Giám đốc WB, bà Victoria Kwakwa nhận xét “Năm qua, Việt Nam đã thành công trong việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thể hiện bằng tỉ lệ lạm phát vừa phải và cải thiện trong cán cân đối ngoại”.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể quá trình, ông Sandeep Mahajan - Kinh tế trưởng WB lại nhận định, xu hướng tăng trưởng thấp sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới ở Việt Nam. Giai đoạn 2006 - 2010, tăng trưởng của Việt Nam bình quân 7% một năm, nhưng trong 3 năm nay, mức tăng trưởng chỉ đạt 5,6%, thấp nhất trong 13 năm qua.

Ông Sandeep Mahajan nhấn mạnh: "Điều đáng lo ngại là khi các nước trong khu vực châu Á vẫn giữ được đà tăng trưởng trong khi Việt Nam lại giảm tốc". Nhưng, WB vẫn đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam ở mức tích cực. Tăng trưởng GDP năm 2014 - 2015 dự báo sẽ ở mức 5,4-5,5%, cao hơn giai đoạn 2012 - 2013.

Một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại là do niềm tin của khu vực tư nhân bị suy giảm. Ông Sandeep Mahajan cho biết, đầu tư tư nhân đã giảm mạnh từ 15% GDP giai đoạn 2007 - 2010 xuống còn 11,5% GDP năm 2013. Báo cáo chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cũng cho thấy các doanh nghiệp có xu hướng giảm đầu tư hoặc không mở rộng sản xuất. Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) phần lớn thời gian của năm 2013 nằm dưới ngưỡng 50, tức sản xuất của ngành chế tạo có chiều hướng co hẹp. Đặc biệt, mức tăng chi tiêu của các hộ gia đình giảm từ 8,9% xuống còn 5,1% giai đoạn 2009-2012.

Ngoài ra, tiến độ cải cách doanh nghiệp Nhà nước chậm chạp cũng là nguyên nhân lớn khiến kinh tế Việt Nam trì trệ. Theo chuyên gia WB, chủ trương phân loại doanh nghiệp Nhà nước chưa hoàn thiện, thị trường khó khăn, thiếu các phân tích và đánh giá về tình hình tài chính cũng dẫn đến quá trình thoái vốn, cổ phần hóa không đúng tiến độ.

Đánh giá về cỉa cách khu vực ngân hàng, WB đưa nhận xét là “vẫn còn mong manh”. Ông Sandeep Mahajan cho rằng: "Nếu theo chuẩn quốc tế nợ xấu sẽ còn cao hơn và việc Nhà nước còn nắm nhiều cổ phần trong ngân hàng cũng gây ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của khu vực này". Tuy nhiên, WB cũng có ghi nhận tích cực với việc thành lập và sự hoạt động bước đầu của VAMC trong việc giải quyết nợ xấu.

Để có thể cải thiện tăng trưởng tốt hơn trong tương lai, các chuyên gia của WB khuyến nghị Chính phủ cần có những chính sách sát với điều kiện thị trường và hợp lý hơn để giúp doanh nghiệp bán vốn, cổ phần hóa. Riêng khu vực ngân hàng, cần phải tăng cường công khai minh bạch thông tin, trong đó có nợ xấu, tỷ lệ sở hữu. Đồng thời, phải cho phép tư nhân tham gia sở hữu nhiều hơn trong các ngân hàng.

Trong lĩnh vực tài khóa, các quyết sách cần nhất quán, nhằm đưa thâm hụt ngân sách về 4% GDP theo đúng cam kết. Nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp Nhà nước và ngân hàng cũng cần được giải quyết để không gây áp lực lên cân đối dài hạn./.