Sáng 21/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố báo cáo “Kết quả 15 năm thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam”.

Tại buổi lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là báo cáo quan trọng đánh dấu sự kết thúc Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ trong suốt chặng đường 15 năm qua, đem đến cái nhìn sâu sắc và toàn diện đối với thách thức mà Việt Nam phải đối mặt. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong thời gian qua, đáng chú ý là tăng trưởng kinh tế đạt trên 7% trong giai đoạn 2001-2010. Đặc biệt đến năm 2010, Việt Nam chính thức thoát khỏi nhóm quốc gia kém phát triển để vào nhóm quốc gia thu nhập trung bình. Về đối ngoại, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO, mở ra chương mới cho quá trình hội nhập.

Trong số 8 mục tiêu Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ, Việt Nam đã hoàn thành trước 3/8 mục tiêu đã cam kết, đồng thời đạt được những tiến bộ tiệm cận với các mục tiêu còn lại, như giảm tỷ lệ mắc mới HIV/AIDS…

Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng và bà Pratibha Mehta chúc mừng sự thành công mà Việt Nam đạt được trong 15 năm qua

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc và đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng bổ sung thêm: “Mười lăm năm qua là một hành trình vô cùng ấn tượng cả ở Việt Nam và trên toàn cầu”. Rất ít quốc gia đạt được kết quả như Việt Nam, điều này là nhờ nỗ lực không nhỏ từ phía Nhà nước.

Để làm rõ những kết quả đạt được, bà trích dẫn báo cáo: “Khoảng 43 triệu người hay 45% tổng dân số Việt Nam đã thoát khỏi nghèo đói, một thành tựu mà rất ít quốc gia khác đạt được; tỷ lệ nhập học bậc tiểu học đã đạt đến 100% trẻ em đúng độ tuổi đến trường; tỷ lệ đến trường của trẻ em gái và trẻ em trai nhìn chung đã ngang bằng nhau, cho thấy sự phân biệt đối xử về giới tính đang được từng bước loại bỏ trong hệ thống giáo dục; và tỷ lệ tử vong ở bà mẹ đã giảm được ba phần tư, tức là ngày nay hàng nghìn bà mẹ được sống để chăm sóc những đứa con của mình”.

Bà Pratibha Mehta cho rằng, Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ và Mục tiêu Phát triển bền vững thực ra chỉ là một hành trình phát triển duy nhất; năm 2015 không phải là điểm khởi đầu cũng không phải là điểm kết thúc, mà chỉ là một dấu mốc trên con đường hướng tới sự thịnh vượng và đạt được ước vọng của tất cả các quốc gia và dân tộc.

Đại điện Liên hợp quốc khẳng định, Liên hợp quốc luôn sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự và khu vực tư nhân giúp Việt Nam thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững và tiếp tục đạt được những thành tựu mới có ý nghĩa đột phá – để bảo đảm không một ai bị bỏ rơi./.

Báo cáo Kết quả 15 năm thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam sẽ được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày tại Hội nghị thượng đỉnh về Phát triển bền vững tại Trụ sở của Liên hợp quốc ở New York vào cuối tuần này. Hội nghị thượng đỉnh cũng sẽ chính thức thông qua Mục tiêu phát triển bền vững, thay thế cho Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ vào đầu năm 2016.