Các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng chuẩn mực kế toán trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Nguyễn Văn Hải
Giảng viên, Khoa Tài chính – Kế toán, Trường Đại học Lạc Hồng
Email: nvhai@lhu.edu.vn
Đặng Thị Hồng Nhung
Sinh viên, Khoa Tài chính – Kế toán, Trường Đại học Lạc Hồng
Email: nhungdang100103@gmail.com
Nguyễn Thị Phương Thảo
Sinh viên, Khoa Tài chính – Kế toán, Trường Đại học Lạc Hồng
Email nguyenthiphuongthao0366363661@gmail.com
Trương Ngọc Châu
Học viên, Khoa Sau đại học, Trường Đại học Lạc Hồng
Email: tnc93vn@gmail.com
Võ Thị Thùy Trang
Học viên, Khoa Sau đại học, Trường Đại học Lạc Hồng
Email: trangvtt124@gmail.com
Tóm tắt
Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu xác định và đo lường các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng chuẩn mực kế toán trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 4 nhân tố tác động tới các nhân tố ảnh hưởng đến Việc áp dụng chuẩn mực kế toán trong các DNNVV trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, gồm: Kinh nghiệm và năng lực làm việc của kế toán viên; Hệ thống văn bản pháp luật; Tổ chức, tư vấn nghề nghiệp; Đặc điểm của doanh nghiệp. Trong đó, nhân tố Kinh nghiệm và năng lực làm việc của kế toán viên có tác động mạnh nhất.
Từ khóa: các yếu nhân ảnh hưởng, việc áp dụng chuẩn mực kế toán, doanh nghiệp nhỏ và vừa, Đồng Nai
Summary
The study aims to identify and measure factors affecting the application of accounting standards in small and medium-sized enterprises in Dong Nai Province. The research results show 4 factors affecting the factors affecting the application of accounting standards in small and medium-sized enterprises in Dong Nai Province, including the experience and working capacity of accountants; Legal documents system; Career organization and counseling; and Characteristics of enterprises. Which, the factor Experience and working capacity of accountants has the strongest impact.
Keywords: influencing factors, application of accounting standards, small and medium-sized enterprises, Dong Nai
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng chuẩn mực kế toán trong các DNNVV trở thành một vấn đề quan trọng không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với nhiều DNNVV, việc quản lý tài chính và tuân thủ chuẩn mực kế toán đôi khi trở thành một thách thức đáng kể. Những doanh nghiệp này thường đối diện với nguồn lực hạn chế và thiếu hụt kiến thức về kế toán và tài chính. Việc áp dụng chuẩn mực kế toán một cách chính xác và hiệu quả không chỉ đảm bảo tính minh bạch, đáng tin cậy trong báo cáo tài chính, mà còn giúp tăng cường cạnh tranh và duy trì sự bền vững trong môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh.
Nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng chuẩn mực kế toán trong các DNNVV trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ giúp làm rõ những thách thức mà các doanh nghiệp này đang phải đối mặt và đề xuất các giải pháp cụ thể để vượt qua chúng. Bằng cách tìm hiểu sâu hơn về các nhân tố, như: Nhận thức, Tri thức, Nguồn lực và Môi trường kinh doanh, nghiên cứu này có thể đưa ra những khuyến nghị và chiến lược phù hợp để giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng quản lý tài chính và tuân thủ chuẩn mực kế toán (Nguyen, 2024).
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết
Dựa vào các giả thuyết, các kết quả nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng chuẩn mực kế toán của các tác giả, như: Chow và Wong-Boren (1987), Cook (1991), Wallace và Naser (1995), Nguyễn Công Phương (2013), Trần Đình Khôi Nguyên (2011); đồng thời, dựa trên kết quả thông qua việc phỏng vấn các chuyên gia, nhóm tác giả đã đưa ra được các nhân tố ảnh hưởng chính đến việc áp dụng chuẩn kế toán trong các DNNVV trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, bao gồm: Hệ thống văn bản pháp luật; Kinh nghiệm và năng lực của kế toán viên; Tổ chức, tư vấn nghề nghiệp; Đặc điểm của doanh nghiệp. Cụ thể:
Hệ thống văn bản pháp luật
Sự tồn tại song song giữa Chuẩn mực kế toán và Chế độ kế toán tại Việt Nam phản ánh 2 khía cạnh quan trọng. Điều này thể hiện sự hội nhập của Việt Nam với các thông lệ kế toán quốc tế, đồng thời giúp hệ thống kế toán quốc gia không bị tụt hậu so với các nước khác. Đồng thời, nó còn phản ánh vai trò của Nhà nước trong việc quản lý và điều hành hệ thống kế toán một cách đồng bộ. Việc cân bằng giữa hội nhập quốc tế và quản lý nội địa đã tạo nên một nhân tố quan trọng tác động đến việc áp dụng chuẩn mực kế toán tại các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, do tính chất quản lý tập trung của nhà nước và hệ thống pháp lý được xây dựng theo mô hình luật thành văn (code law), việc áp dụng mô hình kế toán vốn phụ thuộc vào tính linh hoạt và chuyên môn của kế toán viên là không phù hợp tại Việt Nam. Thay vào đó, Việt Nam đã duy trì một hệ thống kế toán đồng nhất, với các tài khoản và biểu mẫu báo cáo tài chính được chuẩn hóa. Điều này đảm bảo tính thống nhất cao trong công tác kế toán, nhưng cũng làm giảm bớt sự linh hoạt mà các doanh nghiệp có thể cần trong việc xử lý các tình huống kế toán phức tạp.
Cùng với đó, có sự nghi vấn về việc kết hợp đồng thời nhiều loại văn bản. Câu hỏi quan trọng được đặt ra là cơ sở pháp lý nào sẽ được ưu tiên khi kế toán viên thực hiện công tác kế toán: Chuẩn mực kế toán cùng các thông tư hướng dẫn, hay chế độ kế toán dành cho doanh nghiệp? Việc tồn tại đồng thời nhiều loại văn bản pháp lý có thể tạo ra sự mâu thuẫn hoặc khó khăn trong việc triển khai công tác kế toán thực tiễn. Đặc biệt, điều này trở nên phức tạp hơn khi năng lực và trình độ của kế toán viên tại nhiều DNNVV còn hạn chế, dẫn đến việc áp dụng không đồng đều và đôi khi không chính xác.
Về rào cản nội dung mới mẻ và phức tạp của chuẩn mực kế toán. Nội dung của các chuẩn mực kế toán tại Việt Nam thường được xem là mới mẻ và bao gồm nhiều khái niệm, thuật ngữ chuyên môn mà kế toán viên chưa quen thuộc. Nhiều kế toán viên chỉ có thể áp dụng chuẩn mực kế toán thông qua các thông tư hướng dẫn cụ thể. Điều này tạo ra một rào cản lớn trong việc áp dụng các chuẩn mực kế toán một cách đúng đắn và toàn diện trong thực tế.
Tại Việt Nam, công tác kế toán thường chịu tác động mạnh mẽ từ các quy định thuế. Điều này dẫn đến sự không khác biệt đáng kể giữa lợi nhuận kế toán và lợi nhuận thuế, một hiện tượng khá phổ biến trong các doanh nghiệp. Nhận thức này đã trở thành thói quen và ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi của kế toán viên, mặc dù các cải cách gần đây đã nỗ lực giảm bớt tác động của thuế đối với kế toán. Tuy nhiên, những thay đổi này vẫn chưa thực sự sâu sắc và ảnh hưởng của thuế vẫn là một nhân tố quan trọng trong việc áp dụng chuẩn mực kế toán.
Do đó, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết sau:
H1: Hệ thống văn bản pháp luật có ảnh hưởng và tác động tích cực đến Việc áp dụng chuẩn mực kế toán trong các DNNVV trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Kinh nghiệm và năng lực của kế toán viên
Lịch sử phát triển của kế toán trên thế giới cho thấy, sự phát triển của lĩnh vực này gắn liền với mức độ giáo dục và tính chuyên nghiệp của các kế toán viên. Nghiên cứu tại nhiều quốc gia chỉ ra rằng, khi tỷ lệ kế toán viên có trình độ đại học tăng lên, khả năng áp dụng các chuẩn mực kế toán cũng được nâng cao. Điều này hoàn toàn hợp lý, vì trong quá trình đào tạo, kế toán viên được trang bị những kiến thức nền tảng về khoa học kế toán, từ đó giúp họ nhận thức tốt hơn về các chuẩn mực, cũng như có khả năng áp dụng và lựa chọn các kỹ thuật, chính sách kế toán phù hợp nhằm tối đa hóa lợi ích cho doanh nghiệp.
Do đó, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết sau:
H2: Kinh nghiệm và năng lực của kế toán viên có ảnh hưởng và tác động tích cực đến Việc áp dụng chuẩn mực kế toán trong các DNNVV trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Tổ chức và tư vấn nghề nghiệp
Trên toàn thế giới, bất kỳ hoạt động nghề nghiệp nào cũng đều chịu tác động từ cộng đồng nghề nghiệp tương ứng, và lĩnh vực kế toán không phải là ngoại lệ. Cộng đồng kế toán thường được xem như một nhân tố quan trọng trong mối quan hệ tương tác giữa văn hóa và thực hành kế toán. Tại các quốc gia theo mô hình Anglo-Saxon, cộng đồng kế toán đóng vai trò quan trọng, điều này được thể hiện qua sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức nghề nghiệp chuyên biệt. Đặc biệt, các hiệp hội nghề nghiệp đóng vai trò chủ chốt trong việc thiết lập và duy trì các chuẩn mực kế toán.
Ngoài ra, các công ty kiểm toán cũng tác động đáng kể đến phương thức mà doanh nghiệp lựa chọn và áp dụng các chuẩn mực kế toán. Thông thường, các doanh nghiệp được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán lớn có xu hướng chú trọng hơn đến việc tuân thủ các chuẩn mực kế toán. Trong bối cảnh Việt Nam, điều này dẫn đến giả thuyết rằng các doanh nghiệp có báo cáo tài chính được kiểm toán thường thể hiện mức độ tuân thủ và áp dụng chuẩn mực kế toán cao hơn so với những doanh nghiệp không bắt buộc phải kiểm toán.
Do đó, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết sau:
H3: Tổ chức và tư vấn nghề nghiệp có ảnh hưởng và tác động tích cực đến Việc áp dụng chuẩn mực kế toán trong các DNNVV trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Đặc điểm doanh nghiệp
Trước hết, các chủ doanh nghiệp thường không dựa nhiều vào báo cáo tài chính khi đưa ra quyết định kinh doanh. Nếu có sử dụng, họ thường tập trung vào các khía cạnh liên quan đến kê khai thuế thu nhập hơn là các thông tin tài chính khác. Tại Việt Nam, mối quan tâm chủ yếu của doanh nghiệp cũng xoay quanh vấn đề kê khai thuế. Điều này thể hiện rõ ràng sự ảnh hưởng của nhận thức của chủ doanh nghiệp đối với việc áp dụng các chuẩn mực kế toán.
Bên cạnh đó, quy mô doanh nghiệp cũng được coi là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến việc thực hiện các chuẩn mực kế toán. Các doanh nghiệp lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, thường có các nghiệp vụ kinh tế phức tạp hơn, điều này dẫn đến việc áp dụng các chuẩn mực kế toán một cách đầy đủ và chi tiết hơn. Hơn nữa, các doanh nghiệp lớn thường sở hữu nhiều nguồn lực tài chính hơn để đầu tư vào việc triển khai các chuẩn mực kế toán mới, bao gồm việc mua sắm phần mềm, thuê dịch vụ tư vấn, và đào tạo nhân viên.
Theo Wallace và Naser (1995), những doanh nghiệp có khả năng sinh lời cao thường mở rộng quy mô hoạt động và tìm kiếm các nguồn tài trợ mới. Trong bối cảnh này, việc cung cấp thông tin số liệu báo cáo tài chính trung thực và hợp lý là điều kiện thiết yếu để thu hút đối tác và đưa ra những quyết định kinh doanh chính xác. Tuy nhiên, Meek và cộng sự (1995) lại cho rằng, vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục để khẳng định mối liên hệ chặt chẽ giữa kết quả kinh doanh và việc áp dụng chuẩn mực kế toán.
Do đó, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết sau:
H4: Đặc điểm của doanh nghiệp có ảnh hưởng và tác động tích cực đến Việc áp dụng chuẩn mực kế toán trong các DNNVV trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Mô hình nghiên cứu
Dựa vào các nghiên cứu có liên quan, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình.
Hình: Mô hình nghiên cứu đề xuất
Nguồn: Nhóm tác giả đề xuất
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu định tính
Với phương pháp nghiên cứu định tính qua việc nghiên cứu và xem xét tài liệu, tổng hợp lý thuyết nền, nhóm tác giả đã xây dựng được các nhân tố cần thiết trong mô hình và tiến hành thảo luận với các chuyên gia là kế toán tổng hợp và kế toán trưởng tại các DNNVV tại tỉnh Đồng Nai.
Mục tiêu của buổi thảo luận là để bổ sung, đánh giá và điều chỉnh các nhân tố đã được xây dựng. Thông qua việc thu thập phản hồi và ý kiến của những người tham gia, nhóm tác giả đã có thể tổng hợp được 22 biến quan sát cần thiết để hoàn thiện bảng câu hỏi chính thức.
Nghiên cứu định lượng
Nghiên cứu định lượng được thực hiện nhằm kiểm định thang đo các biến quan sát, được áp dụng để đo lường các khái niệm trong mô hình, được diễn đạt thông qua thang đo Likert 5 điểm, với các điểm số tương ứng như sau: (1) - Hoàn toàn không đồng ý; (2) - Không đồng ý; (3) - Trung lập; (4) - Đồng ý; (5) - Hoàn toàn đồng ý. Để phân tích dữ liệu thu thập từ mẫu, các kỹ thuật, như: kiểm định độ tin cậy thang đo qua Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA) và phân tích hồi quy bội theo phương pháp Enter sẽ được thực hiện thông qua phần mềm SPSS 26.0, nghiên cứu này sử dụng dữ liệu sơ cấp được thu thập trực tiếp qua bảng câu hỏi, với công cụ Google Form được dùng để gửi bảng khảo sát đến các doanh nghiệp.
Nghiên cứu định lượng được thực hiện từ tháng 6/2024 đến tháng 10/2024 áp dụng phương pháp chọn mẫu thuận tiện, với bảng câu hỏi được gửi đến 250 DNNVV trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và thu về 219 phiếu hợp lệ. Số lượng phiếu này đáp ứng yêu cầu về số lượng mẫu tối thiểu cho nghiên cứu. Dữ liệu thu thập từ bảng câu hỏi sẽ được xử lý qua phần mềm SPSS 26.0.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Thống kê mô tả
Bảng 1: Kết quả thống kê mô tả mẫu nghiên cứu
Số lượng khách hàng tham gia khảo sát (N = 219) | ||
Tiêu chí | Số lượng | Tỷ lệ (%) |
Giới tính | ||
Nữ | 121 | 55,33 |
Nam | 98 | 44,7 |
Tổng | 219 | 100 |
Độ tuổi | ||
Từ 20 - 25 tuổi | 142 | 64,8 |
Từ 25 – 30 tuổi | 58 | 26,5 |
Từ 30 – 35 tuổi | 13 | 5,9 |
Trên 35 tuổi | 6 | 2,7 |
Tổng | 219 | 100 |
Chức vụ | ||
Kế toán trưởng | 33 | 15,1 |
Kế toán tổng hợp | 107 | 48,9 |
Kế toán viên | 74 | 33,8 |
Khác | 5 | 2,3 |
Tổng | 219 | 100 |
Nguồn: Nghiên cứu của nhóm tác giả
Số liệu (Bảng 1) cung cấp một cái nhìn tổng quan về mẫu nghiên cứu gồm 219 khách hàng cá nhân tại tỉnh Đồng Nai và được phân loại theo các tiêu chí như sau:
- Giới tính: Phần lớn người tham gia khảo sát là nam giới, chiếm 55,53%, tương đương với khoảng hai phần ba tổng số khách hàng.
- Độ tuổi: Nhóm khách hàng từ 20-25 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất với 64,8%, theo sau là nhóm từ 25-30 tuổi với 26,5%. Nhóm tuổi từ 30-35 chiếm 5,9% và cuối cùng là nhóm trên 35 tuổi với tỷ lệ thấp nhất, chỉ 2,7%.
- Chức vụ: Nhân viên kế toán tổng hợp chiếm tỷ lệ cao nhất với 48,9%; tiếp theo là kế toán viên (33,8%). Kế toán trưởng chiếm 15,1%, trong khi các chức vụ khác chiếm tỷ lệ nhỏ nhất, chỉ 2,3%.
Tóm lại, mẫu nghiên cứu bao gồm 219 khách hàng cá nhân, phần lớn là nam giới, với độ tuổi chủ yếu từ 20-30 tuổi. Chức vụ kế toán tổng hợp và kế toán viên là hai chức vụ có tỷ lệ tham gia cao nhất.
Kiểm định chất lượng thang đo
Theo Hair và cộng sự (1998), hệ số Cronbach’s Alpha sử dụng được trong trường hợp nghiên cứu một khái niệm mới hoặc trong bối cảnh nghiên cứu mới cần đạt từ 0,6 trở lên. Đồng thời, hệ số tương quan biến tổng của tất cả các biến quan sát > 0,3, và hệ số Cronbach’s Alpha nếu loại bỏ thang đo luôn nhỏ hơn Cronbach’s Alpha tổng thể của nhóm. Điều này khẳng định rằng, các biến quan sát đều đảm bảo độ tin cậy cao và vì vậy tất cả các biến quan sát ban đầu được giữ lại cho phân tích nhân tố khám phá (EFA) tiếp theo (Bảng 2).
Bảng 2: Kết quả kiểm định thang đo của các nhân tố theo hệ số Cronbach’s Alpha
Mã hóa | Nhân tố | Biến thang đo | Cronbach’s Alpha |
PL | Hệ thống văn bản pháp luật | PL1, PL2, PL3, PL4, PL5 | 0,871 |
NL | Kinh nghiệm và năng lực của kế toán viên | NL1, NL2, NL3, NL4 | 0,851 |
TC | Tổ chức, tư vấn nghề nghiệp | TC1, TC2, TC3, TC4, TC5 | 0,909 |
DD | Đặc điểm của doanh nghiệp | DD1, DD2, DD3, DD4 | 0,836 |
Kết quả phân tích EFA
Kiểm định EFA các biến độc lập
Bảng 3: Kiểm định KMO và Barlett của các biến độc lập
KMO | 0,881 | |
Kiểm định Bartlett | Chi bình phương xấp xỉ | 2964,549 |
df | 153 | |
Sig. | 0,000 |
- Kết quả xử lý số liệu của nhóm tác giả
Kết quả phân tích EFA (Bảng 3) cho thấy, chỉ số KMO = 0,881 (> 0,5), chứng tỏ phân tích các nhân tố thích hợp với dữ liệu nghiên cứu. Kết quả kiểm định Bartlett = 2964,549 với hệ số Sig. = 0,000 nhỏ hơn mức ý nghĩa 5%, điều này cho thấy dữ liệu dùng để phân tích EFA là hoàn toàn hợp lý.
Bảng 4: Kết quả phân tích nhân tố các thang đo nhân tố sau khi xoay nhân tố
| Nhân tố | |||
| 1 | 2 | 3 | 4 |
PL1 | 0,651 |
|
| |
PL2 |
| 0,849 |
|
|
PL3 |
| 0,645 |
|
|
PL4 |
| 0,714 |
|
|
PL5 |
| 0,839 |
|
|
NL1 |
|
|
| 0,678 |
NL2 |
|
|
| 0,767 |
NL3 |
|
|
| 0,745 |
NL4 |
|
|
| 0,668 |
TC1 | 0,892 |
|
|
|
TC2 | 0,759 |
|
|
|
TC3 | 0,703 |
|
|
|
TC4 | 0,770 |
|
|
|
TC5 | 0,858 |
|
|
|
DD1 |
|
| 0,807 |
|
DD2 |
|
| 0,757 |
|
DD3 |
|
| 0,785 |
|
DD4 |
|
| 0,670 |
|
Số liệu (Bảng 4) cho thấy, trong ma trận nhân tố sau khi xoay, sự tập trung của các biến quan sát theo từng nhân tố rất rõ ràng, các biến quan sát đều có hệ số tải nhân tố > 0,5 thể hiện mức độ quan trọng, cũng như sự chặt chẽ của thang đo ban đầu, tất cả các thang đo đều đạt được giá trị hội tụ và giá trị phân biệt. Kết quả xoay nhân tố cho thấy, 22 biến quan sát được phân thành 4 nhóm nhân tố và không có biến nào loại khỏi mô hình.
Phân tích EFA biến phụ thuộc
Bảng 5: Kiểm định KMO và Barlett của biến phụ thuộc
KMO | 0,814 | |
Kiểm định Bartlett | Chi bình phương xấp xỉ | 406,281 |
df | 6 | |
Sig. | 0,000 |
Kết quả phân tích (Bảng 5) cho thấy, chỉ số KMO = 0,814 (> 0,5) và < 1, ngoài ra kết quả kiểm định Bartlett = 406,281 và hệ số Sig. = 0,000 nhỏ hơn mức ý nghĩa 5%. Kết quả này cho thấy, phân tích nhân tố và phù hợp với dữ liệu nghiên cứu và dữ liệu nghiên cứu dùng để phân tích nhân tố là hoàn toàn hợp lý.
Bảng 6: Kết quả phân tích nhân tố của biến phụ thuộc sau khi xoay ma trận
| Nhân tố |
| 1 |
AD1 | 0,841 |
AD2 | 0,858 |
AD3 | 0,803 |
AD4 | 0,870 |
Nguồn: Kết quả xử lý số liệu của nhóm tác giả
Số liệu phân tích từ Bảng 6, cho thấy, hệ số tải nhân tố (Factor loading) của các biến quan sát đều > 0,5, cho thấy các nhân tố thỏa mãn điều kiện. Số nhân tố tạo ra khi phân tích nhân tố là 1, điều này phù hợp và đạt yêu cầu với giả thuyết ban đầu về các biến đo lường tương ứng cho từng nhân tố.
Phân tích hồi quy bội
Thực hiện phân tích hồi quy với 4 biến độc lập: (1) Hệ thống văn bản pháp luật – PL; (2) Kinh nghiệm và năng lực kế toán – NL; (3) Tổ chức, tư vấn nghề nghiệp – TC; (4) Đặc điểm của doanh nghiệp – DD; và biến phụ thuộc Việc áp dụng chuẩn mực kế toán trong các DNNVV trên địa bàn tỉnh Đồng Nai - AD. Tác giả sử dụng phương pháp Enter. Theo mô hình nghiên cứu đề nghị ban đầu, phương trình hồi quy chuẩn hóa có dạng như sau:
AD = β1PL + β2NL + β3TC + β4DD
Trong đó βk là hệ số hồi quy riêng cho từng biến giải thích (k=1…4).
Bảng 7: R2 hiệu chỉnh
Mô hình | R | R2 | R2 điều chỉnh | Sai số chuẩn | Durbin-Watson |
1 | 0,726a | 0,527 | 0,518 | 0,53382 | 1,874 |
a. Biến dự báo: (Hằng số) DD, TC, PL, NL | |||||
b. Biến phụ thuộc: AD |
Kết quả phân tích (Bảng 7) cho thấy, hệ số R2 hiệu chỉnh = 0,518, điều này cho thấy tất cả các biến độc lập ảnh hưởng đến 51,8% (> 50%). Tiếp theo là hệ số Durbin-Watson = 1,874 và nằm trong giá trị từ 1 đến 3, điều này chứng tỏ không xảy ra hiện tượng tự tương quan trong mô hình thiết lập được.
Bảng 8: Kết quả mô hình hồi quy
Mô hình | Hệ số hồi quy chưa chuẩn hoá | Hệ số hồi quy chuẩn hoá | t | Sig. | Kiểm tra đa cộng tuyến | |||
B | Sai số chuẩn | Beta |
|
| Độ lệch chuẩn | VIF | ||
| (Hằng số) | 0,255 | 0,224 |
| 1,136 | 0,257 |
|
|
| PL | 0,302 | 0,068 | 0,278 | 4,434 | 0,000 | 0,565 | 1,771 |
1 | NL | 0,325 | 0,071 | 0,311 | 4,575 | 0,000 | 0,479 | 2,088 |
| TC | 0,236 | 0,066 | 0,213 | 3,607 | 0,000 | 0,632 | 1,581 |
| DD | 0,076 | 0,059 | 0,076 | 1,283 | 0,201 | 0,631 | 1,586 |
a. Biến phụ thuộc: AD |
Nguồn: Kết quả xử lý số liệu của nhóm tác giả
Kết quả phân tích hồi quy (Bảng 8) cho thấy, giá trị Sig của các biến độc lập PL, NL, TC, DD, AD đều < 0,05 và hệ số phóng đại phương sai (VIF) của từng nhân tố có giá trị < 10, nên mô hình hồi quy không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến. Từ kết quả phân tích hồi quy, tác giả thiết lập phương trình hồi quy như sau:
AD = 0,302*PL + 0,325*NL + 0,236*TC + 0,076*DD
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
Kết quả nghiên cứu cho thấy, 4 nhân tố của mô hình đều tác động tới các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng chuẩn mực kế toán trong các DNNVV trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, mức độ tác động theo mức độ giảm dần như sau: Kinh nghiệm và năng lực làm việc của kế toán viên (NL); Hệ thống văn bản pháp luật (PL); Tổ chức, tư vấn nghề nghiệp (TC); Đặc điểm của doanh nghiệp (DD).
Dựa trên kết quả nghiên cứu, một số khuyến nghị được đưa ra để cải thiện việc áp dụng chuẩn mực kế toán trong các DNNVV trên địa bàn tỉnh Đồng Nai như sau:
Thứ nhất, nâng cao kinh nghiệm và năng lực của kế toán viên: Các doanh nghiệp cần đầu tư vào việc đào tạo và phát triển kỹ năng của kế toán viên. Đặc biệt, doanh nghiệp nên tổ chức các khóa học nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật kiến thức về chuẩn mực kế toán mới nhất và đào tạo thực hành chuyên sâu. Khuyến khích kế toán viên tham gia các chương trình bồi dưỡng do các tổ chức chuyên môn kế toán uy tín tổ chức, nhằm tăng cường kỹ năng áp dụng chuẩn mực kế toán trong thực tế.
Thứ hai, cải thiện hệ thống văn bản pháp luật: Các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến chuẩn mực kế toán. Đảm bảo rằng các quy định kế toán luôn rõ ràng, minh bạch và dễ áp dụng, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của các quy định kế toán quốc tế. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ DNNVV trong việc tiếp cận, hiểu rõ và áp dụng các quy định kế toán mới.
Thứ ba, tăng cường vai trò của tổ chức tư vấn nghề nghiệp: Các tổ chức tư vấn và đào tạo kế toán cần đóng vai trò tích cực hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV, thông qua việc cung cấp các dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp và các khóa học nâng cao về chuẩn mực kế toán. Tạo ra một mạng lưới kết nối giữa doanh nghiệp và các tổ chức tư vấn nghề nghiệp để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận sự hỗ trợ, giúp việc áp dụng chuẩn mực kế toán trở nên thuận lợi hơn.
Thứ tư, nâng cao mức độ áp dụng chuẩn mực kế toán: Doanh nghiệp cần chủ động trong việc tìm hiểu và áp dụng các chuẩn mực kế toán, không chỉ tuân thủ các quy định, mà còn đảm bảo tính minh bạch và nhất quán trong việc lập báo cáo tài chính. Khuyến khích doanh nghiệp sử dụng phần mềm kế toán hiện đại nhằm đảm bảo việc áp dụng chuẩn mực kế toán được tự động hóa và chính xác.
Thứ năm, xem xét đặc điểm doanh nghiệp trong việc áp dụng chuẩn mực kế toán: Các DNNVV cần điều chỉnh cơ cấu tổ chức và quy mô hoạt động sao cho phù hợp với khả năng tài chính, đồng thời nâng cao tính chuyên nghiệp trong quản lý tài chính và kế toán. Đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn hoặc nguồn lực hạn chế, cần chú trọng vào việc tối ưu hóa các quy trình kế toán, đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực kế toán cơ bản để giảm thiểu rủi ro tài chính./.
Tài liệu tham khảo
1. Chow, C.W., and Wong-Boren (1987), Voluntary financial disclosure of Mexican corporations, The Accounting Review, 62(3), 533-541.
2. Cooke, T. (1991), The level of disclosure in the annual reports of Swedish companies, Accounting and Business Research, 19(74), 113-124.
3. Gray, S.J. (1988), A theory of cultural influence on the development of accounting systems internationally, Abacus, 24(1), 1-15.
4. Hair, J. F. Jr., Anderson, R. E., Tatham, R. L., and Black, W. C. (1998), Multivariate data analysis (5th ed.), Upper Saddle River, NJ: Prentice Hall.
5. Meek, G.K., Roberts, C.B., and Gray, S.J. (1995), Factors influencing voluntary disclosure in annual reports of multinational corporations from the US, UK and Europe, Journal of International Business Studies, 26(1), 555-572.
6. Nguyễn Công Phương (2013), Mô hình chuẩn mực kế toán tại Việt Nam, Tạp chí Kinh tế & Phát triển, Số 194, 31-37.
7. Nguyen, M. H. (2024), Natural absurdity: How satirical fables can inform us of a vision for sustainability?. https://books.google.com/books?id=viQtEQAAQBAJ
8. Trần Đình Khôi Nguyên (2011), Các nhân tố ảnh hưởng vận dụng chuẩn mực kế toán trong các DNNVV tại Đà Nẵng, Tạp chí Kinh tế & Phát triển, Số 190, 55-60.
9. Wallace, R., and Naser (1995), Firm-specific factors that influence the adequacy of mandatory disclosures in the annual reports of companies listed on the Hong Kong Stock Exchange, Journal of Accounting and Public Policy, 14(4), 311-368.
Ngày nhận bài: 22/10/2024; Ngày phản biện: 05/11/2024; Ngày duyệt đăng: 26/11/2024 |
Bình luận