Từ khóa: vay sản xuất, kinh doanh, tín dụng, LPBank, tỉnh Trà Vinh

Summary

The article evaluates the current situation of production and business lending activities at Lien Viet Post Joint Stock Commercial Bank - Tra Vinh Branch (hereinafter referred to as LPBank Tra Vinh). Based on the analysis results, the authors propose some management implications to expand network and perfect loan products, improve operational performance and limit credit risks.

Keywords: production and business loans, credit, LPBank, Tra Vinh

GIỚI THIỆU

Để có thể mở rộng và phát triển SXKD, các doanh nghiệp, các hộ gia đình SXKD rất cần có nguồn vốn vay từ các các ngân hàng thương mại tại tỉnh Trà Vinh nói chung và LPBank Trà Vinh nói riêng. Chính vì vậy, LPBank Trà Vinh cần mở rộng mạng lưới cho vay cũng như hoàn thiện các sản phẩm vay nhằm đáp ứng được nhu cầu khách hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay và hạn chế được những rủi ro tín dụng. Đây là lý do nhóm tác giả lựa chọn nghiên cứu về thực trạng và giải pháp phát triển tín dụng cho vay SXKD tại LPBank Trà Vinh.

THỰC TRẠNG CHO VAY SXKD TẠI LPBANK TRÀ VINH GIAI ĐOẠN 2020-2022

Doanh số cho vay SXKD

Bảng 1: Doanh số cho vay SXKD của LPBank Trà Vinh giai đoạn 2020-2022

Đơn vị: Triệu đồng

Chỉ tiêu

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

So sánh

2021/2020

2022/2021

Lượng tăng giảm tuyệt đối

%

Lượng tăng giảm tuyệt đối

%

Doanh số cho vay

1,106,583

1,986,356

2.698.691

879.773

79,5%

712.335

35,9%

Doanh số cho vay SXKD

456.126

612.586

815.369

156.460

34,3%

202.783

33,1%

Doanh số cho vay SXKD/Doanh số cho vay (%)

41,2%

30,8%

30,2%

- 10,4%

-

-0,6%

-

Nguồn: LPBank Trà Vinh

Bảng 1 cho thấy, doanh số cho vay SXKD tăng trưởng liên tục qua từng thời kỳ. Năm 2020, doanh số cho vay SXKD là 456.126 triệu đồng, đến năm 2021, có xu hướng tăng lên đạt 612.586 triệu đồng, tăng 156.460 triệu đồng, tương đương tăng 34,3%. Năm 2022, doanh số cho vay SXKD là 815.369 triệu đồng, tăng 202.783 triệu đồng tương ứng 34% so với năm 2021. Doanh số cho vay SXKD tăng trưởng liên tục ổn định qua các năm, qua đó có thể thấy các sản phẩm vay SXKD mà Ngân hàng mang đến cho khách hàng đã đạt hiệu quả đáng kể, thu hút được khách hàng sử dụng. Doanh số cho vay SXKD chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh số cho vay của Ngân hàng. Đây là dấu hiệu của việc Ngân hàng đang tích cực hỗ trợ cho việc phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp và các hộ buôn bán nhỏ. Điều này có thể bao gồm vốn đầu tư để mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm thiết bị mới và thúc đẩy các dự án phát triển.

Bảng 2: Doanh số thu nợ SXKD của LPBank Trà Vinh giai đoạn 2020-2022

Đơn vị: Triệu đồng

Chỉ tiêu

Năm 2020

Năm 2021

Năm

2022

So sánh

2021/2020

2022/2021

Lượng tăng giảm tuyệt đối

%

Lượng tăng/giảm tuyệt đối

%

Doanh số thu nợ

711.517

1.035.091

2.501.844

323.574

45,5

1.466.753

141,7

Doanh số thu nợ SXKD

305.263

402.169

605.369

96.906

31,7

203.200

50,5

Doanh số thu nợ SXKD/Doanh số thu nợ (%)

42,9

38,9

24,2

- 4

-

- 14,7

-

Nguồn: LPBank Trà Vinh

Bảng 2 cho thấy, doanh số thu nợ vay SXKD tăng trưởng liên tục từ năm 2020 đến năm 2022. Năm 2020, doanh số thu nợ vay SXKD là 456.126 triệu đồng, đến năm 2021, tăng nhẹ đạt 402.169 triệu đồng, tăng 96.906 triệu đồng, tương đương tăng 31,7%. Năm 2022, doanh số thu nợ vay SXKD tăng mạnh lên 605.369 triệu đồng, tăng 203.200 triệu đồng tương ứng 50,5% so với năm 2021. Doanh số thu nợ vay SXKD tăng trưởng liên tục qua các năm biểu hiện sự tích cực về hoạt động ngân hàng cũng như tình hình tài chính chung của ngân hàng. Doanh số thu nợ cao có thể chỉ ra rằng, Ngân hàng đang có hiệu suất tốt trong việc quản lý và thu hồi nợ từ các khoản vay SXKD. Điều này có thể đồng nghĩa với quy trình quản lý rủi ro và đánh giá tín dụng hiệu quả, giúp giảm thiểu rủi ro mất mát nợ. Ngoài ra việc thu nợ hợp lý và hiệu quả sẽ giúp Ngân hàng luân chuyển liên tục dòng tiền và đảm bảo nguồn vốn cung cấp cho các khách hàng vay. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh số thu nợ vay SXKD so với tổng doanh số thu nợ của Ngân hàng có xu hướng giảm dần qua các năm có thể ảnh hưởng đến việc hiệu quả thu hồi vốn cho vay SXKD của Ngân hàng chưa đạt chất lượng như các sản phẩm vay khác.

Dư nợ cho vay SXKD

Bảng 3: Dư nợ cho vay SXKD của LPBank Trà Vinh giai đoạn 2020-2022

Đơn vị: Triệu đồng

Chỉ tiêu

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

So sánh

2021/2020

2022/2021

Lượng tăng giảm tuyệt đối

%

Lượng tăng giảm tuyệt đối

%

Dư nợ cho vay

1.255.263

2.206.528

2.403.375

951.265

75,8

196.847

8,9

Dư nợ cho vay SXKD

407.136

617.553

827.553

210.417

51,7

210.000

34

Dư nợ cho vay SXKD/Dư nợ cho vay (%)

32,4

28

34,4

- 4,4

-

6,4

-

Nguồn: LPBank Trà Vinh

Bảng 3 cho thấy, dư nợ cho vay SXKD tăng trưởng liên tục qua từng thời kỳ. Năm 2020, dư nợ cho vay SXKD là 407.136 triệu đồng, đến năm 2021, tổng dư nợ có xu hướng tăng lên đạt 617.553 triệu đồng, tăng 210.417 triệu đồng, tương đương tăng 51,7%. Năm 2022, dư nợ cho vay SXKD là 827.553 triệu đồng, tăng 210.000 triệu đồng tương ứng 34% so với năm 2021. Dư nợ cho vay SXKD tăng trưởng liên tục ổn định qua các năm chứng tỏ, Ngân hàng đã phát triển gói sản phẩm vay SXKD phù hợp, thu hút được khách hàng sử dụng. Dư nợ cho vay SXKD chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng dư nợ, điều này cho thấy, Ngân hàng tập trung nhiều vào phát triển sản phẩm cho vay SXKD với mục đích không chỉ đem lại lợi nhuận, mà còn khuyến khích người dân SXKD tạo ra của cải vật chất, tinh thần cho xã hội thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Dư nợ cho vay SXKD cao một phần phản ánh sự tin tưởng của doanh nghiệp và các cá nhân kinh doanh vào khả năng cấp tín dụng và uy tín từ ngân hàng. Dư nợ cho vay tăng là một trong những yếu tố chính góp phần gia tăng lợi nhuận của ngân hàng của ngân hàng bằng việc thu lãi hàng kỳ từ các khoản vay được tính dựa trên lãi suất thoả thuận với khách hàng.

Nợ quá hạn cho vay SXKD

Bảng 4: Nợ quá hạn cho vay SXKD của LPBank Trà Vinh giai đoạn 2020-2022

Đơn vị tính : Triệu đồng

Chỉ tiêu

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Dư nợ cho vay SXKD

407.136

617.553

827.553

Nợ quá hạn cho vay SXKD

4.456

5.169

6.986

Nợ quá hạn cho vay SXKD/Dư nợ cho vay SXKD (%)

1,1%

0,8%

0,8%

Nguồn: LPBank Trà Vinh

Bảng 4 cho thấy, tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dư nợ cho vay SXKD qua các năm đều rất thấp (dưới 2%). Đánh giá về nợ quá hạn cho vay SXKD, nhóm tác giả đánh giá dựa trên khía cạnh tỷ lệ nợ quá hạn vay SXKD trên dư nợ vay SXKD để thấy được mức độ rủi ro của sản phẩm vay này đối với ngân hàng. Tỷ lệ nợ quá hạn vay SXKD trên dư nợ vay SXKD còn có xu hướng giảm, cụ thể, năm 2021 tỷ lệ nợ quá hạn giảm 0,3% so với năm 2020, nhưng đến năm 2022 tỷ lệ quá hạn vẫn giữ nguyên (0,8%). Điều này chứng tỏ, chất lượng hoạt động cho vay SXKD tốt, cán bộ tín dụng đã thực hiện nghiêm túc trong khâu thẩm định khách hàng cũng như theo dõi cẩn thận tình hình hoạt động kinh doanh của khách hàng, kiểm tra khách hàng có sử dụng vốn đúng mục đích không, công tác kiểm soát các khoản cho vay của ngân hàng ngày càng được nâng cao. Theo một góc độ khác, nợ quá hạn ở mức thấp còn chứng tỏ Ngân hàng đã chọn lựa khách hàng có khả năng trả nợ cao, các khách hàng này được Ngân hàng đánh giá cẩn thận trước khi cho vay dựa trên: khả năng thanh toán của khách hàng, thu nhập của khách hàng và áp dụng các tiêu chí tín dụng cao để giữ cho các khoản vay ở mức độ an toàn.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay SXKD tại LPBank Trà Vinh, theo nhóm tác giả, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đào tạo nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ nhân viên. Theo đó, chương trình đào tạo cần tập trung vào việc nắm vững kỹ năng đánh giá rủi ro. Nhân viên cần được cung cấp kiến thức sâu rộng về các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng, từ tình hình tài chính cá nhân đến vận hành kinh doanh của họ. Việc này giúp nhân viên đưa ra quyết định vay một cách đúng đắn, cung cấp cho khách hàng hạn mức vay phù hợp với khả năng tài chính từ đó giảm bớt được rủi ro tín dụng. Ngoài ra, ban lãnh đạo Ngân hàng nên áp dụng công nghệ trong quá trình đào tạo, sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu nhằm đánh giá và xếp hạng tín dụng cho khách hàng, từ đó đưa ra quyết định chính xác và hiệu quả. Việc đào tạo nhân viên cần được diễn ra thường xuyên và liên tục được cập nhật những kiến thức mới phù hợp với chính sách của Ngân hàng và điều kiện thị trường thực tế để đảm bảo rằng nhân viên luôn được trang bị những kiến thức và kỹ năng mới nhất để đối mặt với những thách thức đổi mới và đa dạng trong lĩnh vực tài chính.

Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động cho vay có tài sản bảo đảm (TSBĐ) được hình thành từ vốn vay. Một số trường hợp khách hàng có độ uy tín cao, nhưng TSBĐ của khách hàng không đủ giá trị để khách hàng vay mua thêm một tài sản mới, do đó trong quá trình thẩm định, để đảm bảo hạn chế rủi ro khi cho vay, cán bộ khách hàng buộc phải hạ thấp hạn mức cho vay của khách hàng xuống, tiền lãi vay cũng giảm xuống theo dẫn đến lợi nhuận của ngân hàng bị sụt giảm một phần, các khách hàng khi không được vay đủ số vốn mà họ cần từ đó làm giảm sự hài lòng của khách hàng đối với Ngân hàng. Do đó, Ngân hàng nên đẩy mạnh cho vay có TSBĐ được hình thành từ vốn vay khi các cá nhân, hộ sản xuất vay vốn để bổ sung thêm khi giá trị TSBĐ ban đầu khách hàng thế chấp không đủ giá trị. Mô hình cho vay có tài sản bảo đảm được hình thành từ vốn vay cho phép khách hàng sử dụng tài sản mới mua như là một loại bảo đảm đối với khoản vay. Điều này giúp giảm rủi ro tín dụng và tăng cường khả năng thu hồi vốn trong trường hợp khách hàng không thể trả nợ. Hình thức này đối với còn khá mới, vì vậy, LPBank Trà Vinh nên thúc đẩy mạnh mẽ cho vay có TSBĐ được hình thành thành từ chính nguồn vốn vay, để có thể tăng trưởng dư nợ cho vay SXKD, mà vẫn đảm thiệt hại cho vay không quá lớn khi có trường hợp khách hàng mất khả năng trả nợ.

Thứ ba, nâng cao cơ sở vật chất hạ tầng. Đầu tiên, việc tích hợp công nghệ thông tin và dữ liệu điện toán đám mây là một giải pháp hiệu quả để quản lý thông tin khách hàng và phân tích dữ liệu khách hàng một cách nhanh chóng. Hệ thống thông tin đồng bộ và hiện đại giúp giảm thời gian xử lý, cải thiện chính xác trong đánh giá tín dụng, và tăng sự linh hoạt trong quá trình quản lý khoản vay. Đồng thời, việc tích hợp ứng dụng ngân hàng số e-banking và dịch vụ cho vay cho phép khách hàng dễ dàng tương tác và quản lý thông tin vay của họ. Một ứng dụng công nghệ số có tích hợp nhiều chức năng và giao diện dễ sử dụng không chỉ tăng cường sự thuận tiện, mà còn giảm áp lực cho các chi nhánh vật lý, tăng cường khả năng phục vụ khách hàng từ xa, từ đó không chỉ thu hút thêm nhiều khách hàng vay vốn tại Ngân hàng, mà còn gia tăng doanh số tài khoản ngân hàng điện tử. Ngoài ra, việc bảo mật thông tin khách hàng cũng rất quan trọng. Ngân hàng cần xây dựng một hệ thống bảo vệ thông tin vững chắc để tránh các tội phạm công nghệ cao đánh cấp thông tin khách hàng, thông tin giao dịch, gây thiệt hại đến khách hàng và Ngân hàng./.

Tài liệu tham khảo

1. Hà Tiểu Nhi (2022), Phát triển cho vay SXKD đối với khách hàng cá nhân tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam – Chi nhánh Bến Tre, Luận văn thạc sỹ Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

2. LPBank Trà Vinh (2020-2022), Báo cáo tình hình hoạt động cho vay SXKD của LPBank Trà Vinh giai đoạn 2020-2022.

3. Ngân hàng Nhà nước (2016), Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

4. Phan Thị Thu Hà (2013), Giáo trình ngân hàng thương mại, giáo trình Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

PGS, TS. Đào Thị Thanh Bình - Trường Đại học Hà Nội

Nguyễn Khánh Trung - Trường Đại học Hà Nội

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01, tháng 01/2024)