Bộ Công Thương lấy ý kiến để sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Thực hiện nhiệm vụ xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được giao tại Nghị quyết số 17/2021/QH15 ngày 27 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội và Quyết định số 1427/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đã chủ động, khẩn trương thực hiện các thủ tục theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) hiện có 07 Chương và 80 Điều. So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 có 06 Chương, 51 Điều, Dự thảo Luật hiện giữ nguyên 13 Điều khoản, sửa đổi 38 Điều khoản và bổ sung mới 29 Điều khoản, trong đó, bổ sung thêm 01 Chương về “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh”.
Để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã gửi toàn văn Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và Dự thảo Tờ trình Chính phủ xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) hiện có 07 Chương và 80 Điều |
Cấm quấy rối người tiêu dùng qua tiếp thị sản phẩm trái ý muốn
Tại dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Bộ Công Thương đề xuất, cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị sản phẩm, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 2 lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng. Cụ thể các hành vi sau:
- Lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về sản phẩm, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp; uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ;
- Ép buộc người tiêu dùng thông qua việc thực hiện một trong các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các biện pháp khác gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của người tiêu dùng; lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để ép buộc giao dịch;
- Không bảo đảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ theo quy định của pháp luật gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, dịch vụ cho người tiêu dùng do nhầm lẫn.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ cấm thực hiện các hành vi bán hàng đa cấp bất chính quy định tại Khoản 3 Điều 44 Luật này.
Xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định chi tiết việc xử phạt vi phạm hành chính trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.
Bình luận