Phải kiểm đếm kết quả thực hiện chất vấn

"Các phiên giải trình, phiên chất vấn đã được thực hiện rất đúng, rất hay. Tuy nhiên, cần xem xét những lời hứa, những cam kết được thực hiện ra sao, sự chuyển biến trong lĩnh vực đó như thế nào? Phải kiểm đếm kết quả thực hiện chất vấn, giải trình để nâng cao giá trị làm việc…", Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu góc nhìn, tại Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) diễn ra hôm nay (ngày 11/4), để cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2024.

Bà Thành đề nghị cần chú trọng công tác hậu giám sát. Các chuyên đề giám sát tối cao cũng cần lưu ý xem sau một năm các kiến nghị của Quốc hội được các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị… thực hiện như thế nào; yêu cầu phải báo cáo trở lại.

Các phiên chất vấn được thực hiện rất hay, nhưng cần xem xét những lời hứa được thực hiện ra sao?
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề xuất, sau phiên giải trình, chất vấn cần có văn bản kết luận chính thức, hoặc một nghị quyết đưa ra đề xuất chi tiết và có thời hạn cụ thể để cơ quan, đơn vị thực hiện các giải pháp đặt ra…

Liên quan đến báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, báo cáo đã nêu đầy đủ về những khó khăn khách quan, tuy nhiên còn mờ nhạt về những tồn tại, hạn chế. Do đó, cần có cái nhìn tổng thể, toàn diện hơn, nêu rõ hơn nữa những tồn tại, hạn chế; những nội dung đã có quy định, có chỉ đạo nhưng thực hiện không tốt để có phương án, giải pháp khả thi nhằm nâng cao hiệu quả giám sát.

Về cách thức tiến hành giám sát thực tiễn ở các địa phương, ông Tùng đề xuất cần chọn địa điểm khảo sát, giám sát một cách kỹ lưỡng, có trọng điểm, làm rõ những vấn đề cần làm rõ trước khi giám sát, giảm số lần giám sát trùng lặp, qua đó rút ngắn thời gian, tăng tính hiệu quả của việc khảo sát thực tế…

Cần giảm bớt phiền hà cho địa phương

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị gia công thêm nội dung đánh giá về tồn tại, hạn chế trong báo cáo, bởi có lúc, có nơi vẫn chưa sâu sát trong hoạt động giám sát. Việc cử tổ công tác xuống địa phương thực hiện hiệu quả, nhưng cần giảm bớt phiền hà cho địa phương.

Các phiên chất vấn được thực hiện rất hay, nhưng cần xem xét những lời hứa được thực hiện ra sao?
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, một số kiến nghị giám sát chuyên đề chưa sâu sát, thiếu thực tiễn, tính khả thi chưa cao

Về hoạt động chất vấn, giải trình của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tăng cường tổ chức hoạt động này, nhất là những vấn đề mới nổi lên. Công tác chuẩn bị tổ chức cần kỹ lưỡng hơn; đồng thời nghiên cứu sau các phiên giải trình, chất vấn của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có ban hành kết luận hay không? Trong báo cáo cũng cần đánh giá thêm công tác phối hợp bên trong với các cơ quan của Quốc hội, vai trò của các cơ quan như kiểm toán, thanh tra…

Chủ tịch Quốc hội cũng cho ý kiến về lựa chọn các chuyên đề giám sát, đề nghị thành viên UBTVQH thảo luận kỹ lưỡng để lựa chọn đúng, trúng với thực tiễn cuộc sống…

"Cần khoanh phạm vi giám sát lại cho hẹp hơn, để đảm bảo giám sát có trọng tâm, trọng điểm, sử dụng tốt các công cụ, số liệu từ các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để tiến hành giám sát…", Chủ tịch Quốc hội lưu ý./.