Hạn chế, bất cập

Năm 2016, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã không đạt được mục tiêu đề ra. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2016, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 4,88 triệu tấn và 2,2 tỷ USD, giảm 25,8% về khối lượng và giảm 21,2% về giá trị so với năm 2015. Tuy nhiên, điều đáng buồn là xuất khẩu gạo của Việt Nam ngày càng có xu hướng giảm về giá trị, thu hẹp về thị trường.

Năm 2017, Bộ Công Thương cho biết, thương mại gạo được dự báo sẽ tăng lên do nhu cầu cao từ châu Á và Trung Đông. Ấn Độ dự kiến sẽ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới dù xuất khẩu gạo basmati chịu sự cạnh tranh gay gắt. Xuất khẩu của Thái Lan sẽ hồi phục trong khi Việt Nam cũng được dự báo tăng, nhưng ít có khả năng đạt được mức như những năm trước.

Có nhiều nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo giảm, nhưng trong đó đáng chú ý là nhiều thị trường nhập khẩu chính đã từ bỏ nhập khẩu diện Nghị định thư như Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Banglades.

Do đó, xuất khẩu gạo chỉ phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu mới và thương nhân (diện tiểu ngạch). Thêm vào đó, trên thị trường xuất khẩu gạo vẫn còn thiếu vắng các liên kết ngang giữa các công ty (ví dụ như trong việc đàm phán giá lúa gạo xuất khẩu) và liên kết dọc với các công ty cung ứng đầu vào cho sản xuất. Xu hướng xây dựng vùng nguyên liệu hiện được thực hiện rất “gượng ép” do các doanh nghiệp chủ yếu dựa vào nguồn cung sẵn có trên thị trường, sản phẩm xuất khẩu không có sự khác biệt lớn, rủi ro về lợi nhuận cao do thị trường đầu ra không ổn định.

Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ được bãi bỏ từ ngày 04/01/2017

Trong những năm vừa qua, một loạt các chính sách được ban hành tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới hành vi của các chủ thể trên thị trường lúa gạo. Tuy nhiên, các chính sách được thiết kế cũng bộc lộ nhiều bất cập và không đạt được kết quả như kỳ vọng, trong đó có quy định về điều kiện thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo...

Cụ thể là theo Quyết định 6139, ngày 26/08/2013 về Quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo, thì thương nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, nếu đáp ứng đủ các điều kiện và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện mới được kinh doanh xuất khẩu gạo.

Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn kinh doanh xuất khẩu gạo phải đảm bảo ít nhất hai điều kiện cần, đó là: có ít nhất 1 kho chuyên dùng dự trữ tối thiểu 5.000 tấn lúa; sở hữu ít nhất 1 cơ sở xay xát thóc với công suất tối thiểu là 10 tấn thóc/giờ tại các tỉnh, thành phố có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển xuất khẩu thóc, gạo.

Mục tiêu của chính sách này là giảm bớt các đầu mối xuất khẩu nhằm tránh hiện tượng tranh mua, tranh bán. Hệ quả của chính sách này là tập trung xuất khẩu vào một số doanh nghiệp lớn, loại bỏ các doanh nghiệp nhỏ vì khó đáp ứng được hai điều kiện trên.

Tuy nhiên, chính sách này không đạt được mục tiêu liên kết nhà xuất khẩu với nông dân, vô hình trung tạo thêm một tầng lớp nữa giữa nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu. Đó là các doanh nghiệp thu gom cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Việc tập trung xuất khẩu vào một số ít doanh nghiệp khiến các doanh nghiệp lớn này có xu hướng tìm các thị trường xuất khẩu những lô lớn các loại gạo chất lượng thấp với giá rẻ thay vì tìm kiếm xuất khẩu tại các thị trường ngách các loại gạo có chất lượng cao, với giá bán cao hơn.

Chính sách này cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ có liên kết với nông dân để sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ, đặc sản địa phương, có thị trường đầu ra ổn định, lợi nhuận cao và tính cạnh tranh cao, nhưng lại không thể trực tiếp xuất khẩu do không đủ điều kiện về kho chứa, hệ thống xay xát…

“Cởi trói” cho thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo

Trong bối cảnh tình hình thị trường xuất khẩu gạo khó khăn, cạnh tranh gay gắt, việc bãi bỏ quy định nói trên góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu gạo. Trước đó, ngày 19/09/2016, trên cơ sở đánh giá tình hình thực tiễn triển khai thực hiện Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã có Công văn số 8768/BCT-XNK kiến nghị Chính phủ xem xét, cho phép bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo ban hành kèm theo Quyết định số 6139/QĐ-BCT.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại văn bản số 10257/VPCP-KTTH, ngày 28/11/2016, chiều ngày 04/01/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định bãi bỏ Quyết định số 6139/QĐ-BCT.

Theo Quyết định mới, các tiêu chí, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo quy định tại Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo ban hành kèm theo Quyết định số 6139/QĐ-BCT, như: khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo, quy định khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy định tiêu chí thành tích xuất khẩu gạo, đã được chính thức bãi bỏ.

Trong bối cảnh khó khăn như vậy, việc bãi bỏ các tiêu chí, điều kiện này nhằm loại bỏ các quy định điều kiện kinh doanh không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư năm 2014, góp phần đảm bảo tính minh bạch của thể chế, môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu gạo, góp phần thúc đẩy xuất khẩu gạo và tăng cường tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân...

Như vậy, cùng với việc cắt giảm và đơn giản hóa 123 thủ tục hành chính, sửa đổi quy định về dán nhãn năng lượng hồi đầu tháng 12/2016, bãi bỏ Thông tư 37 đối với lĩnh vực dệt may, ra mắt Cổng dịch vụ công trực tuyến, sửa đổi Thông tư 07..., thì việc bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo một lần nữa thể hiện quyết tâm của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh với cam kết “ngành Công Thương sẽ đi đầu trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính”, loại bỏ các “nút thắt” thể chế, tạo “sân chơi” bình đẳng giữa các doanh nghiệp, bảo đảm sự cạnh tranh, quyền lợi tối cao cho người tiêu dùng…

Như vậy, với diễn biến thị trường thế giới về nhu cầu được dự báo sẽ tích cực trong năm nay, cùng với việc xóa bỏ quy định làm khó thương nhân xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương, ngành gạo xuất khẩu năm 2017 được nhận định là sẽ đổi chiều, khởi sắc so với năm ngoái 2016./.