Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dựa trên các khía cạnh pháp lý theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, có thể đưa ra cách thức và phương pháp xác định sơ bộ từng loại hình doanh nghiệp do nữ làm chủ. Đồng thời, với số liệu được kết xuất trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, có thể định lượng hóa được cơ bản mức độ tham gia của phụ nữ trong vị trí điều hành, lãnh đạo các doanh nghiệp và kinh doanh nói chung.

Phân định loại hình doanh nghiệp do nữ làm chủ theo các quy định pháp lý hiện hành
Việc xác định các loại hình doanh nghiệp do nữ làm chủ giúp khái quát toàn diện về mức độ tham gia của phụ nữ trong kinh doanh, lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp

Theo đó, việc phân định để xác định các loại hình doanh nghiệp do nữ làm chủ có thể dựa trên các loại hình doanh nghiệp được quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020, bao gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; quy định về nhóm công ty. Riêng loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn, có sự phân chia theo thành viên, cụ thể là: công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Ngoài ra, có thể tham khảo dựa trên căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 3, Luật Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 quy định: Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ là doanh nghiệp nhỏ và vừa có một hoặc nhiều phụ nữ sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên, trong đó có ít nhất một người quản lý điều hành doanh nghiệp đó. Cụ thể, việc phân định theo từng loại hình doanh nghiệp như sau:

Loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Khoản 1 Điều 74 Luật Doanh nghiệp quy định, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (gọi là chủ sở hữu công ty). Các quyền của chủ sở hữu công ty được quy định cụ thể tại Điều 76 Luật Doanh nghiệp, trong đó, chủ sở hữu là cá nhân thì có các quyền: (1) quyết định nội dung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; (2) quyết định tăng vốn điều lệ của công ty; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác; quyết định phát hành trái phiếu; (3) quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty; (4) quyết định tổ chức lại, giải thể và yêu cầu phá sản công ty; (5) thu hồi toàn bộ giá trị tài sản của công ty sau khi công ty hoàn thành giải thể hoặc phá sản; (6) quyền khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty; (7) quyết định đầu tư, kinh doanh và quản trị nội bộ công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

Trường hợp chủ sở hữu của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là tổ chức thì ngoài 7 quyền vừa nêu trên, chủ sở hữu còn có thêm 7 quyền sau đây: (1) quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty; (2) quyết định cơ cấu tổ chức quản lý công ty, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý, Kiểm soát viên của công ty; (3) quyết định dự án đầu tư phát triển; quyết định các giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ; (4) thông qua hợp đồng vay, cho vay, bán tài sản và các hợp đồng khác do Điều lệ công ty quy định có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty; (5) thông qua báo cáo tài chính của công ty; (6) quyết định thành lập công ty con, góp vốn vào công ty khác; (7) tổ chức giám sát và đánh giá hoạt động kinh doanh của công ty.

Qua liệt kê các quyền nêu trên, có thể thấy dù cá nhân hay tổ chức làm chủ ở hữu của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thì chủ sở hữu sẽ nắm quyền quyết định trong toàn bộ các hoạt động quan trọng của doanh nghiệp, từ việc thành lập, hoạt động hay giải thể doanh nghiệp.

Về cơ cấu tổ chức quản lý của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu, khoản 3, Điều 79, Luật Doanh nghiệp quy định công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định, thì Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty. Theo quy định này và quy định tại Khoản 2 Điều 12 Luật Doanh nghiệp, thì người đại diện theo pháp luật của công ty không chỉ là người đại diện cho công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của công ty, mà còn là người giữ một trong các chức danh nêu trên (Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc).

Toàn bộ Mục 2, Chương III, Luật Doanh nghiệp quy định về công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (từ Điều 74 đến Điều 87) không có quy định về người đại diện theo pháp luật của công ty trong trường hợp chủ sở hữu là cá nhân. Như vậy, đối chiếu với Khoản 2 Điều 12 Luật Doanh nghiệp, có thể cho thấy trong trường hợp này, thì người đại diện theo pháp luật chính là người nắm giữ các quyền quyết định quan trọng của công ty.

Từ phân tích trên đối với cả hai trường hợp chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là cá nhân hoặc là tổ chức, theo nhận định của chuyên gia Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, người đại diện theo pháp luật của công ty chính là người giữ vị trí quan trọng, cốt yếu của công ty. Do vậy, việc sử dụng tiêu chí để xác định doanh nghiệp do nữ làm chủ tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đó là giới tính của người đại diện theo pháp luật là nữ là hoàn toàn phù hợp. Trường hợp doanh nghiệp có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật, thì vẫn sẽ xác định doanh nghiệp do nữ làm chủ nếu đáp ứng giới tính của một trong những người đại diện theo pháp luật là nữ.

Số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy, qua thống kê trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hiện nay, có đến 148.163 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nữ làm chủ đang hoạt động trong tổng số 449.382 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đang hoạt động, chiếm tỷ trọng 33%.

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

Đối với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên, cơ cấu tổ chức quản lý được quy định cụ thể tại Điều 54, Luật Doanh nghiệp, theo đó, có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định, thì Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Từ quy định trên, có thể thấy người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên nắm giữ vị trí quan trọng của công ty, không chỉ là đại diện cho công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của công ty, mà còn là người giữ một trong các chức danh nêu trên (Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc, Tổng Giám đốc).

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Luật Doanh nghiệp, thì công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Trường hợp công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật, thì Điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật. Nếu Điều lệ công ty không quy định rõ quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật, thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của công ty trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho công ty theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Như vậy, căn cứ các quy định trên, có thể đưa ra tiêu chí để xác định doanh nghiệp do nữ làm chủ tại công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đó là giới tính của người đại diện theo pháp luật là nữ. Trường hợp doanh nghiệp có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật, thì vẫn sẽ xác định doanh nghiệp do nữ làm chủ nếu đáp ứng giới tính của một trong những người đại diện theo pháp luật là nữ.

Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, qua thống kê trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hiện nay, có đến 77.586 công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có nữ làm chủ đang hoạt động trong tổng số 257.237 công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đang hoạt động, chiếm tỷ trọng 30,2%.

Loại hình công ty cổ phần

Về cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần, chuyên gia Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, khoản 3, Điều 137, Luật Doanh nghiệp quy định trường hợp công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp Điều lệ chưa có quy định, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp công ty có hơn một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty. Theo quy định trên, thì việc vẫn sử dụng tiêu chí để xác định doanh nghiệp do nữ làm chủ tại công ty cổ phần đó là giới tính của người đại diện theo pháp luật là nữ là hoàn toàn phù hợp.

Qua thống kê trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, hiện nay có đến 43.695 công ty cổ phần có nữ làm chủ đang hoạt động trong tổng số 186.864 công ty cổ phần đang hoạt động, chiếm tỷ trọng 23,4%.

Loại hình công ty hợp danh

Với loại hình công ty hợp danh, Luật Doanh nghiệp không có điều khoản quy định cụ thể nào về cơ cấu tổ chức quản lý đối với công ty hợp danh như đối với công ty trách nhiệm hữu hạn (quy định tại Điều 54, Điều 79) và công ty cổ phần (quy định tại Điều 137). Tuy nhiên, vì bản chất của công ty là hợp danh nên mọi thành viên hợp danh đều có quyền đại diện theo pháp luật, phân công nhau đảm nhiệm các chức danh quản lý, kiểm soát công ty và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Khi một số hoặc tất cả thành viên hợp danh cùng thực hiện một số công việc kinh doanh, thì quyết định được thông qua theo nguyên tắc đa số. (Điều 179 Luật Doanh nghiệp). Do vậy, theo nhận định của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, tiêu chí nữ làm chủ tại công ty hợp danh sẽ khó xác định hơn đối với tiêu chí này đã phân tích tại công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Trong thực tế, loại hình công ty hợp danh chiếm rất ít, không đáng kể so với các loại hình khác và ít được các cá nhân lựa chọn khi thành lập doanh nghiệp.

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, qua thống kê trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, căn cứ trên tiêu chí giới tính của người đại diện theo pháp luật của công ty hợp danh hiện nay, chỉ có 19 công ty hợp danh có nữ làm chủ đang hoạt động trong tổng số 71 công ty hợp danh đang hoạt động, chiếm tỷ trọng 26,8%.

Loại hình doanh nghiệp tư nhân

Theo quy định tại Điều 183, Luật Doanh nghiệp, thì doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Từ quy định trên, chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và là người đại diện theo pháp luật. Trên cơ sở đó, việc xác định tiêu chí nữ làm chủ tại doanh nghiệp tư nhân là đơn giản nhất so với các loại hình doanh nghiệp nêu trên, cụ thể giới tính của chủ doanh nghiệp tư nhân nếu là nữ, thì được xác định do nữ làm chủ tại doanh nghiệp.

Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, qua thống kê trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hiện nay, có 9.028 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động có nữ làm chủ doanh nghiệp trong tổng số 25.612 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, chiếm tỷ trọng 35,3%.

Phân định doanh nghiệp nữ theo tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa

Bên cạnh việc phân loại theo các loại hình doanh nghiệp quy định tại Luật Doanh nghiệp, việc phân định để xác định loại hình doanh nghiệp nữ làm chủ có thể căn cứ theo khoản 8, Điều 3, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP có định nghĩa thêm về doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ. Theo đó, đây là doanh nghiệp có số lao động nữ chiếm từ 50% trở lên trên tổng số lao động trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng dưới 100 lao động; chiếm từ 30% trở lên trên tổng số lao động trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng từ 100 lao động trở lên. Việc phân định này cũng mang lại lợi ích cho doanh nghiệp nhiều nữ, bởi Nghị định số 80/2021/NĐ-CP đã quy định một số chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.

So sánh tỷ trọng doanh nghiệp nữ làm chủ trong từng loại hình doanh nghiệp

Số liệu doanh nghiệp do nữ làm chủ phân theo loại hình doanh nghiệp được tổng hợp cụ thể tại Bảng dưới đây.

Bảng: Doanh nghiệp do nữ làm chủ phân theo loại hình doanh nghiệp

STT

Loại hình doanh nghiệp

Số lượng DN do nữ làm chủ đang hoạt động

(đơn vị: DN)

Tổng số DN đang hoạt động

(đơn vị: DN)

Tỷ trọng DN do nữ làm chủ đang hoạt động /tổng số DN đang hoạt động

(đơn vị: %)

1

Công ty trách nhiệm hữu hạn

1.1

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

148.163

449.382

33,0%

1.2

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

77.586

257.237

30,2%

2

Công ty cổ phần

43.695

186.864

23,4%

3

Công ty hợp danh

19

71

26,8%

4

Doanh nghiệp tư nhân

9.028

25.612

35,3%

Tổng số

278.491

919.166

30,3%

Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Dựa trên số liệu tại Bảng, so sánh tỷ trọng doanh nghiệp do nữ làm chủ tại các loại hình doanh nghiệp cho thấy, tỷ trọng phụ nữ làm chủ tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chiếm ưu thế nhiều nhất, đạt 53,2% trong tổng số doanh nghiệp do nữ làm chủ. Tiếp đến là tỷ trọng doanh nghiệp do nữ làm chủ tại các loại hình khác, lần lượt là: tại công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (chiếm 27,9%), tại công ty cổ phần (chiếm 15,7%), tại doanh nghiệp tư nhân (chiếm 3,24%) và cuối cùng tại công ty hợp danh (chiếm 0,0068%).

Nếu xét về cơ cấu giới, tỷ lệ nữ làm chủ tại các doanh nghiệp đang hoạt động đạt ở mức khiêm tốn (30,3%), nghĩa là cứ có 3 doanh nghiệp thì có xấp xỉ 1 doanh nghiệp do nữ làm chủ. Nếu xét trong từng loại hình doanh nghiệp, loại hình doanh nghiệp tư nhân có nữ làm chủ chiếm nhiều nhất (đạt 35%), tiếp đến là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (đạt 33%), công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (chiếm 30,2%), công ty hợp danh (đạt 26,8%) và công ty cổ phần (đạt 23,4%). Như vậy, kết quả phân định theo các loại hình doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp cho thấy, tỷ lệ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong nền kinh tế vẫn còn khiêm tốn, chiếm thấp hơn 1/3 trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.

Giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nữ làm chủ, tăng vai trò của phụ nữ trong điều hành kinh doanh

Nhằm tạo lập môi trường thuận lợi cho sự phát triển của doanh nhân nữ, tăng tỷ lệ nữ giới tham gia thành lập, quản lý, điều hành tại các doanh nghiệp, theo khuyến nghị của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, việc tạo thuận lợi và thúc đẩy doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phát triển cần được xem xét, đưa vào trong Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, để thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, cần cẩn trọng trong đánh giá tác động về giới, lồng ghép giới trong các chính sách về kinh tế-xã hội, đảm bảo hỗ trợ một cách có hệ thống để phát triển doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, cần đánh giá hiệu quả thực thi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là cách thức tiếp cận thông tin hỗ trợ, cách thức hỗ trợ, nhận được hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, từ đó sửa đổi, hoàn thiện luật này. Thực tế hiện nay cho thấy, những chính sách và việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương còn bất cập. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ. Tuy nhiên, quy định về hỗ trợ doanh nghiệp còn được đưa ra ở một số văn bản khác, nên có sự chồng chéo, lúng túng khi áp dụng.

Đồng quan điểm, các chuyên gia Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng thống nhất cho rằng, Chính phủ cần xem xét đưa vấn đề tạo thuận lợi và thúc đẩy doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phát triển vào trong Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, để thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, các chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ phải được thể hiện bằng kế hoạch, việc làm cụ thể. Cũng theo khuyến nghị của VCCI, các địa phương cần đưa ra ưu tiên cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ở tất cả các địa phương, hỗ trợ tiếp cận nguồn tín dụng một cách bình đẳng đối với doanh nghiệp do phụ nữ làm, đơn giản hóa điều kiện và thủ tục cho vay, xử lý hồ sơ nhanh chóng.

Ở tầm cao hơn, nhìn nhận vai trò quan trọng của phụ nữ trong điều hành lãnh đạo đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD), Phó Chủ tịch Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) cho rằng, sự hiện diện của nhà lãnh đạo nữ trong một HĐQT và ban điều hành giúp đa dạng về cơ cấu giới tính, cũng như nâng cao nhận thức xã hội, có thể thúc đẩy hiệu quả kinh doanh và sự bền vững của doanh nghiệp. "Để phát triển nhanh nhưng bền, các doanh nghiệp không thể thiếu đi một người lãnh đạo có tầm nhìn, tập trung vào các trụ cột của phát triển bền vững, trong đó văn hóa doanh nghiệp là yếu tố lõi mà không phải nhà lãnh đạo nào cũng nhận ra được. Các nữ lãnh đạo thường có thêm sức mạnh riêng - đó là sự thấu cảm và sức bền. Những lợi ích tích cực từ báo cáo ESG được công bố cũng chỉ ra rằng, các công ty có cơ cấu HĐQT hiệu quả và đa dạng về giới thường quản trị tốt hơn", bà Thanh cho biết.

Cũng theo Chủ tịch VIOD, các doanh nghiệp cần xây dựng nguồn nhân lực nữ tài năng, mạnh mẽ, đó là chìa khóa để thúc đẩy nhiều phụ nữ hơn trong HĐQT. Các công ty có thể thu hút và giữ chân những phụ nữ tài năng, có trình độ bằng cách phát triển một chiến lược đa dạng giới phù hợp với môi trường và nhu cầu riêng của mình. Do đó, sự đa dạng bao trùm với tỷ lệ tham gia cao của các nữ thành viên là lãnh đạo cấp cao trong Ban điều hành và HĐQT doanh nghiệp sẽ góp phần đa dạng hóa, giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải thiện mức độ hài lòng của khách hàng và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Số lượng phụ nữ cao hơn có thể tăng khả năng tạo dựng mối quan hệ và củng cố niềm tin. Các công ty có nhiều phụ nữ thường quản lý rủi ro tốt hơn, quản trị tốt hơn và có lực lượng lao động gắn bó hơn, giúp doanh nghiệp nữ làm chủ phát triển bền vững. Do đó, các chính sách về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của nhà nước cũng cần hướng tới những giải pháp hỗ trợ gia tăng vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong doanh nghiệp với những chính sách ưu đãi thiết thực, cụ thể, nhằm khuyến khích và tạo lập môi trường thuận lợi cho phụ nữ tham gia mạnh mẽ vào điều hành kinh doanh./.