Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế - xã hội chiều 29/5/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của các đại biểu, trong đó có nhiều ý kiến thống nhất đồng tình với báo cáo của Chính phủ, đánh giá cao sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu 6 thách thức và 5 giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế - xã hội chiều 29/5/2024. Ảnh: VGP

6 thách thức lớn

Trong bối cảnh hết sức khó khăn, Bộ trưởng nhận định, những kết quả đạt được là hết sức trân trọng và tích cực. Tuy nhiên, các đại biểu đã chỉ ra các thách thức để Chính phủ lưu ý trong thời gian tới như:

(1) Tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm vừa qua đạt 5,2%, thấp so với mục tiêu 5 năm là 6,5 - 7%.

(2) Sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn, đầu tư khu vực tư nhân, sức mua phục hồi chậm, áp lực cạnh tranh trong nước và nước ngoài, kéo theo áp lực về tín dụng, nợ xấu…

(3) Chất lượng tăng trưởng chưa có nhiều cải thiện, tốc độ tăng năng suất thấp, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, nhất là nhân lực chất lượng cao. Một số thị trường như bất động sản, vàng, giá vé máy bay cũng còn nhiều thách thức…

(4) Thể chế, pháp luật, phân cấp phân quyền, quản lý kiểm tra giám sát một số thị trường, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh còn rườm rà, phức tạp.

(5) Các thách thức về thiên tai, dịch bệnh, thiếu nước, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ..

(6) Vấn đề về phát triển đô thị, phòng cháy chữa cháy, tai nạn giao thông… còn nhiều bất cập, hạn chế.

"Tôi cũng đồng tình với một số vấn đề mà các đại biểu nêu, xoay quanh niềm tin của thị trường, tâm lý xã hội có nơi còn thận trọng quá trong bối cảnh thế giới bất định, nhiều rủi ro, chính sách các nước khó lường… Trong khi đó, quá trình già hoá dân số của nước ta diễn ra nhanh hơn, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chậm chuyển biến, chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế. Đặc biệt, tâm lý sợ sai sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức làm cản trở quá trình phát triển trong thời gian tới", Bộ trưởng thể hiện sự đồng tình với những điều các đại biểu đã nêu tại phiên thảo luận.

5 nhóm vấn đề lớn được Chính phủ tập trung chỉ đạo trong thời gian tới

Về giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ chỉ đạo tập trung 5 nhóm vấn đề lớn.

Thứ nhất, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, chính sách, bảo đảm hài hòa, xử lý các tình huống trong ngắn hạn và phát triển trong trung, dài hạn, đặc biệt là hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện tốt để thu hút các làn sóng chuyển dịch FDI.

Các địa phương phải thực sự đồng hành hỗ trợ cho doanh nghiệp, chỉ Quốc hội, Chính phủ, Trung ương là không đủ, rất nhiều vấn đề liên quan ở địa phương. "Tôi cũng đề nghị các đại biểu giám sát tại địa phương để hỗ trợ đồng hành tháo gỡ ách tắc về thủ tục cho doanh nghiệp, hiện nay rất khó khăn", Bộ trưởng nói.

Thứ hai, thúc đẩy các động lực truyền thống về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; bổ sung thêm các động lực mới, mô hình kinh tế mới về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, hay các ngành công nghiệp mới nổi như sản xuất chip, bán dẫn, năng lượng tái tạo…

Thứ ba, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng.

Thứ tư, tập trung cải cách thể chế, pháp luật theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa để giải quyết các vướng mắc, bất cập hiện nay; hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, rõ ràng; khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, phát huy tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, công chức.

Sửa đổi, ban hành đồng bộ các văn bản thi hành Luật Đất đai ở trung ương và địa phương, đề xuất Quốc hội cho áp dụng Luật Đất đai ngay từ ngày 1/7. Đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 02 cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia. Thủ tướng đã chỉ đạo thành lập 2 tổ công tác, trong thời gian tới sẽ phát huy cơ chế này, nếu cần thì phải thành lập một ban chỉ đạo để giải quyết dứt điểm vấn đề này, đẩy mạnh thủ tục hành chính.

Chính phủ cũng đang hoàn thiện để trình Quốc hội cho phép: (1) Tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi nhóm B, nhóm C; (2) Phân cấp cho các địa phương phê duyệt kế hoạch để thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt nhằm đẩy nhanh tiến độ; (3) Phân cấp cho các địa phương kế hoạch sử dụng đất, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất, điều này sẽ tháo gỡ rất nhiều các vướng mắc hiện nay.

Thứ năm, kiến nghị Quốc hội cho phép sơ kết, tổng kết đánh giá các cơ chế chính sách đặc thù đã áp dụng cho 10 tỉnh thành hiện nay, nếu cơ chế chính sách nào đã rõ, đã phù hợp với tình hình thực tiễn và pháp luật thì cho phép nhân rộng cho các địa phương khác cùng được thực hiện có thể bằng một nghị quyết của Quốc hội trong khi chúng ta chờ chưa sửa được các luật liên quan.

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng cho hay, cũng sẽ rà soát lại Luật Đầu tư công, trong đó có cả vấn đề ODA và PPP để làm sao các vướng mắc được tháo gỡ nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Về tình hình doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết, đã có chuyển biến rất tốt trong tháng 5 vừa qua. Số thành lập mới đã đạt 20.000/tháng, tổng 5 tháng thì số thành lập mới đã lớn hơn số rút lui khỏi thị trường. "Đây là một dấu hiệu hết sức tích cực và Chính phủ sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới để phục hồi và phát triển", Bộ trưởng cho biết./.