Các điều kiện kinh doanh trong ngành Công thương vẫn đang tập trung vào các yêu cầu về cơ sở vật chất
Ngày 16/11, với sự hỗ trợ của Chương trình Austraylia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực Công thương và đề xuất, kiến nghị” (Báo cáo).
|
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, dịch Covid-19 và bối cảnh kinh tế thế giới, yêu cầu của hội nhập kinh tế, quốc tế đã tác động mạnh đến môi trường đầu tư, kinh doanh, giúp xóa bỏ rào cản, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp. Trong khi đó, tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã rất nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 68/NQ-CP, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu chi phí, thời gian trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Aedan Puleston, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho rằng, cải cách hành chính có chi phí không cao, nhưng mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Việc cắt giảm, rà soát các điều kiện kinh doanh không chỉ giúp mang lại môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, giảm nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, mà còn mang lại cơ hội giúp Việt Nam thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao.
Báo cáo tiến hành rà soát cơ sở pháp lý và các chỉ đạo của Chính phủ về cải cách ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; nhận diện các bất cập về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực Công thương; từ đó, đề xuất, kiến nghị theo hướng đơn giản hóa danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh liên quan. Nội dung này phù hợp với ưu tiên, chỉ đạo của Chính phủ về việc rà soát, cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh được Chính phủ đặt ra là nội dung trọng tâm cải cách trong giai đoạn đến năm 2025 (theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 12/5/2020; Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 10/01/2022; Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/01/2022…).
Báo cáo tập trung rà soát, đánh giá và phân tích một số ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực Công thương, cụ thể là: Kinh doanh xăng dầu; kinh doanh khí; kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương; xuất khẩu gạo; hoạt động thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Hoa Cương nhấn mạnh, dù 5 ngành nghề được tập trung rà soát đánh giá không mới, nhưng tác động rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Điển hình như lĩnh vực kinh doanh xăng dầu luôn nhận được sự quan tâm của người dân và doanh nghiệp; trong khi đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam những năm qua luôn đạt thứ hạng rất cao trên thế giới, còn thương mại điện tử đang được đánh giá là lĩnh vực rất tiềm năng của Việt Nam, là nền tảng quan trọng để thúc đẩy lĩnh vực kinh tế số tại Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM cho rằng, những năm qua, Bộ Công Thương được đánh giá là điểm sáng trong rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh. Bộ Công Thương đã chủ động rà soát, cắt giảm mạnh điều kiện kinh doanh. Đặc biệt, 205 điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm, đơn giản hóa tại Nghị định số 17/2020/NĐ-CP (so với đề xuất cắt giảm 202 điều kiện kinh doanh).
Ông Aedan Puleston, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho rằng, cải cách hành chính chi phí không cao, nhưng mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp |
Đánh giá sơ bộ cho thấy, không ít điều kiện kinh doanh hiện hành đã có sự phù hợp và bảo đảm nhất quán. Các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy được nêu nhất quán giữa các lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, không tập trung vào một lĩnh vực cụ thể của kinh doanh xăng dầu. Tương tự là các yêu cầu về hướng thông gió tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương.
Tuy vậy, các điều kiện kinh doanh hiện hành vẫn tập trung vào các yêu cầu về cơ sở vật chất (kho, cầu cảng, bể chứa…). Ví dụ như phổ biến là yêu cầu cụ thể về kho, cầu cảng đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, xuất khẩu gạo.
“Các điều kiện kinh doanh này có vẻ như giúp sàng lọc các doanh nghiệp có năng lực. Tuy nhiên, việc có kho chứa đủ lớn có thể khác biệt so với dự trữ thực tế của doanh nghiệp. Trong khi đó, việc yêu cầu cụ thể về các cơ sở vật chất có thể làm tăng thời gian và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp”, ông Dương nhận xét.
Cụ thể, rà soát điều kiều kinh doanh đối với việc pha chế xăng dầu thuộc ngành nghề kinh doanh xăng dầu, nhóm nghiên cứu cho rằng, vẫn còn quy định có thể làm tăng chi phí cho doanh nghiệp như quy định trong thời hạn 1 năm kể từ ngày được cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu thực hiện pha chế các sản phẩm xăng dầu phải có phòng thử nghiệm đủ năng lực để kiểm tra chất lượng xăng dầu theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
“Điều kiện này có thể làm tăng chi phí, trong khi các thương nhân có thể tận dụng phòng thử nghiệm của nhau (đi kèm với các quy định để tránh cạnh tranh không lành mạnh)”, ông Dương nhìn nhận.
Đối với ngành nghề kinh doanh thực phẩm, nghiên cứu cũng chỉ ra còn có những yêu cầu cứng nhắc, không cần thiết như điều kiện với cơ sở kinh doanh là thiết kế các khu vực kinh doanh thực phẩm, vệ sinh, thay đồ bảo hộ và các khu vực phụ trợ phải tách biệt, phù hợp với yêu cầu của từng loại thực phẩm kinh doanh, cửa nhà vệ sinh không được mở thông vào khu vực bảo quản thực phẩm.
Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, điều kiện có ít nhất 2 thử nghiệm viên là cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học được đào tạo về kiểm nghiệm hay các quy định về điều kiện cơ sở sản xuất còn tương đối mơ hồ. Quy định về “đủ diện tích” còn quá chung chung và khó theo dõi trong quá trình thực hiện kinh doanh thực phẩm.
|
Đối với ngành xuất khẩu gạo, theo nhóm nghiên cứu, Nghị định số 107/2018/NĐ-CP đã bỏ một số quy định điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nên cần bỏ điều kiện về kho, do không đánh giá được hết khả năng dự trữ của doanh nghiệp.
“Trong hoạt động thương mại điện tử, điều kiện yêu cầu thông báo trong thiết lập website thương mại điện tử bán hàng tương đối rườm rà và cũng không đảm bảo được chất lượng sản phẩm”, thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Dương chỉ ra.
Hoan nghênh những kết quả mà nhóm nghiên cứu chỉ ra, TS. Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, các điều kiện kinh doanh trong ngành Công thương không cần quá chi tiết, mà nên tập trung theo hướng các quy định chung về vệ sinh thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng. Chuyên gia này cũng cho rằng, cần cơ quan nhà nước cần cập nhật và công khai các điều kiện kinh doanh, nhằm nâng cao hiệu quả giám sát.
Vị chuyên gia này khuyến nghị, các quy định không nên theo hướng “cầm tay chỉ việc” mà theo hướng đảm bảo các tiêu chuẩn đầu ra của sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường - Chủ tịch Chi hội xăng dầu (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) cho rằng, liên quan đến điều kiện kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh xăng dầu vẫn còn nhiều quy định gây rào cản cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Điển hình như quy định cửa hàng/đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy hàng từ một nguồn để bảo vệ người quyền lợi tiêu dùng, đảm bảo chất lượng hàng hóa là rất vô lý. Bà Hường phân tích, đại lý bán lẻ xăng dầu là thương nhân bán hàng, thì họ phải tuân theo quy định pháp luật về thương mại, chịu trách nhiệm với hàng hóa bán ra. Ngoài ra, quản lý về vấn đề chất lượng xăng dầu cũng có sự chồng chéo khi Bộ Khoa học và Công nghệ đã có thông tư hướng dẫn quản lý, đo lường chất lượng kinh doanh xăng dầu.
“Hay như một số quy định vô lý, bất cập khác như: cửa hàng bán lẻ xăng dầu chỉ được bán lẻ xăng dầu, không được bán buôn; cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải có đề án bảo vệ môi trường được lập và được UBND quận/huyện phê duyệt; cửa hàng xăng dầu phải cách ngã ba, ngã tư trên 50m, trong khi thế giới không như vậy…”, bà Hường dẫn chứng.
Đại diện Hiệp hội DNNVV Việt Nam nhấn mạnh, nếu các quy định về điều kiện kinh doanh quá chặt chẽ sẽ tạo ra mệnh lệnh hành chính cản trở hoạt động của DNNVV và cản trở xã hội. Bà Hường cho rằng, đối với lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, điều kiện quản lý chung cho cả một cơ sở sản xuất nhỏ đến một siêu thị không thực tiễn. “Luật Thương mại quy định người bán chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, nên đối với lĩnh vực thực phẩm cần tập trung các quy định về đăng ký nhãn hiệu”, bà Huờng đề xuất./.
Bình luận