20 năm huy động và sử dụng ODA tại Việt Nam: Vẫn tồn tại nhiều hạn chế
Sáng 7/8, tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đến dự và phát biểu tại hội thảo “Hoạt động ODA tại Việt Nam –20 năm nhìn lại” do Ban Kinh tế Trung ương và UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã đến tham dự hội thảo/ Ảnh: Ban Kinh tế Trung ương
ODA chiếm trên 10% trên tổng nguồn vốn của xã hội
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, nguồn ODA đã cung cấp một lượng vốn lớn quan trọng cho Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn lực của nhà nước và xã hội của Việt Nam chưa được phát huy cao độ.
Với lượng vốn ODA qua 20 năm cam kết chiếm trên 10% trên tổng nguồn vốn của xã hội đã đóng góp tích cực vào đầu tư phát triển cho Việt Nam, nhất là các lĩnh vực quan trọng như giao thông, điện lực, thủy lợi, cơ sở hạ tầng đô thị, y tế, giáo dục, ứng phó biến đổi khí hậu…
“Thông qua ODA, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, nâng cao năng lực quản lý, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế. Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi đánh giá cao và cảm ơn cộng đồng quốc tế đã tài trợ, đồng hành, hỗ trợ cho sự phát triển của Việt Nam trong 20 năm qua”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu.
Cụ thể hơn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương GS, TS. Vương Đình Huệ cho biết, lũy kế từ năm 1993 đến năm 2014, tổng giá trị vốn ODA cam kết cho Việt Nam đạt 89,5 tỷ USD, tổng vốn đã ký kết đạt 73,68 tỷ USD bình quân 3,5 tỷ USD/năm.
Tính đến tháng 12/2012, đã có 20 Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG thường niên) được tổ chức. Từ năm 2013, các quan hệ hợp tác của Việt Nam với các nhà tài trợ được nâng lên tầm đối tác thông qua Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam (chủ yếu từ Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Hiệp hội Phát triển Quốc tế IDA, ADB, WB).
Đồng thời, hiệu quả sử dụng vốn ODA cũng được các nhà tài trợ đánh giá tích cực, Việt Nam tiếp tục là nước sử dụng nguồn vốn ODA tốt.
“Nguồn vốn ODA khoảng 3 tỷ USD/năm vào Việt Nam là nguồn vốn quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. ODA đã góp phần cải cách hành chính công; hoàn thiện định hướng thị trường xã hội chủ nghĩa; đào tạo nhân lực; tăng cường năng lực quản trị, nâng cao dịch vụ công, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; xóa đói giảm nghèo; chuyển giao công nghệ tri thức”, GS. Vương Đình Huệ cho biết.
Song, đang bộc lộ nhiều bất cập
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, bên cạnh kết quả nổi bật trên, công tác thu hút, quản lý và sử dụng ODA trong thời gian qua còn bộc lộ hạn chế, tồn tại.
Cụ thể, theo báo cáo tại Hội thảo của Ban Kinh tế Trung ương, cơ chế chính sách quản lý nhà nước về ODA chưa đồng bộ với nhau, thủ tục phê duyệt dự án còn rườm rà, bộ máy cồng kềnh, trách nhiệm của cấp thực hiện dự án không rõ ràng, gây lãng phí, ách tắc, giảm tính linh hoạt trong quá trình triển khai, đồng thời, không phân định được trách nhiệm của các đơn vị thực hiện trong trường hợp dự án không có hiệu quả.
Đặc biệt, trong giai đoạn phát triển vừa qua, một số bộ, ngành và địa phương chậm tiến độ thực hiện các chương trình và dự án, nhiều trường hợp phải xin gia hạn. Chậm tiến độ thực hiện dẫn đến việc một số dự án cắt giảm, hủy một số hạng mục và hoạt động, hoặc phải tái cấu trúc toàn bộ dự án.
Hậu quả là giải ngân vốn ODA của cả nước đạt thấp so với vốn ODA đã ký kết, tỷ lệ giải ngân ODA trung bình chỉ mới trên dưới 63%.
Tính riêng thời kỳ 2006-2010 khoảng 7 tỷ USD vốn ODA đã ký kết nhưng chưa giải ngân, trong đó, nhiều chương trình, dự án được hưởng các điều kiện tài chính ưu đãi cao nhưng phải chuyển tiếp sang thời kỳ 2011-2015.
Số vốn tồn đọng này cùng với các khoản vốn ODA ký kết mới trong thời kỳ 2011-2015 sẽ tạo áp lực lớn đối với nhiệm vụ giải ngân nguồn vốn này trong 5 năm 2011-2015.
Trong khi nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, nếu chậm tiến độ thi công thường dẫn đến phụ trội chi phí khoảng 14%.
Ví dụ dự án “xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm tại Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội” có dự toán là 783 triệu Euro, trong đó, vốn ODA là 653 triệu Euro và vốn đối ứng từ ngân sách thành phố là 130 triệu Euro.
Song đến tháng 7/2014, dự án đã phải bổ sung 393 triệu Euro, trong đó, vay thêm 304,99 triệu Euro vốn ODA.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sử dụng nguồn vốn ODA của Trung Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Sau 5 năm thi công thì tổng mức đầu tư được điều chỉnh tăng từ 552 triệu USD lên 891 triệu USD.
Điều đáng nói là các khoản vay ODA ưu đãi thường kèm theo những điều kiện như chỉ định thầu, ưu tiên nhà thầu nước ngoài, yêu cầu mua máy móc, thiết bị, vật liệu từ quốc gia tài trợ vốn ODA.
Phần lợi ích dành cho các nhà thầu phụ Việt Nam chỉ chiếm phần nhỏ.
Ví dụ, dự án xây dựng cầu Nhật Tân (Hà Nội) được thực hiện bằng nguồn vốn vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) theo hình thức vốn vay đặc biệt (STEP) và một phần vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Theo quy định của điều kiện vay vốn, nhà thầu xây chính trong gói thầu xây lắp phải là nhà thầu Nhật Bản.
Hầu hết các dự án khác cũng có tình trạng tương tự, như dự án đường vành đai 3 (Hà Nội) do nhà thầu Sumitomo (Nhật Bản) thực hiện. Dự án thành phố ven sông có nhà thầu chính là Posco - Hàn Quốc. Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông phải mua tàu và chọn nhà thầu chính Trung Quốc.
Khắc phục hạn chế thế nào?
Theo dự báo, nguồn ODA của Việt Nam sau 2015 sẽ vẫn được duy trì, nhưng sẽ khó thu hút hơn do Việt Nam phải chọn lọc các dự án đảm bảo các yếu tố về môi trường, sinh thái, và phù hợp với định hướng phát triển quốc gia và các chương trình mục tiêu quốc gia như nông thôn mới, tái cơ cấu ngành.
Ngoài ra, cơ cấu và chính sách viện trợ cũng có những thay đổi nhất định, trong đó khối lượng vốn vay ODA kém ưu đãi có khả năng sẽ tăng lên.
Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng cho biết, sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiêm túc đánh giá, khắc phục cả về cơ chế chính sách, cả về các giải pháp trong quản lý ODA, tăng cường thanh tra, kiểm tra, làm sao đảm bảo nguồn vốn ODA được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao. Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và cảm kết nỗ lực hết sức mình để sử dụng nguồn vốn ODA một cách có hiệu quả nhất.
Tại Hội thảo, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương, các nhà quản lý lắng nghe ý kiến từ các phía, các chuyên gia đề xuất chính phủ có chính sách, giải pháp quản lý, huy động nguồn vốn nói chung, trong đó có vốn ODA một cách hiệu quả.
Nhấn mạnh rằng, trong quá trình phát triển hiện nay, nhu cầu vốn của Việt Nam rất lớn, nhất là lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng mong muốn các nhà tài trợ quan tâm, tiếp tục cung cấp vốn ODA và các nguồn vốn ưu đãi khác để Việt Nam có điều kiện phát triển kinh tế-xã hội một cách nhanh, bền vững./.
Bình luận