Theo Văn bảo số 4889/BCT-XNK, ngày 12/8/2021 của Bộ Công thương gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tạo thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn thu mua thóc, gạo hàng hóa, Bộ Công Thương cho biết, để góp phần hỗ trợ cho các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo trong bối cảnh dịch Covid -19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản số 5747/NHNN-TD ngày 10/8/2021 đề nghị các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo vốn tín dụng phục vụ thu mua, tạm trữ thóc, gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Việc hỗ trợ có thể bằng nhiều hình thức như: mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp để có nguồn vốn thu mua tạm trữ thóc, gạo và nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến thóc, gạo; đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp...

Bộ Công thương kiến nghị hỗ trợ tín dụng cho DN kinh doanh thóc, gạo
Doanh nghiệp kiến nghị cần được tạo điều kiện để giải quyết được đầu ra cho lượng gạo đã thu mua

Tuy nhiên, qua công tác theo dõi tình hình thị trường và thông tin trao đổi tại cuộc họp ngày 12/8/2021 giữa Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công thương về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khu vực phía Nam với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, việc tiếp cận nguồn vốn theo văn bản số 5747/NHNN-TD nêu trên giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng, nhưng chưa hoàn toàn được thuận lợi.

Cụ thể là, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương khi họp với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh sản xuất lúa gạo về đảm bảo nguồn cung hàng hóa, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phía Nam trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã nhận được phản ánh các doanh nghiệp xuất khẩu không thuận lợi, đang gặp nhiều khó khăn nên chưa tiếp tục thu mua được lúa cho nông dân.

Nguyên nhân gạo chưa xuất đi được nhiều do các cảng đang thiếu công nhân, đơn hàng xuất đi châu Phi không có tàu lớn vào vì lo dịch bệnh, sà lan đi từ địa phương lên khó, bị giữ lại, không vào bốc hàng được…

Còn các doanh nghiệp chủ động thu mua được lúa thì lại gặp khó trong vấn đề tài chính. Do đó, vấn đề quan trọng hiện nay, theo các doanh nghiệp, là cần được tạo điều kiện để giải quyết được đầu ra cho lượng gạo đã thu mua của doanh nghiệp.

Vì vậy, để tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn thu mua thóc, gạo cho nông dân, Bộ Công Thương kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại: (i) Hỗ trợ nhất định về lãi suất cho các doanh nghiệp; (ii) Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thế chấp vay vốn bằng chính sản phẩm sẽ thu mua.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp 4 tỉnh thành gồm An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ, vụ lúa hè thu năm 2021 hiện còn tồn khoảng 3 triệu tấn lúa, nhưng đến nay gặp ách tắc trong khâu thu hoạch và vận chuyển, dẫn đến giá lúa thấp khiến nông dân quá vất vả.

Ngành nông nghiệp 4 địa phương trên cho biết đã có kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp để làm sao hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn thu mua lúa gạo sắp tới./.