối cùng là nền kinh tế chất lượng cao hơn, tính cạnh tranh hơn, bền vững hơn. Các ngành, lĩnh vực đều phải viết đề án của mình.

Cũng trong thảo luận, có đánh giá là địa phương làm chậm, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thẳng thắn: “Tôi không đồng tình với ý kiến này. Đừng trách các đồng chí địa phương. Địa phương phải phụ thuộc vào tư tưởng đổi mới của Chính phủ và của ngành, lĩnh vực, vì đây là thể chế. Còn họ không làm được thể chế”.

Bộ trưởng lấy ví dụ với ngành Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra các đề án để các địa phương làm. Còn địa phương sẽ tổng hợp lại để thực hiện và họ cũng phải xây dựng cho mình lợi thế gì, làm gì tăng lợi thế đó lên.

“Đảng, Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo tập trung hơn để chúng ta tiếp tục làm. Không phải mục tiêu đặt ra đến 2015 mà phải làm xuyên suốt 5 năm tiếp theo. Làm sao mà năm sau tiếp tục một quá trình để Việt Nam không chỉ cất cánh lên được mà còn phải phát triển dài hạn. Nhưng từng nhiệm kỳ đặt mục tiêu cụ thể để phấn đấu. Chúng ta phải đổi mới thể chế, pháp luật, chứ không thể dùng lời khuyên, mong muốn để thay đổi”, Bộ trưởng Vinh đề nghị./.