TS. Nguyễn Đình Cung Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã nhấn mạnh nội dung này tại Hội thảo công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1/2016, ngày 22/4.

Tăng trưởng thấp, nhưng chưa đến mức phải hoảng hốt

Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Kinh tế Chính sách vĩ mô (CIEM) cho biết, tốc độ tăng GDP trong quý I đạt 5,46%. Đà phục hồi kinh tế từ cuối năm 2014 dường như còn thiếu vững chắc. Tiêu dùng cuối cùng đóng góp phần lớn vào tốc độ tăng GDP trong quý I.

Giá trị gia tăng của khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,23%, là mức sụt giảm duy nhất sau nhiều năm. Khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 6,13%.

Tăng trưởng kinh tế diễn ra nhanh nhất ở khu vực công nghiệp – xây dựng với mức tăng 6,7%. Chỉ số phát triển công nghiệp tăng 6,3%.

Diễn biến PMI dù không thật sự ấn tượng, nhưng vẫn cho thấy sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì sự ổn định và là trụ đỡ cho nền kinh tế. Cơ cấu các ngành kinh tế biến động nhẹ trong quý I.

Quý I có 23.767 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 185,9 nghìn tỷ đồng, tăng 24,8% về số doanh nghiệp và tăng 67,2% về số vốn đăng ký. Số doanh nghiệp giải thể tăng 13,8% so với cùng kỳ, trong đó phần lớn là những doanh nghiệp quy mô nhỏ; số doanh nghiệp gặp khó khăn, ngừng hoạt động tăng 23,9%.

Trước tình trạng tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I/2016 thấp và đang giảm tốc, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng mức độ tăng trưởng GDP 5,46% trong quý I vừa qua là phù hợp với thông lệ hằng năm. Tuy nhiên, vấn đề đặc biệt lo ngại là chất lượng tăng trưởng không được cải thiện.

“Mức độ tăng trưởng như vậy không phải là thấp so với quý I của giai đoạn từ năm 2009 đến nay, cũng không thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2015 nếu giữ nguyên khai thác dầu thô và khoáng sản khác. Những năm trước, mỗi khi tăng trưởng có khả năng yếu đi thì lại tăng khai thác dầu thô để đạt mục tiêu tăng trưởng. Nếu cứ tăng trưởng trên 6% mà chất lượng không đổi thì không để làm gì cả”, TS Nguyễn Đình Cung làm rõ thêm.

Đây là thái độ được coi là bình tĩnh hơn nhiều so với các sự “hoảng hốt” gần đây trước sự sụt giảm của tốc độ tăng trưởng quý I/2016 của dư luận, cũng như các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách gần đây.

“Có lẽ vì chúng ta đã đặt kỳ vọng quá nhiều, bởi mức tăng trưởng cao đạt được trong năm 2015, bởi năm nay là năm đầu của một kỳ kế hoạch mới, một nhiệm kỳ mới”, ông Nguyễn Anh Dương lý giải.

Điểm khác biệt và đáng lo ngại của kinh tế Việt Nam trong thời điểm này, theo TS. Nguyễn Đình Cung, là nông nghiệp tăng trưởng âm, công nghiệp và xây dựng đóng góp vào tăng trưởng giảm đi, nghịch lý tăng trưởng thấp nhưng thu ngân sách cao, bội chi không có điểm dừng, nợ công liên tục tăng lên mức cao nhất khu vực, trong khi môi trường kinh doanh lại kém nhất khu vực. Với trùng điệp rào cản, gánh nặng thuế, phí, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam dường như không còn sức sống.

Xử lý nợ xấu như lấy “thảm che rác”

TS. Nguyễn Đình Cung cũng chỉ rõ, hiện nay, tái cơ cấu nền kinh tế đang dở dang và đang không thực chất. Tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu như lấy “thảm che rác” chứ không phải quét rác đi, đó là gánh nặng của nền kinh tế, tốn bao nhiêu chi phí.

Đầu tư công chưa khắc phục được các tình trạng dàn trải, lãng phí, tăng trưởng dưới tiềm năng, vậy tiềm năng nằm ở đâu, làm gì để có thể khơi gợi tiềm năng ấy..

Tiềm năng nằm ở chính các điểm yếu đó là tài nguyên khổng lồ trong khu vực DNNN đang sử dụng lãng phí, không hiệu quả… tài nguyên thiên nhiên sử dụng lãng phí, kém hiệu quả; lao động chưa phát triển, tiềm năng trong dân chưa khai thác hết.

“Đó là về mặt tài sản hữu hình. Còn về vô hình thì thấy các sáng tạo, sáng kiến đang bị thui chột, kìm hãm nó, chưa thấy động lực khơi dậy, sáng tạo, đổi mới”, TS. Cung thẳng thắn.

Kìm hãm tiềm năng đó chính là thể chế, đó là thác thức của chúng ta, thể chế lạc hậu trong quản lý nhà nước, các quy định không phù hợp; các bộ máy tổ chức không phù hợp, năng lực quản lý nhà nước không phù hợp, tạo ra khung khổ kìm hãm.

Mức độ hài lòng, niềm tin của dân chúng giảm dần, trong khi nguy cơ phụ thuộc bên ngoài ngày càng lớn, áp dụng hội nhập càng lớn, nguy cơ đẩy ra khỏi lề hội nhập là rất lớn.

Tăng trưởng kinh tế quý II có thể đạt 6,17%

Về triển vọng kinh tế vĩ mô, nhóm nghiên cứu của CIEM dự báo, tăng trưởng kinh tế quý II có thể đạt 6,17%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 8,02%, thấp hơn so với cùng kỳ 2015 (9,28%). Thâm hụt thương mại dự báo ở mức 0,42 tỷ USD, chủ yếu cầu đầu tư và nhập khẩu tăng (dù không nhiều so với quý I). Mức tăng giá tiêu dùng trong quý II dự báo khoảng 0,73%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2015 (0,65%).

Kết quả dự báo một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, quý II/2016

Đơn vị: %

Tăng trưởng GDP (so với cùng kỳ 2015)

6,17

Lạm phát (so với cuối quý I/2016)

0,73

Tăng trưởng xuất khẩu (so với cùng kỳ 2014)

8,02

Cán cân thương mại (tỷ USD)

-0,42

Để có thể đạt mức tăng trưởng trên, theo nhóm nghiên cứu cần, thực hiện đầy đủ, triệt để và nhất quán Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, nhất là các quy định về tự do kinh doanh, bãi bỏ ngay các điều kiên kinh doanh ban hành trái với thẩm quyền.

Ban hành ngay nghị định xử lý các vướng mắc, mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư, nghị định 118/2015/NĐ-CP và pháp luật về đất đai, môi trường, xây dựng, nhà ở và kinh doanh bất động sản…

Ban hành nghị định hoặc văn bản hướng dẫn xử lý các vướng mắc, cản trở do thiếu rõ ràng, thiếu tương thích.

“Điểm mấu chốt cần cải thiện là phải củng cố lại niềm tin. Do đó, Chính phủ không nên tăng bất cứ loại thuế, phí nào trong hoàn cảnh hiện nay. Nên chấm dứt bàn tăng phí giao thông trong 5 năm tới để tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp. Đối với đầu tư công, phải chấm dứt bổ sung vốn nhà nước cho các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả như Tổng Công ty Gang thép Thái Nguyên”, ông Cung chỉ rõ.

Ông Cung cũng cho rằng, cần sớm ban hành Nghị quyết 19 mới, các bộ trưởng,chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải chủ động, tích tích, quyết liệt chỉ đạo.

Phải chuyển đổi được sở hữu, phải thiết lập cơ chế thị trường điều phối, chứ không phải nhà nước điều phối, thị trường cạnh tranh mới điều phối được nền kinh tế. Phải thay đổi bộ máy nhà nước, cách điều hành của nhà nước, phải có vai trò của nhà nước đứng bên cạnh bổ sung, khu vực nhà nước mới là trọng tâm cải cách làn sóng thứ 2 của Việt Nam.

“Chúng ta phải tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh ở Việt Nam. Khi đó, doanh nghiệp phải lớn lên trong cạnh tranh chứ không phải là ô dù, quan hệ”, TS. Nguyễn Đình Cung mạnh mẽ./.