Bộ Công thương: Sẽ xác minh thông tin cảnh báo mì Hảo Hảo và miến Good của Acecook
Ngày 20/8, trên trang web của Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền, trong đó có 2 sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam thương hiệu mỳ ăn liền Good và Hảo Hảo. Đây không phải câu chuyện mới của sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, dù đã cảnh báo, song cứ lặp lại một cách nhức nhối.
Ireland thu hồi mỳ ăn liền Good và Hảo Hảo của Việt Nam
Ngày 20/8, trên trang web của Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền, trong đó có 2 sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam thương hiệu mỳ ăn liền Good và Hảo Hảo.
Theo FSAI, một số lô sản phẩm mì ăn liền đang bị thu hồi do có chứa ethylene oxide. Chất này không được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở EU. Người tiêu dùng ăn phải chất này không có nguy hiểm cấp tính, nhưng có thể gặp vấn đề sức khoẻ nếu ăn phải ethylene oxide trong một thời gian dài. Cơ quan này cảnh báo cần hạn chế tối đa tiếp xúc với chất này.
Thông báo trên website của Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ngày 20/8/2021 |
Thông báo thu hồi sản phẩm mỳ ăn liền được dán tại các cửa hàng phân phối các lô liên quan.
Thông tin cụ thể về lô hàng có nguồn gốc từ Việt Nam bị thu hồi gồm mì Hảo Hảo vị tôm chua cay (loại 77g, hạn sử dụng đến 24/9/2022), miến Good vị sườn heo (loại 56 g, hạn sử dụng đến 10/11/2022). Hai thương hiệu này do Công ty Acecook Việt Nam sản xuất.
Ethylene oxide (EO), còn gọi là oxiran và epoxit, là một hợp chất hữu cơ thường được tìm thấy ở dạng khí không màu và rất dễ cháy. Chất này thường được sử dụng chủ yếu làm hoá chất trung gian trong sản xuất ethylene glycol (chất chống đông), hàng dệt, chất tẩy rửa, bọt polyurethane, dung môi, thuốc, chất kết dính, nguyên liệu cho sản xuất nhựa Polyethylene terephthalate (PET) và các sản phẩm khác. Tại châu Âu, EO được xếp loại là một sản phẩm thuốc trừ sâu bị cấm. Việc sử dụng EO để khử trùng thực phẩm là không được phép. |
Theo thông tin từ Bộ Công thương, Bộ đã đề nghị Công ty cổ phần Acecook Việt Nam khẩn trương báo cáo về quy trình sản xuất và sự khác biệt giữa lô sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối với 2 sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good do Công ty sản xuất để đánh giá sự xuất hiện chất Ethylene Oxide (là chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế) trong sản phẩm như cảnh báo nêu trên.
Cùng với đó, Bộ Công thương chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm do Công ty cổ phần Acecook Việt Nam hiện đang phân phối trong nước, kiểm tra xác minh làm rõ quy trình sản xuất và xác định các vi phạm nếu có để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm Việt Nam, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
Chia sẻ trên truyền thông ngày 27/8, đại diện Acecook cho biết, hiện doanh nghiệp cũng đang xác minh để thông tin tới toàn thể khách hàng.
Theo thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA), năm 2020, nhu cầu mì ăn liền của Việt Nam đứng thứ 3 thế giới với lượng tiêu thụ, tăng 29,47% so với năm 2019. Tại Việt Nam, khi thực hiện các đợt giãn cách xã hội, báo cáo của Bộ Công thương cũng thường xuyên ghi nhận thiếu hụt tạm thời mì ăn liền. Bởi vì đây là mặt hàng được người dân mua với số lượng lớn, một số nơi còn ít hàng do chưa kịp phân phối, giá cả không thay đổi. Riêng mặt hàng mì Hảo Hảo, tại một số địa phương đôi khi có khan hiếm do nhu cầu của người dân lớn, các cơ sở kinh doanh chưa kịp nhập hàng.
Về tiềm năng xuất khẩu, năm 2020 và năm 2021, ngành sản xuất mì ăn liền đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với tình trạng khẩn cấp về phòng dịch Covid-19 toàn cầu. Cá biệt, khi tình hình dịch bệnh tại nhiều nước diễn biến phức tạp, có công ty của Việt Nam xuất khẩu mì tăng 300%. Hiện nay, phở ăn liền và mì ăn liền hiện Việt Nam đã và đang xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia trên toàn thế giới.
Người tiêu dùng Việt lo lắng
Đây không phải là lần đầu tiên các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bị nước nhập khẩu trả lại hoặc thu hồi sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông sản.
Trước đó, một số lô hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã từng bị trả về do nhiễm các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và vi phạm các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm vượt mức giới hạn cho phép, theo quy định của Mỹ. Trong đó chủ yếu là gạo thơm jasmine, gạo tấm jasmine, gạo lứt và gạo trắng chất lượng cao.
Cụ thể, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có khoảng 10.000 tấn gạo của 16 doanh nghiệp Việt Nam đã bị phía Mỹ trả về trong vòng 4 năm 2012-2016. Lý do là gạo bị tồn dư các chất acetamiprid, chlopyripos, hexaconazoe... có trong các loại thuốc bảo vệ thực vật để trị các loại bệnh trên cây lúa như đạo ôn, sâu đục thân, rầy nâu…
Đối với sản phẩm thủy sản, từ ngày 01/1-11/5/2019, Hệ thống Cảnh báo nhanh của châu Âu (EU) đối với mặt hàng thức ăn và thực phẩm nguy cơ gây rủi ro cho sức khỏe cộng đồng (RASFF) thông báo, có 9 lô hàng thủy sản và 8 lô hàng nông sản của Việt Nam bị từ chối, hoặc bị giám sát khi nhập vào EU.
Nguyên nhân là những lô hàng này không đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm của EU do chứa các chất vượt mức cho phép hoặc bị cấm sử dụng trong thực phẩm. Chỉ riêng trong năm 2018, đã có khoảng 80 lô hàng thủy sản của Việt Nam EU và các thị trường nhập khẩu cảnh báo không đảm bảo chất lượng và bị trả về. Số lượng hàng bị trả về gấp đôi trong năm 2017. Hiện thuỷ sản Việt vẫn chưa gỡ được "thẻ vàng" vào EU.
Gần nhất, năm 2019, tương ớt Chin-su bị Nhật Bản thu hồi do không đảm bảo các điều kiện về an toàn theo quy định chi tiết của nước này. Đây cũng là bài học đắt giá cho các doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường luôn đòi hỏi chất lượng cao về sản phẩm này.
Thực tế trên cho thấy, tình trạng nông sản, thực phẩm của Việt Nam bị trả về hoặc thu hồi không mới, song cứ lặp đi lặp lại, mặc dù những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia vào ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước, tức là các sản phẩm của Việt Nam phải đáp ứng nhiều điều kiện cao hơn, như: quy tắc xuất xứ, chất lượng sản phẩm… của quốc tế mới đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Mỳ Hảo Hảo được tiêu thụ rất rộng rãi tại Việt Nam |
Nhiều người tiêu dùng bày tỏ băn khoăn rằng, sản phẩm thực phẩm xuất khẩu ra nước ngoài nhưng không đạt tiêu chuẩn, bị thu hồi thì liệu những sản phẩm đó có an toàn cho người tiêu dùng Việt hay không? |
Theo một số ý kiến, nguyên nhân sâu xa của tình trạng hàng hóa Việt Nam không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu là do các cơ quan, doanh nghiệp còn ít chú ý về những quy định của nước nhập khẩu, vì thói quen, tư duy cũ trong sản xuất, kinh doanh, hoặc cũng có thể vì mong muốn tận dụng cơ hội thị trường để tối đa hóa lợi nhuận…
Nhiều người tiêu dùng bày tỏ băn khoăn rằng, sản phẩm thực phẩm xuất khẩu ra nước ngoài nhưng không đạt tiêu chuẩn, bị thu hồi thì liệu những sản phẩm đó có an toàn cho người tiêu dùng Việt hay không? Các cơ quan kiểm định chất lượng hàng hóa trong nước nên làm gì từ vụ tương ớt Chin-su, vụ mỳ tôm Hảo Hảo để đảm bảo tốt hơn cho người tiêu dùng nội địa?
Người tiêu dùng mong đợi sự phối hợp của các cơ quan quản lý, các hiệp hội ngành hành trong việc đánh giá chất lượng các sản phẩm đang có vấn đề nghi vấn và minh bạch thông tin ra thị trường. Điều cần nhất cho sự phát triển bền vững của thị trường, mỗi doanh nghiệp là sản phẩm phải vì sức khỏe người tiêu dùng. Vì thế, các bên liên quan cần mạnh tay với những doanh nghiệp có sản phẩm gây độc hại, nhằm tạo môi trường cung ứng sản phẩm, tiêu dùng sản phẩm lành mạnh ngay tại Việt Nam. Có như vậy, các sản phẩm của Việt Nam mới có thể có được thương hiệu mạnh, xây dựng chỗ đứng trên thị trường quốc tế./.
Bình luận