Hoàn thiện chính sách huy động vốn cho phát triển công nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam
Từ khóa: chính sách, huy động vốn, công nghiệp công nghệ cao
Summary
Recently, the State has issued many policies to mobilize capital for high-tech industrial development, but the current policies have not met the practical requirements. Based on analysis of the current situation, the article proposes some solutions to improve capital mobilization policies for high-tech development in Vietnam today.
Keywords: policy, capital mobilization, high-tech industry
GIỚI THIỆU
Những năm qua, nhiều chính sách huy động vốn cho phát triển CNCNC được Nhà nước ban hành gắn với điều kiện thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xu thế quốc tế, đặc biệt trước yêu cầu cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Từ đó, hoạt động huy động vốn cho phát triển CNCNC không ngừng được tăng lên cả về quy mô, số lượng, chất lượng, cơ cấu. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế có sự biến động liên tục, chính sách phải không ngừng được bổ sung, hoàn thiện. Đây là nội dung có ý nghĩa quyết định đến phát triển CNCNC ở Việt Nam.
CHÍNH SÁCH HUY ĐỘNG VỐN CHO PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO Ở VIỆT NAM
Những kết quả đạt được
Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành hàng loạt chính sách nhằm tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến quá trình huy động vốn cho phát triển CNCNC. Về chính sách khuyến khích đầu tư, Việt Nam đã ban hành Luật Công nghệ cao năm 2008; Luật Đầu tư vào các năm 2014 và 2020; Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg, ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư... Về chính sách thuế, đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP, ngày 26/5/2016 của Chính phủ về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam; Thông tư số 219/2013/TT-BTC, ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; Thông tư số 96/2015/TT-BTC, ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính (sửa đổi và bổ sung Khoản 4 Điều 20 Thông tư 78/2014/TT-BTC) quy định doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phần mềm sẽ được miễn và ưu đãi thuế… Về chính sách tín dụng, có thể kể đến Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước cũng quy định về cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; Quyết định số 2416/QĐ-NHNN, ngày 18/11/2019 của Ngân hàng Nhà nước giảm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Việc ban hành các chính sách trên đã tác động rất lớn đến hoạt động huy động vốn cho phát triển CNCNC. Lượng vốn huy động cho phát triển CNCNC ở Việt Nam ngày càng tăng lên nhanh chóng, chủ yếu tập trung vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, Khu công nghệ cao Đà Nẵng và một số địa phương có tiềm năng, lợi thế trong phát triển CNCNC như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương… với nhiều dự án lên đến hàng tỷ USD. Chẳng hạn, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 111 dự án đầu tư (bao gồm 96 dự án trong nước và 15 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 111.500 tỷ đồng; riêng năm 2023, có thêm 6 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 5.590 tỷ đồng đã được trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc Quyết định giao đất, trong số đó có những dự án quy mô lớn; có cả dự án thuộc khối nhà nước và tư nhân [1]. Tại Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh đã cấp đăng ký đầu tư cho 163 dự án với tổng vốn 12,1 tỷ USD, trong đó có 10 tỷ USD của nhà đầu tư nước ngoài [2]. Các dự án CNCNC đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư với số vốn lớn như: Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel (đầu tư 3.700 tỷ đồng); Tập đoàn Vingroup (9.020 tỷ đồng); Tập đoàn FPT (5.430 tỷ đồng); Tập đoàn VNPT (3.765 tỷ đồng); Intel (1 tỷ USD), Nidec (0,38 tỷ USD)... Riêng tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đầu tư vào Việt Nam lên đến 19,4 tỷ USD, chủ yếu sản xuất sản phẩm CNCNC [1][2].
Những khó khăn, bất cập
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc huy động vốn cho phát triển CNCNC vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập do còn chịu vướng mắc bởi nhiều chính sách chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu huy động vốn gắn với điều kiện thực tiễn của đất nước và xu thế hội nhập quốc tế. Cụ thể:
Một là, các chính sách huy động vốn cho phát triển CNCNC còn thiếu. Hiện nay chưa có một chính sách riêng, hoàn chỉnh về huy động vốn cho phát triển CNCNC; các nội dung xung quanh vấn đề này nằm rải rác ở các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Đầu tư, Luật Công nghệ cao, Luật Khoa học - công nghệ và ở một số quyết định, nghị quyết, chỉ thị khác nhau. Một số chính sách liên quan đến thuê đất, chính sách đào tạo nhân lực, chính sách khoa học - công nghệ… chưa được chú trọng.
Hai là, chính sách huy động vốn cho phát triển CNCNC dễ biến động, thiếu tính ổn định gây khó khăn cho quá trình phát triển, sản xuất, kinh doanh, điều này có thể dẫn đén khó khăn cho việc huy động vốn cho phát triển CNCNC. Đó là chưa kể, môi trường kinh tế - xã hội trong nước, mức độ hội nhập của nền kinh tế và tình hình kinh tế quốc tế, vai trò của các hiệp định, hợp tác quốc tế là những nhân tố chưa thực sự được quan tâm đến khi xây dựng chính sách huy động vốn cho phát triển CNCNC.
Ba là, hiệu quả của các chính sách huy động vốn cho phát triển CNCNC còn thấp. Các chính sách hiện nay chưa thực sự gắn với đặc trưng của việc huy động vốn cho phát triển CNCNC, vì vậy chưa phát huy được hiệu quả, chưa trở thành động lực cho quá trình huy động vốn cho phát triển CNCNC.
KHUYẾN NGHỊ GIẢI PHÁP
Trong thời gian tới, việc hoàn thiện chính sách huy động vốn cho phát triển CNCNC là mục tiêu ưu tiên hàng đầu và cần có những giải pháp đúng đắn, kịp thời. Nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc thúc đẩy quá trình huy động vốn cho phát triển CNCNC
Cần tập trung xây dựng và ban hành các đạo luật còn đang thiếu, chưa hoàn thiện, cụ thể như:
- Xây dựng Luật Phát triển công nghiệp: Mục tiêu xây dựng Luật Phát triển công nghiệp nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị. Luật Phát triển công nghiệp cần quy định về các biện pháp phát triển công nghiệp thông qua liên kết ngành, chuỗi giá trị trong các ngành chế biến, chế tạo, CNCNC...; phân bố, tái phân bố, liên kết vùng trong phát triển công nghiệp; ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp; phát triển bền vững trong công nghiệp; phân công, phân cấp quản lý nhà nước trong công nghiệp. Luật cần đặt trọng tâm vào việc thúc đẩy phát triển các ngành CNCNC trên cơ sở xây dựng chính sách, tạo môi trường hấp dẫn để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNCNC, nâng cao năng lực phát triển CNCNC, góp phần phát triển liên kết công nghiệp và kinh tế vùng, địa phương.
- Xây dựng Luật CNCNC: Trọng tâm xây dựng Luật CNCNC nhằm đưa ra các chính sách khuyến khích công nghiệp hỗ trợ phát triển như: chính sách ứng dụng và chuyển giao công nghệ, chính sách phát triển nguồn nhân lực, chính sách hợp tác quốc tế về CNCNC, chính sách phát triển thị trường. Đồng thời, quy định rõ các chính sách ưu đãi đối với CNCNC như: đối tượng được ưu đãi, thủ tục, thời gian nhận ưu đãi; các hình thức ưu đãi về thuế, tín dụng, tiền thuê đất...
- Tiếp tục hoàn thiện Luật Đầu tư: Trước yêu cầu cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững gắn với yêu cầu phát triển của khoa học - công nghệ, tận dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc xây dựng Luật Đầu tư sửa đổi cần theo hướng ưu tiên phát triển CNCNC. Đảm bảo quá trình huy động vốn vào lĩnh vực công nghiệp chủ yếu vào các nhóm ngành thuộc CNCNC như: công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, vật liệu mới, công nghiệp vi sinh...
Thứ hai, bổ sung, hoàn thiện chính sách phân bổ ngân sách
Một trong những nguồn vốn quan trọng trong quá trình huy động vốn cho phát triển CNCNC chính là nguồn vốn từ ngân sách (gồm ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương). Tuy nhiên, ngân sách là nguồn huy động cho nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau; do vậy, cần bổ sung, hoàn thiện chính sách phân bổ ngân sách.
Theo đó, Bộ Tài chính cần chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương cân đối ngân sách nhà nước, ưu tiên vốn ngân sách cho phát triển CNCNC; đồng thời, năng động, sáng tạo trong huy động tối đa vốn FDI, ODA, các nguồn vốn khác để đầu tư phát triển CNCNC.
Hoàn thiện cơ chế phân bổ ngân sách theo hướng ưu tiên đầu tư cho phát triển CNCNC, đồng thời phân cấp và mở rộng quyền tự chủ của ngân sách địa phương. Tăng cường phân cấp quản lý ngân sách ở cấp tỉnh, thành phố nhằm tăng tính chủ động, sáng tạo trong việc khai thác nguồn thu và điều hành chi ngân sách thuộc các cấp chính quyền địa phương. Để khuyến khích các địa phương nâng cao trách nhiệm trong việc phấn đấu tăng thu ngân sách và chủ động trong việc bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển CNCNC, thì việc phân cấp quản lý ngân sách phải đảm bảo hoàn thiện các nguyên tắc phân bổ ngân sách. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống đổi mới phân bổ ngân sách có cơ sở khoa học, bao quát hết nhiệm vụ và có tính đến tốc độ phát triển cho cả giai đoạn ổn định ngân sách. Điều chỉnh cơ cấu phân bổ ngân sách phù hợp cho các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực CNCNC. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của phân bổ ngân sách đó là thành lập được các quỹ đầu tư phát triển; sửa đổi, bổ sung các cơ chế để tạo điều kiện cho quỹ đầu tư phát triển tiến hành phát hành trái phiếu để huy động vốn phù hợp với trình độ phát triển của quỹ, tạo thành quỹ mang tính hỗ trợ, ưu tiên cho đầu tư vào phát triển CNCNC.
Thứ ba, bổ sung, hoàn thiện chính sách thuế đối với huy động vốn cho phát triển CNCNC
Đối với thuế nhập khẩu, bước đầu, giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng trong nước chưa sản xuất được như: vật liệu phục vụ sản xuất chế tạo, máy móc, thiết bị ngành cơ khí chế tạo và CNCNC… nhằm khuyến khích đầu tư sản xuất trong nước. Bởi, các mặt hàng này trong nước chưa đáp ứng sản xuất được, mà nhu cầu nhập khẩu đối với các mặt hàng đó để phát triển CNCNC là rất lớn. Vì vậy, nếu nhận được thuế ưu đãi, thì các nhà đầu tư yên tâm hơn khi đầu tư vào CNCNC.
Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Việt Nam có thể ban hành chính sách thuế thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi vượt khung (thuế suất thấp nhất hoặc thấp hơn mức thấp nhất của luật về thuế) đối với dự án CNCNC trong từng giai đoạn, hay chính sách thuế thu nhập cá nhân ưu đãi vượt khung (thuế suất thấp nhất hoặc thấp hơn mức thấp nhất của luật thuế) đối với chủ doanh nghiệp CNCNC từng giai đoạn. Việc thực hiện chính sách thuế này sẽ giúp tăng lợi nhuận doanh nghiệp, khuyến khích các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực CNCNC.
Đối với thuế giá trị gia tăng, cần nghiên cứu giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số sản phẩm quan trọng trong phát triển CNCNC nhằm kích cầu thị trường trong nước. Các sản phẩm thuộc lĩnh vực này được áp dụng mức thuế suất thấp hơn so với thông thường, góp phần làm tăng lợi nhuận khi đầu tư vào lĩnh vực CNCNC.
Ngoài ra, cần có các chính sách ưu đãi thuế nhằm phát triển hạ tầng CNCNC chuyên dụng. Cần xây dựng các chính sách ưu đãi thuế phù hợp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong các khu công nghệ cao, khu, cụm công nghiệp đẩy mạnh chiến lược tăng trưởng dựa vào việc cung ứng cho các khách hàng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Phát triển các khu công nghệ cao, dự án CNCNC trở thành hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp chế tạo - ngành sản xuất đòi hỏi vốn lớn, nguồn nhân lực có kỹ năng cao để mở rộng và phát triển năng lực sản xuất, tăng cường khả năng hợp tác, liên kết với các tập đoàn đa quốc gia…
Thứ tư, hoàn thiện chính sách tín dụng, đảm bảo vốn cho phát triển CNCNC
Nhà nước cần ban hành chính sách nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng tập trung vốn vào những lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế theo định hướng của Chính phủ, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến các dự án ứng dụng khoa học, công nghệ để sản xuất các sản phẩm thương hiệu Việt Nam cạnh tranh được trong khu vực và thị trường thế giới; các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước cần được ưu tiên cung cấp, hỗ trợ, ưu đãi về vốn đối với các dự án, doanh nghiệp phát triển CNCNC bên cạnh các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Nâng cao tính tự chủ trong hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, đồng thời nâng cao yêu cầu minh bạch hóa, bảo đảm an toàn cho hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với CNCNC. Có thể thành lập thêm các tổ chức tài chính nhằm thực hiện hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, dự án phát triển CNCNC, đồng thời xây dựng các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý, thậm chí có các gói ưu đãi. Cùng với đó, hoàn thiện quy chế hoạt động và các quy chế của các tổ chức bảo lãnh tín dụng. Cần đa dạng hóa nghiệp vụ bảo lãnh nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu bảo lãnh ở các hoạt động khác của phát triển CNCNC./.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc (2023), Báo cáo về tình hình thu hút đầu tư từ 2022 đến 8/2023 tại khu công nghệ cao Hòa Lạc.
2. Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (2023), Báo cáo về tình hình thu hút đầu tư từ năm 2022 đến tháng 6/2023 tại Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh.
3. Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP. Đà nẵng (2022), Báo cáo về tình hình thu hút đầu tư từ 2021 đến 12/2022 tại khu công nghệ cao TP. Đà Nẵng.
4. Quốc hội (2008), Luật Công nghệ cao, Nxb. Chính trị Quốc gia.
5. Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 347/QĐ-TTg, ngày 22/02/2013 phê duyệt Chương trình phát triển một số ngành CNCNC thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao.
ThS. Nguyễn Bá Vận, ThS. Nguyễn Đức Thành
Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01, tháng 01/2024)
Bình luận