Tóm tắt

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các phương pháp đo lường thanh khoản cổ phiếu được áp dụng tại các thị trường chứng khoán (TTCK) ở nhiều quốc gia trên thế giới chủ yếu căn cứ vào 4 đặc điểm cơ bản của cổ phiếu, gồm: thời gian giao dịch, độ chặt, độ sâu và tính đàn hồi. Căn cứ vào đặc điểm của TTCK Việt Nam và các nghiên cứu thực nghiệm đã tổng hợp, bài viết đề xuất phương pháp đo lường thanh khoản cổ phiếu phù hợp cho các cổ phiếu giao dịch trên TTCK Việt Nam, từ đó mang lại thông tin tham khảo hữu ích cho các tổ chức và cá nhân khi xem xét tính thanh khoản của cổ phiếu trước khi đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả, giảm thiểu rủi ro.

Từ khóa: thanh khoản cổ phiếu, đo lường thanh khoản, thị trường chứng khoán, cổ phiếu, thị trường cận biên, thị trường mới nổi

Summary

The research results show that the methods of measuring stock liquidity applied in stock markets in many countries around the world are mainly based on four dimensions of stocks which are trading time, tightness, depth and elasticity. Based on the characteristics of the Vietnamese stock market and the previous empirical studies, the article proposes an appropriate method of measuring stock liquidity for stocks listed on the Vietnam stock market, thereby providing useful reference information for organizations and individuals to assess stock liquidity before making effective investment decisions to minimize risks.

Keyword: stock liquidity, liquidity measurement, stock market, stocks, frontier market, emerging market

ĐẶT VẤN ĐỀ

Nhờ có TTCK, nên các công ty niêm yết huy động được nguồn vốn lớn dài hạn, mà không quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngắn hạn vay từ hệ thống ngân hàng, đồng thời nhà đầu tư có thêm nhiều cơ hội đầu tư. Để thúc đẩy TTCK phát triển lành mạnh, bền vững, cần triển khai nhiều giải pháp, trong đó việc cải thiện thanh khoản cho các sản phẩm trên thị trường đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực gia tăng thu hút hiệu quả các nhà đầu tư.

Các cổ phiếu có tính thanh khoản cao sẽ giúp nhà đầu tư dễ dàng bán nó vào thời điểm thích hợp để thu được lợi nhuận kỳ vọng, giảm thiểu rủi ro thua lỗ do cổ phiếu kém hoặc không thanh khoản. Hiện có nhiều phương pháp đo lường thanh khoản cổ phiếu tại các TTCK trên thế giới. Tuy nhiên, với đặc thù của một TTCK đang ở hạng thị trường cận biên như Việt Nam, việc nghiên cứu để đề xuất phương pháp đo lường thanh khoản cổ phiếu khả thi, phù hợp, nhằm giúp nhà đầu tư dễ dàng “cân đo” được thanh khoản của các cổ phiếu trước khi đưa ra quyết định đầu tư là rất cần thiết. Điều này lại càng có ý nghĩa thiết thực hơn trong bối cảnh TTCK Việt Nam đang có nhiều biến động khó lường, do chịu tác động từ các khó khăn về kinh tế, xã hội, thiên tai, dịch bệnh... cả ở trong nước và quốc tế, khiến cho nhiều cổ phiếu rơi vào tình trạng kém hoặc mất thanh khoản.

BẢNG: CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐO LƯỜNG THANH KHOẢN CỔ PHIẾU

Một số phương pháp đo lường thanh khoản cổ phiếu và đề xuất phương pháp áp dụng cho cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Nguồn: Tổng hợp từ dữ liệu nghiên cứu của tác giả

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Bài viết tổng hợp các nghiên cứu thực nghiệm về đo lường thanh khoản cổ phiếu và các nhân tố ảnh hưởng đến thanh khoản cổ phiếu. Thông qua thống kê các phương pháp đo lường thanh khoản cổ phiếu được áp dụng ở một số TTCK tại các quốc gia, nghiên cứu sử dụng phương pháp so sánh và phân tích để lựa chọn phương pháp đo lường thanh khoản cổ phiếu phù hợp, nhằm đề xuất áp dụng cho các cổ phiếu giao dịch trên TTCK Việt Nam.

THANH KHOẢN CỔ PHIẾU VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐO LƯỜNG THANH KHOẢN CỔ PHIẾU

Khái niệm thanh khoản cổ phiếu

Theo nghiên cứu của Amihud và Mendelson (2006), một tài sản được coi là thanh khoản nếu được giao dịch ở mức giá thị trường hiện hành một cách nhanh chóng với chi phí thấp.

Liên quan đến khái niệm về thanh khoản cổ phiếu, nghiên cứu của Pástor và Stambaugh (2003) cho rằng, thanh khoản cổ phiếu phản ánh khả năng giao dịch khối lượng cổ phiếu một cách nhanh chóng tại mức phí thấp và không có sự dịch chuyển về giá. Trong khi đó, theo kết quả nghiên cứu của Liu (2006), thanh khoản là khả năng giao dịch nhanh chóng một lượng lớn chứng khoán với giá thấp, mà không có bất kỳ sự thay đổi quan trọng nào từ khi đặt mua đến thời điểm mua.

Các phương pháp đo lường thanh khoản cổ phiếu

Harris (1990) cho rằng, thanh khoản cổ phiếu có 4 đặc điểm cơ bản, gồm: thời gian giao dịch, độ chặt, độ sâu và tính đàn hồi. Đến nay, các đặc điểm này luôn là những tiêu chí quan trọng được sử dụng để đo lường thanh khoản cổ phiếu. Còn Alnaif (2014) đã đo lường thanh khoản cổ phiếu bằng chỉ số Turnover. Trong đó, chỉ số Turnover được đo lường thông qua tỷ lệ giữa giá trị cổ phiếu giao dịch so với tổng cổ phiếu lưu hành bình quân trong kỳ. Phương pháp đo lường này phản ánh tính thực tiễn cao, bởi chỉ số giá trị giao dịch trong kỳ cho thấy được mức độ thu hút của cổ phiếu đối với các nhà đầu tư.

Bổ sung phương pháp đo lường thanh khoản cổ phiếu cho các nghiên cứu trước đó, Marshall và cộng sự (2013) đã đề xuất một số phương pháp đo lường thanh khoản cổ phiếu như sau:

(i) Công cụ ước tính Roll: phương pháp này giả định hiệp phương sai nối tiếp thay đổi giá có thể được sử dụng để ước tính mức chênh lệch giá cổ phiếu. Ưu điểm của phương pháp này là được tính cho mỗi cổ phiếu trong mỗi tháng.

(ii) Log của giá giao dịch - Gibbs: phương pháp này đo lường thanh khoản cổ phiếu bằng tổng của giá trị giao dịch có điều chỉnh thay đổi giá (một nửa chênh lệch) với hệ số hoàn trả của thị trường.

(iii) Tần suất của ngày có lợi nhuận bằng 0: các cổ phiếu ít thanh khoản được cho là có nhiều khả năng không có khối lượng giao dịch và lợi nhuận bằng không. Do đó, phương pháp Tần suất của ngày có lợi nhuận bằng 0 sẽ phản ánh tốt mức độ thanh khoản của cổ phiếu.

Bên cạnh đó, giá là nhân tố được áp dụng để đo lường thanh khoản cổ phiếu ở nhiều nghiên cứu. Cheng (2007) đã xác định tỷ lệ thanh khoản Amivest dựa vào điều chỉnh tích số của nhân tố giá đóng cửa và khối lượng cổ phiếu của công ty để xác định thanh khoản cho cổ phiếu. Trong khi đó, Madyan và cộng sự (2013), Norvaišien và Stankevi (2014) đã dựa vào tỷ số giữa hiệu của giá chào bán và giá hỏi mua với trung bình cộng của hai nhân tố này để đo lường thanh khoản cổ phiếu qua mức chênh lệch tương đối (Quos). Tóm lại, một số phương pháp cơ bản đo lường thanh khoản cổ phiếu được tổng hợp như Bảng.

Qua thống kê cho thấy, trong 4 đặc điểm cơ bản của cổ phiếu gồm: thời gian giao dịch, độ chặt, độ sâu và tính đàn hồi (Harris, 1990), thì độ chặt - đo lường thông qua các dạng khác nhau của chênh lệch về giá - là đặc điểm được vận dụng phổ biến trong các nghiên cứu để đo lường thanh khoản cổ phiếu. Trong khi đó, thước đo kém thanh khoản Amihud là thước đo được sử dụng nhiều nhất.

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ PHƯƠNG PHÁP ĐO LƯỜNG THANH KHOẢN CỔ PHIẾU CHO CỔ PHIẾU GIAO DỊCH TRÊN TTCK VIỆT NAM

Kết luận

Việc tìm được phương pháp đo lường thanh khoản cổ phiếu phù hợp, hiệu quả và khả thi, không những cung cấp căn cứ khoa học cho các công ty niêm yết trong quản lý và điều hành công cụ vốn của mình, mà còn giúp các nhà đầu tư có căn cứ để đưa ra các quyết định đầu tư cổ phiếu, nhằm đa dạng hóa hoạt động đầu tư và giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh TTCK có nhiều biến động khó lường dẫn đến rủi ro cổ phiếu kém hoặc mất thanh khoản.

Khuyến nghị phương pháp đo lường thanh khoản cổ phiếu

Với hai lý do cơ bản, gồm: (i) Đến nay, TTCK Việt Nam vẫn là TTCK cận biên, với đặc thù là các sản phẩm trên thị trường chưa đa dạng và mức độ hội nhập thị trường quốc tế chưa cao; (ii) Trên TTCK Việt Nam hiện phần lớn là các nhà đầu tư cá nhân nhỏ và họ thường đưa ra quyết định đầu tư chủ yếu dựa vào các chỉ số giao dịch trên thị trường với những biến động không phản ánh xác thực thanh khoản của các cổ phiếu, tác giả đề xuất phương pháp đo lường thanh khoản cổ phiếu trên TTCK Việt Nam như sau:

Một số phương pháp đo lường thanh khoản cổ phiếu và đề xuất phương pháp áp dụng cho cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Với phương pháp đo lường này, thị trường cận biên nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng có thể thuận lợi hơn trong thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhờ phương pháp đo lường thanh khoản cổ phiếu sử dụng tiêu chí số lượng cổ phiếu đang lưu hành (phản ánh rõ ràng, minh bạch về thực trạng mức độ giao dịch của cổ phiếu trên thị trường), từ đó giúp nhà đầu tư dễ dàng đo lường được thanh khoản cổ phiếu với thông tin đáng tin cậy trước khi đưa ra quyết định đầu tư, nhằm tránh rủi ro phát sinh khi mua phải các cổ phiếu kém hoặc không thanh khoản./.

NGUYỄN THỊ VẠN HẠNH

Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 13 - tháng 5/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Alnaif, K. L. (2014), Stock liquidity determination evidence from Amman Stock Exchange, Asian Economic and Financial Review, 4(12), 1894-1905.

2. Amihud, Y., and Mendelson, H. (2006), Stock and bond liquidity and its effect on prices and financial policies, Financial Markets and Portfolio Management, 20(1), 19.

3. Conroy, R. M., Harris, R. S., and Benet, B. A. (1990), The effects of stock splits on bid-ask spreads, The Journal of Finance, 45(4), 1285-1295.

4. Cheng, S. R. (2007), A study on the factors affecting stock liquidity, International Journal of Services and Standards, 3(4), 453-475.

5. Khan, B., Tahir, M., Nasir, A. M., and Mushtaq, M. (2019), The impact of companies’ internal factors on stock liquidity in Pakistan, Afro-Asian Journal of Finance and Accounting, 9(4), 459-473.

6. Liu, W. (2006), A liquidity-augmented capital asset pricing model, Journal of financial Economics, 82(3), 631-671.

7. Luo, J., Chen, L., and Liu, H. (2013), Distribution characteristics of stock market liquidity, Physica A: Statistical Mechanics and its Applications, 392(23), 6004-6014.

8. Madyan, M., Salim, U., and Anshori, M. (2013), Liquidity determinants of Sharia and Non Sharia stocks, IOSR Journal of Business and Management, 9(2), 28-38.

9. Marshall, B. R., Nguyen, N. H., and Visaltanachoti, N. (2013), Liquidity commonality in commodities, Journal of Banking & Finance, 37(1), 11-20.

10. Norvaišien, R., and Stankevi, J. (2014), Impact of companies’ internal factors on stock liquidity in Baltic markets, 156(4), 543-547.

11. Pstor, Ľ., and Stambaugh, R. F. (2003), Liquidity risk and expected stock returns, Journal of Political economy, 111(3), 642-685.