Bịt “lỗ hổng” cơ chế trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Lộ diện nhiều rủi ro khi 49% trái phiếu không có tài sản đảm bảo
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn tiềm ẩn một số rủi ro. Điều này thể hiện qua, từ đầu năm 2021 đến nay, trong số các TPDN phát hành riêng lẻ thì có tới 49,1% trái phiếu không có tài sản đảm bảo; 207/300 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ có tài sản đảm bảo, nhưng chất lượng tài sản không… đảm bảo; trên thị trường thứ cấp, tỷ lệ nắm giữ TPDN của các nhà đầu tư cá nhân vẫn rất cao.
Về rủi ro của chất lượng tài sản đảm bảo, đáng lo ngại là ngay cả với 50,9% TPDN phát hành riêng lẻ có tài sản đảm bảo, thì chất lượng tài sản đảm bảo không… lấy gì là “đảm bảo” khi, theo Bộ Tài chính chúng chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp. Giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường. Trường hợp thị trường bất động sản hoặc thị trường chứng khoán có biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Tài sản đảm bảo của trái phiếu có thể dùng để bảo đảm cho các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu khác của doanh nghiệp...
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt Công ty cổ phần Tập đoàn VsetGroup 600 triệu đồng do vi phạm quy định về phát hành TPDN |
“Sức khỏe” của doanh nghiệp phát hành cũng đang bộc lộ rủi ro với thị trường, cũng như nhà đầu tư. Bộ Tài chính phát hiện vẫn có doanh nghiệp phát hành TPDN với khối lượng lớn trong khi vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ qua các năm. Điển hình như nhóm doanh nghiệp bất động sản, trong số hơn 100 công ty phát hành TPDN riêng lẻ từ đầu năm đến nay, thì có 26 doanh nghiệp ghi nhận lỗ trong 6 tháng đầu năm 2021; tại thời điểm 30/6/2021, hệ số nợ vay trên vốn chủ hữu bình quân của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết là 2,5 lần, trong khi tỷ lệ này của các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết là 8,1 lần.
Tuy số lượng nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp có xu hướng giảm mua trên thị trường sơ cấp TPDN riêng lẻ, nhưng theo Bộ Tài chính, trên thị trường thứ cấp, tỷ lệ nắm giữ của các nhà đầu tư cá nhân vẫn rất cao.
Bịt “lổ hổng” pháp lý
Trước thực trạng báo động trên, dù Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ mới có hiệu lực chưa đầy 1 năm, nhưng Bộ Tài chính vừa đề xuất sửa đổi. Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP vừa được công khai lấy ý kiến rộng rãi, nhiều đề xuất mới được đưa ra.
Bộ Tài chính đề xuất bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm tăng tính thanh khoản, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch, tăng cường quản lý, giám sát đối với các trái phiếu đưa vào giao dịch trên thị trường thứ cấp. |
Theo đó, cùng với đề xuất sửa quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích, Bộ Tài chính còn kiến nghị bổ sung quy định về Đại diện người sở hữu trái phiếu để tăng cường giám sát mục đích sử dụng vốn trái phiếu của doanh nghiệp phát hành, cũng như tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết khác của doanh nghiệp phát hành. Bộ Tài chính còn đề xuất sửa đổi một số quy định về thời hạn và nội dung công bố thông tin nhằm khắc phục những bất cập trong thời gian qua, đồng thời tăng cường tính minh bạch của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cũng như việc sử dụng vốn phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.
Bên cạnh đề xuất bổ sung quy định về cách thức xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng được phép đầu tư và giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ, Bộ Tài chính còn đề nghị bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành nhằm tăng tính công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng trái phiếu được phát hành, đồng thời giúp thị trường có thói quen sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm để đánh giá rủi ro của trái phiếu, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.
Để kiểm soát rủi ro của thị trường, bên cạnh hoàn thiện hệ thống pháp lý, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng tăng cường giám sát, triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, các tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản; các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao; các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ; các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.., để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm./.
Bình luận