Thu hút 3,34 tỷ USD vốn FDI trong 2 tháng đầu năm
Cụ thể, theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 2 tháng đầu năm, có 411 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 1,39 tỷ USD, bằng 68,6% so với cùng kỳ năm 2017. Cùng với đó có 133 lượt dự án đăng ký tăng vốn, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 700,3 triệu USD, bằng 92,2% so với cùng kỳ 2017.
Theo lý giải của Cục Đầu tư nước ngoài, FDI đăng ký mới và tăng thêm vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm ngoái là do năm 2017 thu hút được nhiều dự án mới đầu tư có quy mô vốn từ 100- 300 triệu USD (chiếm 54,6% tổng vốn đăng ký trong năm 2017). Trong khi đó, 2 tháng đầu năm 2018 chỉ có 1 dự án có quy mô vốn trên 100 triệu USD được cấp phép mới.
Đối lập với FDI đăng ký mới và tăng thêm giảm, 2 tháng đầu năm 2018 có 873 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị 1,25 tỷ USD, tăng 102,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, 471 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 858,87 triệu USD và 402 lượt góp vốn, mua cổ phần mà nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ, với tổng giá trị vốn góp 394,5 triệu USD.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 16 ngành, lĩnh vực tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn dẫn đầu với tổng vốn đăng ký đạt 1,83 tỷ USD, chiếm 54,6% tổng vốn đăng ký trong 2 tháng đầu năm. Lĩnh vực xây dựng đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký 345,4 triệu USD, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư và kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký 312,1 triệu USD, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Hàn Quốc là nhà đầu tư dẫn đầu trong tổng số hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm với tổng vốn đăng ký là 851,2 triệu USD, chiếm 25,5% tổng vốn đầu tư. British Virgin Islands đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký xấp xỉ 450 triệu USD, chiếm 13,45% tổng vốn đầu tư; Singapore đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 418,5 triệu USD, chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư.
47/63 tỉnh, thành phố thu hút được FDI trong 2 tháng đầu năm, trong đó, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,05 tỷ USD, chiếm 31,27% tổng vốn đầu tư đăng ký; Bình Dương đứng thứ 2 với 434 triệu USD, chiếm 12,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và Ninh Thuận đứng thứ 3 với 253,9 triệu USD, chiếm 7,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Xuất khẩu của khu vực FDI trong 2 tháng đầu năm (kể cả dầu thô) đạt 23,96 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ 2017 và chiếm 71,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 23,56 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ 2017, chiếm 70,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nhập khẩu của khu vực FDI đạt 19,2 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ, chiếm 59% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung 2 tháng đầu năm, khu vực FDI xuất siêu 4,76 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 4,36 tỷ USD không kể dầu thô./.
Bình luận