Từ khóa: rau quả, hiệu quả xuất khẩu, Nhật Bản, Việt Nam

Summary

In recent times, Vietnam's fruit and vegetable export turnover to Japan has increased significantly, concentrating in the advantageous fruits and vegetables such as pineapple, corn, lychee, and soybeans. However, the export value of Vietnamese fruits and vegetables still accounts for a low proportion of the total import value of Japanese fruits and vegetables. The article calculates the export efficiency of some types of vegetables and fruits, thereby proposing some solutions to promote the export of Vietnamese fruits and vegetables to the Japanese market.

Keywords: fruits and vegetables, export efficiency, Japan, Vietnam

GIỚI THIỆU

Nhật Bản và Việt Nam có sự gần gũi về mặt địa lý, có nét tương đồng về văn hóa, tập quán tiêu dùng. Điều này càng tạo nhiều thuận lợi cho Việt Nam có thể tăng cường XK rau và trái cây sang Nhật Bản. Ngành hàng rau quả Việt Nam XK sang Nhật Bản đang có lợi thế cạnh tranh rất cao, nhưng đơn giá XK một số sản phẩm còn cao dẫn đến hiệu quả XK còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu rau quả của Nhật Bản, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Việt Nam. Mặc dù tổng giá trị XK rau quả sang thị trường Nhật Bản tăng đều qua các năm song giá trị XK rau quả vào Nhật Bản chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp khoảng 1,99% tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản (ITC, 2023). Bài viết tập trung phản ánh tình hình XK rau quả của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản, phân tích hiệu quả XK một số mặt hàng rau quả chính của Việt Nam sang Nhật Bản và đưa một số giải pháp thúc đẩy XK rau quả sang thị trường này trong thời gian tới.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu về thông tin XK rau quả Việt Nam sang thị trường Nhật Bản từ website trade map (ITC). Dữ liệu sơ cấp được thu thập từ 73 doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia XK rau quả. Phương pháp thu thập thông tin được sử dụng là kết hợp phỏng vấn trực tiếp và gửi phiếu hỏi đến các DN để xin ý kiến của các DN theo các nội dung đã chuẩn bị sẵn.

Nghiên cứu sử dụng hệ số chi phí nội lực nguồn (Domestic Resource Costs - DRC) để đánh giá lợi thế cạnh tranh của một số rau quả Việt Nam có thế mạnh ở các địa phương. DRC được sử dụng khá phổ biến trong đánh giá lợi thế so sánh của một sản phẩm trong thương mại quốc tế nhằm xác định tiềm năng. Một số nghiên cứu đã sử dụng hệ số này, như: Rashid và cộng sự (2017), Vasilii và cộng sự (2020). Theo Tsakok (1990), DRC được tính như sau:

Hiệu quả xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Nhật Bản
DRC phản ánh CP thật sự mà xã hội phải trả trong việc sản xuất ra một đơn hàng hóa nào đó. DRC được so sánh với tỷ giá hối đoái chính thức (OER) và tỷ giá hối đoái mờ (SER) để tính chỉ số DRC/SER. Nếu: DRCi/SER < 1: Sản phẩm i có lợi thế cạnh tranh; DRCi/SER>1: Sản phẩm i không có lợi thế cạnh tranh.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Tình hình nhập khẩu rau quả của Nhật Bản từ Việt Nam

Nhật Bản luôn là thị trường XK chính của Việt Nam, năm 2020 tuy chịu tác động của đại dịch Covid-19, nhưng tổng kim ngạch XK rau quả của Việt Nam sang Nhật Bản vẫn đạt mức cao. Theo tính toán từ số liệu của ITC (2023), tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Việt Nam vào thị trường Nhật Bản đạt khoảng 90 triệu USD vào năm 2016 và tăng lên 156 triệu USD năm 2020 và gần 200 triệu USD vào năm 2022 (Bảng 1). Cơ cấu XK các mặt hàng qua chế biến chiếm gần gấp 3 lần nhóm rau, củ, thân cây có thể ăn được, điều này chứng tỏ khả năng XK các sản phẩm đã qua chế biến của Việt Nam có sự khởi sắc. Tuy có sự tăng trưởng đáng đáng kể giá trị XK rau quả sang thị trường Nhật Bản, song tỷ lệ này còn khá khiêm tốn chỉ chiếm 1,99% (năm 2022) giá trị nhập khẩu rau quả của Nhật Bản.

Bảng 1: Giá trị rau quả nhập khẩu của Nhật Bản từ Việt Nam giai đoạn 2016-2022

Mã hàng

Nhóm sản phẩm

2016

2017

2018

2019

2020

2021

2022

BQ (%)

Triệu USD

07

Rau, củ, thân cây có thể ăn được

29,8

30,8

34,1

40,8

31,1

33,2

33,7

103,1

08

Trái cây và vỏ có thể ăn được

23,0

28,9

36,3

34,0

52,7

75,4

70,3

122,7

20

SP chế biến từ rau, quả, các loại hạt và bộ phận của cây

36,8

36,7

40,8

53,6

72,8

89,9

91,7

117,2

Tổng

89,6

96,4

111,2

128,4

156,5

198,5

195,7

114,3

Nguồn: Tính toán từ số liệu của ITC (2023)

Hiệu quả XK rau quả Việt Nam sang thị trường Nhật Bản

Hiệu quả XK phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó chi phí sản xuất rau quả cao sẽ dẫn đến lợi nhuận thấp làm giảm hiệu quả XK. Theo tính toán từ số liệu điều tra các DN nông nghiệp một số mặt hàng rau quả hiện đang XK sang thị trường Nhật Bản (Bảng 2) cho thấy, nguyên liệu cho sản xuất rau quả chiếm tỷ lệ khá cao trong giá thành sản phẩm. Trong 4 mặt hàng XK, thì vải quả đông lạnh đang là sản phẩm có lợi nhuận cao hơn các sản phẩm khác. Vì vậy, các vùng trồng mà tập trung sẽ tạo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến rau quả hoạt động có hiệu quả.

Bảng 2: Chi phí, giá thành và giá bán một số mặt hàng rau quả XK sang Nhật Bản của Việt Nam (tính bình quân 1 tấn sản phẩm)

Đơn vị: Nghìn đồng

Chỉ tiêu

Đậu tương hạt

Vải quả đông lạnh

Dứa đông lạnh

Ngô hạt (rau)

Nguyên liệu

35.018,78

26.796,00

12.673,97

13.542,42

Vật tư sản xuất

164,16

2.286,00

2.100,58

158,08

Năng lượng

3.056,70

970,00

970,00

2.019,82

Nhân công

4.699,12

3.099,48

6.649,17

3.880,76

Chi phí xuất khô

1.262,00

1.306,00

1.493,00

1.101,30

Chi phí XK

1.348,61

1.357,65

1.289,65

1.382,93

Chi phí hao tổn

221,00

172,29

119,43

300,00

Chi phí phân bổ

2.029,83

1.277,09

1.869,16

1.338,27

Tổng giá thành

47.800,21

37.264,50

27.164,96

23.723,57

Giá bán

51.040,00

44.080,00

29.696,00

26.680,00

Lợi nhuận

3.239,79

6.815,50

2.531,04

2.956,43

Nguồn: Số liệu điều tra các doanh nghiệp (2020)

Theo tính toán từ cơ sở dữ liệu của ITC Trademap (2019), đơn giá XK các loại rau quả của Việt Nam sang Nhật Bản cao hơn so với đơn giá các sản phẩm cùng cấp đến từ các quốc gia chiếm thị phần lớn nhập khẩu rau quả của Nhật Bản, như: Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, New Zealand... Đồng thời, kết quả tính toán DRC và DRC/SER từ số liệu điều tra các DN XK rau quả một số mặt hàng rau quả Việt Nam XK sang thị trường Nhật Bản (Bảng 3) cho thấy, chi phí chế biến chiếm tỷ lệ chủ yếu trong cơ cấu giá XK rau quả của một số sản phẩm rau quả XK.

Bảng 3: DRC và DRC/SER một số mặt hàng rau quả Việt Nam XK sang Nhật Bản

T T

Tiêu chí

Đơn vị

Dứa

Ngô Bắc Bộ

Ngô Tây Nguyên

Vải

Đậu tương Bắc Bộ

Đậu tương Tây Nguyên

I

Chi phí nội địa

Nghìn Đồng

14.177,3

22.891

20.625,9

16.366,4

29.096,7

35.111,3

1

Chi phí sản xuất

Nghìn Đồng

3.708,8

12.709,8

10.444,7

5.365,3

16.315,3

22.329,8

2

Chi phí chế biến

Nghìn Đồng

10.468,5

10.181.2

10.181.2

11.001.1

12.781.4

12.781.4

2.1

Chi phí tài chính

Nghìn Đồng

277,1

338.3

338.3

809.7

1.029.8

1.029.8

2.2

Chi phí bán hàng

Nghìn Đồng

9.191,4

8.842.9

8.842.9

9.191.4

10.751.6

10.751.6

2.3

Chi phí quản lý doanh nghiệp

Nghìn Đồng

1.000

1.000

1.000

1.000

1.000

1.000

II

Chi phí nhập khẩu

USD

0

0

0

0

194

194

Nhập khẩu nguyên liệu chính

USD

0

0

0

0

194

194

III

Giá XK

USD

1.900

1.130

1.130

1.900

2.200

2.200

IV

DRC(I/(III-II))

Nghìn đồng/USD

7,46

20,26

18,25

8,61

14,5

17,5

V

OER

Nghìn đồng/USD

23,20

23,20

23,20

23,20

23,20

23,20

VI

SER

Nghìn đồng/USD

27,84

27,84

27,84

27,84

27,84

27,84

VII

DRC / SER

Lần

0,27

0,73

0,66

0,31

0,52

0,63

Nguồn: Số liệu điều tra các doanh nghiệp (2020)

Hiện nay, DRC của một số mặt hàng rau quả Việt Nam XK sang Nhật Bản (dứa, ngô sản xuất ở Bắc Bộ, ngô sản xuất ở Tây Nguyên, vải, đậu tương sản xuất ở Bắc Bộ và Tây Nguyên) đang thấp hơn khá nhiều so với tỷ lệ hối đoái và hệ số DRC/SER của các mặt hàng này đều thấp hơn 1 (từ 0,27-0,73), cho thấy các mặt hàng rau quả của Việt Nam XK sang Nhật Bản đang có lợi thế cạnh tranh rất cao (Hình 2).

Hình 2: Chi phí nguồn lực trong nước (DRC) và lợi thế cạnh tranh (DRC/SER) một số mặt hàng rau quả Việt Nam XK sang Nhật Bản

Hiệu quả xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Nhật Bản

Nguồn: Tính toán từ số liệu điều tra các doanh nghiệp (2020)

KẾT LUẬN

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tính toán DRC của một số mặt hàng rau quả Việt Nam XK sang Nhật Bản thấp hơn khá nhiều so với tỷ giá hối đoái và hệ số DRC/SER của các mặt hàng đều thấp hơn 1 (từ 0,27-0,73), nghĩa là các mặt hàng rau quả Việt Nam XK sang Nhật Bản đang có lợi thế cạnh tranh rất cao. Tuy nhiên, đơn giá XK các loại rau quả của Việt Nam sang Nhật Bản còn cao, do chi phí nguyên liệu và chi phí chế biến cao. Dựa trên kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả XK rau quả Việt Nam vào thị trường Nhật Bản sau:

Thứ nhất, xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh chất lượng cao. Để giảm giá thành sản phẩm, thì việc giảm chi phí nguyên liệu là một giải pháp cần thực hiện. Các DN phải tập trung xây dựng vùng nguyên liệu để có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng, liên kết sản xuất, hình thành vùng sản xuất rau quả tập trung. Xây dựng các vùng sản xuất rau quả tập trung đồng bộ với quy hoạch mạng lưới các nhà máy chế biến; ưu tiên dành diện tích đất đủ lớn và ổn định để đáp ứng ngay cho các nhà máy chế biến rau quả hiện có và các dự án đang triển khai đầu tư xây dựng; Mỗi địa phương lựa chọn ưu tiên phát triển một số loại cây ăn quả chủ lực quốc gia và nhóm rau mà địa phương có lợi thế sản xuất, mang tính đặc sản vùng miền và có khả năng liên kết với các địa phương xung quanh để tạo ra vùng rau quả tập trung, quy mô hàng hóa lớn.

Thứ hai, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau quả. Thực hiện từng bước chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất rau quả dựa trên nền tảng dữ liệu về đất đai, cây trồng, môi trường, thời tiết để nâng cao năng suất và chất lượng rau quả; Đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo các loại giống rau quả có năng suất và chất lượng cao, chống chịu tốt với hạn, mặn, sâu bệnh và đáp ứng với yêu cầu đa dạng hóa thị trường; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để có thể thu hoạch rải vụ, khắc phục và hạn chế bớt tính thời vụ của một số loại rau quả; Triển khai áp dụng thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP và phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ; thực hiện tốt các biện pháp thâm canh bền vững trong sản xuất rau quả.

Thứ ba, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Nhật Bản là thị trường khó tính, yêu cầu về vệ sinh an toàn đối với sản phẩm rất cao, đặt biệt đối với mặt hàng rau quả. Do họ không quan tâm đến các chứng chỉ của bên thứ ba, mà chú trọng việc trực tiếp kiểm tra chất lượng sản phẩm để gây dựng niềm tin, vì vậy mặt hàng rau quả muốn đáp ứng được thị trường này bên cạnh việc ngay lập tức áp dụng các tiêu chuẩn, như: GlobalGAP, JGAP trong trồng trọt còn phải xem xét tích hợp các tiêu chuẩn Nhật Bản vào trong sản xuất. Nên áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, như: HACCP, ISO, SSOP... và các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn khác của Nhật Bản. Việc áp dụng các tiêu chuẩn này cần thực hiện nghiêm túc, liên tục, tránh tình trạng thực hiện đối phó.

Thứ tư, phát triển hệ thống logistics ngành rau quả và công nghiệp phụ trợ cho XK rau quả. Nhà nước hỗ trợ DN giảm chi phí và hạ giá thành sản phẩm rau quả XK để nâng cao sức cạnh tranh thông qua phát triển hạ tầng cơ sở và logistics: Thiết lập trung tâm logistics sản phẩm nông sản tại các vùng, địa phương có các điều kiện về cơ sở hạ tầng, đầu mối giao thông vận tải phát triển để kết nối với các trung tâm sản xuất rau quả nhằm quản lý thống nhất chất lượng sản phẩm và giảm chi phí lưu thông hàng hóa; Đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển hệ thống logistics theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ rau quả; Thu hút các DN đầu tư phát triển chuỗi cung ứng lạnh. Chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành rau quả; phát triển các loại bao bì đóng gói rau quả tươi và sản phẩm chế biến thân thiện môi trường, các loại phụ gia thực phẩm, chất bảo quản rau quả đảm bảo an toàn thực phẩm; Đầu tư đồng bộ hạ tầng để giảm chi phí vận chuyển và phát triển ngành logistics theo chuỗi cho nông sản với giá thành thấp nhằm tăng tính cạnh tranh cho rau quả XK./.

Nguyễn Thị Thủy, Trần Đình Thao, Trần Thị Thương - Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Đinh Cao Khuê, Đinh Gia Nghĩa - Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 26, tháng 9/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Bruno M. (1972), Domestic Resource Costs and Effective Protection: Clarification and Synthesis, The Journal of Political Economy, 80(1), 16-33.

2. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2019), Báo cáo tiềm năng sản xuất và xuất khẩu ngành hàng rau quả Việt Nam.

3. Đinh Cao Khuê, Trần Đình Thao và Nguyễn Thị Thủy (2019), Tiềm năng và giải pháp thúc đẩy XK rau quả Việt Nam sang thị trường Nhật Bản, Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, 12, 1014-1022.

4. Ho Thanh Ha and Nguyen Thi Thuong (2011), Policy analysis of Hybrid Acacia production: A case study in Thua Thien Hue province, Journal of Science, Hue University, 67, 45-55.

5. ITC Trademap (2023), Import and Export Trade of Fruits and Vegetables to Japan, retrieved from https://www.trademap.org/Country_SelProductCountry_TS.aspx?nvpm.

6. Rashid M. A., M. A. Monayem Miah, and T. M. B. Hossain (2017), Import And Export Parity Price Analyses Of Selected Vegetables And Spices In Bangladesh, Bangladesh J. Agril. Res, 42(2), 321-341.

7. Tsakok I. (1990), Agricultural price policy: A practitioner's guide to partial-equilibrium analysis, Cornell University Press, New York, USA.

8. Vasilii E., D. Li., and D. Peiran (2020), Sustainability-Related Implications of Competitive Advantages in Agricultural Value Chains: Evidence from Central Asia -China Trade and Investment, Sustainability, 12(3), https://doi.org/10.3390/su12031117.