Hội thảo do Viện Chiến lược phát triển (VIDS), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Konrad-Adenauer-Stiftung Việt Nam, Cộng hòa Liên Bang Đức tại Việt Nam đồng tổ chức ngày 21/5/2024.

Báo cáo Việt Nam 2045: Xu hướng kinh tế toàn cầu và hàm ý chính sách cho Việt Nam
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển TS. Trần Hồng Quang nhấn mạnh rằng, từ khi công bố Báo cáo Việt Nam 2035 đến nay, bối cảnh thế giới có những thay đổi quan trọng với diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Ảnh: Trang Nguyễn

Bối cảnh thế giới có những thay đổi quan trọng với diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường

VIDS đã hợp tác với Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ quốc tế, xây dựng và công bố Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ” vào năm 2016. Báo cáo đã đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong trung và dài hạn của Việt Nam, đặc biệt đã góp phần xây dựng văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển TS. Trần Hồng Quang nhấn mạnh rằng, từ khi công bố Báo cáo Việt Nam 2035 đến nay, bối cảnh thế giới có những thay đổi quan trọng với diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Đại dịch Covid-19, các cuộc chiến tranh và các xu hướng lớn như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… đã làm thế giới thay đổi mạnh mẽ.

“Ở trong nước, thế và lực của Việt đã được cải thiện mạnh mẽ và từ Đại hội XIII của Đảng, nước ta đã xác định những mục tiêu phát triển tham vọng như: trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045; nền kinh tế không phát thải cacbon vào năm 2050…”, ông Quang nói thêm.

Bối cảnh và thực tế nêu trên đòi hỏi Việt Nam cần nghiên cứu, xây dựng các báo vừa cập nhật được xu hướng, bối cảnh mới, vừa mang tính chiến lược, dài hạn. Theo đó, xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại văn bản số 4700/VPCP-KTTH ngày 24/6/2023 về việc tổ chức xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các tổ chức quốc tế nghiên cứu xây dựng Báo cáo Việt nam 2045.

Người đứng đầu Viện Chiến lược phát triển cho biết, nằm trong chuỗi các hoạt động triển khai xây dựng “Báo cáo Việt Nam 2045”, Viện Chiến lược phát triển phối hợp với Viện Konrad-Adenauer-Stiftung Việt Nam tổ chức Hội thảo “Báo cáo Việt Nam 2045: Xu hướng kinh tế toàn cầu và hàm ý chính sách cho Việt Nam”, nhằm thảo luận sâu hơn về bối cảnh kinh tế, địa chính trị thế giới với những thay đổi phức tạp kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, làm rõ những cơ hội và thách thức của Việt Nam, từ đó đưa ra các hàm ý các chiến lược thích ứng phù hợp.

Báo cáo Việt Nam 2045: Xu hướng kinh tế toàn cầu và hàm ý chính sách cho Việt Nam
TS. Nguyễn Quốc Trường, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho biết, dự kiến, Báo cáo Việt Nam 2045 sẽ được công bố vào quý III/2025

Giới thiệu khái quát về Báo cáo Việt Nam 2045, TS. Nguyễn Quốc Trường, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho biết, Báo cáo dự kiến có 9 chương: Chương 1: Nhìn lại những chặng đường phát triển; Chương 2: Bối cảnh mới, xu hướng mới, tầm nhìn mới; Chương 3: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số: Thúc đẩy tăng trưởng, làm chủ công nghệ, xây dựng nền kinh tế tự chủ; Chương 4: Chuyển đổi sản xuất: Nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng và phát triển khu vực kinh tế tư nhân; Chương 5: Chuyển đổi không gian phát triển: Hình thành các cực tăng trưởng, phát triển hạ tầng kết nối; Chương 6: Nguồn nhân lực và chuyển dịch lao động: Nâng cao kỹ năng, tăng năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu những ngành mới nổi; Chương 7: Chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu: hướng đến mục tiêu giảm phát thải ròng; Chương 8: Chuyển đổi xã hội: xây dựng xã hội hài hòa, dân chủ, văn minh, sáng tạo; Chương 9: Thể chế cho phát triển: Hướng đến thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập quốc tế.

Dự kiến, Báo cáo Việt Nam 2045 sẽ được công bố vào quý III/2025. Báo cáo cũng là “đầu vào” phục vụ xây dựng văn kiện trình Đại hội XIV của năm 2026. Đồng thời, cũng là tài liệu chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2031-2040.

Cạnh tranh Mỹ -Trung đang tạo vùng ảnh hưởng và tạo dựng luật chơi, hình thành liên kết mới

Nghiên cứu về những xu hướng mới của kinh tế toàn cầu và tác động đến Việt Nam, TS. Trần Toàn Thắng Trưởng Ban Quốc tế (VIDS) cho biết, trong giai đoạn 2025-2030 và triển vọng tới năm 2045, dự báo xu hướng địa chính trị đầy biến động; cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia tiếp tục leo thang; trong đó, cạnh tranh Mỹ -Trung đang tạo vùng ảnh hưởng và tạo dựng luật chơi, hình thành liên kết mới. Sự cạnh tranh này đặt trọng tâm vào các vấn đề biến đổi khí hậu, xanh, chuyển đổi năng lượng, công nghệ cao để tạo ảnh hưởng với các đối tác.

Cụ thể, tác động của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư đẩy nhanh xu hướng hình thành cục diện thế giới đa cực. Trung Quốc đang trỗi dậy, Nga vẫn giữ được sức mạnh. Ảnh hưởng của Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia vẫn còn hạn chế.

VIDS nhận định, các xu hướng này sẽ giúp Việt Nam gia tăng thị phần xuất khẩu sang hai thị trường Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam đóng vai trò là nước thứ ba để xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang Mỹ.

Việt Nam cũng có khả năng thu hút mạnh đầu tư và hỗ trợ của Mỹ vào công nghiệp bán dẫn, nhờ vị trí chiến lược của Việt Nam và thành công của Việt Nam trong xuất khẩu hàng điện tử, tiềm năng về nguồn cung đất hiếm.

Việt Nam cũng sẽ tạo thêm ảnh hưởng của Sáng kiến Vành đai và Con đường tới vai trò của Việt Nam là trung gian kết nối, vận chuyển hàng hóa từ các nước ASEAN sang Trung Quốc.

“Đến năm 2030 và 2045, ít có khả năng xuất hiện một cường quốc mới dựa trên tiềm lực khoa học công nghệ dẫn đầu cũng như những điều chỉnh về kinh tế và quân sự”, ông Thắng và nhóm nghiên cứu đưa ra dự báo.

Đến năm 2050, tăng trưởng thương mại thế giới có thể chậm lại trong ngắn hạn

Về xu hướng thương mại, đầu tư thế giới, nghiên cứu của nhóm chỉ rõ, tăng trưởng thương mại thế giới có thể chậm lại trong ngắn hạn. Trong trung hạn, thương mại toàn cầu sẽ có những động lực tăng trưởng mới, xuất phát từ chi phí thương mại giảm.

Đến năm 2050, thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục bị chi phối bởi 4 khu vực trên thế giới: châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Quốc và châu Á –Thái Bình Dương (hiện đang chiếm 78% nhập khẩu và GDP toàn cầu).

Hai vị trí dẫn đầu trong xu hướng phát triển thương mại sẽ thuộc về châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương, do tần suất hàng hóa và dịch vụ đi qua biên giới của hai khu vực này lớn hơn. Sự khác biệt về nhân khẩu học, lợi thế so sánh và nguồn lực tài nguyên sẽ tạo ra động lực cho chuỗi cung ứng khu vực phát triển ở các khu vực này.

Xu hướng đầu tư bền vững FDI vào năng lượng tái tạo gia tăng trong những năm gần đây, vượt đầu tư mới trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch. Động lực thúc đẩy cho xu hướng này bao gồm biểu giá điện (FIT), giá carbon, đầu tư kinh phí hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) cho năng lượng tái tạo và các trợ cấp nhiên liệu hóa thạch.

Đối với tăng trưởng thương mại hàng hóa xanh (hàng hóa thân thiện với môi trường) dự báo sẽ tăng lên trong những thập kỷ tới. Thị trường toàn cầu về ô tô điện, năng lượng mặt trời và gió, hydro và nhiều công nghệ xanh khác dự báo sẽ đạt 2.100 tỷ USD vào năm 2030 - gấp 4 lần giá trị hiện nay.

Thỏa thuận Xanh EU (EGD) là chương trình tổng thể và dài hạn của EU nhằm ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về khí hậu toàn cầu đến năm 2050, được thông qua ngày 15/1/2020. Thỏa thuận này sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian tới.

Việt Nam cần tận dụng các cơ hội tích cực từ bên ngoài, hạn chế các rủi ro

Từ nay đến năm 2050, nhóm nghiên cứu nhận định, những tiến bộ về công nghệ sẽ định hình xã hội, nền kinh tế và cả quyền lực của các nền kinh tế trên toàn cầu.

Nhóm nghiên cứu của VIDS cũng lưu ý, nguy cơ tụt hậu công nghệ của Việt Nam cũng lớn hơn nếu không thích ứng trước xu hướng phát triển công nghệ nhanh chóng hiện nay. Điều này phụ thuộc rất lớn vào con người và thực thi chính sách.

Về xu hướng việc làm và yêu cầu về nhân lực trong tương lai, ông Thắng nhấn mạnh rằng, tác động của Cách mạng công nghệ 4.0 đã phá vỡ cấu trúc thị trường lao động truyền thống. Dự báo đến năm 2035, quy mô tầng lớp trung lưu toàn cầu có thể đạt 2,7 tỷ người, tương đương khoảng 30% dân số toàn cầu.

Ông Trần Toàn Thắng cũng chỉ rõ, các mô hình kinh tế mới như: kinh tế chia sẻ, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn mới nổi lên, tiềm năng sẽ chiếm vai trò lớn, định hình các nền kinh tế. Tuy nhiên, các mô hình kinh tế mới này đang phụ thuộc vào sự can thiệp chính phủ thông qua chính sách tài khóa, hỗ trợ, hoặc giảm trợ cấp cho các hoạt động hiện tại.

Cùng với đó, các mô hình kinh tế mới này cần hiện diện, xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết; đầu tư và hiệu quả của doanh nghiệp; tính kinh tế theo quy mô và hành vi, quan niệm của người tiêu dùng.

Đưa ra ngụ ý chính sách cho Việt Nam, ông Thắng lưu ý, bản thân các xu hướng này có sự tương tác, ảnh hưởng tới nhau. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu của VIDS khuyến nghị, thứ nhất, Việt Nam cần tận dụng các cơ hội tích cực từ bên ngoài, hạn chế các rủi ro. Ông Thắng lưu ý, không nên để giải pháp này thành khẩu hiệu, mà để các cơ hội bị bỏ lỡ.

Thứ hai, xây dựng, phát triển thể chế phù hợp với tình hình mới. Ngụ ý rằng, cách Nhà nước hành xử với nền kinh tế, tương tác với người dân, doanh nghiệp sẽ khách đi. Với những các xu hướng mới, Việt Nam cần phân định vai trò của Nhà nước; Nhà nước cần có vai trò tạo nền tảng, tạo thể chế.

Đặc biệt nhấn mạnh tới giải pháp pháp luật hóa chủ trương chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật, ông Thắng lưu ý, hiện nay chúng ta đang đưa ra rất nhiều chủ trương, chiến lược, đặt ra rất nhiều kỳ vọng, mục tiêu, nhiều mục tiêu tương đối tham vọng, song lại chưa luật hóa chúng, thì chưa thể đạt được như kỳ vọng. "Chúng ta không thể dựa trên Chiến lược, mà phải dựa trên nền tảng pháp luật hiện hành", ông Thắng nói.

Thứ ba là tạo nền tảng để thúc đẩy khu vực tư nhân. Vai trò của Nhà nước rất quan trọng, cần đầu tư để tạo ra các platform cho doanh nghiệp phát triển. /.