ĐẶT VẤN ĐỀ

Mặc dù Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có khái niệm hay quy định về tiêu chí cụ thể nào xác định doanh nghiệp do nữ làm chủ. Tham khảo tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2017, Khoản 1 - Điều 3 của Luật này quy định: DNNVV do phụ nữ làm chủ là DNNVV có một hoặc nhiều phụ nữ sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên, trong đó, có ít nhất một người quản lý điều hành doanh nghiệp đó.

Do Luật Doanh nghiệp là luật cơ bản hay luật gốc về doanh nghiệp, nên trong khuôn khổ bài viết này, tác giả tập trung vào các quy định tại Luật này; theo đó, tạm đưa ra cách phân định nhằm xác định nữ làm chủ tại từng loại hình doanh nghiệp. Đồng thời, cung cấp số liệu thực tế về doanh nghiệp nữ làm chủ trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tính đến ngày 21/10/2023 được kết xuất trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và qua một số báo cáo nghiên cứu khác để thấy được mức độ tham gia của nữ trong kinh doanh, lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp trong nền kinh tế.

PHÂN ĐỊNH DOANH NGHIỆP DO NỮ LÀM CHỦ THEO CÁC LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP TẠI LUẬT DOANH NGHIỆP

Loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHHMTV)

Theo quy định tại Khoản 1 - Điều 74, Khoản 3 - Điều 79, Khoản 2 - Điều 12 và toàn bộ Mục 2, Chương III - Luật Doanh nghiệp, đối với cả 2 trường hợp chủ sở hữu công ty TNHHMTV là cá nhân hoặc là tổ chức, thì người đại diện theo pháp luật của công ty chính là người giữ vị trí quan trọng, cốt yếu của công ty. Do vậy, việc sử dụng tiêu chí để xác định doanh nghiệp do nữ làm chủ tại công ty TNHHMTV, đó là giới tính của người đại diện theo pháp luật là nữ là hoàn toàn phù hợp. Trường hợp doanh nghiệp có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật, thì vẫn sẽ xác định doanh nghiệp do nữ làm chủ, nếu đáp ứng giới tính của một trong những người đại diện theo pháp luật là nữ.

Qua thống kê trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hiện nay, có đến 148.163 công ty TNHHMTV do nữ làm chủ trong tổng số 449.382 công ty TNHHMTV đang hoạt động, chiếm tỷ trọng 33%.

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên (TNHHHTV) trở lên

Căn cứ các quy định tại Khoản 2 - Điều 12, Điều 54, Luật Doanh nghiệp, có thể đưa ra tiêu chí để xác định doanh nghiệp do nữ làm chủ tại công ty TNHHHTV trở lên, đó là giới tính của người đại diện theo pháp luật là nữ. Trường hợp doanh nghiệp có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật, thì vẫn sẽ xác định doanh nghiệp do nữ làm chủ, nếu đáp ứng giới tính của một trong những người đại diện theo pháp luật là nữ.

Qua thống kê trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hiện nay, có đến 77.586 công ty TNHHHTV trở lên có nữ làm chủ trong tổng số 257.237 công ty TNHHHTV trở lên đang hoạt động, chiếm tỷ trọng 30,2%.

Loại hình công ty cổ phần (CTCP)

Về cơ cấu tổ chức quản lý CTCP, theo quy định tại Khoản 3 - Điều 137, Luật Doanh nghiệp, việc vẫn sử dụng tiêu chí giới tính để xác định doanh nghiệp do nữ làm chủ tại CTCP, đó là giới tính của người đại diện theo pháp luật là nữ là hoàn toàn phù hợp. Qua thống kê trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hiện nay, có đến 43.695 CTCP có nữ làm chủ trong tổng số 186.864 CTCP đang hoạt động, chiếm tỷ trọng 23,4%.

Loại hình công ty hợp danh

Luật Doanh nghiệp không có điều khoản quy định cụ thể nào về cơ cấu tổ chức quản lý đối với công ty hợp danh, như: đối với công ty trách nhiệm hữu hạn (quy định tại Điều 54, Điều 79) và CTCP (quy định tại Điều 137). Tuy nhiên, vì bản chất của công ty là hợp danh, nên mọi thành viên hợp danh đều có quyền đại diện theo pháp luật, phân công nhau đảm nhiệm các chức danh quản lý, kiểm soát công ty và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Do vậy, tiêu chí nữ làm chủ tại công ty hợp danh sẽ khó xác định hơn so với tiêu chí này tại công ty TNHH và CTCP. Nếu dùng tiêu chí giới tính của người đại diện theo pháp luật của công ty hợp danh, thì qua thống kê trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hiện nay, chỉ có 19 công ty hợp danh có nữ làm chủ trong tổng số 71 công ty hợp danh đang hoạt động, chiếm tỷ trọng 26,8%.

Loại hình doanh nghiệp tư nhân (DNTN)

Theo quy định tại Điều 183 - Luật Doanh nghiệp, thì DNTN do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Từ quy định trên, chủ DNTN có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và là người đại diện theo pháp luật. Trên cơ sở đó, việc xác định tiêu chí nữ làm chủ tại DNTN là đơn giản nhất so với các loại hình doanh nghiệp nêu trên. Cụ thể, giới tính của chủ DNTN nếu là nữ, thì được xác định do nữ làm chủ tại doanh nghiệp. Qua thống kê trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hiện nay, có 9.028 DNTN có nữ làm chủ doanh nghiệp trên tổng số 25.612 DNTN đang hoạt động, chiếm tỷ trọng 35,3%.

Trên cơ sở những phân tính trên, số liệu doanh nghiệp do nữ làm chủ phân theo loại hình doanh nghiệp được tổng hợp cụ thể tại Bảng 1.

Bảng 1: Doanh nghiệp do nữ làm chủ phân theo loại hình doanh nghiệp

STT

Loại hình doanh nghiệp

Số lượng DN do nữ làm chủ đang hoạt động (DN)

Tổng số DN đang hoạt động

(DN)

Tỷ trọng DN do nữ làm chủ đang hoạt động /tổng số DN đang

hoạt động (%)

1

Công ty TNHH

1.1

Công ty TNHHMTV

148.163

449.382

33

1.2

Công ty TNHHHTV trở lên

77.586

257.237

30

2

CTCP

43.695

186.864

23,4

3

Công ty hợp danh

19

71

26,8

4

DNTN

9.028

25.612

35,3

Tổng số

278.491

919.166

30,3

Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nếu so sánh tỷ trọng doanh nghiệp do nữ làm chủ tại các loại hình doanh nghiệp, số liệu tại Bảng 1 cho thấy, nữ làm chủ tại công ty TNHHMTV chiếm ưu thế nhiều nhất, đạt 53,2% trong tổng số doanh nghiệp do nữ làm chủ. Tiếp đến là tỷ trọng doanh nghiệp do nữ làm chủ tại các loại hình khác, lần lượt là: tại công ty TNHHHTV trở lên (chiếm 27,9%), tại CTCP (chiếm 15,7%), tại DNTN (chiếm 3,24%) và cuối cùng tại công ty hợp danh (chiếm 0,0068%) (Hình).

Quy định pháp lý và phương pháp xác định doanh nghiệp do nữ làm chủ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nếu xét về cơ cấu giới tại Bảng 1, nữ làm chủ tại các doanh nghiệp đang hoạt động đạt ở tỷ lệ khiêm tốn (30,3%), nghĩa là cứ có 3 doanh nghiệp, thì có xấp xỉ 1 doanh nghiệp do nữ làm chủ. Nếu xét trong từng loại hình doanh nghiệp, loại hình DNTN có nữ làm chủ chiếm nhiều nhất (đạt 35%); tiếp đến là công ty TNHHMTV (đạt 33%), công ty TNHHHTV trở lên (chiếm 30,2%); công ty hợp danh (đạt 26,8%) và CTCP (đạt 23,4%).

PHÂN ĐỊNH THEO MỘT SỐ NGHIÊN CỨU KHÁC

Tiêu chí xác định nữ làm chủ trong các doanh nghiệp tại Dự án Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh - Provincial Competitiveness Index (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện nghiên cứu và công bố thường niên tại 3 báo cáo[2] là dựa trên phương án trả lời đối với câu hỏi “Doanh nghiệp có Giám đốc, Tổng Giám đốc hoặc Chủ tịch HĐQT là nữ hoặc có số thành viên/cổ đông là nữ từ 51% trở lên”. Từ câu hỏi trên, có thể thấy, các chuyên gia còn sử dụng thêm 2 tiêu chí là: (1) Nữ nắm các chức danh Giám đốc, Tổng Giám đốc hoặc Chủ tịch HĐQT tại doanh nghiệp và (2) Số lượng thành viên góp vốn tại công ty TNHH hay số lượng cổ đông tại CTCP chiếm trên 51% số lượng thành viên/cổ đông của doanh nghiệp. Cả 3 báo cáo đều sử dụng phương pháp điều tra mẫu hàng năm gồm 10.000 doanh nghiệp đang hoạt động và từ đó, đưa ra các nhận định về doanh nghiệp do nữ làm chủ. Tại Báo cáo môi trường kinh doanh tại Việt Nam (2021), tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong điều tra PCI 2021 là 22,2%.

Theo kết quả điều tra PCI do VCCI thực hiện đối với các doanh nghiệp dân doanh trên toàn bộ các tỉnh, thành phố từ năm 2011 tới nay (tính từ khi bảng câu hỏi có phân tách về giới của chủ doanh nghiệp trong điều tra), tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có xu hướng gia tăng trong giai đoạn 2011-2020; tuy nhiên, giảm vào năm 2021. Cụ thể, vào năm 2011, khoảng 21% doanh nghiệp đang hoạt động là do phụ nữ làm chủ; đến năm 2018, tỷ lệ này là vào khoảng 24%; năm 2019, có giảm xuống một chút (22,7%); năm 2020 tăng lên 23,4% và năm 2021 là 22,2% (Hình 2).

Hình 2: Tỷ lệ doanh nghiệp theo giới của chủ doanh nghiệp trong điều tra PCI 2011-2020

Quy định pháp lý và phương pháp xác định doanh nghiệp do nữ làm chủ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
Nguồn VCCI-USAID, Điều tra PCI

Theo Báo cáo Chỉ số doanh nhân nữ của Mastercar (MIWE) 2021, tỷ lệ lãnh đạo doanh nghiệp là nữ ở Việt Nam là 27,4%.

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

Như vậy, dù sử dụng các phương pháp khác nhau, nhưng kết quả phân định theo loại hình và tiêu chí nào như trên cũng đều cho thấy, tỷ lệ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong nền kinh tế vẫn còn khiêm tốn, chiếm thấp hơn 1/3 trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Để tạo lập môi trường thuận lợi cho sự phát triển của doanh nhân nữ, tăng tỷ lệ nữ giới tham gia thành lập, quản lý, điều hành tại các doanh nghiệp, vấn đề tạo thuận lợi và thúc đẩy doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phát triển cần được xem xét, đưa vào trong Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, cần thận trọng trong đánh giá tác động về giới, lồng ghép giới trong các chính sách về kinh tế - xã hội, đảm bảo hỗ trợ một cách có hệ thống để phát triển doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ./.

Hứa Thị Quỳnh Hoa - Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

ThS. Đỗ Hải Long - Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 32, tháng 11/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Mastercar (MIWE) 2021, The Mastercard Index of Women Entrepreneurs

2. Quốc hội (2020), Luật Doanh nghiệp năm 2020, số 59/2020/QH14, ngày 17/6/2020.

3. Quốc hội (2017), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, số 04/2017/QH14, ngày 12/06/2017.

4. VCCI, Australia Aid và Aus4Reform (2019), Báo cáo Kinh doanh tại Việt Nam, Đánh giá của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

5. VCCI, Australia Aid và Aus4Reform (2021), Báo cáo Môi trường kinh doanh tại Việt Nam, Góc nhìn của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

6. VCCI, Australia Aid và Aus4Reform (2022), Kiên cường vượt sóng, Kết quả điều tra các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ dưới tác động của đại dịch Covid-19.


[1]Phạm vi đề cập của bài viết này là các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

[2] Báo cáo kinh doanh tại Việt Nam (2019), Đánh giá của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; Báo cáo môi trường kinh doanh tại Việt Nam (2021), Góc nhìn của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; Báo cáo (2022) kiên cường vượt sóng, Kết quả điều tra các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ dưới tác động của đại dịch Covid-19, đều do VCCI, Australia Aid và Aus4Reform đồng thực hiện.