Mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi sử dụng TikTok của thế hệ sinh viên gen Z tại TP. Hồ Chí Minh
Nguyễn Quỳnh Lâm, Phan Văn Thức - Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh
Phạm Thị Bích Hạnh, Email: Ptb.hanh@hutech.edu.vn (Tác giả liên hệ)
Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh
Tóm tắt
Với sự phát triển nhanh chóng của lượng người dùng Internet tại Việt Nam, kéo theo sự gia tăng lượng người sử dụng các nền tảng mạng xã hội, nhất là thế hệ gen Z. TikTok với những ứng dụng vượt trội, được đánh giá là một mạng xã hội đáng để sinh viên sử dụng, do mang lại rất nhiều lợi ích trong việc giải trí, học tập và phát triển các kỹ năng xã hội. Nghiên cứu trên cơ sở lý thuyết hành vi và phân tích đặc tính của thế hệ sinh viên gen Z, để đề xuất mô hình lý thuyết với 4 nhân tố gồm: Nhận thức tính dễ sử dụng; Nhận thức sự phổ biến; Nhận thức tính hữu ích; Nhận thức rủi ro; được giả thuyết rằng, có ảnh hưởng tích cực đến Hành vi sử dụng TikTok của thế hệ sinh viên gen Z tại TP. Hồ Chí Minh.
Từ khóa: lý thuyết hành vi, sử dụng TikTok, sinh viên, gen Z, TP. Hồ Chí Minh
Summary
With the rapid growth of Internet users in Vietnam, the number of people using social networking platforms, especially the Gen Z generation, has increased. With its outstanding applications, TikTok is considered a social network worth using for students because it brings many benefits in entertainment, learning, and developing social skills. Based on behavioral theory and analysis of the characteristics of Gen Z students, the study proposes a theoretical model with 4 factors: Perceived ease of use; Perceived popularity; Perceived usefulness; and Perceived risk; which is hypothesized to have a positive impact on TikTok usage behavior of Gen Z students in Ho Chi Minh City.
Keywords: behavioral theory, TikTok usage, students, Gen Z, Ho Chi Minh City
ĐẶT VẤN ĐỀ
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin và Internet, thì mạng xã hội đã không còn xa lạ đối với đại bộ phận người trưởng thành ở Việt Nam. Theo báo cáo Digital 2024 do Data Report thực hiện, có 70 triệu người Việt Nam sử dụng mạng xã hội, chiếm 71% tổng dân số. Trong đó, Facebook có 72 triệu tài khoản, YouTube 62 triệu tài khoản, TikTok có 68 triệu tài khoản, Instagram có 12 triệu tài khoản, LinkedIn đạt 7 triệu tài khoản, Twitter có 5 triệu tài khoản… Con số này cho thấy, mạng xã hội đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống số của người Việt.
Gen Z là hệ sinh từ năm 1997 đến năm 2012, thuộc thế hệ đầu tiên lớn lên với internet, mạng xã hội và điện thoại thông minh, nên sử dụng ứng dụng công nghệ đã trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày của họ. Cùng với thời đại, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, các tương tác xã hội diễn ra nhiều và dễ dàng hơn trên không gian số. Các hội nhóm xuất hiện ngày càng nhiều và đa dạng trên mạng xã hội, vì họ mong muốn được tham gia để cùng chia sẻ một hoặc một số sở thích, mục đích hoặc mối quan tâm chung. Tương tự, trong giới sinh viên gen Z cũng có nhiều hội nhóm trên mạng xã hội được hình thành với những đặc điểm của một cộng đồng thực hành tri thức (CoP), nơi các thành viên không ngừng chia sẻ tri thức về những vấn đề quan tâm với những người trong cộng đồng ảo. Tuy nhiên, sự phát triển của mạng xã hội bên cạnh mặt tích cực, còn chứa đựng trong đó những mặt trái ảnh hưởng chi phối hành vi người sử dụng. Trong khi tại Việt Nam, người dùng mạng xã hội TikTok có sự tập trung vào độ tuổi từ 16÷24 (phần lớn độ tuổi của giai đoạn này đang là sinh viên) là nhiều nhất (Vũ Phương Anh và Đặng Phương Linh, 2024), nên hành vi sử dụng TikTok của thế hệ gen Z là sinh viên trở thành mối quan tâm lớn. Do đó, nghiên cứu về hành vi sử dụng TikTok của thế hệ gen Z để có sự tác động theo chiều hướng tích cực đến nhận thức, cảm xúc và cung cấp cho họ một nền tảng để thể hiện bản thân, giao tiếp với mọi người và góp phần phát triển sáng tạo (Guo, 2021) đang trở nên cấp thiết và có giá trị thực tiễn cao.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết
Mạng xã hội TikTok
TikTok là một ứng dụng mạng xã hội video ngắn do một công ty công nghệ Internet đa quốc gia ByteDance và được ra mắt trên thế giới vào năm 2017. Khác các mạng xã hội khác, TikTok tập trung vào việc cung cấp nền tảng giải trí thông qua các video ngắn, hướng tới đối tượng chính là thế hệ gen Z. TikTok được coi là một ứng dụng mạng xã hội độc đáo với cấu trúc kỹ thuật đặc biệt và sự chấp nhận vượt trội từ người dùng, khác biệt hoàn toàn so với các nền tảng khác. Điều này đã biến TikTok trở thành một mạng lưới trực tuyến cụ thể, trong đó các tính năng trào lưu và trend đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khả năng tương tác đa dạng của người dùng (Diana Zulli và James Zulli, 2020).
Tiktok đã có tác động tích cực đến xã hội, nền tảng này thu hút lượng lớn người dùng, bởi tính tương tác cao và khả năng truyền tải thông tin nhanh chóng. Người dùng thường tìm kiếm và tiêu thụ nội dung phù hợp với sở thích cá nhân, đồng thời có xu hướng tạo và chia sẻ nội dung cá nhân hóa (Oktarini và cộng sự, 2022). Tại Việt Nam, TikTok hiện thu hút khoảng 13 triệu người dùng hàng tháng và đang trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất, với tỷ lệ người dùng tăng từ 49% lên 62%. Lượng người dùng hoạt động hàng ngày đã đạt 74%, ghi nhận mức tăng 8% so với trước đây. Sự yêu thích đối với TikTok cũng tăng lên rõ rệt, từ 5% lên 14% cho thấy, nền tảng này ngày càng được ưa chuộng. Đối tượng người dùng chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 18 đến dưới 30, chủ yếu là thế hệ Gen Z đang là sinh viên (Võ Chiêu Vy, 2023).
Đặc tính của thanh niên thế hệ gen Z
Thế hệ gen Z thuộc nhóm nhân khẩu học được sinh ra từ những năm 1997 đến năm 2012, là thế hệ thanh niên năng động và phức tạp, việc hiểu biết về công nghệ, gắn bó với mạng xã hội được cho là đặc điểm nổi trội của gen Z, với đặc điểm cơ bản:
Thứ nhất, thanh niên thế gen Z là những người thuộc thế hệ kỹ thuật số. Đây là thế hệ đầu tiên sinh ra và lớn lên trong kỷ nguyên 4.0 với sự tiếp cận Internet cùng các thiết bị kỹ thuật số từ rất sớm. Internet và điện thoại di động đã trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống của họ. Thanh niên thế hệ Z được mệnh danh là những “công dân thời đại kỹ thuật số”, họ tận dụng công nghệ để tìm kiếm và xây dựng các mối quan hệ, giải quyết công việc, thậm chí tự tạo sự nghiệp của riêng mình. Tuy nhiên, việc dành quá nhiều thời gian trên các thiết bị công nghệ đã khiến thanh niên gen Z bị phụ thuộc nhiều vào thế giới ảo. Theo các nghiên cứu, ước tính gen Z dành trung bình khoảng 5 tiếng/ngày cho Internet, do đó hoạt động giao tiếp của họ chủ yếu diễn ra trên không gian số.
Thứ hai, thanh niên thế hệ gen Z là người sáng tạo nội dung số. Họ được đánh giá là thế hệ có tư duy tốt, có khả năng tìm kiếm, sử dụng các nguồn tài nguyên trực tuyến để học hỏi và phát triển các kỹ năng mới. Từ việc kết hợp với yếu tố công nghệ, thanh niên thế hệ gen Z không ngừng sáng tạo ra những nội dung mới, độc đáo trên các mạng xã hội, như: Facebook, Instagram, LinkedID, Twitter, Tiktok…
Thứ ba, chia sẻ thông tin qua các mạng xã hội là một trong những đặc điểm ấn tượng của thanh niên thế hệ gen Z. Mạng xã hội được coi là thế giới riêng của gen Z, nơi họ cập nhật xu hướng chung của thế giới nhanh nhất, tự tin chia sẻ suy nghĩ và giúp đỡ phát triển những cộng động nhỏ hơn hay thế hệ tiếp nối. Tuy nhiên, một bộ phận thanh niên thế hệ gen Z chưa ý thức cao về bảo mật thông tin, sẵn sàng chia sẻ thông tin khắp các nền tảng mạng xã hội, sẵn sàng đánh đổi rủi ro thông tin lấy những phần thưởng ảo trên mạng.
Tổng quan nghiên cứu
Qua quá trình thu thập tài liệu, nhóm tác giả đã tiến hành tìm kiếm từ khóa “social media - mạng xã hội” trên nguồn dữ liệu mở và ngôn ngữ tiếng Anh trong kho dữ liệu Scopus với các trường lọc tìm kiếm giới hạn ở 3 lĩnh vực: tâm lý học, khoa học xã hội và khoa học thần kinh. Kết quả tìm kiếm được 215 bài báo liên quan từ năm 2022-2024 (Hình 1), sau khi sử dụng phần mềm VOS Viewer để tìm các từ khóa liên quan và phương pháp trắc lượng thư mục khoa học (bibliometric), phân tích thu về 206 tài liệu phù hợp và tách thành 4 nhóm nghiên cứu chính là: (1) Hành vi sử dụng, chấp nhận sử dụng mạng xã hội; (2) Ứng dụng mạng xã hội trong học tập, kinh doanh; (3) Các chính sách xã hội của ứng dụng tác động đến người dùng mạng xã hội; (4) Tác động của các chính sách, chính phủ đến mạng xã hội (Bảng).
Hình 1: Biểu đồ bibliographic coupling về các tác giả nghiên cứu về mạng xã hội
Nguồn: Kết quả phân tích của nhóm tác giả từ phần mềm VOS Viewer |
Từ việc tổng quan các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đến nền tảng mạng xã hội TikTok, nhóm tác giả rút ra một số nhận định sau:
Một là, các nghiên cứu xoay quanh TikTok còn chưa phong phú so với các nghiên cứu về các nền tảng mạng xã hội khác.
Hai là, nền tảng mạng xã hội TikTok có sức hấp dẫn với công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ. Phần lớn các nghiên cứu ở góc nhìn từ người dùng cũng tập trung vào độ tuổi thanh thiếu niên và thanh niên.
Ba là, nền tảng mạng xã hội TikTok đang đối mặt với các vấn đề pháp lý và mối lo ngại về an ninh, các ảnh hưởng tiêu cực đối với người dùng ở phần lớn các nước châu Âu, Bắc Mỹ và gần đây Chính phủ Việt Nam cũng tỏ ra quan ngại vì những vi phạm của TikTok ở thị trường trong nước. Do đó, trong thời gian tới việc nghiên cứu về ảnh hưởng của nền tảng mạng xã hội TikTok để cung cấp thêm các bằng chứng khoa học làm nguồn tham khảo cho các nhà hoạch định chính sách, xây dựng hành lang pháp lý liên quan đến việc quản lý các nền tảng mạng xã hội TikTok sẽ là vấn đề cấp thiết không chỉ ở Việt Nam, mà còn nhiều quốc gia khác.
Bốn là, nhiều nghiên cứu kể trên đã chỉ ra các ảnh hưởng, tác động ở cả 2 chiều hướng tích cực khi sử dụng TikTok, nhưng mới tập trung vào các ảnh hưởng tiêu cực mà người dùng gặp phải. Điều này cho thấy, sự cần thiết của việc nghiên cứu các ảnh hưởng tích cực của nền tảng mạng xã hội TikTok và tác động của nó đối với người dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ để có định hướng pháp triển tiến cùng thời đại công nghệ số.
Thứ năm, các nghiên cứu về TikTok ở Việt Nam còn hạn chế cả về số lượng lẫn mức độ phong phú. Hầu như chưa có một nghiên cứu trực diện về các yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến hành vi sử dụng ứng dụng TikTok của sinh viên thế hệ gen Z, để đánh giá mức độ tác động và đưa ra kiến nghị xây dựng một thói quen sử dụng TikTok hiệu quả và phù hợp hơn, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực đến cảm xúc, tính cách và khả năng học tập của sinh viên.
Bảng: Xu hướng nghiên cứu và các nghiên cứu điển hình trên cơ sở dữ liệu Scopus
Xu hướng | Một số nghiên cứu từ các tác giả điển hình |
Hành vi sử dụng, chấp nhận sử dụng mạng xã hội | Al-Khasawneh và cộng sự (2022); Shao và cộng sự (2023); Yu và Hongmei (2023); Alhabash và cộng sự (2024), Hendrikse và Limniou (2024)… |
Ứng dụng mạng xã hội trong học tập, kinh doanh | Rasyid và cộng sự (2023); Regasa và Ettisa (2023); Hongsa và cộng sự (2023); Conde-Caballero và cộng sự (2024); Xu và cộng sự (2024); Ulla và cộng sự (2024); Carpenter và cộng sự (2024)... |
Các chính sách xã hội của ứng dụng tác động đến người dùng mạng xã hội | Scharlach và Hallinan (2023); Duguay và Gold-Apel (2023); Abbasi và cộng sự (2023); Cotter và cộng sự (2024); Andersson (2024)... |
Tác động của các chính sách, chính phủ đến mạng xã hội | Yarchi và Boxman-Shabtai (2023); Michell (2023); Kumar (2023); Liu (2024); Walsh (2024)... |
Nguồn: Nhóm tác giả tổng quan các công trình nghiên cứu
ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ GIẢ THUYẾT
Nghiên cứu kế thừa có chọn lọc từ các nghiên cứu trước của Lê Văn Nam và cộng sự (2021), Al-Khasawneh và cộng sự (2022) và Yu và Hongmei (2023); cùng với mô hình lý thuyết hành động hợp lý (TRA), chấp nhận công nghệ (TAM); nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi sử sụng TikTok của sinh viên gen Z tại TP. Hồ Chí Minh như Hình 2.
Hình 2: Mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến
hành vi sử dụng TikTok của sinh viên gen Z ở TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Nhóm tác giả đề xuất |
Các giả thuyết nghiên cứu được đưa ra như sau:
H1: Nhận thức tính dễ sử dụng tác động tích cực (+) đến Hành vi sử dụng TikTok của sinh viên gen Z tại TP. Hồ Chí Minh. TikTok nổi bật với giao diện người dùng đơn giản và trực quan, khiến nó dễ dàng tiếp cận ngay cả với những người mới làm quen với nền tảng này. Các video trên TikTok rất phong phú về nội dung, từ giải trí, giáo dục đến tin tức, đáp ứng nhiều sở thích và nhu cầu khác nhau của sinh viên. Ứng dụng cung cấp nhiều công cụ chỉnh sửa video, hiệu ứng và bộ lọc, cho phép người dùng tạo ra những video hấp dẫn mà không cần kỹ năng chỉnh sửa chuyên nghiệp (Abbasi và cộng sự, 2023). TikTok cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối và tương tác với bạn bè, gia đình và những người nổi tiếng, xây dựng một cộng đồng trực tuyến sôi động. Tính năng “For You” (dành cho bạn) của TikTok tự động gợi ý các video phù hợp dựa trên sở thích và hành vi xem của người dùng, giúp họ dễ dàng khám phá nội dung mới và thú vị (Junyu Meng, 2023).
H2: Nhận thức sự phổ biến tác động tích cực (+) đến Hành vi sử dụng TikTok của sinh viên gen Z tại TP. Hồ Chí Minh. Nội dung trực tuyến trên mạng xã hội thường trải qua sự thay đổi liên tục về sự phổ biến, gắn với một nền văn hóa được nhiều người ưa chuộng và không gắn liền với một tầng lớp xã hội cụ thể nào (Sorrells và Sekimoto, 2015). Trong vài năm qua, các nên tản truyền thông mạng xã hội đã trở thành kênh quan trọng nhất để chia sẻ thông tin, bày tỏ ý kiến cá nhân và cũng tương tác với những người khác trên các phương tiện truyền thông xã hội - có thể được coi là một xu hướng phổ biến (Kong và cộng sự, 2018). TikTok tạo ra một môi trường xã hội năng động, nơi người dùng có thể tương tác nhiều với bạn bè cũ và kết bạn mới (Jia và cộng sự, 2023). Sự tương tác mạng xã hội có ảnh hưởng lớn đến quyết định và hành vi sử dụng TikTok của sinh viên gen Z, bởi các video từ TikTok thường được chia sẻ rộng rãi và tái sử dụng trên các mạng xã hội khác, giúp tăng cường sự phổ biến, tạo ra một mạng lưới truyền thông đa dạng và phong phú. Sự phổ biến của TikTok đã khiến nó trở thành một chủ đề thảo luận phổ biến trong các cuộc trò chuyện.
H3: Nhận thức tính hữu ích tác động tích cực (+) đến Hành vi sử dụng TikTok của sinh viên gen Z tại TP. Hồ Chí Minh. Tiềm năng của TikTok thật sự giúp ích cho con người về nhiều mặt của cuộc sống, không chỉ là một mạng xã hội giải trí, mà còn mang lại nhiều lợi ích thực tế trong các lĩnh vực giáo dục, kinh doanh, xã hội và cá nhân. TikTok đang trở thành một công cụ hữu ích trong việc giáo dục, bởi tận dụng nền tảng này đã giúp giáo viên và chuyên gia có thể chia sẻ kiến thức và phương pháp học tập một cách hiệu quả. Các video ngắn, dễ hiểu, sinh động trên TikTok đã giúp người học tăng sự hứng thú, tiếp thu kiến thức một cách nhanh chóng và thú vị (Carpenter và cộng sự, 2024; Regasa và Ettisa, 2023). TikTok cho phép người dùng thể hiện bản thân, kết nối với bạn bè và tìm kiếm sự ủng hộ từ cộng đồng; nên TikTok đã trở thành một phương tiện quan trọng giúp người dùng duy trì kết nối xã hội và chăm sóc sức khỏe tinh thần - minh chứng đã được chứng minh trong thời điểm Covid-19 phải dãn cách xã hội. Người dùng mạng xã hội TikTok có thể chia sẻ quan điểm, ý tưởng và trải nghiệm cá nhân, tạo nên một cộng đồng đa dạng và gắn kết (Feldkamp, 2021).
H4: Nhận thức tính hữu ích tác động tiêu cực (-) đến Hành vi sử dụng TikTok của sinh viên gen Z tại TP. Hồ Chí Minh. Lo ngại về bảo mật thông tin cá nhân có thể ảnh hưởng đáng kể đến ý định sử dụng ứng dụng của người dùng (Bandura, 1986). Người dùng có thể lo ngại về việc thông tin cá nhân của họ bị lộ hoặc sử dụng sai mục về quyền riêng tư và bảo mật. Sự thiếu minh bạch trong việc xử lý dữ liệu và bảo mật thông tin có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho người dùng (Ramsden và Talbot, 2024).
Việc sử dụng TikTok một cách thiếu kiểm soát có thể dẫn đến những hệ quả không mong muốn như mất tập trung vào học tập và công việc. Người dùng thường sợ bỏ lỡ những nội dung mới nên có có thể khiến người dùng mất nhận thức về thời gian, dẫn đến việc lãng phí nhiều giờ mà không nhận ra – làm giảm khả năng kiểm soát thời gian cá nhân (Servidio và cộng sự, 2021). Bên cạnh đó, không phải tất cả nội dung TikTok đều phù hợp hoặc an toàn, có những nội dung chứa các thông tin sai lệch, bạo lực, phản động và chủ đề nhạy cảm (Oktarini và cộng sự, 2022; Sampige và cộng sự, 2024), dẫn đến có thể ảnh hưởng tiêu cực đến người dùng, đặc biệt là sinh viên.
KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT HƯỚNG NGHIÊN CỨU
Dựa trên việc tổng quan các nghiên cứu liên quan về hành vi sử dụng Tiktok trước đó và kế thừa có chọn lọc lý thuyết hành động hợp lý (TRA) và chấp nhận công nghệ (TAM), nghiên cứu đã đề xuất mô hình nghiên cứu lý thuyết với 4 nhân tố ảnh hưởng chính đến Hành vi sử dụng TikTok của thế hệ sinh viên gen Z tại TP. Hồ Chí Minh gồm: (1) Nhận thức tính dễ sử dụng; (2) Nhận thức sự phổ biến; (3) Nhận thức tính hữu ích; (4) Nhận thức rủi ro.
Từ mô hình lý thuyết đã xây dựng, để làm rõ mức độ ảnh hưởng của 4 nhân tố đến Hành vi sử dụng TikTok của thế hệ sinh viên gen Z tại TP. Hồ Chí Minh, thì cần thiết kế bảng hỏi dựa trên thang đo Likert 5 mức độ (từ “Hoàn toàn không hài lòng” đến “Hoàn toàn hài lòng”) và tổ chức khảo sát đối tượng sinh viên sử dụng TikTok trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh với cỡ mẫu khảo sát tối thiểu là 300 mẫu. Dữ liệu sơ cấp cần được xử lý bằng phần mềm SPSS 23 để đo lường mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến Hành vi sử dụng TikTok của thế hệ sinh viên gen Z tại TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, các kiểm định tương quan và hồi quy sẽ được thực hiện để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến Hành vi sử dụng TikTok của thế hệ sinh viên gen Z tại TP. Hồ Chí Minh./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Abbasi, A. Z., Ayaz, N., Kanwal, S., Albashrawi, M., & Khair, N. (2023). TikTok app usage behavior: the role of hedonic consumption experiences. Data Technologies and Applications, 57(3), DOI:10.1108/DTA-03-2022-0107.
2. Alhabash, S., Smischney, T. M., Suneja, A., Nimmagadda, A., and White, L. R. (2024), So Similar, Yet So Different: How Motivations to Use Facebook, Instagram, Twitter, and TikTok Predict Problematic Use and Use Continuance Intentions, SAGE Open, 14(2), 1-20, DOI:10.1177/21582440241255426.
3. Al-Khasawneh, M., Sharabati, A.-A. A., Al-Haddad, S., Tbakhi, R., and Abusaimeh, H. (2022), The adoption of TikTok application using TAM model, International Journal of Data and Network Science, 6(4), 1389-1402.
4. Andersson, M. (2024), Multimodal expression of impoliteness in YouTube reaction videos to transgender activism, Discourse, Context and Media, 58. DOI:10.1016/j.dcm.2024.100760.
5. Bandura, A. (1986), Social foundations of thought and action, Englewood Cliffs, NJ, 2, 23-28.
6. Carpenter, J. P., Morrison, S. A., Shelton, C. C., Clark, N., Patel, S., and Toma-Harrold, D. (2024), How and why educators use TikTok: Come for the fun, stay for the learning?, Teaching and Teacher Education, 142(1):104530, DOI:10.1016/j.tate.2024.104530.
7. Conde-Caballero, D., Castillo-Sarmiento, C. A., Ballesteros-Yánez, I., Rivero-Jiménez, B., and Mariano-Juárez, L. (2024), Microlearning through TikTok in Higher Education. An evaluation of uses and potentials, Education and Information Technologies, 29(2), 2365–2385.
8. Cotter, K., Ritchart, A., De, A., Foyle, K., Kanthawala, S., McAtee, H., and Watson, T. X. (2024), If you’re reading this, it’s meant for you: The reflexive ambivalence of algorithmic conspirituality, Convergence, DOI:10.1177/13548565241258949.
9. Data Reprotal (2024), Digital 2024: Vietnam, retreated from https://datareportal.com/reports/digital-2024-vietnam.
10. Diana Zulli, and James Zulli, D. (2020), Extending the Internet meme: Conceptualizing technological mimesis and imitation publics on the TikTok platform, New Media & Society, 24(1):146144482098360, DOI:10.1177/1461444820983603.
11. Duguay, S., and Gold-Apel, H. (2023), Stumbling Blocks and Alternative Paths: Reconsidering the Walkthrough Method for Analyzing Apps, Social Media and Society, 9(1), DOI:10.1177/20563051231158822.
12. Feldkamp, J. (2021), The Rise of TikTok: The Evolution of a Social Media Platform During COVID-19, Digital Responses to Covid-19: Digital Innovation, Transformation, and Entrepreneurship during Pandemic Outbreaks, 73-85.
13. Guo, J. (2021), Research on the Influence of TikTok on Teenagers, Advances in Social Science, Education and Humanities Research, 631, 1390-1393.
14. Hendrikse, C., and Limniou, M. (2024), The Use of Instagram and TikTok in Relation to Problematic Use and Well-Being, Journal of Technology in Behavioral Science, 9(4):846-857, DOI:10.1007/s41347-024-00399-6.
15. Hongsa, N., Wathawatthana, P., and Yonwilad, W. (2023), The Effects of TikTok Application on the Improvement of EFL Students English-Speaking Skills, World Journal of English Language, 13(7), 77-88.
16. Jia, Q., Xu, X., Zhou, M., Liu, H., and Chang, F. (2023), Exploring the determinants of continuous intention in TikTok from the perspective of social influence: A mixed approach of SEM and fsQCA, Journal of Electronic Business & Digital Economics, 2(1), 45-68.
17. Junyu Meng (2023), TikTok Usage on Body Image and Satisfaction, Journal of Education Humanities and Social Sciences, 22, 298-305.
18. Kong, Q., Mao, W., Chen, G., & Zeng, D. (2018), Exploring Trends and Patterns of Popularity Stage Evolution in Social Media. IEEE Transactions on Systems, Man, and Cybernetics: Systems, 50(10), 3817-3827.
19. Kumar, A. (2023), State nationalism or popular nationalism? Analysing media coverage of TikTok ban on mainstream Indian TV news channels, Media Asia, 50(4), 616–632, DOI:10.1080/01296612.2023.2212507.
20. Lê Văn Nam, Kiều Thị Kim Giang, Trần Ngọc Huyền và Nguyễn Thị Thu Trang (2021), Các nhân tố tác động đến hành vi sử dụng mạng xã hội TikTok của học sinh trung học phổ thông tại Hà Nội, Tạp Chí Kinh Tế và Dự Báo, số17(6), 75-78.
21. Liu, D. (2024), Borderline content and platformised speech governance: Mapping TikTok’s moderation controversies in South and Southeast Asia, Policy & Internet,16(3), DOI:10.1002/poi3.388.
22. Michell, A. G. (2023), On losing the “dispensable” sense: TikTok imitation publics and COVID-19 smell loss challenges, Media, Culture and Society, 45(4), 869-876, DOI:10.1177/01634437221146904.
23. Oktarini, N. P. U., Dewi, N. P. K., Putra, M. R. A. K., Ataupah, J. H. A., and Oktarini, N. L. D. D. (2022), Analysis of the Positive and Negative Impacts of Using Tiktok For Generation Z During Pandemic, Journal of Digital Law and Policy, 1(2), 95-100.
24. Vũ Phương Anh và Đặng Phương Linh (2024), Nghiên cứu về hành vi tương tác trên nền tảng xã hội TikTok của người tiêu dùng Gen Z dựa theo lý thuyết sử dụng và sự hài lòng, truy cập từ https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/02/29/nghien-cuu-ve-hanh-vi-tuong-tac-tren-nen-tang-xa-hoi-tiktok-cua-nguoi-tieu-dung-gen-z-dua-theo-ly-thuyet-su-dung-va-su-hai-long/.
25. Ramsden, E., and Talbot, C. V. (2024), The Role of TikTok in Students’ Health and Wellbeing, International Journal of Mental Health and Addiction, DOI: 10.1007/s11469-023-01224-6.
26. Rasyid, F., Hanjariyah, H., and Aini, N. (2023), TikTok as a Source of English Language Content – Perceived Impacts on Students’ Competence: Views from Indonesia, International Journal of Learning, Teaching and Educational Research, 22(10), 340-358.
27. Regasa, A., and Ettisa, D. L. (2023), The Impact of TikTok on Students: A Literature Review, retreated from https://www.qeios.com/read/EPFGO6/pdf.
28. Sampige, R., Rodgers, E. G., Huang, A., and Zhu, D. (2024), Education and Misinformation: Exploring Ophthalmology Content on TikTok, Ophthalmology and Therapy, 13, 97–112.
29. Scharlach, R., and Hallinan, B. (2023), The value affordances of social media engagement features, Journal of Computer-Mediated Communication, 28(6), DOI:10.1093/jcmc/zmad040.
30. Servidio, R., Sinatra, M., Griffiths, M. D., and Monacis, L. (2021), Social comparison orientation and fear of missing out as mediators between self-concept clarity and problematic smartphone use, Addictive Behaviors, 122, DOI:10.1016/j.addbeh.2021.107014.
31. Shao, J., Zhao, M., Lyu, Y., and Chen, Y. (2023), Why do users keep coming back to TikTok? Understanding users motivation toward the continuous use intention of Chinese adolescent social media users, Innovative Marketing, 19(3), 134-144.
32. Ulla, M. B., Lemana, H. E., and Kohnke, L. (2024), Unveiling the TikTok Teacher: The construction of teacher Identity in the Digital Spotlight, Journal of Interactive Media in Education, 2024(1), DOI:10.5334/jime.845.
33. Võ Chiêu Vy (2023), Ảnh hưởng của quảng cáo trên tiktok tới ý định mua của người tiêu dùng, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Marketing giai đoạn bình thường mới, 40-50.
34. Walsh, T. (2024), TikTok as a site of social protest in Iran’s Gen-Z uprising, Discourse & Society, 35(1), DOI:10.1177/09579265241234351.
35. Xu, J., Shi, P. H., and Chen, X. (2024), Exploring digital innovation in smart tourism destinations: insights from 31 premier tourist cities in digital China, Published in The Tourist Review, DOI:10.1108/TR-07-2023-0468.
36. Yarchi, M., and Boxman-Shabtai, L. (2023), The Image War Moves to TikTok Evidence from the May 2021 Round of the Israeli-Palestinian Conflict, Digital Journalism, DOI:10.1108/tr-07-2023-0468.
37. Yu, Z., and Hongmei, Y. (2023), Research on the Factors Influencing Users’ Intention to Continue Using - Data from TikTok Short Video APP College Student Users, Journal of Reproducible Research (JRR), 1(2), 74-83.
Ngày nhận bài: 15/8/2024; Ngày phản biện:16/12/2024; Ngày duyệt đăng: 31/12/2024 |
Bình luận