Nhiều mối lo của người dân

“Cử tri và nhân dân hết sức lo lắng về tình trạng giá xăng, dầu vẫn ở mức cao đã kéo theo nhiều giá dịch vụ, hàng hóa khác tăng, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân; tình trạng quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các trang mạng xã hội về các loại thuốc, thực phẩm chức năng... không đúng như chất lượng của sản phẩm, gây thiệt hại về sức khỏe, tiền bạc của người dân…”, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, khi trình bày Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 5-6/2022, tại Phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), theo Văn phòng Quốc hội.

Cần sớm có phần mềm quốc gia về xử lý đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, phản ánh
Theo Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, cử tri lo lắng về tình trạng chậm trả căn cước công dân gắn chip cho người dân vẫn còn ở một số nơi (ảnh: QH)
Theo Trưởng Ban Dân nguyện, 6 tháng đầu năm 2022, có 71.312 lượt người với 77.681 người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 56.507 vụ việc và có 621 đoàn đông người. Qua theo dõi tình hình khiếu nại, tố cáo trong 2 tháng qua nổi lên 22 vụ việc khiếu kiện đông người liên quan đến đất đai, môi trường, quản lý và vận hành chung cư thương mại có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự…

Cũng theo ông Bình, cử tri còn lo lắng về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế để khám, chữa bệnh cho người dân; tình hình dịch xuất huyết đang diễn biến phức tạp, khi có xu hướng lan rộng, tăng cả về số ca mắc và số ca tử vong; sự xâm nhập của biến chủng BA.5, BA.4 của Omicron; việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng tại một số đô thị, khu dân cư, nhưng không đồng bộ với các quy hoạch khác đã được phê duyệt trước đó, gây quá tải hạ tầng giao thông, thiếu trường học, nhà trẻ…

Góp ý về tình hình kiến nghị của cử tri, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị bổ sung thêm kiến nghị là cử tri lo lắng, băn khoăn tình trạng các cán bộ, nhân viên y tế bỏ việc ở bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư.

“Thời gian qua xuất hiện quảng cáo các loại thuốc tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là quảng cáo vào các giờ vàng. Đề nghị chấn chỉnh vấn đề này…”, bà Nga đề xuất.

Cần “mạnh tay” với các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, Ban Dân nguyện cần làm rõ thêm những vụ việc nào xử lý dứt điểm, tiến triển của từng vụ việc đến đâu, chuyển biến của vụ việc thế nào, có đi đúng hướng không và có cần kiến nghị gì nữa không?...

Quảng cáo “tâng bốc” thực phẩm chức năng, xử lý ra sao?
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cần có phần mềm quốc gia về xử lý đơn thư (ảnh: QH)

“Đề nghị cần có phần mềm quốc gia về xử lý đơn thư. Được biết, thời gian qua, đơn trùng lặp rất nhiều, có đơn tháng nào cũng gửi, do vậy cần có phần mềm xử lý để biết các vụ việc giải quyết đến đâu, cơ quan nào đã xử lý, từ đó loại bớt các đơn thư trùng lặp…”, bà Nga đề xuất.

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, quá trình giải quyết của Thanh tra Chính phủ cho thấy, những vụ việc phức tạp kéo dài không thể 1 tháng mà giải quyết ngay được, có khi 5, 6 năm, 7, 8 năm vẫn chưa giải quyết được...

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nên chăng cần thu thập hồ sơ các vụ việc phức tạp, kéo dài, cái nào giải quyết được ngay, cái gì tập trung giải quyết, cái nào sau này phải đưa vào nghị quyết Quốc hội giám sát tối cao để kiểm đếm, thống kê, cái nào đưa vào diện báo cáo UBTVQH định kỳ để xử lý…

“Nếu đưa ra những vụ việc cụ thể, mà sau một tháng đã có những báo cáo để giải quyết dứt điểm được, thì rất khó vì những vụ việc Ban Dân nguyện đã đưa vào theo dõi thì rất phức tạp, khó khăn, đã được giải quyết nhiều lần. Có chăng thì báo cáo của Ban Dân nguyện là tiến độ những vụ việc đã giải quyết được đến đâu, đang nằm ở cơ quan nào và giải quyết như thế nào. Quá trình giải quyết của Thanh tra Chính phủ cho thấy, những vụ việc phức tạp kéo dài không thể 1 tháng mà giải quyết ngay được, có khi 5, 6 năm, 7, 8 năm vẫn chưa giải quyết được.”, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm giải thích.

Liên quan đến cơ sở dữ liệu quốc gia về giải quyết khiếu nại, tố cáo, ông Liêm cho biết, Thanh tra Chính phủ tham mưu cho Chính phủ đã xong, chỉ chờ Chính phủ ký ban hành. Trong tháng 7 này Nghị định về cơ sở dữ liệu giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ xong. Trên cơ sở đó mới triển khai đồng bộ, để nắm được các tỉnh, các bộ, ngành đã giải quyết vụ nào, hết thẩm quyền chưa, có trùng hay không.../.