Các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hầu như chưa có
Đây là nhận định của ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tại hội thảo “Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp do nữ làm chủ và kiến nghị xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa” do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) phối hợp với Hội Nữ Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (HAWASME) và Dự án Sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mê kông (MBI) tổ chức ngày 18/10/2016.
Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ gặp nhiều bất lợi hơn so với nam giới
Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam cho biết, ở Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm gần 98% trong tổng số doanh nghiệp, giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo. Trong đó, các doanh nghiệp do nữ làm chủ đã có những đóng góp quan trọng trong vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nữ, lao động khuyết tật, thực hiện trách nhiệm xã hội, cũng như góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, tạo quyền cho phụ nữ và tiến bộ xã hội.
Ông Hoàng Quang Phòng phát biểu tại hội thảo |
Cụ thể, theo báo cáo của HAWASME, hiện nay Việt Nam có 24,8% doanh nghiệp nói chung do phụ nữ quản lý (thế giới chỉ có 19%), tạo việc làm cho 1,63 triệu lao động (trong đó có 0,75 triệu lao động nữ), nộp ngân sách 61,8 nghìn tỷ đồng. Đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì có 25% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, tạo 1,08 triệu lao động, nộp ngân sách 33,1 nghìn tỷ đồng. So với doanh nghiệp do nam giới làm chủ thì, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thu hút và sử dụng tỷ lệ lao động nữ cao hơn, trong khi đó vẫn thực hiện các chính sách người lao động tương tự như các doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, có một thực tế là, kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thấp hơn so với doanh nghiệp do nam giới làm chủ. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có lãi là 54,5%, trong khi đó doanh nghiệp do nam giới làm chủ là 58%.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên được chuyên gia tư vấn Lê Quang Cảnh cho rằng, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ gặp nhiều rào cản hơn so với nam giới, như: thiếu kiến thức và kỹ năng; khó tiếp cận nguồn lực và thông tin thị trường; ít có cơ hội tham gia chương trình xúc tiến thương mại; xây dựng và phát triển mạng lưới kinh doanh (bởi phụ nữ có ít thời gian và năng lực giao lưu như nam giới); phải cân bằng giữa công việc và gia đình.
Đáng chú ý, mặc dù thiệt thòi hơn nam giới, nhưng các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hầu như chưa có.
Theo chuyên gia Lê Quang Cảnh, ở Việt Nam hiện nay duy nhất có Nghị định 56/2009/NĐ-CP nhắc đến doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ “...ưu tiên chương trình trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ và doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ”. Tuy nhiên, do chưa quy định cụ thể về doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ và các hỗ trợ cho đối tượng này... nên hiện nay, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn không được hỗ trợ.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Hoàng Quang Phòng cũng cho biết, lâu nay, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ còn chưa có được sự hỗ trợ cần thiết, hiệu quả để vượt qua các rào cản do quy mô cũng như đặc thù giới tính. Việc đưa các nội dung về doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ, cũng như cần có chương trình đặc thù dành cho khu vực kinh tế này là cần thiết, để huy động sự tham gia và đóng góp tích cực của các doanh nhân nữ Việt Nam cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Cần được quy định trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Theo các đại biểu trong hội thảo, hỗ trợ cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ là điều không cần bàn cãi. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là làm sao để hỗ trợ và hỗ trợ như thế nào?
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, các hỗ trợ cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thường được các nước, như: Hàn Quốc, Philippines, Mỹ... quy định rõ ràng trong luật, hoặc ban hành chương trình cụ thể, hoặc kết hợp cả 2 phương thức trên. Các chính sách hỗ trợ của các nước thường bao gồm: hỗ trợ tiếp cận tài chính, hỗ trợ xây dựng năng lực và hỗ trợ xúc tiến thương mại.
Dựa trên thực tiễn ở Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, chuyên gia Lê Quang Cảnh kiến nghị, doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ cần phải là đối tượng được hưởng hỗ trợ của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Cần được cung cấp thông tin chính sách, thị trường, nguồn lực... công khai minh bạch và có thể tiếp cận; Cần bồi dưỡng doanh nhân nữ là chủ các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Đảm bảo tỷ lệ nhất định về doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ trong tiếp cận thị trường và nguồn lực hiện tại dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Vinh danh và ghi nhận đóng góp của doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ và đóng góp của doanh nhân nữ.
Cũng nhận định về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, nhiều nước trên thế giới đã hỗ trợ rất tốt cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, như: tạo cơ hội vay vốn, quảng bá sản phẩm, đào tạo kỹ năng, xây dựng cổng thông tin điện tử quảng bá hình ảnh cho phụ nữ... Chính vì vậy, những gì phù hợp với Việt Nam, thì chúng ta nên tiếp thu, học hỏi và áp dụng.
Ông Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại hội thảo |
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, 4 điểm cần ưu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp do nữ làm chủ, đó là: cung cấp thông tin thị trường, quảng bá thương mại, hình ảnh của doanh nghiệp; tiếp cận nguồn lực, ưu tiên vay vốn; hỗ trợ phát triển mạng lưới kinh doanh; hỗ trợ đào tạo và bồi dưỡng kiến thức.
Tuy nhiên, ông Lợi cũng lưu ý đến cơ quan soạn thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đó là các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp do nữ làm chủ cần phải quy định rất cụ thể, như: nguồn lực thực hiện chính sách ở đâu, cá nhân/tổ chức nào vận hành, vận hành như thế nào... Có như vậy, chính sách mới dễ dàng đi vào cuộc sống.
“Nếu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ được luật hóa trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì tôi tin rằng, 25% doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ sẽ có cơ hội để phát triển, và mục tiêu đến năm 2020, có 35% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoàn toàn có thể thực hiện được”, ông Lợi nhấn mạnh./.
Bình luận