Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được văn bản số 1170/KHĐB-TĐ, ngày 01/06/2016 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình về đề nghị hướng dẫn quy trình thẩm định dự án theo Nghị định 136/2015/NĐ-CP. Sau khi nghiên cứu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn 4715/BKHĐT-TH, ngày 17/06/2016 phúc đáp Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình như sau:

Theo Khoản 8, Điều 57, Luật Xây dựng quy định: “Cơ quan các cấp chủ trì thẩm định có trách nhiệm tổng hợp kết quả thẩm định trình người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét quyết định”, thì đối với dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước do cấp tỉnh quản lý, cơ quan chuyên môn về xây dựng (các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Quản lý đô thị...) chủ trì thẩm định trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện huyện phê duyệt dự án.

Còn theo quy định tại Luật Đầu tư công và Nghị định 136/2015/NĐ-CP, ngày 31/12/2015, cụ thể là Khoản 2, Điều 31, Nghị định 136/2015/NĐ-CP, ngày 31/12/2015 quy định đối với dự án do cấp tỉnh quản lý: “Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát sự phù hợp với chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và khả năng cân đối các nguồn vốn, tổng hợp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, hoặc gửi cơ quan cấp dưới được phân cấp hoặc ủy quyền theo quy định tại điểm c Khoản 3 Điều 39 của Luật Đầu tư công xem xét, quyết định đầu tư dự án”.

Như vậy theo Luật Đầu tư công và Nghị định 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12 /2015 thì Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tổng hợp trình cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án.

Bởi vì, theo quy định của Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành thì trong cùng một dự án, trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định, đối với từng nhóm dự án khác nhau, quy mô đầu tư dự án khác nhau, nguồn vốn đầu tư dự án khác nhau... được phân công cho nhiều cơ quan chủ trì thẩm định từng nội dung cụ thể.

Do đó, việc cho rằng: “Cơ quan chủ trì thẩm định” nêu tại khoản 8 Điều 57 của Luật Xây dựng là “Cơ quan chuyên môn về xây dựng” nêu tại khoản 2 Điều 57 của Luật Xây dựng như ý kiến nêu trên là không chính xác. Nếu hiểu theo cách này, thì tất cả các dự án (nhóm A, nhóm B, nhóm C; đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo nhỏ,...) của các Bộ, ngành trung ương (trừ một số Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành được tự thẩm định) và tất cả các dự án nhóm A của địa phương do Bộ Xây dựng chủ trì thẩm định, thì Bộ trưởng Bộ Xây dựng tổng hợp kết quả thẩm định để trình các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quyết định đầu tư. Thực hiện theo quy định này là trái với Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Theo Luật Đầu tư công và Nghị định 136 NĐ-CP, ngày 31/12/2015, Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tổng hợp trình cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án

Đồng thời, nếu hiểu theo cách này, thì các quy định tại điểm b khoản 3 Điều 13 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP, ngày 18/06/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng cũng trái với quy định của Luật Xây dựng. Theo quy định tại Điều 13 của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP, ngày 18/06/2015 của Chính phủ: Đối với dự án đầu tư xây dựng chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, việc thẩm định được thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng và Điều 10 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP (do cơ quan chuyên môn về xây dựng và các cơ quan liên quan thẩm định). Tuy nhiên, việc tổng hợp trình người quyết định đầu tư lại do cơ quan chuyên môn thuộc người quyết định đầu tư (không phải cơ quan chuyên môn về xây dựng) có trách nhiệm tổng hợp kết quả thẩm định để trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó, Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành đã được Bộ Tư pháp chủ trì thẩm định, các thành viên tham gia thẩm định là đại diện các Bộ, cơ quan trung ương và một số địa phương. Trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành trung ương, địa phương tham gia góp ý bằng văn bản vào dự thảo Nghị định và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, dự thảo Nghị định đã hoàn thiện trình lên Chính phủ. Văn phòng Chính phủ đã gửi phiếu xin ý kiến đến các thành viên Chính phủ và đã được tất cả các thành viên Chính phủ nhất trí thông qua. Các nội dung quy định tại Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 hoàn toàn phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, không có quy định nào trái với các văn bản pháp luật hiện hành; đồng thời giải quyết được vướng mắc của địa phương trong việc tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án đầu tư công tại địa phương.

Đối với địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan được giao chủ trì hoặc thường trực Hội đồng thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nhóm A, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án đầu tư công do địa phương quản lý; chủ trì thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn các dự án sử dụng vốn đầu tư công của địa phương; chủ trì thẩm định trong khâu quyết định đầu tư một số nhóm dự án,... Do đó, việc giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp cuối cùng trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, hoặc gửi cơ quan được phân cấp hoặc ủy quyền theo quy định để xem xét, quyết định đầu tư các dự án đầu tư công nêu tại điểm c khoản 2 Điều 31 Nghị định 136/2015/NĐ-CP là hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật và phân cấp quản lý nguồn vốn đầu tư công./.