83% doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp trở ngại trong kinh doanh
Trong đó, thiếu vốn và khó tiếp cận tài chính vẫn tiếp tục được đánh giá là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, so với các cuộc điều tra trước đây, thì tỷ lệ này đã giảm đi, từ 45% năm 2011 xuống 30% năm 2013 và 24% năm 2015.
Thiếu cầu về sản phẩm hiện tại là trở ngại lớn thứ hai theo đánh giá của các chủ doanh nghiệp và có sự giảm đi về tỷ lệ các doanh nghiệp gặp khó khăn, từ 27% năm 2013 xuống còn 21% năm 2015. Khó khăn xếp vị trí thứ ba là áp lực cạnh tranh mà các DNNVV phải đối mặt, với 17% doanh nghiệp điều tra, tỷ lệ này tương đương với tỷ lệ của các cuộc điều tra năm 2011 và 2013.
Những đặc tính môi trường kinh doanh này của các DNNVV cho thấy, dường như các điều kiện kinh doanh đã được cải thiện chút ít, nhưng thứ tự các khó khăn vẫn không có sự thay đổi. Đây là điều thú vị để tìm hiểu về các nhân tố quyết định tới sự thay đổi liên tục trong ngành nghề hoạt động cũng như cơ cấu giữa các ngành nghề của các doanh nghiệp điều tra.
Cũng theo khảo sát, có 44,6% các doanh nghiệp có chi ngoài trong năm 2013. Con số này của năm 2015 nhỏ hơn một chút với mức 42,7% và mức giảm đi này là không đáng kể.
|
Thiếu vốn và khó tiếp cận tài chính vẫn là trở ngại lớn nhất đối với DNNVV |
Đồng thời tần suất chi ngoài là khá tương đồng giữa hai vòng điều tra với khoảng 70% các doanh nghiệp cho biết họ chi 2-5 lần trong năm trước khi điều tra.
Đáng chú ý, trong số các doanh nghiệp có chi ngoài, 40% doanh nghiệp điều tra năm 2015 cho rằng, khoản chi này sẽ tăng lên trong thời gian tới, trong khi đó tỷ lệ này của năm 2013 là 49%.
Nguyên nhân cho việc chi ngoài là để kết nối được với các dịch vụ công, có giấy phép, để giải quyết những vấn đề thuế và người thu thuế, đạt được hợp đồng, thỏa thuận với khách hàng và chi cho những lý do khác.
Khảo sát cũng cho thấy, có 58% số doanh nghiệp có chi ngoài trong năm 2013 tiếp tục chi trong năm 2015. Thêm vào đó, 30% các doanh nghiệp không chi ngoài trong điều tra năm 2013 lại có chi ngoài trong điều tra năm 2015.
Trong khi tỷ lệ chi ngoài để “tiếp cận các dịch vụ công” giảm từ 28,4% năm 2013 xuống còn 18,75% năm 2015 thì tỷ lệ chi để “giải quyết các vấn đề về thuế” lại tăng từ 17,6% năm 2013 lên 24,1% năm 2015.
Điều này cho thấy, một tỷ lệ đáng kể các doanh nghiệp cho rằng chi ngoài là cần thiết. Các doanh nghiệp thuộc khu vực chính thức có chi ngoài thường xuyên hơn nhằm mục đích để đối phó với cơ quan thuế và cán bộ thuế, cũng như để tiếp cận được các dịch vụ công.
Thế nhưng, khi được hỏi, các doanh nghiệp lại khẳng định lợi ích của chi ngoài là không rõ ràng, vì các doanh nghiệp có chi ngoài không cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng cao hơn so với các doanh nghiệp không thực hiện hành vi này.
Như vậy, chi phí không chính thức vẫn là vấn đề nghiêm trọng, làm tổn hại sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Chính phủ cần đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp thoát khỏi những chi phí phi chính thức.
Một điểm đáng quan ngại khác trong báo cáo là trong khi tỷ lệ các doanh nghiệp thực hiện đầu tư đã tăng lên so với điều tra năm 2013, song để được các khoản tín dụng chính thức vẫn là một trở ngại lớn, đặc biệt là đối với các hộ kinh doanh.
Trong năm 2015, có 25% số doanh nghiệp nộp hồ sơ vay vốn chính thức và 15% gặp khó khăn trong việc vay vốn. So với năm 2013, tỷ lệ tiếp cận tín dụng trung bình đã giảm xuống 1,2%.
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, khoảng 93% các doanh nghiệp điều tra có quy mô siêu nhỏ trong cuộc điều tra 2013 vẫn duy trì quy mô thuộc nhóm này trong điều tra 2015 và chỉ có một số doanh nghiệp siêu nhỏ chuyển lên nhóm quy mô vừa (từ 50 đến 300 lao động).
Gần 98% các doanh nghiệp trong khu vực chính thức ở năm 2013 vẫn tiếp tục ở lại khu vực này năm 2015 và chỉ một số lượng nhỏ các doanh nghiệp chuyển sang khu vực phi chính thức. Ngược lại, có một lượng lớn các doanh nghiệp ra khỏi khu vực phi chính thức trong giai đoạn 2013-2015 (96%).
Sự thay đổi tích cực này là rất đáng kể so với giai đoạn 2011-2013, khi chỉ có khoảng 10% số doanh nghiệp chuyển từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức. Điều này có thể được lý giải do Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp được thông qua năm 2014 thay thế cho các luật này ban hành năm 2005 đã có hiệu lực thi hành. Hai luật này đã hình thành nhu cầu và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đăng ký kinh doanh, điều này làm tăng số lượng đăng ký doanh nghiệp./.
Bình luận