Nếu tiếp tục cải cách nhanh, tăng năng suất, GDP năm 2023 có thể đạt 6,83%
"Năm 2022 thực sự để các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, và kể cả đơn vị tham mưu cải cách và chính sách quản lý kinh tế như chúng tôi thấm thía hơn về những cụm từ “bất định”, “phức tạp”, “khó lường” khi theo dõi, đánh giá bối cảnh kinh tế thế giới", TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM đã mở đầu như vậy, khi phát biểu khai mạc tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2022, triển vọng năm 2023: Đổi mới nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng”, diễn ra sáng nay (ngày 12/1).
Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM công bố dự báo triển vọng kinh tế 2023, với hai kịch bản |
Kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2022
Bà Minh chỉ rõ, trong năm, các nền kinh tế đã từng bước mở cửa trở lại, dù vẫn ghi nhận những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới (như bệnh đậu mùa khỉ…). Xung đột Nga-Ucraine bùng phát từ tháng 2/2022, cùng với các biện pháp theo hướng cấm vận-trả đũa của nhiều nền kinh tế đã có những ảnh hưởng nặng nề đến đà phục hồi của chuỗi cung ứng, giá nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới, an ninh năng lượng, an ninh lương thực ở nhiều quốc gia, kể cả các nền kinh tế hàng đầu. Xu hướng liên minh đối đầu-trả đũa giữa một số nhóm nền kinh tế cũng đang trở nên phức tạp hơn.
Tuy nhiên, bà Minh cũng nhấn mạnh, dù có nhiều khó khăn, các nền kinh tế đã và đang nỗ lực mở cửa trở lại, tăng cường thúc đẩy hợp tác, đối thoại trên nhiều lĩnh vực. Hiệp định RCEP đã đi vào thực hiện từ đầu năm 2022 và đã bước đầu giúp gắn kết các nền kinh tế thành viên vào đà phục hồi xuất khẩu ở khu vực.
Hiệp định CPTPP tiếp tục ghi nhận sự quan tâm của nhiều nền kinh tế, là thành viên quan trọng tại nhiều cơ chế chính thức và hợp tác nghiên cứu ở khu vực Đông Nam Á.
"Chúng tôi đã thường xuyên tham gia trao đổi, phối hợp, hỗ trợ các nền kinh tế ở khu vực đi từ những thách thức rất phức tạp trong năm cho đến những thành công rất to lớn trong việc tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN, G20 và APEC", bà Minh chia sẻ. Vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) nhằm thiết lập các quy định và tiêu chuẩn thương mại trong khu vực đã diễn ra vào tháng 12/2022.
"Nói như vậy để thấy bối cảnh càng phức tạp, khó khăn, thì yêu cầu trao đổi, phối hợp và thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng", bà Minh nêu quan điểm.
Bối cảnh đó, đòi hỏi Việt Nam phải không ngừng theo dõi, cập nhật các đánh giá và kiến nghị nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo dựng môi trường thuận lợi cho cải cách, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/ 01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Đầu năm 2022 chính là thời điểm “chín muồi” cho tổng lực thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Trước những biến động của kinh tế thế giới và tình hình kinh tế vĩ mô trong nước, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 16/9/2022 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới, từ đó góp phần quan trọng củng cố ổn định kinh tế vĩ mô.
Làm rõ hơn những thành tựu đạt được trong năm 2022, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho biết, Việt Nam đã tiếp tục thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”. Dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát hiệu quả. Việt Nam đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với xuất nhập cảnh…
Việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được thực hiện quyết liệt. Chính phủ đã có những hành động quyết liệt để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn cung xăng dầu trong nước, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã được thực hiện khẩn trương, hiệu quả nhằm giảm chi phí sử dụng xăng dầu cho doanh nghiệp và người dân.
Việt Nam đã tiếp tục cải cách thể chế kinh tế nhằm tạo không gian kinh tế lớn hơn, thuận lợi hơn cho khu vực kinh tế tư nhân. Nhiều nội dung mới, đột phá về chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, phát triển vùng... đã được ban hành. Công tác truyền thông chính sách cũng được lưu tâm, thực hiện hiệu quả hơn.
Nhờ đó, kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2022. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 13,67% trong quý III/2022, và 5,92% trong quý IV/2022. Tính chung cả năm 2022, tốc độ tăng GDP đạt 8,02%, cao hơn đáng kể so với mục tiêu đề ra (6-6,5%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2022 tăng 3,15%, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, CPI tăng nhanh hơn trong nửa cuối năm 2022.
Hoạt động đầu tư đã có sự phục hồi tích cực. Tổng đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2022 ước đạt hơn 3,2 triệu tỷ đồng (giá hiện hành), tăng 11,2% so với năm 2021, cao hơn so với tốc độ tăng đầu tư trước dịch Covid-19. Đầu tư của khu vực nhà nước tăng nhanh nhất (14,6%), tiếp đó là của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (13,9%). Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, song giải ngân vốn đầu tư công của cả nước vẫn tương đối chậm so với kế hoạch năm 2022.
Tổng lượng vốn FDI đăng ký tính đến 20/12/2022 đạt 27,72 tỷ USD, bằng 89% so với cùng kỳ năm 2021. Phân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới 60,6% tổng vốn FDI đăng ký. Vốn FDI thực hiện đạt 22,4 tỷ USD trong năm 2022, tăng 13,7% so với 2021, tăng 10% so với 2019.
"Việt Nam đang cho thấy hình ảnh một quốc gia đang nỗ lực hiện thực hóa những cam kết mạnh mẽ và định hướng rõ ràng từ Hội nghị COP26 về thu hút đầu tư chất lượng cao hướng đến nền kinh tế trung hòa các-bon và tăng trưởng xanh", ông Dương cho hay.
Hoạt động xuất khẩu của cả nước giữ đà tăng trưởng dương, dù có xu hướng chậm lại trong nửa cuối năm 2022. Tính chung cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,4%; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4%. Cán cân thương mại đạt thặng dư, ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD, ghi dấu ấn xuất siêu 7 năm liên tiếp.
Kịch bản khả thi nhất: Tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt mức 6,47%
Thay mặt nhóm nghiên cứu của CIEM, ông Dương công bố dự báo triển vọng kinh tế 2023, với hai kịch bản.
Theo kịch bản 1 - kịch bản khả thi nhất - tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể đạt mức 6,47%. Mức này xấp xỉ với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 mà Chính phủ xác định, là 6,5%. Ở kịch bản 2, tăng trưởng có thể đạt tới 6,83%.
"Nếu tiếp tục cải cách nhanh, tăng năng suất, kịch bản 2 có thể là mục tiêu đạt được", ông Dương nêu quan điểm.
2 kịch bản dự báo kinh tế năm 2023 của CIEM |
Tại báo cáo, nhóm nghiên cứu đã tổng kết một số bài học quan trọng. Thứ nhất, việc nhận định, đánh giá và dự báo tình hình cần được thực hiện thường xuyên, kịp thời và hiệu quả nhằm đề ra những giải pháp, kể cả chuyển hướng chính sách, một cách có trọng tâm, linh hoạt và thực dụng.
Thứ hai, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sẽ khó bền vững nếu chỉ dựa vào các giải pháp tài khóa và tiền tệ. Việt Nam không thể tách rời các cải cách kinh tế vi mô khỏi các nhiệm vụ duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài.
Thứ ba, dù đã có nhiều kinh nghiệm, Việt Nam không nên và không thể chỉ dựa vào nghệ thuật điều hành chính sách kinh tế vĩ mô để “ứng phó” với các bất định, rủi ro ở bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước. Thay vào đó, Việt Nam càng phải kiên định với định hướng nâng cao năng lực nội tại, mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Dương cũng nhấn mạnh lại thông điệp về việc ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với đổi mới sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động./.
Bình luận