Sự khác biệt tạo nên cung cầu

Ngày 26/01/2021, VN-Index giảm mạnh 34 điểm, tương đương gần 3% khiến tâm lý nhà đầu tư đại chúng dao động. Trên một số diễn đàn, nhà tư vấn cho rằng thị trường đang đi vào vùng rủi ro, nhà đầu tư nên ưu tiên giữ tiền mặt. Từ hôm nay đến Tết Tân Sửu, TTCK chỉ còn đúng 2 tuần giao dịch (nghỉ Tết từ thứ Tư, ngày 10/02/2021). Với 10 phiên giao dịch cuối cùng của năm sắp qua, diễn biến thị trường sẽ theo xu hướng nào và chọn đầu tư cách nào là câu chuyện được quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư.

Thực tế, TTCK là tổng hòa của các nhận định khác biệt và chính sự khác biệt tạo nên cung cầu, tạo nên giao dịch và thanh khoản từng phiên. Những nhà đầu tư lâu năm hiểu rõ một thực tế rằng, bản thân góc nhìn chung về thị trường đã khác biệt, nhưng trong cái chung đó, góc nhìn riêng về từng cổ phiếu cũng có sự khác biệt. Tuần qua, TTCK Việt Nam chứng kiến phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ đầu năm (ngày 19/01/2021), VN-Index mất trên 5% (61 điểm, trong phiên có lúc VN-Index giảm tới 75 điểm), nhưng thanh khoản lại cao kỷ lục, đạt trên 1 tỷ USD. Thanh khoản cao do những nhận định đối lập về tương lai thị trường.

Thanh khoản tăng mạnh trên sàn HOSE kể từ tháng 2/2020 đến nay

Thực tế cũng đã cho thấy, khi chỉ số giảm sâu nhất vẫn có những mã cổ phiếu tăng trần. Thị trường liên tục biến động, các góc nhìn cũng liên tục biến động, chọn làm sao cho trúng và đạt mục tiêu đầu tư là khát khao chung của người chơi chứng khoán. Chỉ có điều, khát khao này không thể cùng đạt được. Tổng giám đốc Passion Investment Lã Giang Trung từng chia sẻ: “Đại dịch khiến nhà đầu tư lỗi lạc cũng lệch bước”, để minh chứng một thực tế rằng, rất khó để nắm bắt chuẩn xác xu hướng thị trường và ra được quyết định đúng trong đầu tư chứng khoán.

Bối cảnh thị trường thế giới đang có nhiều biến số sau khi nước Mỹ có Tổng thổng thứ 46, ông Joe Biden, với 25 quyết sách được đưa ra ngay trong ngày nhậm chức gần như đi ngược lại và phủ nhận những quyết sách trước đây của Tổng thống vừa hết quyền. Trong khi đó, đại dịch tiếp tục diễn biến bất thường trên toàn cầu, trong đó có nhiều quốc gia lân cận Việt Nam như Nhật Bản, Malaysia, Indonesia…, tạo nên căng thẳng và sự khó đoán định cho tương lai các nền kinh tế. Đầu tư trên một thị trường khó đoán định là việc người tham gia TTCK luôn phải đối mặt và mọi quyết định đều khó có thể tuyệt đối đúng trong bối cảnh này.

Trong góc nhìn chuyên gia, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc nghiên cứu MBS cho rằng, dù các yếu tố bên ngoài vẫn tiềm ẩn rủi ro như đại dịch Covid-19 chưa có hồi kết; cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc gây ra nhiều bất ổn, rủi ro địa chính trị tại các khu vực điểm nóng; xu hướng rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp diễn, nhưng câu chuyện riêng về khả năng nâng hạng của TTCK Việt Nam là một điểm cộng. Việt Nam đã đạt đủ điều kiện về quy mô và thanh khoản của thị trường mới nổi, với kỳ vọng, Tổ chức xếp hạng FTSE sẽ công bố Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp vào kỳ đánh giá thường niên tháng 9/2021.

Chọn kỹ để bớt nghĩ nhiều

Với nhà đầu tư, nhìn tổng quan năm 2020 dễ thấy, đồ thị cổ phiếu trên TTCK tăng rất đẹp, tưởng đầu tư dễ nhưng không phải. Tại những thời điểm cụ thể trong năm vừa qua, nhà đầu tư thường rất khó ra quyết định mua hay bán. Với cách dòng tiền chảy như hiện tại, nhà đầu tư dễ rơi vào tình thế vừa bán xong, cổ phiếu lại tăng giá, hoặc vừa mua xong, giá cổ phiếu mình mua lại giảm. Theo đó, ông Sơn khuyên rằng, những nhà đầu tư chưa quen với giao dịch liên tục thì nên tĩnh tâm, chọn cổ phiếu mà doanh nghiệp có tăng trưởng kinh doanh tốt, như thế sẽ đỡ sóng gió và đỡ rủi ro hơn, vì về bản chất, giá cổ phiếu của doanh nghiệp tăng trưởng sẽ được neo giữ và tăng trưởng ổn định.

Tổng giám đốc Pasion Investment cho rằng, nhiều người cùng dự đoán sau một năm 2020 khó khăn, kinh tế vĩ mô năm 2021 sẽ tốt. Tuy nhiên, kinh tế tốt chưa chắc đầu tư sẽ dễ dàng. “Tôi có cảm nhận, kiếm tiền năm 2021 khó hơn năm 2020, nhà đầu tư cần cẩn thận khi tâm trạng chung của thị trường là đang hưng phấn, đồng nghĩa với việc rủi ro đang ở mức cao”.

Trong bối cảnh thị trường nhiều biến số, điểm đáng quan sát nhất với nhà đầu tư đại chúng, như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Tình, là ở việc dòng tiền có bị rút ra khỏi kênh chứng khoán hay không. Theo diễn biến thường niên, cuối năm, áp lực rút tiền tiêu Tết của nhà đầu tư đại chúng là có, thậm chí cả khối ngoại và các tổ chức kinh doanh chứng khoán cũng có động thái này, nhưng nếu dòng tiền không chuyển hướng thì cơ hội cho TTCK sôi động sau Tết vẫn còn.

Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu nền kinh tế năm 2021 sẽ tăng trưởng 6,5%, nhưng nhiều tổ chức quốc tế như WB, ADB, OECD đặt niềm tin kinh tế Việt Nam có thể đạt tăng trưởng từ 6,8-8% trong năm 2021. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho rằng, dù TTCK luôn hàm chứa những rủi ro không thể lường hết, nhưng sự ổn định kinh tế vĩ mô chính là môi trường thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp vươn lên phát triển và đó cũng là động lực giúp TTCK tăng sức hấp dẫn từ nội lực.

Với việc VN-Index có phiên giảm sâu tuần qua và tiếp tục giảm đầu tuần này, nhà đầu tư đại chúng có lẽ đang ưu tiên chốt lãi sớm để cầm tiền đón Tết. Tuy nhiên, nếu đang cầm cổ phiếu của doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt và không chịu áp lực trả nợ margin, việc giữ hàng và mua tích lũy thời điểm này có thể sẽ giúp nhà đầu tư đón Tết to hơn trong năm mới./.