Bảo vệ, bảo tồn nguyên vẹn các giá trị cốt lõi của thiên nhiên
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có hoạt động liên quan nhằm bảo vệ các thành phần môi trường (nước, không khí, đất) và di sản thiên nhiên.
THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA, GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG XẤU ĐẾN MÔI TRƯỜNG ĐẤT
Cụ thể, Nghị định nêu rõ, việc triển khai dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, hoạt động sản xuất nông nghiệp, sử dụng đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, sử dụng đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường đất, bảo đảm không làm ô nhiễm, suy giảm, thoái hóa chất lượng đất, không làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.
Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân gây ô nhiễm cho môi trường đất có trách nhiệm thực hiện việc điều tra, đánh giá chi tiết theo quy định |
Việc chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản phải bảo đảm không làm ô nhiễm, suy thoái đất và được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Việc sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm phải bảo đảm không gây tác động xấu đến cảnh quan môi trường, cản trở dòng chảy; trả lại đất đúng với trạng thái mặt đất theo yêu cầu của cơ quan giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân gây ô nhiễm cho môi trường đất có trách nhiệm thực hiện việc điều tra, đánh giá chi tiết theo quy định; xây dựng và thực hiện phương án xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đất.
Phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất phải được gửi tới cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh để tổ chức kiểm tra, giám sát.
BẢO VỆ, CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG NƯỚC MẶT
Theo Nghị định, nội dung chính của kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt được quy định tại Khoản 2 Điều 9 Luật Bảo vệ môi trường.
Trong đó, về đánh giá chất lượng môi trường nước mặt; xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, hành lang bảo vệ nguồn nước mặt; xác định khu vực sinh thủy bao gồm các nội dung: hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ giai đoạn tối thiểu 3 năm gần nhất; tổng hợp hiện trạng các vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, hành lang bảo vệ nguồn nước mặt, nguồn sinh thủy đã được xác định theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.
Biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước mặt; giải pháp hợp tác, chia sẻ thông tin và quản lý ô nhiễm nước mặt xuyên biên giới bao gồm: các biện pháp quy định tại Khoản 2 Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường đối với đoạn sông, hồ không còn khả năng chịu tải; các biện pháp, giải pháp bảo vệ các vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, hành lang bảo vệ nguồn nước mặt, nguồn sinh thủy theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.
Các giải pháp bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường nước mặt bao gồm: các giải pháp về khoa học, công nghệ xử lý, cải thiện chất lượng môi trường nước mặt; các giải pháp về cơ chế, chính sách; các giải pháp về tổ chức, huy động sự tham gia của cơ quan, cộng đồng, tổ chức; các giải pháp công trình, phi công trình khác.
THỰC HIỆN BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TRONG TRƯỜNG HỢP KHÔNG KHÍ BỊ Ô NHIỄM NGHIÊM TRỌNG
Nghị định cũng quy định về thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo đó, trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng do sự cố môi trường, việc ứng phó sự cố môi trường được thực hiện theo quy định tại Mục 1 Chương X Luật Bảo vệ môi trường.
Trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng không thuộc quy định trên, cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp sau: hạn chế, tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian hoạt động của cơ sở sản xuất có lưu lượng xả bụi, khí thải lưu lượng lớn ra môi trường và thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; hạn chế, phân luồng hoạt động của các phương tiện giao thông vận tải đường bộ; tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian làm việc của các cơ quan, tổ chức, trường học; tạm dừng hoạt động tập trung đông người ở ngoài trời.
CẢI TẠO, PHỤC HỒI Ô NHIỄM TRONG DI SẢN THIÊN NHIÊN
Về bảo vệ môi trường đối với di sản thiên nhiên, Nghị định quy định hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong vùng lõi của di sản thiên nhiên được kiểm soát như đối với vùng bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định về phân vùng môi trường của pháp luật về bảo vệ môi trường; hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong vùng đệm của di sản thiên nhiên được kiểm soát như đối với vùng hạn chế phát thải theo quy định về phân vùng môi trường của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Các hệ sinh thái tự nhiên trong di sản thiên nhiên phải được ưu tiên bảo tồn và phục hồi nguyên trạng tự nhiên; môi trường đất, môi trường nước trong di sản thiên nhiên bị ô nhiễm, suy thoái phải được cải tạo, phục hồi.
Các giá trị cốt lõi của thiên nhiên và đa dạng sinh học của di sản thiên nhiên phải được bảo vệ, bảo tồn nguyên vẹn; dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên của di sản thiên nhiên phải được duy trì, phát triển và sử dụng bền vững.
Các chỉ số đặc trưng về địa chất, cảnh quan, sinh thái, đa dạng sinh học của di sản thiên nhiên phải được điều tra, đánh giá, theo dõi, giám sát, kiểm kê, báo cáo theo quy định./.
Bình luận