Khu vực sản xuất tiếp tục là điểm sáng

Chậm mà chắc, Việt Nam đang giành được thị phần trên thế giới. Hàng hóa của Việt Nam chỉ chiếm 0,7% lượng xuất khẩu toàn cầu trong năm 2013, tăng 0,4% kể từ năm 2007. Trong ngành sản xuất cần nhiều nhân công, lĩnh vực giày dép và may mặc đang phát triển với tốc độ nhanh hơn.

Cụ thể, trong năm 2013, Việt Nam là nhà cung ứng hàng hóa lớn thứ 20 của Mỹ, với tổng giá trị 25 tỷ USD. Năm 2014, xuất khẩu vào Mỹ của Việt Nam tăng 23,5% từ tháng 1 đến tháng 9.

Đối với Việt Nam, phần thưởng lớn nhất của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là thỏa thuận tự do thương mại (FTA) với nền kinh tế lớn nhất của thế giới, cho phép sự hội nhập tốt hơn của hàng hóa Việt Nam. Cho dù là thỏa thuận tự do thương mại với khu vực Eurozone hay với Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Việt Nam đang nỗ lực để cải thiện sự kết nối với các khu vực, từ đó hàng hóa của mình có nhiều cơ hội thâm nhập thị trường nước ngoài hơn.

Nhờ vào nguồn vốn FDI giải ngân ổn định và chi phí nhân công thấp, chỉ số phụ về việc làm trong khảo sát PMI tăng khá ổn định, là dấu hiệu tích cực cho một quốc gia có lượng nhân công dồi dào được hấp thu hiệu quả vào nguồn lực lao động.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia của HSBC, ngoài lợi thế về chi phí, Việt Nam cần phải cải thiện cơ sở vật chất hạ tầng thương mại (như: chi phí hậu cần, đường sá và hàng không) và những kỹ năng chuyên môn để gia tăng chuỗi giá trị.

Đồng Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định

Trong ngắn hạn, nhu cầu nhập khẩu có thể tăng (như đã từng tăng trong tháng 11), tạo áp lực lên đồng Việt Nam. Nhưng, ngoài điểm ngày, tiền đồng có thể đạt sự ổn định do thặng dư tài khoản vãng lai.

Giá dầu giảm mạnh sẽ làm kéo dài thâm hụt tài chính của Việt Nam, nhưng sẽ giúp nhà sản xuất cắt giảm chi phí và chuyển phần tiết kiệm được sang cho khách hàng.

Bên cạnh đó, hàng tồn kho, mặc dù tăng, nhưng vẫn khá thấp, khiến cho các nhà sản xuất tăng số lượng hàng mua và tăng sản lượng để bắt kịp nhu cầu.

Trong tháng 11, nhập khẩu tăng 25,8% trong khi xuất khẩu tăng 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh cùng với hoạt động thu lợi nhuận của các nhà đầu tư nước ngoài đã làm cho tiền đồng tăng đạt mức trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Kể từ năm 2011, giao dịch thị trường của đồng Việt Nam nằm giữa mức sàn và mức trần của NHNN, với một số trường hợp ngoại lệ giữa năm 2013 và giữa 2014.

Điều này trái ngược với những gì xảy ra trong quá khứ (2009-2011), khi tỷ giá VNDUNOFF (nhu cầu thực tế cho tỷ giá VND/USD được Reuters ghi nhận) tăng vượt ngưỡng giao dịch được phép của tiền đồng. Thâm hụt thương mại tăng là một lý do dẫn đến thiếu hụt USD.

Do đặc tính tăng theo mùa vụ của nhu cầu, NHNN có sự lựa chọn hoặc cho phép thị trường điều chỉnh tỷ giá hoặc bơm thanh khoản để giữ tỷ giá trong biên độ.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình trước đây đã công bố rằng đồng Việt Nam có thể giảm giá 2% trong năm 2014. Nhưng, trước những biến động trong những tuần gần đây, ông cho rằng tỷ giá tham chiếu sẽ không thay đổi đến cuối năm. Điều này về cơ bản sẽ giới hạn lựa chọn của NHNN hoặc bơm USD vào thị trường hoặc để mặc cho thị trường ít thanh khoản hơn.

“Nhiều khả năng tiền đồng sẽ ổn định nhờ các dòng vốn FDI ổn định đổ vào Việt Nam và tài khoản thương mại đạt thặng dư 2 triệu USD tính từ đầu năm đến nay”, báo cáo cho biết.

Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Các chuyên gia của HSBC cũng nhận định, nền kinh tế sẽ tăng tốc trong năm sau dù chỉ là tăng nhẹ.

Cụ thể, về mặt tài chính, dự đoán doanh thu từ dầu sẽ giảm do giá dầu thô Brent giảm. Nhưng, điều này sẽ không tác động đến các dự báo trước đó. Bởi, từ năm nay đến năm sau, thâm hụt xảy ra do chu kỳ tự nhiên của cán cân tài chính. Thêm vào đó, Bộ Tài chính (MOF) thường bảo thủ trong việc ước tính giá dầu thô Brent (75-85 USD/thùng) do đó làm giảm tác động tâm lý tiêu cực từ việc giá dầu thể giới giảm mạnh.

Nhấn mạnh rằng, doanh thu tài chính sẽ giảm, nhưng các chuyên gia của HSBC cũng cho rằng, nhiều khả năng tác động rất hạn chế do: Giá dầu giảm sẽ được thể hiện trên ngân sách giả định; Doanh thu từ dầu sẽ không còn quan trọng như trước đối với tổng thu ngân sách.

Triển vọng của Việt Nam được báo cáo đưa ra một cách lạc quan xuất phát từ hai nguyên nhân: xuất khẩu đang tăng trưởng nhanh và ổn định từ các mức thấp hơn trước đó; sự phát triển thiên về xuất khẩu phù hợp với nguồn nhân công Việt Nam, tài nguyên và vị trí địa lý cạnh tranh thuận lợi.

Áp lực tiền công tăng tại Trung Quốc, cũng như áp lực cắt giảm chi phí đang khiến các doanh nghiệp hàng điện tử đa dạng hoá sang phía Bắc của Việt Nam, là nơi gần với nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào từ Trung Quốc và gần một trong các sân bay chính, cũng như các cảng của Việt Nam.

Việt Nam đang dần có thêm thị phần trên thị trường xuất khẩu quốc tế và cả về lợi thế so sánh hiện hữu (RCA). Chỉ số RCA sử dụng các dòng chảy thương mại của một quốc gia để đo lường lợi thế hoặc yếu thế cạnh tranh trong một ngành cụ thể của một quốc gia.

Chỉ số trên chỉ báo rằng, phần xuất khẩu của quốc gia đó trong ngành lớn hơn phần xuất khẩu của thế giới trong cùng ngành đó – một bằng chứng của tính cạnh tranh.

“Chúng tôi tin Việt Nam đang áp dụng một chính sách đúng đắn khi sử dụng giá nhân công và lợi thế tài nguyên để thu hút ngành sản xuất sử dụng nhiều vốn. Chỉ cần Việt Nam tiếp tục cải thiện tính hiệu quả của nguồn lao động, việc phân bổ vốn và tài nguyên để bù đắp cho tính cạnh tranh về giá tất yếu sẽ bị ăn mòn trong tương lai, triển vọng của nền kinh tế sẽ sáng sủa”, báo cáo chỉ rõ.

Tuy nhiên, các chuyên gia của HSBC cũng cho rằng, dù Việt Nam đang dần cải thiện cơ sở hạ tầng thương mại, nhưng vẫn phát triển chậm rất xa sau các quốc gia như Thái Lan, Malaysia. Từ việc cải thiện chất lượng đường bộ đến giảm chi phí hành chính, còn rất nhiều hạng mục cần tái cấu trúc.

Giải quyết nợ xấu là một ví dụ khác về các kế hoạch tái cấu trúc chính nhà nước phải thực hiện. Trong bảng điểm toàn diện đánh giá các quốc gia trong khu vực châu Á của Ngân hàng thế giới (World Bank), điểm của Việt Nam vẫn khá thấp. Việt Nam cần cải thiện điều này để hệ thống tài chính hoạt động phù hợp và tăng tính hiệu quả của thị trường để tăng tốc độ tự hồi phục của thị trường.

“Nếu không có một khung pháp lý mạnh (và hành pháp) cho thủ tục phá sản, thì quy trình thu hồi nợ sẽ kéo dài tại Việt Nam, làm tăng thất thoát tài sản và tính hiệu quả của nền kinh tế”, báo cáo nhấn mạnh./.