Các yếu tố ảnh hưởng đến việc làm của sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng tại TP. Hồ Chí Minh
Từ khóa: việc làm sinh viên cao đẳng, kỹ năng mềm, nhà tuyển dụng, kết quả học tập
Summary
This study focuses on analyzing factors affecting the ability of college students to find jobs in Ho Chi Minh City after graduating. These factors are determined by measuring and testing the reliability using Cronbach's Alpha, exploratory factor analysis (EFA) and binary logistic regression model. The results show that the main factors affecting the ability to find a job include: Hard skills, Soft skills, Work ability, Foreign language proficiency and Academic results. Among them, Hard Skills are the most influential factor. On that basis, the authors propose some solutions to improve the ability of students to find jobs after graduation.
Keywords: college student jobs, soft skills, employers, academic results
GIỚI THIỆU
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên thường khao khát có công việc phù hợp với chuyên ngành đã học và mang lại thu nhập ổn định. Mặc dù vậy, một bộ phận sinh viên ra trường vẫn gặp khó khăn trong tìm việc. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đến tình hình kinh tế suy thoái, khiến nhu cầu tuyển dụng giảm và các cơ quan nhà nước yêu cầu cao hơn về chất lượng đào tạo khi tuyển dụng. Mặt khác, khả năng tìm việc còn phụ thuộc vào phẩm chất, năng lực, trình độ và kỹ năng của chính bản thân sinh viên. Vì lý do đó, nghiên cứu này được thực hiện để đánh giá những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tìm việc của sinh viên sau khi ra trường và đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao khả năng tìm việc làm cho sinh viên.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết
Rất nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đưa ra kết luận rằng, có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến khả năng tìm được việc làm của sinh viên sau khi ra trường.
Cụ thể, Kunal và cộng sự (2023) cho thấy, các đặc điểm cá nhân (như: năng lực bản thân, khả năng phục hồi và động lực), trình độ học vấn (bao gồm: kết quả học tập, kinh nghiệm làm việc và các kỹ năng liên quan), các điều kiện của thị trường lao động (cơ hội việc làm sẵn có, kỳ vọng về mức lương và mức độ đảm bảo việc làm), những kỳ vọng về nghề nghiệp (sự hài lòng trong công việc, cơ hội thăng tiến và cân bằng giữa công việc và cuộc sống) được xác định là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, quyết định tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp bị ảnh hưởng bởi sự hài lòng trong công việc và phúc lợi tổng thể.
Laura Bridgestock (2021) tập trung vào những gì mà nhà tuyển dụng đánh giá và mong đợi từ sinh viên tốt nghiệp khi tìm kiếm việc làm. Kết quả cho thấy, các nhà tuyển dụng sẽ xem xét trình độ học vấn của ứng viên, kỹ năng mềm, kinh nghiệm quốc tế, đơn xin việc có mục tiêu rõ ràng, tham vọng và tính linh hoạt.
Còn theo Nguyễn Thị Thanh Vân (2016), kỹ năng cứng, kỹ năng mềm, đáp ứng yêu cầu công việc là một trong những yếu tố quyết định ảnh hưởng mạnh mẽ đến khả năng tìm việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Mô hình và giả thuyết nghiên cứu
Sau khi lược khảo các tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu gồm 6 yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tìm được việc làm của sinh viên sau khi ra trường, đó là: (1) Kết quả học tập, (2) Trình độ ngoại ngữ, (3) Kỹ năng cứng, (4) Kỹ năng mềm, (5) Ý thức trong công việc, (6) Khả năng làm việc.
Hình 1: Mô hình nghiên cứu
Nguồn: Nhóm tác giả đề xuất |
Giả thuyết nghiên cứu được phát biểu như sau:
H1: Kết quả học tập ảnh hưởng cùng chiều đến Khả năng tìm được việc làm của sinh viên khi ra trường.
H2: Khả năng làm việc ảnh hưởng cùng chiều đến Khả năng tìm được việc làm của sinh viên khi ra trường.
H3: Kỹ năng mềm ảnh hưởng cùng chiều đến Khả năng tìm được việc làm của sinh viên khi ra trường.
H4: Kỹ năng cứng ảnh hưởng cùng chiều đến Khả năng tìm được việc làm của sinh viên khi ra trường.
H5: Ý thức trong công việc ảnh hưởng cùng chiều đến Khả năng tìm được việc làm của sinh viên khi ra trường.
H6: Trình độ ngoại ngữ ảnh hưởng cùng chiều đến Khả năng tìm được việc làm của sinh viên khi ra trường.
Phương pháp nghiên cứu
Dữ liệu sơ cấp được thu thập thông qua việc sử dụng bảng hỏi gửi đến các cựu sinh viên các trường cao đẳng tại TP. Hồ Chí Minh đã có việc làm và chưa có việc làm. Tổng số cựu sinh viên tham gia trực tiếp trả lời bảng câu hỏi là 350 người, mẫu được lựa chọn theo phương pháp thuận tiện. Thời gian khảo sát được thực hiện trong năm 2023.
Thống kê mô tả được sử dụng để đánh giá tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Hệ số Cronbach’s Alpha được áp dụng để đo độ tin cậy của các biến quan sát. Phân tích nhân tố khám phá (EFA) dùng để tóm tắt một tập hợp lớn các biến quan sát thành ít nhân tố hơn, làm cho chúng trở nên ý nghĩa hơn. Phân tích hồi quy logistic nhị phân được dùng để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đối với khả năng tìm việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Kiểm định thang đo
Bảng 1 cho biết, kết quả đánh giá hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha cho các thành phần: Kết quả học tập (HT), Trình độ ngoại ngữ (NN), Kỹ năng cứng (KC), Kỹ năng mềm (KM), Ý thức trong công việc (YT), Khả năng làm việc (LV) đều > 0,6. Trong nhóm Kỹ năng cứng, chỉ có một biến quan sát bị loại (KC4) vì hệ số tương quan tổng là 0,014 < 0,3. Sau khi loại bỏ biến KC4 và tiến hành chạy lại Cronbach’s Alpha cho nhóm KỹÓ năng cứng, các biến còn lại đều đáp ứng điều kiện cần thiết để tiếp tục phân tích EFA.
Bảng 1: Đánh giá độ tin cậy Cronbach’s Alpha
Biến | Tên biến quan sát | Tương quan biến tổng | Cronbach’s Alpha nếu loại biến |
Kết quả học tập (HT): Cronbach’s Alpha = 0,851 | |||
HT1 | Điểm trung bình tích lũy toàn khóa | 0,617 | 0,772 |
HT2 | Điểm rèn luyện toàn khóa | 0,848 | 0,671 |
HT3 | Xếp loại học lực trong bằng tốt nghiệp | 0,833 | 0,697 |
Trình độ ngoại ngữ (NN): Cronbach’s Alpha = 0,818 | |||
NN1 | Nghe nói thành thạo một loại ngoại ngữ | 0,728 | 0,679 |
NN2 | Đọc hiểu tài liệu, văn bản tiếng nước ngoài | 0,682 | 0,720 |
NN3 | Soạn thảo văn bản bằng ngoại ngữ | 0,581 | 0,821 |
Kỹ năng cứng (KC): Cronbach’s Alpha = 0,799 | |||
KC1 | Kiến thức chuyên môn được đào tạo | 0,798 | 0,611 |
KC2 | Kiến thức nền tảng văn hóa, xã hội liên quan | 0,796 | 0,615 |
KC3 | Kỹ năng xử lý nghiệp vụ liên quan công việc | 0,832 | 0,597 |
KC4 | Hiểu biết thực tế và các vấn đề đương đại của ngành nghề | 0,021 | 0,942 |
Kỹ năng mềm (KM): Cronbach’s Alpha = 0,912 | |||
KM1 | Kỹ năng giao tiếp và thuyết trình | 0,786 | 0,884 |
KM2 | Kỹ năng lập kế hoạch công việc hiệu quả | 0,811 | 0,876 |
KM3 | Kỹ năng phát hiện, xử lý, giải quyết vấn đề | 0,764 | 0,892 |
KM4 | Kỹ năng làm việc nhóm | 0,799 | 0,879 |
Ý thức trong công việc (YT): Cronbach’s Alpha = 0,775 | |||
YT1 | Ý thức tổ chức, kỷ luật, tinh thần trách nhiệm | 0,574 | 0,718 |
YT2 | Ý thức tập thể, cộng đồng | 0,598 | 0,698 |
YT3 | Ý thức học tập và cầu tiến | 0,569 | 0,727 |
YT4 | Tính cẩn thận, nghiêm túc, trung thực | 0,555 | 0,728 |
Khả năng làm việc (LV): Cronbach’s Alpha = 0,929 | |||
LV1 | Khả năng thích nghi với môi trường làm việc | 0,879 | 0,886 |
LV2 | Khả năng chịu áp lực cao trong công việc | 0,812 | 0,899 |
LV3 | Khả năng tự học và tự rèn luyện | 0,754 | 0,928 |
LV4 | Khả năng lắng nghe, tiếp thu và khắc phục nhược điểm cá nhân | 0,851 | 0,896 |
Nguồn: Kết quả nghiên cứu
Phân tích EFA
Kết quả phân tích EFA cho thấy, hệ số KMO = 0,751, chứng tỏ tính phù hợp của việc thực hiện phân tích nhân tố. Hệ số Sig. = 0,000, như vậy có sự tương quan ý nghĩa thống kê giữa các biến quan sát trong tổng thể, hỗ trợ việc thực hiện phân tích nhân tố. Phương sai được trích xuất đạt 77,2%, đây là một tỷ lệ phù hợp cho phân tích nhân tố, cho thấy 6 nhóm nhân tố đã giải thích được 77,2% sự biến thiên của dữ liệu.
Dựa trên kết quả phân tích, có 6 nhóm yếu tố được xác định. Trong đó, Khả năng làm việc (LV) bao gồm 4 biến: LV1 (Thích nghi với môi trường làm việc), LV4 (Lắng nghe, tiếp thu và khắc phục nhược điểm cá nhân), LV2 (Chịu áp lực cao trong công việc) và LV3 (Tự học và tự rèn luyện).
Kỹ năng mềm (KM) gồm 4 biến: KM2 (Lập kế hoạch công việc hiệu quả), KM1 (Giao tiếp và thuyết trình), KM4 (Làm việc nhóm) và KM3 (Phát hiện, xử lý, giải quyết vấn đề).
Kỹ năng cứng (KC) gồm 3 biến: KC3 (Xử lý nghiệp vụ liên quan công việc), KC1 (Kiến thức chuyên môn được đào tạo) và KC2 (Kiến thức nền tảng văn hóa, xã hội).
Ý thức công việc (YT) có 4 biến: YT2 (Ý thức tập thể, cộng đồng), YT1 (Ý thức tổ chức, kỷ luật, trách nhiệm), YT3 (Ý thức học tập và cầu tiến) và YT4 (Tính cẩn thận, nghiêm túc, trung thực).
Kết quả học tập (HT) bao gồm 3 biến: HT2 (Điểm rèn luyện toàn khóa), HT3 (Xếp loại học lực trong bằng tốt nghiệp) và HT1 (Điểm trung bình tích lũy toàn khóa).
Trình độ ngoại ngữ (NN) có 3 biến: NN1 (Nghe nói thành thạo một loại ngoại ngữ), NN2 (Đọc hiểu tài liệu, văn bản tiếng nước ngoài) và NN3 (Soạn thảo văn bản bằng ngoại ngữ).
Phân tích hồi quy
Sau khi thực hiện phân tích EFA, phân tích hồi quy logistic nhị phân đã được tiến hành để đánh giá ảnh hưởng của từng yếu tố đối với khả năng tìm việc làm của sinh viên sau ra trường. Kết quả hồi quy cho thấy, mô hình có ý nghĩa thống kê, với giá trị Sig. = 0,000 < 0,05. Hệ số Pseudo R2 = 0,59, chứng tỏ 59% sự biến đổi của biến phụ thuộc được giải thích bởi 5 biến độc lập trong mô hình, phần còn lại do các yếu tố khác. Điểm -2LL (-2 log likelihood) = 155,137 và khả năng dự đoán cao của mô hình (84,5%) cũng cho thấy mô hình tổng thể khá phù hợp.
Bảng 2: Kết quả phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến việc tìm được việc làm của sinh viên
Biến số |
Tên biến | Hệ số Beta | Sai số chuẩn (S.E.) | Hệ số (dY/dX) |
| Hằng số | 2,534*** | 0,322 | - |
LV | Khả năng làm việc | 0,963*** | 0,264 | 0,1521 |
KM | Kỹ năng mềm | 0,978*** | 0,238 | 0,1642 |
KC | Kỹ năng cứng | 1,217*** | 0,262 | 0,1781 |
YT | Ý thức công việc | 0,028ns | 0,231 | - |
HT | Kết quả học tập | 0,484** | 0,198 | 0,0713 |
NN | Trình độ ngoại ngữ | 0,775*** | 0,226 | 0,1235 |
Số quan sát | 350 | |||
-2 log likelihoods | 155,137 | |||
Hệ số Pseudo R2 | 0,59 |
Ghi chú: **: có ý nghĩa ở mức 5%, ***: có ý nghĩa ở mức 1%
Nguồn: Kết quả phân tích hồi quy
Các kết quả kiểm định ở Bảng 2 cho thấy, trong 6 biến độc lập tham gia phân tích, 5 biến độc lập là: Kỹ năng cứng (KC), Kỹ năng mềm (KM), Khả năng làm việc (LV), Trình độ ngoại ngữ (NN) và Kết quả học tập (HT) có hệ số hồi quy với Sig. < 1% hoặc 5%, cho thấy sự có ý nghĩa thống kê.
Trong đó, Kỹ năng cứng có ảnh hưởng lớn nhất đến khả năng tìm việc của sinh viên sau khi ra trường. Với hệ số Beta = 1,217 và Sig. = 1%, yếu tố này ảnh hưởng 17,81% đến khả năng tìm việc làm của sinh viên. Khi yếu tố này tăng 1 đơn vị, xác suất tìm được việc làm tăng 17,81%. Điều này hợp lý vì các kỹ năng như kiến thức chuyên môn và xử lý nghiệp vụ liên quan công việc được đánh giá cao trong việc tìm việc làm sau ra trường.
Yếu tố Kỹ năng mềm có ảnh hưởng cao thứ hai đến khả năng tìm việc của sinh viên sau khi ra trường. Với hệ số Beta = 0,978 và Sig. = 1%, yếu tố này ảnh hưởng 16,42% đến khả năng tìm việc làm của sinh viên. Khi kỹ năng mềm tăng 1 đơn vị, xác suất tìm được việc làm tăng 16,42%. Điều này phản ánh sự quan trọng của kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và xử lý vấn đề đối với doanh nghiệp.
Yếu tố Khả năng làm việc cũng có ảnh hưởng đến khả năng tìm việc làm của sinh viên sau khi ra trường. Với hệ số Beta = 0,963 và Sig. = 1%, khi khả năng làm việc tăng 1 đơn vị, xác suất tìm việc làm tăng 15,21% (tác động biên 0,1521). Điều này phù hợp với khả năng thích nghi, chịu áp lực cao trong công việc và tự học hỏi của sinh viên, giúp họ dễ dàng tìm việc làm và đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Yếu tố Trình độ ngoại ngữ có hệ số Beta = 0,775 và Sig. = 1%, ảnh hưởng 12,35% đến khả năng tìm việc làm của sinh viên. Khi trình độ ngoại ngữ tăng, xác suất tìm việc làm tăng 12,35%. Trong môi trường hội nhập, yêu cầu về trình độ ngoại ngữ ngày càng cao, nhất là tại các công ty đa quốc gia.
Yếu tố Kết quả học tập có ảnh hưởng thấp nhất đến khả năng tìm việc làm của sinh viên sau khi ra trường, với hệ số Beta = 0,484 và Sig. = 5%, ảnh hưởng 7,13% đến khả năng tìm việc làm của sinh viên. Kết quả học tập thường được coi là cơ sở tham khảo về năng lực chuyên môn khi xin việc, nhưng không phản ánh toàn diện về khả năng làm việc thực tế.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, Ý thức công việc (YT) không có ý nghĩa thống kê, do đó không tác động đến khả năng tìm việc làm của sinh viên.
KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý QUẢN TRỊ
Nghiên cứu tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tìm việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Kết quả chỉ ra rằng, Kỹ năng cứng là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến khả năng tìm việc của sinh viên và điều này hợp lý vì nó thường liên quan đến kiến thức chuyên môn cần thiết trong ngành nghề. Những yếu tố khác như: Kỹ năng mềm, Khả năng làm việc, Trình độ ngoại ngữ và Kết quả học tập cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền tảng cho sự thành công trong tìm kiếm việc làm.
Dựa trên kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp nhàm nâng cao khả năng tìm việc của sinh viên sau tốt nghiệp, cụ thể như sau:
Đối với sinh viên, việc xác định hướng nghiệp, không ngừng rèn luyện kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm, cùng việc tự học và nâng cao trình độ ngoại ngữ là quan trọng. Tham gia các hoạt động ngoại khóa, khóa học kỹ năng mềm và tận dụng cơ hội học tập trong và ngoài trường sẽ giúp họ trang bị những kỹ năng cần thiết cho thị trường lao động.
Đối với nhà trường, cần cải thiện chất lượng đào tạo thông qua các chương trình phù hợp với thực tiễn. Điều này bao gồm việc cung cấp kiến thức về nghiệp vụ thực tế, cung cấp cơ hội thực hành tại doanh nghiệp và tạo môi trường học tập linh hoạt. Việc tạo kết nối với doanh nghiệp cũng cần được ưu tiên để sinh viên có cơ hội tiếp xúc với thực tế nghề nghiệp và các nhà tuyển dụng.
Đối với nhà tuyển dụng, cần hợp tác chặt chẽ với nhà trường để xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế của công việc. Hỗ trợ học sinh, sinh viên tiếp cận với thực tế công việc thông qua các chương trình, khóa học, hoặc thậm chí là các dự án thực tế có thể tạo cầu nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, giúp sinh viên tự tin hơn khi bước ra thị trường lao động./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Brunner, B.R., Zarkin, K., Yates, B.L. (2018), What do employers want? What should educators teach? Content analysis of job advertisements at the entry level in public relations, Journal of Public Relations Education, 4(2), 21-50.
2. Humburg, M., De Grip, A., Van der Velden, R. (2017), Which skills protect graduating students in a sluggish labor market?, International Labour Review, 156(1), 25-43.
3. Kavanagh, M.H., Drennan, L. (2008), What skills and attributes do accounting graduates need? Evidence from students' perceptions and employer expectations, Accounting & Finance, 48(2), 279-300.
4. Kunal D, EP John (2023), Determinants of Employment Success for College Graduates, Research and Development in Higher Education, 46(1), 72-85.
5. Laura Bridgestock (2021), Graduate Employability: What Do Employers Value and Expect?, Research and Development in Higher Education, 58(1), 111-124.
6. Nguyễn Thị Thanh Vân (2016), Phân tích các yếu tố tác động đến khả năng có việc làm của sinh viên mới ra trường thuộc Khoa Kinh tế - Luật - Đại học mở TP. Hồ Chí Minh, Luận văn thạc sỹ, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh.
Nguyễn Thị Quỳnh Trâm, Trần Văn Tuyến
Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 02, tháng 01/2024)
Bình luận