Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng tích cực
Riêng trong tháng 8, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 515,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ năm học mới tăng cao.
Tháng 8 là tháng mùa hè cuối cùng của năm, cũng là thời điểm cuối kỳ nghỉ hè của học sinh, sinh viên nên các hoạt động du lịch cũng như vui chơi ngoài trời nhộn nhịp hơn.
| ||
Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 19,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,1%).
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm 2023 ước đạt 3.175,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 78,5% tổng mức và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 7,4%).
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng năm 2023 ước đạt 436,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng mức và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu 8 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Đà Nẵng tăng 40,3%; Cần Thơ tăng 27,2%; Đồng Nai tăng 23,6%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 23,4%; Quảng Ninh tăng 21,8%; Hải Phòng tăng 14,4%; Hà Nội tăng 11,9%.
Doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng năm 2023 ước đạt 22,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và tăng 47% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu du lịch tăng cao trong mùa cao điểm và các địa phương cũng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm kích cầu du dịch sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Doanh thu 8 tháng năm 2023 của một số địa phương so với cùng kỳ năm trước như sau: Đà Nẵng tăng 97,5%; Khánh Hòa tăng 93,4%; Thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Ninh cùng tăng 57,6%; Hải Phòng tăng 57%; Hà Nội tăng 45,9%; Bình Thuận tăng 40,2%; Cần Thơ tăng 15,6%; Lâm Đồng tăng 11,5%.
Bộ Công Thương đánh giá, từ nay đến cuối năm, điều hành giá dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn với áp lực lạm phát gia tăng. Vì thế, Bộ sẽ có chỉ đạo các sở công thương đẩy mạnh chương trình kích cầu gắn với bình ổn thị trường phục vụ cho Tết Nguyên đán 2024, tổ chức kích cầu gắn với công nghiệp văn hóa, du lịch để làm sao vừa thu hút du lịch, vừa tăng được sức mua.
Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới, ngành Công thương sẽ tập trung vào kích cầu tiêu dùng gắn kết với du lịch, gắn kết với phát triển nông thôn mới... với mục tiêu phát triển kinh tế của từng địa bàn có thông qua chương trình kết nối cung - cầu./.
Bình luận