Bộ Công an phải kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường chứng khoán
Theo Bộ Tài chính, Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, vừa được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành có nhiều nội dung đáng chú ý.
Theo đó, đến hết năm 2025, phấn đấu quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP; dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP.
Chính phủ yêu cầu tăng cường các biện pháp chế tài để xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán, nhằm bảo vệ nhà đầu tư, khôi phục niềm tin của thị trường... |
Về thị trường trái phiếu, Nghị quyết số 86/NQ-CP yêu cầu phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ trở thành thị trường chuẩn trên thị trường tài chính, đáp ứng nhu cầu huy động vốn cho ngân sách Nhà nước, hỗ trợ công tác tái cơ cấu ngân sách và nợ công theo hướng an toàn, bền vững.
Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, giám sát quá trình phát hành, phân phối, lưu ký, đầu tư, mua bán trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt, chấn chỉnh việc sử dụng vốn sau phát hành trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp, đảm bảo minh bạch, đúng mục đích, tuân thủ đúng các quy định pháp luật, qua đó bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, thúc đẩy huy động vốn trung và dài hạn. Khẩn trương hoàn thiện và phát triển nền tảng cơ sở hạ tầng hiện đại, để thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh bền vững; tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ; nâng cao chất lượng công bố thông tin, chất lượng báo cáo tài chính đối với các công ty phát hành. Tách bạch rõ giữa trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ.
Chính phủ yêu cầu chấn chỉnh việc sử dụng vốn sau phát hành trái phiếu của doanh nghiệp |
Đối với thị trường cổ phiếu, Chính phủ yêu cầu tăng cường các biện pháp chế tài để xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán, để bảo vệ nhà đầu tư, khôi phục niềm tin của thị trường, đặc biệt là xử lý nghiêm, kịp thời tình trạng thao túng, làm giá, đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững. Đảm bảo hệ thống giao dịch vận hành an toàn, thông suốt; đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ số; khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, nhằm thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.
Chính phủ giao Bộ Tài chính trước mắt, khẩn trương rà soát trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. |
Nghị quyết giao Bộ Tài chính rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp, để trình Chính phủ sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, ngày 31/12/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Chủ động rà soát, kiến nghị sửa đổi các quy định bất cập liên quan đến minh bạch thông tin của doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, tham gia thị trường; tăng cường các giải pháp chế tài xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán, bảo vệ nhà đầu tư.
Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán và tiền tệ, lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm thị trường chứng khoán phát triển minh bạch, ổn định, an toàn, bền vững, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô; không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế…/.
Bình luận