Cần có các chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn cho khu vực kinh tế tập thể, HTX
Sáng 02/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2024 với chủ đề "Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết số 20-/NQ/TW ngày 16/6/2022-Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới".
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Khu vực kinh tế tập thể chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam.
Các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động lấy lợi ích kinh tế là chính; đồng thời coi trọng lợi ích về chính trị, văn hoá, xã hội trên địa bàn. Trong đó: (i) đề cao lợi ích của thành viên, sự hợp tác, liên kết, trợ giúp lẫn nhau, hướng đến làm giàu cho từng thành viên và tập thể; (ii) thực hiện các chính sách xã hội trên địa bàn.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương luôn quan tâm và ban hành, triển khai nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế tập thể, HTX.
Thủ tướng nhận định, đến nay, khu vực kinh tế tập thể cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài. Các HTX đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình kiểu mới. Số lượng HTX, liên hiệp HTX thành lập mới tăng đáng kể, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ; hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Tính liên kết giữa các HTX và với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác bước đầu phát triển.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính đến năm 2023, cả nước có hơn 31.700 HTX, 158 liên hiệp HTX và 73.000 tổ hợp tác. Năm 2022, doanh thu bình quân của các HTX đạt gần 3,6 tỷ đồng/năm, tăng 35% so với năm 2021; lãi bình quân khoảng 366 triệu đồng/năm, tăng 71% so với năm 2021; thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX năm 2022 là 56 triệu đồng/người/năm…
Trong 20 năm qua, hành lang pháp lý chung và các cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể đã được quan tâm xây dựng, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Trong đó có các chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại; ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ; hỗ trợ về đầu tư phát triển hạ tầng; chính sách giao đất, cho thuê đất; chính sách về tín dụng; hỗ trợ chế biến sản phẩn…
Trong đó, từ năm 2013-2021 có hơn 362.000 lượt cán bộ, thành viên HTX được đào tạo, bồi dưỡng; có hơn 2.600 HTX nông nghiệp được hỗ trợ xúc tiến thương mại với số tiền khoảng 255 tỷ đồng; giai đoạn 2013-2020, cả nước đã hỗ trợ hơn 5.800 HTX ứng dụng, chuyển giao công nghệ với tổng kinh phí khoảng 268 tỷ đồng; doanh số cho vay đối với HTX, liên hiệp HTX trong giai đoạn 2013-2021 đạt khoảng 50.800 tỷ đồng…
HTX đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình kiểu mới theo quy định của pháp luật. Số lượng HTX, liên hiệp HTX thành lập mới tăng đáng kể, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và chất lượng, hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập thường xuyên cho người lao động.
Tổ hợp tác với cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, nội dung hoạt động đơn giản nhưng thiết thực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu liên kết linh hoạt và mang tính ngắn hạn của người dân. Liên kết giữa các HTX với nhau, với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác bước đầu phát triển.
Khu vực kinh tế tập thể cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ, khu vực kinh tế tập thể của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu. Tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP còn thấp. Một số thành viên tham gia hoạt động của HTX còn mang tính hình thức, chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ.
Hiệu quả hoạt động HTX chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp; trình độ cán bộ quản lý còn hạn chế. Phần lớn HTX, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh không cao. Các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các HTX và giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến.
Nghị quyết số 20-NQ/TW chỉ rõ: "Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho kinh tế tập thể tuy nhiều nhưng dàn trải, phân tán, chủ yếu là lồng ghép, thiếu tập trung, chưa thống nhất, thiếu nguồn lực hoặc không khả thi".
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung vào phân tích thực trạng phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tạo động lực để kinh tế tập thể, HTX bắt kịp, tiến cùng và vươn lên
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung vào phân tích thực trạng phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX. Trong đó phân tích những gì đã làm được, chưa làm được; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; phân tích các cơ hội, thách thức và nhu cầu hỗ trợ trong khu vực kinh tế tập thể, HTX thời gian tới…
Đặc biệt, Thủ tướng mong muốn các đại biểu hiến kế các giải pháp đột phá để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thu hút nguồn lực xã hội; tăng cường liên kết giữa các thành viên tham gia kinh tế tập thể, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa công và tư… để khu vực kinh tế tập thể, HTX thay đổi cơ bản, mạnh mẽ phương thức sản xuất kinh doanh, đáp ứng đòi hỏi của tình hình phát triển mới.
Thủ tướng cũng mong muốn các đại biểu góp ý, đề xuất các chính sách hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể, HTX một cách thiết thực, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm và đặc biệt phải phù hợp với cơ chế thị trường, tạo động lực để khu vực này bắt kịp, tiến cùng và vươn lên so với các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là về hạ tầng, công nghệ, vốn, thuế, đầu tư; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.
Tại Diễn đàn, đại diện ILO khẳng định, xu thế tăng cường quan tâm đối với hợp tác xã, là động lực bổ sung cho mô hình phát triển hiện nay. Trong và ngoài châu Á, ngày càng có nhiều sự chú ý đến các hình thức kinh tế thay thế phục vụ con người và trái đất. Các hợp tác xã nổi lên như một mô hình phát triển thay thế/bổ sung. HTX được công nhận là một sự phát triển bổ sung và/hoặc thay thế. Sự chú ý đã tập trung ngày càng nhiều vào các hợp tác xã như một giải pháp khả thi để tái cân bằng các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường.
HTX góp phần chuyển đổi sang kinh tế chính thức và mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội. HTX đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ kinh tế phi chính thức sang kinh tế chính thức. Các hợp tác xã có thể tổ chức các chủ thể kinh tế và tạo điều kiện chuyển đổi sang chính thức hóa. HTX tạo điều kiện cho người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức có tiếng nói và đại diện ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế.
Các HTX giúp mở rộng quy mô hoạt động của các đơn vị kinh tế phi chính thức thông qua các hình thức khởi nghiệp tập thể, nâng cao vị thế thương lượng và tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận với an sinh xã hội.
ILO cũng chỉ rõ, các hợp tác xã phải đối mặt với những thách thức tương tự như các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Tuy nhiên, các HTX cũng phải đối mặt với một số thách thức có tính đặc thù. Đó là sự hiểu biết hạn chế của xã hội về HTX. Vẫn còn hạn chế về sự hiểu biết của xã hội đối với các hợp tác xã và những đóng góp tiềm năng của HTX cho xã hội. Điều đáng lưu ý là số liệu thống kê về hợp tác xã còn hạn chế: chưa đầy đủ, thiếu cập nhật và không tương thích giữa các quốc gia hoặc khu vực để mang lại sự so sánh có ý nghĩa, tạo điều kiện để các nhà hoặc định chính sách đưa ra quyết định đúng. Chất lượng của dữ liệu cũng còn là vấn đề.
ILO cũng đề xuất các giải pháp tăng cường năng lực cho HTX. Theo đó, tăng cường nâng cao năng lực của các hợp tác xã ở các cấp độ. Tăng cường lồng ghép xây dựng năng lực cho các hợp tác xã và việc làm bền vững trong các chính sách, chiến lược về hợp tác xã. Đào tạo và có các hình thức hỗ trợ cho người lao động và các tổ chức trong hợp tác xã, nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh, khả năng phục hồi, đóng góp xã hội và phúc lợi của hợp tác xã và chất lượng hàng hóa và dịch vụ mà hợp tác xã sản xuất; Tăng cường hiệu quả trong việc lập kế hoạch và phân bổ nguồn lực cho việc nâng cao năng lực và tạo ra sức mạnh tổng hợp với các sáng kiến khác để thúc đẩy nâng cao năng lực cho các hợp tác xã và việc làm bền vững.
Để tăng cường gắn kết chính sách về hợp tác xã thông qua xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước về xây dựng và quản lý HTX. Tăng cường và khuyến khích tham vấn và trao đổi giữa các cơ quan quản lý và ra chính sách cho sự phát triển của các hợp tác xã, tránh trùng lặp và chồng chéo.
"Phân bổ thêm ngân sách và các nguồn lực cho hợp tác xã để đáp ứng sự quan tâm và nhu cầu ngày càng tăng của HTX", ILO nhấn mạnh./.
Bình luận