Ngô Thanh Phú

Cục Thuế tỉnh Trà Vinh; Học viên Cao học Đại học Trà Vinh

Email: phungothanh00@gmail.com

Nguyễn Hồng Hà

PGS.TS, Trưởng khoa Tài chính, Trường Kinh tế, Luật - Đại học Trà Vinh

Email: hongha@tvu.edu.vn

Tóm tắt

Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm đánh giá các yếu tố nội tại địa phương ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong giai đoạn 2013 - 2023. Dữ liệu được thu thập từ Tổng cục Thống kê; Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh khu vực ĐBSCL. Nhóm nghiên cứu đã ứng dụng mô hình tác động cố định (FEM), tác động ngẫu nhiên (REM), kiểm định Hausman để lựa chọn mô hình phù hợp và phương pháp FGLS nhằm khắc phục các vấn đề tự tương quan và phương sai thay đổi, đồng thời kiểm tra tính dừng của dữ liệu để đảm bảo kết quả có thể khái quát trong dài hạn. Kết quả cho thấy mức độ mở cửa kinh tế, số lượng dự án FDI được cấp phép, tỷ lệ lao động qua đào tạo và hạ tầng công nghiệp có tác động tích cực, trong khi quy mô lực lượng lao động, GRDP, tỷ lệ hộ nghèo và tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ lại ảnh hưởng tiêu cực. Nghiên cứu không tìm thấy mối quan hệ có ý nghĩa thống kê đối với các biến đô thị hóa và PCI. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đề xuất các khuyến nghị nhằm tối ưu hóa lợi thế cạnh tranh của địa phương, tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy phát triển bền vững tại vùng ĐBSCL.

Từ khóa: nhân tố, thu hút FDI, Đồng bằng sông Cửu Long, lợi thế cạnh tranh, phát triển bền vững

Summary

The purpose of this study is to assess the local internal factors affecting foreign direct investment (FDI) attraction in the Mekong Delta region from 2013 to 2023. Data were collected from the General Statistics Office, Department of Planning and Investment of the provinces in the Mekong Delta region. The research team applied the fixed effects model (FEM), random effects model (REM), and Hausman test to select the appropriate model and the FGLS method to overcome the problems of autocorrelation and heteroscedasticity and, at the same time, checked the stationarity of the data to ensure that the results can be generalized in the long term. The results show that the level of economic openness, the number of licensed FDI projects, the proportion of trained workers, and industrial infrastructure have positive impacts, while the size of the labor force, GRDP, the proportion of poor households, and total retail sales of goods and services have adverse effect. The study did not find a statistically significant relationship between urbanization and PCI variables. Based on that, the study proposes recommendations to optimize local competitive advantages, creating a solid foundation to promote sustainable development in the Mekong Delta region.

Keywords: factors, FDI attraction, Mekong Delta region, Competitive advantage, Sustainable development

ĐẶT VẤN ĐỀ

Vùng ĐBSCL được thiên nhiên ưu ái với mạng lưới sông ngòi, kênh, rạch dày đặc không chỉ thuận lợi cho giao thông đường thủy mà còn là nguồn lực quan trọng các ngành nông nghiệp, thủy sản và công nghiệp chế biến, tạo tiền đề lý tưởng để phát triển kinh tế sông và hệ thống logistics. Tuy nhiên, dù sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên, khả năng thu hút vốn FDI của ĐBSCL vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Theo thống kê báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (2024), lũy kế 11 tháng năm 2024 khu vực này chỉ đóng góp khoảng 7,4% tổng vốn FDI cả nước, một con số khá khiêm tốn so với tự nhiên và lợi thế kinh tế của vùng.

ĐBSCL là trung tâm sản xuất lúa gạo, thủy sản, trái cây khi đóng góp trên 95% lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng thủy sản cá xuất khẩu và 70% các loại trái cây. Toàn vùng có diện tích trên 40.000 km2, dân số trên 20 triệu người. Song đồng bằng này cũng chịu nhiều tổn thương, thách thức cản trở sự phát triển bền vững (Lưu Thị Lan, 2024). Trong đó, GRDP của vùng gần như không thay đổi trong cơ cấu, do vẫn phải đảm bảo vai trò an ninh lương thực. Dân số vùng giảm, tỷ lệ tăng tự nhiên thấp nhất cả nước (0,55‰), lao động qua đào tạo chỉ đạt 15%, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh. Ngoài ra, sự phân hóa giàu nghèo giữa các tỉnh rõ rệt, trong khi lợi thế về môi trường kinh doanh đang giảm sút. Tỷ trọng đầu tư cũng giảm từ 18,7% (2017) xuống 14,9% (2022), trong khi mô hình nông nghiệp hiện tại không còn nhiều dư địa để tăng trưởng, đòi hỏi sự cải cách toàn diện (VCCI & FSPPM, 2023).

Trên cơ sở những vấn đề đã trình bày, nghiên cứu này tập trung đánh giá tác động của các nhân tố nội tại địa phương đến khả năng thu hút vốn FDI tại đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, nghiên cứu đề xuất các chính sách mang tính thực tiễn nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường sức cạnh tranh của khu vực và định hướng phát triển bền vững trong tương lai.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT

Faruq (2023) đã phân loại các nhân tố tác động đến FDI thành 3 nhóm chính: kinh tế, thể chế và chính trị và phân tích dữ liệu bảng từ 24 nền kinh tế châu Á trong giai đoạn 2002-2018. Kết quả chỉ ra rằng, quy mô thị trường và sự ổn định chính trị là hai nhân tố ảnh hưởng đến khả năng thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất. Quy mô thị trường tạo ra tiềm năng lợi nhuận lâu dài, trong khi sự ổn định chính trị lại mang lại sự an toàn về vốn. Tuy nhiên, theo World Bank (2017), trong dài hạn hiệu quả quản trị vẫn là nhân tố đóng vai trò quyết định, bởi nó là nền tảng để thực thi chính sách hiệu quả, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Amzil và cộng sự (2024) tập trung phân tích tác động của FDI đối với đô thị hóa và chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại 53 quốc gia đang phát triển trong giai đoạn 2000 - 2023. Áp dụng mô hình GMM, nghiên cứu kết luận rằng FDI thường tập trung vào khu vực nông thôn hoặc ngoại thành đã làm chậm tiến trình đô thị hóa. Tuy nhiên, các yếu tố nội tại như vốn đầu tư cố định, GDP bình quân đầu người và đa dạng hóa sản xuất có tác động tích cực, thúc đẩy quá trình này. Từ đó, nghiên cứu khuyến nghị các quốc gia cần đầu tư nội địa, cải thiện cơ cấu sản xuất và phân bổ hợp lý FDI nhằm giảm bất bình đẳng vùng miền và đạt tăng trưởng bền vững. Trong khi đó, nghiên cứu của Udi Joshua và cộng sự (2020) tập trung vào Nam Phi giai đoạn 1970 - 2017, sử dụng mô hình ARDL và kiểm định nhân quả Granger để phân tích mối quan hệ hai chiều giữa đô thị hóa và FDI. Kết quả chỉ ra rằng đô thị hóa không chỉ thu hút dòng vốn FDI mà còn tạo điều kiện cho đầu tư vào các ngành công nghiệp và hạ tầng.

Nhằm làm rõ mối quan hệ giữa FDI và tỷ lệ giảm nghèo, Bambang Perkasa Alam và cộng sự (2023) đã thực hiện nghiên cứu tại miền Tây Java, Indonesia trong giai đoạn 2010 - 2022. Nghiên cứu áp dụng mô hình hồi quy bội để đánh giá mức độ tác động của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tỷ lệ giảm nghèo trong khu vực. Kết quả cho thấy FDI góp phần giảm nghèo, nhưng hiệu quả chưa đồng đều do lợi ích kinh tế chủ yếu tập trung vào một số khu vực hoặc nhóm dân cư. Nhóm nghiên cứu đề xuất cải thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh đào tạo nghề và khuyến khích sự tham gia của lao động địa phương vào các dự án FDI nhằm tối đa hóa tác động tích cực.

Tran Van Hung và Le Thi Mai Huong (2019) phân tích mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế (được đo lường bằng GRDP) và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn 1997 - 2017. Nghiên cứu sử dụng mô hình VAR và kiểm định nhân quả Granger cho thấy có mối quan hệ hai chiều giữa FDI và tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, các yếu tố như mức độ mở cửa kinh tế và chất lượng nguồn nhân lực cũng ảnh hưởng đáng kể đến thu hút FDI. Nghiên cứu đề xuất tỉnh Đồng Nai cần tập trung nâng cao chất lượng và số lượng các dự án FDI, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường mở cửa kinh tế và đảm bảo các dự án FDI hướng đến phát triển bền vững cũng như bảo vệ môi trường. Tương tự, nghiên cứu của Le Bao và cộng sự (2021) tập trung phân tích mối quan hệ giữa vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tăng trưởng kinh tế (GRDP) tại Bình Định từ năm 1997 đến 2019. Bằng cách sử dụng dữ liệu chuỗi thời gian và áp dụng các mô hình kinh tế VAR và ARDL, nghiên cứu chỉ ra rằng GRDP đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút FDI, trong khi tác động ngược lại của FDI đối với GRDP không rõ rệt do hạn chế về cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực còn yếu kém.

Trong khi đó, Smitha Kothari và cộng sự (2023) đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của cơ sở hạ tầng (CSHT) trong việc thu hút dòng vốn FDI vào Ấn Độ. Dựa trên kết quả khảo sát 130 chuyên gia kinh tế và sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá, nghiên cứu cho thấy CSHT không chỉ đơn thuần là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn là nền tảng quan trọng trong việc xây dựng niềm tin từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Nghiên cứu Lê Thanh Hà (2023) tập trung phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Hà Nội. Với dữ liệu thu thập từ giai đoạn 2018 - 2022, nghiên cứu chỉ ra rằng cơ sở hạ tầng hiện đại, môi trường kinh tế ổn định và các đặc điểm lao động tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn cho Hà Nội trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Từ đó, nghiên cứu đưa ra kết luận rằng sự phối hợp hài hòa giữa cơ sở hạ tầng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và môi trường kinh tế ổn định chính là nền tảng cho một chiến lược thu hút FDI hiệu quả tại Hà Nội.

Tại khu vực ĐBSCL, Nghiên cứu của Nguyễn Kim Phước (2015) đã chỉ rõ những hạn chế lớn nhất của khu vực bao gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế còn chậm, cơ cấu lao động thiên về các ngành thâm dụng lao động và sự hạn chế nguồn vốn đầu tư từ cả khu vực nhà nước lẫn tư nhân. Thêm vào đó, chi phí gia nhập thị trường cao và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả đã tạo thành rào cản lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thực trạng này càng trở nên đáng lo ngại hơn khi nghiên cứu chỉ ra rằng, mặc dù GDP có tác động tích cực đến việc thu hút FDI trên cả nước nhưng không mang lại hiệu quả tương tự tại ĐBSCL. Thậm chí, dòng vốn FDI còn có xu hướng lấn át đầu tư tư nhân, gây khó khăn trong việc duy trì sự phát triển bền vững tại khu vực. Bên cạnh đó, các yếu tố quan trọng như chất lượng lao động, cơ sở hạ tầng và chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân vẫn chưa được khai thác đúng mức ở khu vực này.

Trong khi Nguyễn Kim Phước tập trung vào việc phân tích các rào cản cốt lõi thì nghiên cứu của Vũ Thanh An và Nguyễn Bá Hoàng (2022) lại hướng tới việc tìm giải pháp từ góc độ chính sách và thể chế. Hai tác giả nhấn mạnh rằng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và số lượng dự án FDI có tác động tích cực đến việc thu hút vốn đầu tư. Điều này cho thấy, ngoài việc cải thiện hạ tầng, cần có những chính sách mạnh mẽ hơn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy sự phát triển của các dự án mới.

Nhìn chung, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những yếu tố như cơ sở hạ tầng, quy mô thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, môi trường kinh tế ổn định và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, sự khác biệt trong khả năng thu hút FDI giữa các địa phương không chỉ phản ánh sự chênh lệch về cơ sở hạ tầng hay quy mô thị trường mà còn nằm ở cách mỗi nơi xây dựng chiến lược phát triển phù hợp. Đặc biệt, khu vực ĐBSCL cần tập trung xây dựng các chiến lược liên kết vùng hiệu quả để khai thác tối đa tiềm năng của từng tỉnh, thành và cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các địa phương này nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp. Điều này không chỉ giúp các tỉnh, thành trong khu vực bổ trợ lẫn nhau mà còn tăng sức cạnh tranh của ĐBSCL trên bản đồ thu hút FDI, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng toàn diện và bền vững.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu thứ cấp thu thập của 10 tỉnh, thành vùng ĐBSCL trong thời gian 11 năm (2013 - 2023), do đó tổng số quan sát sẽ là 110 (10 tỉnh, thành x 11 năm). Bằng cách khai thác số liệu thứ cấp từ các tỉnh, thành trong khu vực trong giai đoạn 2013 - 2023, nghiên cứu đặt mục tiêu tìm ra những yếu tố có tác động đến việc thu hút FDI của vùng, từ đó cung cấp cơ sở khoa học cho các giải pháp chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả thu hút FDI cho toàn vùng. Mô hình nghiên cứu được đề xuất như sau:

FDIit = β0 + β1(GRDPit) + β2(DOMOKTit) + β3(PCIit) + β4(LAODONGit) + β5(LAODONG_DTit)+ β6(BANLEit) + β7(SLFDIit) + β8(HTCNit) + β9(DOTHIHOAit) + β10(HONGHEOit) + εit

Trong đó:

  • i: gồm các tỉnh, thành vùng ĐBSCL (i = 1; 2;…;10).

  • t: là các năm từ 2013 - 2023 (t = 1; 2;…;11).

  • εit: là sai số

Bảng 1: Bảng kỳ vọng dấu của các biến trong mô hình nghiên cứu

Biến độc lập

Kỳ vọng

Giải thích biến

Cơ sở chọn biến

GRDP

(+)

Địa phương có GRDP cao sẽ hấp dẫn FDI hơn nhờ tiềm lực kinh tế mạnh mẽ, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp đầu tư.

Tran Van Hung và Le Thi Mai Huong (2019), Le Bao và cộng sự (2021)

DOMOKT

(+)

Độ mở kinh tế càng lớn, cơ hội giao thương và hội nhập quốc tế càng cao, từ đó nâng cao sức hấp dẫn của địa phương đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Trịnh Thị Phượng và Đỗ Thị Hải (2024), Tran Van Hung và Le Thi Mai Huong (2019)

PCI

(+)

Môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh và thuận lợi sẽ là yếu tố quan trọng để thu hút FDI.

Lê Thanh Hà (2023), Vũ Thanh An và Nguyễn Bá Hoàng (2022)

LAODONG

(+)

Lực lượng lao động dồi dào đáp ứng nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp FDI, từ đó tăng cường sức hút đầu tư.

Lê Thanh Hà (2023)

LAODONG_DT

(+)

Nguồn lao động chất lượng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và năng suất của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tran Van Hung và Le Thi Mai Huong (2019)

BANLE

(+)

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, biểu trưng cho quy mô kinh tế và sức mua của thị trường mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp FDI khai thác tiềm năng phát triển dài hạn.

Faruq (2023), Trịnh Thị Phượng và Đỗ Thị Hải (2024)

SLFDI

(+)

Số lượng dự án FDI nhiều là tín hiệu tích cực, củng cố lòng tin và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài mới.

Vũ Thanh An và Nguyễn Bá Hoàng (2022)

HTCN

(+)

Hạ tầng công nghiệp hiện đại, đồng bộ giúp giảm chi phí vận chuyển, tăng hiệu quả vận hành, làm cho địa phương trở thành điểm đến lý tưởng cho FDI.

Smitha Kothari và cộng sự (2023), Lê Thanh Hà (2023)

HONGHEO

(-)

Tỷ lệ hộ nghèo cao phản ánh điều kiện kinh tế - xã hội kém phát triển, làm giảm sức hấp dẫn của địa phương trong mắt các nhà đầu tư.

Bambang Perkasa Alam và cộng sự (2023), Sèna Kimm Gnangnon (2020)

DOTHIHOA

(+)

Đô thị hóa cao gắn liền với cơ sở hạ tầng hiện đại, mức sống cao và môi trường kinh tế năng động, thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp FDI.

Mustapha Amzil và cộng sự (2024), Udi Joshua và cộng sự (2020)

Nguồn: Tác giả tự tổng hợp, 2024

Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng phương pháp định lượng, kết hợp các kỹ thuật hồi quy với dữ liệu bảng (Panel Data) gồm mô hình tác động cố định (Fixed Effects Model - FEM), mô hình tác động ngẫu nhiên (Random Effect Model - REM) và phương pháp kiểm định Hausman nhằm xác định mô hình phù hợp nhất. Phương pháp FGLS (Feasible Generalized Least Squares) được áp dụng để khắc phục các vấn đề như phương sai thay đổi, tự tương quan và sự phụ thuộc giữa các biến, đảm bảo kết quả chính xác và đáng tin cậy. Ngoài ra, dữ liệu được kiểm tra tính dừng để tăng cường độ ổn định và tính khái quát hóa, qua đó đánh giá tác động của các yếu tố nội tại địa phương đến khả năng thu hút FDI tại vùng ĐBSCL.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Phân tích dữ liệu

Nhóm tác giả tiến hành thống kê mô tả 1.210 quan sát các biến của mô hình nghiên cứu; Kết quả phân tích thống kê mô tả cho thấy các tỉnh, thành có sự khác biệt lớn về các yếu tố phát triển kinh tế và xã hội. Các biến như FDI, GRDP, BANLE có mức độ biến động cao, phản ánh sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương. Kiểm định sự phụ thuộc chéo (CD -test) của dữ liệu để khắc phục mô hình. Kiểm định tính dừng của dữ liệu để tìm ra các yếu tố nội tại địa phương ảnh hưởng đến việc thu hút nguồn vốn FDI của các tỉnh vùng ĐBSCL là một bước quan trọng trong quá trình phân tích, bởi vì nếu chuỗi không dừng các kết quả thu được sẽ chỉ có ý nghĩa trong phạm vi giai đoạn cụ thể mà không thể khái quát hóa thành xu hướng dài hạn hay áp dụng cho các giai đoạn khác. Hệ quả là các chính sách đề xuất dựa trên những chuỗi không dừng sẽ không chính xác, thậm chí sai lệch nếu áp dụng trong dài hạn.

Bảng 2: Kết mô hình hồi quy Pooled OLS, FEM và REM

Tên biến

Pooled OLS

FEM

REM

DOMOKT

9762.7***

1746.7

9762.7***

[0.006]

[0.866]

[0.005]

SLFDI

60.58

-359.6***

60.58

[0.235]

[0.000]

[0.231]

PCI

-28.90

97.06

-28.90

[0.922]

[0.789]

[0.922]

LAODONG_DT

267.4

-192.1

267.4

[0.416]

[0.743]

[0.414]

d_GRDP

-0.0267

-0.161

-0.0267

[0.906]

[0.455]

[0.906]

d_HTCN

1734.8

-320.1

1734.8

[0.403]

[0.872]

[0.401]

d_DOTHIHOA

-244.9

-46.24

-244.9

[0.811]

[0.961]

[0.810]

d_LAODONG

-76.07**

-60.43*

-76.07**

[0.046]

[0.096]

[0.043]

d_BANLE

-0.0685

-0.0390

-0.0685

[0.416]

[0.615]

[0.414]

dd_HONGHEO

-593.4

-538.8

-593.4

[0.314]

[0.311]

[0.311]

_cons

-4365.8

6363.4

-4365.8

[0.810]

[0.781]

[0.810]

Số quan sát

90

90

90

R-squared

0.395

0.277

Ý nghĩa thống kê

0.0000

0.0077

0.0000

F-test

Prob > F = 0.0015

Hausman

Prob > chi2 = 0.0002

Mức ý nghĩa: *, **, *** 10%, 5%, và 1%

Nguồn: kết quả từ Stata 17)

Theo kết quả từ Bảng 2, các mô hình Pooled OLS, FEM, và REM đều có ý nghĩa thống kê. Trong quá trình xử lý dữ liệu, việc lấy sai phân để đảm bảo tính dừng của các biến đã làm giảm số lượng quan sát, vì các giá trị đầu tiên trong chuỗi dữ liệu bị mất. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến độ tin cậy của kết quả phân tích, vì việc giảm số quan sát chỉ là kết quả tự nhiên của phương pháp xử lý dữ liệu và không làm thay đổi bản chất của thông tin.Kiểm định F-test được sử dụng để so sánh mô hình Pooled OLS và FEM, nhằm xác định liệu có tồn tại các ảnh hưởng cố định trong dữ liệu hay không.

Mô hình FGLS

Kết quả ước lượng FGLS sử dụng ma trận phương sai - hiệp phương sai của sai số để điều chỉnh các vấn này, FGLS mang lại những ước lượng chính xác hơn và mạnh mẽ hơn. Điều này giúp nâng cao độ tin cậy của mô hình và cải thiện độ chính xác của mô hình.

Bảng 3: Kết quả tổng hợp mô hình Pooled OLS, FEM, REM, FGLS

Tên biến

Mô hình Pooled OLS

Mô hình FEM

Mô hình REM

Mô hình FGLS

DOMOKT

9762.7***

1746.7

9762.7***

8286.5***

[0.006]

[0.866]

[0.005]

[0.000]

SLFDI

60.58

-359.6***

60.58

103.1***

[0.235]

[0.000]

[0.231]

[0.000]

PCI

-28.90

97.06

-28.90

-32.02

[0.922]

[0.789]

[0.922]

[0.702]

LAODONG_DT

267.4

-192.1

267.4

307.4***

[0.416]

[0.743]

[0.414]

[0.000]

d_GRDP

-0.0267

-0.161

-0.0267

-0.104**

[0.906]

[0.455]

[0.906]

[0.016]

d_HTCN

1734.8

-320.1

1734.8

668.4*

[0.403]

[0.872]

[0.401]

[0.071]

d_DOTHIHOA

-244.9

-46.24

-244.9

-215.2

[0.811]

[0.961]

[0.810]

[0.344]

d_LAODONG

-76.07**

-60.43*

-76.07**

-74.31***

[0.046]

[0.096]

[0.043]

[0.000]

d_BANLE

-0.0685

-0.0390

-0.0685

-0.0519***

[0.416]

[0.615]

[0.414]

[0.000]

dd_HONGHEO

-593.4

-538.8

-593.4

-475.3***

[0.314]

[0.311]

[0.311]

[0.000]

_cons

-4365.8

6363.4

-4365.8

-3607.1

[0.810]

[0.781]

[0.810]

[0.521]

Số quan sát

90

90

90

R-squared

0.395

0.277

Ý nghĩa thống kê

0.0000

0.0077

0.0000

0.0000

(Mức ý nghĩa: *, **, *** 10%, 5%, và 1%)

Nguồn: kết quả từ Stata 17

Kết quả hồi quy FGLS

Kết quả hồi quy từ mô hình FGLS trong bảng 3 cho thấy một số yếu tố có tác động đáng kể đến biến phụ thuộc với mức ý nghĩa thống kê khác nhau.

Độ mở nền kinh tế (DOMOKT) có tác động tích cực đến thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cụ thể, khi độ mở nền kinh tế tăng thêm 1 đơn vị, lượng vốn FDI có thể tăng trung bình khoảng 8286.5 đơn vị. Kết quả này không chỉ phù hợp với kỳ vọng ban đầu mà còn tương tự với các nghiên cứu trước đây của Trịnh Thị Phượng và Đỗ Thị Hải (2024), Tran Van Hung và Le Thi Mai Huong (2019). Điều này nhấn mạnh vai trò then chốt của một môi trường kinh tế mở trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Số lượng dự án FDI được cấp giấy phép (SLFDI) có tác động thuận chiều đến việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Với hệ số ước lượng là 103.1 và mức ý nghĩa thống kê cao (p-value = 0.000), SLFDI khẳng định vai trò quan trọng trong việc tạo động lực gia tăng dòng vốn FDI vào khu vực. Sự tác động này đồng nghĩa với việc khi số lượng dự án FDI được cấp phép tăng thì lượng vốn FDI được thu hút cũng có xu hướng gia tăng theo. Điều này phù hợp với kỳ vọng lý thuyết và củng thêm kết quả nghiên cứu của Vũ Thanh An và Nguyễn Bá Hoàng (2022). Những địa phương có số lượng dự án FDI lớn thường xây dựng được hình ảnh về một môi trường kinh doanh ổn định và tiềm năng, qua đó không chỉ tạo ra sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế mà còn tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế địa phương.

Mối quan hệ giữa đặc điểm lực lượng lao động địa phương và khả năng thu hút dòng vốn FDI tại khu vực ĐBSCL đã mang lại những hàm ý quan trọng. Hai yếu tố được phân tích trong nghiên cứu là lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên (LAODONG) và tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo (LAODONG_DT) của các tỉnh vùng ĐBSCL, qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng của chất lượng nguồn nhân lực trong việc nâng cao sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Biến LAODONG với hệ số -74.31 (p-value = 0.000) cho thấy mối quan hệ nghịch chiều giữa quy mô lực lượng lao động phổ thông và khả năng thu hút FDI. Kết quả này không chỉ đi ngược với kỳ vọng ban đầu mà còn trái ngược với những phát hiện trước đó của Lê Thanh Hà (2023). Điều này ngụ ý rằng, mặc dù quy mô lao động lớn có thể làm giảm chi phí lao động nhưng đây không phải là yếu tố quyết định đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, trong các ngành công nghiệp đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao để đáp ứng những tiêu chuẩn về sản xuất và vận hành máy móc. Trong khi đó, biến LAODONG_DT với hệ số 307.4 và có ý nghĩa thống kê ở mức 1% (p-value = 0.001) cho thấy tác động tích cực đến khả năng thu hút FDI. Điều này khẳng định tầm quan trọng của lao động có trình độ chuyên môn cao trong việc nâng cao năng suất lao động và đáp ứng hiệu quả các yêu cầu khắt khe từ các doanh nghiệp FDI. Kết quả này không chỉ củng cố giả thuyết ban đầu mà còn phù hợp với các nghiên cứu trước đây của Tran Van Hung và Le Thi Mai Huong (2019).

Quy mô của nền kinh tế được đo lường qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (biến BANLE) có hệ số -0.0519 và p-value = 0.000, phản ánh quan hệ nghịch chiều giữa quy mô kinh tế và khả năng thu hút dòng vốn FDI tại khu vực ĐBSCL. Kết quả này không chỉ đi ngược lại kỳ vọng ban đầu mà còn khác biệt so với các nghiên cứu trước đây của Faruq (2023), Trịnh Thị Phượng và Đỗ Thị Hải (2024) vốn cho rằng quy mô kinh tế lớn luôn tạo lợi thế trong việc thu hút FDI. Nguyên nhân cho kết quả này là sự phát triển không đồng đều về quy mô kinh tế giữa các tỉnh, thành trong khu vực.

Tỷ lệ hộ nghèo (HONGHEO) có tác động ngược chiều đến khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với hệ số âm -475.3 và p-value = 0.000, điều này phù hợp với kỳ vọng ban đầu. Một khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao thường đi kèm với cơ sở hạ tầng yếu kém và thiếu các dịch vụ công cộng khiến cho chi phí hoạt động tại các khu vực này cao hơn. Khi tỷ lệ hộ nghèo cao, sức mua của người dân thường bị hạn chế, làm giảm khả năng tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ, điều này có thể làm giảm hiệu quả đầu tư trong dài hạn. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với những phát hiện từ các nghiên cứu của Bambang Perkasa Alam và cộng sự (2023) cũng như Sena Kimm Gnangnon (2020), khi cả hai đều khẳng định rằng nghèo đói không chỉ hạn chế khả năng thu hút FDI mà còn làm giảm tác động tích cực của FDI đối với phát triển kinh tế.

Hạ tầng công nghiệp (HTCN) có hệ số 668.4 và mức ý nghĩa thống kê 10% (p-value = 0.071), cho thấy tác động tích cực đến khả năng thu hút FDI và đúng với kỳ vọng ban đầu. Hạ tầng công nghiệp phát triển giúp giảm chi phí logistics, tăng cường năng lực sản xuất và tạo ra một môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Kết quả này cũng phù hợp với các nghiên cứu trước đây, chẳng hạn như của Smitha Kothari và cộng sự (2023), Lê Thanh Hà (2023). Tuy nhiên, tác động của HTCN không mạnh như các yếu tố khác, có thể do hạ tầng công nghiệp ở nhiều địa phương chưa được phát triển đồng đều và thiếu sự kết nối. Đặc biệt, đối với các tỉnh có GRDP thấp, nơi mà cơ sở hạ tầng giao thông, điện nước và sự kết nối giữa các khu công nghiệp còn thiếu, việc đầu tư vào phát triển hạ tầng công nghiệp phải được thực hiện một cách chiến lược và đồng bộ.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) có hệ số -0.104 và p-value = 0.016, cho thấy mối quan hệ tiêu cực giữa GRDP và khả năng thu hút FDI. Kết quả này ngược dấu với kỳ vọng ban đầu và khác biệt so với những phát hiện trong nghiên cứu của Tran Van Hung và Le Thi Mai Huong (2019), Le Bao và cộng sự (2021) rằng sự tăng trưởng kinh tế sẽ thúc đẩy thu hút FDI. Kết quả này có thể được lý giải qua sự chênh lệch về GRDP giữa các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL. Các tỉnh, thành có GRDP cao thường có sự phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng và nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng có thể dẫn đến tình trạng quá tải cơ sở hạ tầng, làm gia tăng chi phí sản xuất và sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Điều này khiến các nhà đầu tư nước ngoài có thể chuyển hướng đến các khu vực khác với chi phí thấp hơn và ít cạnh tranh hơn.

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

Dựa vào dữ liệu bảng từ 2013 đến 2023 của 10 tỉnh vùng ĐBSCL, nghiên cứu đã xác định các yếu tố nội tại địa phương ảnh hưởng đến khả năng thu hút dòng vốn FDI. Kết quả chỉ ra rằng, các yếu tố như độ mở kinh tế, số lượng dự án FDI được cấp phép, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo và mức độ phát triển của hạ tầng công nghiệp có tác động tích cực, trong khi các yếu tố như quy mô lực lượng lao động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, tỷ lệ hộ nghèo và GRDP lại có tác động tiêu cực. Đáng chú ý, nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng thống kê về sự ảnh hưởng của chỉ số PCI và tỷ lệ đô thị hóa đến việc thu hút dòng vốn FDI vào khu vực. Kết quả này nhấn mạnh tầm quan trọng của các yếu tố kinh tế vĩ mô, chất lượng lao động và hạ tầng trong việc thúc đẩy thu hút FDI, đồng thời khẳng định hiệu quả của mô hình FGLS trong khắc phục vấn đề phương sai sai số thay đổi và tự tương quan, qua đó nâng cao độ tin cậy của các kết luận trong nghiên cứu.

Dựa trên kết quả nghiên cứu, dưới đây là một số khuyến nghị nhằm thu hút hiệu quả dòng vốn FDI vào các tỉnh, thành thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long:

Một là, việc nâng cao độ mở kinh tế cần được gắn kết chặt chẽ với các hiệp định thương mại tự do được ký kết, đặc là hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới EVFTA và CPTPP. Các địa phương cần chủ động xây dựng chiến lược hội nhập kinh tế toàn diện, không chỉ dừng lại ở việc tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, mà còn hướng tới kết nối sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, việc mở rộng các kênh xúc tiến thương mại trực tiếp với các thị trường lớn trên thế giới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá tiềm năng của địa phương, từ đó thu hút dòng vốn FDI vào các ngành có lợi thế của vùng.

Hai là, đẩy mạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp FDI. Các tỉnh, thành cần cải tiến hệ thống quản lý theo hướng minh bạch, hiệu quả theo tinh thần của Nghị quyết số 76/NQ-CP về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Cụ thể, việc số hóa quy trình cấp phép đầu tư và triển khai các nền tảng số sẽ giúp nhà đầu tư dễ dàng tra cứu thông tin, nộp hồ sơ và theo dõi tiến độ xử lý. Điều này không chỉ rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp mà còn nâng cao hình ảnh chuyên nghiệp và thân thiện của chính quyền địa phương trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.

Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần được định hướng theo nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo bao gồm các trường đại học và cao đẳng nghề với cộng đồng doanh nghiệp. Việc thiết kế các chương trình đào tạo sát với thực tế không chỉ giúp lao động địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn mở ra cơ hội tiếp cận với các tiêu chuẩn làm việc trong môi trường quốc tế. Đây chính là yếu tố then chốt để tạo ra lực lượng lao động chất lượng cao, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khắt khe của các nhà đầu tư nước ngoài và thúc đẩy sự hội nhập bền vững vào nền kinh tế toàn cầu.

Bốn là, cần tập trung thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghiệp và kết nối giao thông trong vùng. Đặc biệt, ưu tiên phát triển các tuyến đường ven biển kết nối các tỉnh, thành trong khu vực sẽ góp phần giảm thiểu chi phí logistics, đồng thời tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa các khu vực. Hệ thống giao thông ven biển không chỉ phát huy lợi thế của các cảng biển lớn mà còn tối ưu hóa khả năng vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, qua đó thúc đẩy hiệu quả kinh tế chung của toàn vùng. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc, cảng biển và hệ thống logistics liên vùng, bảo đảm sự thông suốt trong vận chuyển hàng hóa từ đó nâng cao hiệu suất hoạt động kinh tế. Một hệ thống hạ tầng đồng bộ sẽ không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí mà còn gia tăng sức hấp dẫn của khu vực đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Năm là, cần thúc đẩy sự liên kết kinh tế giữa các tỉnh, thành thông qua phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và xây dựng chuỗi cung ứng liên kết trong toàn vùng. Mỗi địa phương cần xác định rõ thế mạnh và lợi thế cạnh tranh của mình, từ đó tập trung phát triển các ngành kinh tế chủ lực. Đồng thời, các tỉnh, thành cần hợp tác chặt chẽ với nhau để tạo thành một hệ sinh thái kinh tế liên vùng, giúp khai thác tối đa các nguồn lực sẵn có và giảm bớt tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Sự hợp tác này sẽ đảm bảo sự phát triển đồng đều và bền vững cho toàn khu vực ĐBSCL./.

Tài liệu tham khảo

1. Alam, B. P., Yolanda, Y., & Arifin, Z. (2023), Poverty and Foreign Investment and their impact on HDI in West Java Province (2010-2022 period). International Journal of Management Finance, 1(2), 93-98. doi:https://doi.org/10.62017/finance.v1i2.29

2. Amzil, M., Bihi, A. A., Bari, A. A., Adrdour, M., & Asllam, L. (2024), Urbanization as a catalyst for structural transformation in developing countries: The mediating impact of foreign direct investment. International Journal of Applied Economics, Finance and Accounting, 20(1), 58-66. doi:https://doi.org/10.33094/ijaefa.v20i1.1924

3. Cục Đầu tư nước ngoài (2024), Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài 11 tháng năm 2024.

4. Faruq, A. T. (2023), The Determinants of Foreign Direct Investment (FDI): A Panel Data Analysis for the Emerging Asian Economies, European Journal of Business and Management Research, 8(6), 35–43.

5. Gnangnon, S. K. (2022), Does Poverty deter Foreign Direct Investment flows to Developing Countries. International Journal of Economic Policy Studies, 16, 297-330.

6. Joshua, U., Bekun, F. V., & Sarkodie, S. A. (2020), New insight into the causal linkage between economic expansion, FDI, coal consumption, pollutant emissions and urbanization in South Africa. Environmental Science and Pollution Research, 27(15), 18013-18024.

7. Kothari, S., Singhal, C., & Hoang, D. C. (2023), Factors Affecting Foreign Direct Investment in India: A Survey Based Study of Economic Experts. Journal of Informatics Education and Research, 3(2).

8. Lê Thanh Hà (2023), Factors Affecting the Attraction of Foreign Direct Investment in Hanoi - Vietnam. Business and Economic Research, 13(4), 168-175.

9. Lưu Thị Lan (2024), Sinh kế thuận thiên. Hội thảo trong khuôn khổ diễn đàn Mekong Connect 2024. An Giang, Việt Nam.

10. Nguyễn Kim Phước (2015), Lý do đồng bằng sông Cửu Long không thu hút được vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, 10(3), 109-120.

11. Thuc, N. D., Bao, L., Thuy, N. T., & Tien, N. N. (2021), The Relationship between Foreign Direct Investment and Local Economic Growth: A Case Study of Binh Dinh Province, Vietnam. The Journal of Asian Finance, Economics and Business, 8(4), 33-42.

12. Trinh Thi Phuong, Do Thi Hai (2024), Factors Affecting FDI Attraction in Some Southeast Asian Countries. International Journal of Advanced Research in Economics and Finance, 6(3), 89-98.

13. VCCI & FSPPM. (2023), Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023: Các nút thắt thể chế, quản trị và liên kết vùng. Nhà xuất bản Đại học Cần Thơ.

14. Van, H. T., & Mai, H. L. (2019), RELATIONSHIP BETWEEN ECONOMIC GROWTH AND FOREIGN DIRECT INVESTMENT: THE CASE OF DONG NAI PROVINCE, VIETNAM. The EUrASEANs: Journal on Global Socio-Economic Dynamics, 2(15), 50-59.

15. Vũ Thanh An, Nguyễn Bá Hoàng (2022), Môi trường thể chế và đầu tư trực tiếp nước ngoài: Bằng chứng thực nghiệm tại các tỉnh Đồng bằng sông cửu Long. Tạp chí Kinh tế và Ngân hàng châu Á, 195, 71-82.

16. World Bank (2017), World Development Report 2017: Governance and the Law. World Bank, 139.

Ngày nhận bài: 25/12/2024; Ngày phản biện: 15/01/2025; Ngày duyệt đăng: 25/02/2025