Cận trọng với tín dụng cho giao thông
Thống kê của ngành ngân hàng, đến cuối năm 2014, chỉ riêng các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng với lĩnh vực giao thông lên đến gần 115.000 tỷ đồng, dư nợ cấp vào khoảng 69.000 tỷ đồng. Trong số này, riêng các dự án đầu tư theo hình thức BOT và BT lần lượt là 88.000 tỷ đồng (cam kết) và gần 38.000 tỷ đồng (dư nợ cấp tín dụng). Trước đó, năm 2013, nguồn vốn chảy vào giao thông cũng rất mạnh. Theo đó, tính đến hết năm 2013, tổng vốn đầu tư cho giao thông toàn quốc là trên 400.000 tỷ đồng và phần lớn cho các dự án BOT và BT...
Tuy nhiên, đầu tư vào giao thông luôn có tính đặc thù, đó là các dự án BOT giao thông chủ yếu trông vào tín dụng từ các ngân hàng. Song, các dự án này thông thường phải mất 20 năm sau mới bàn giao lại cho Nhà nước, do đó việc sử dụng vốn vay thương mại dễ phát sinh rủi ro cho cả ngân hàng và nhà đầu tư vay vốn.
Dự báo được những rủi ro về tín dụng đối với các dự án giao thông, ngày 02/07/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 51/NQ-CP về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 06/2015. Theo đó, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy tăng trưởng tín dụng gắn với bảo đảm cơ cấu tín dụng phù hợp, trong đó tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; giám sát chặt chẽ khi cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (bất động sản, dự án thu hồi vốn thời gian dài…).
Cụ thể hóa Nghị quyết 51, ngày 15/07/2015, Thống đốc Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-NHNN về việc tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông. Chỉ thị nêu rõ, nguồn vốn ngân hàng góp phần đảm bảo tiến độ, khối lượng đầu tư xây dựng các công trình giao thông, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển hạ tầng giao thông phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông còn một số bất cập, chưa đánh giá đầy đủ những rủi ro có liên quan.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện nay, việc cắt giảm nguồn vốn đối với lĩnh vực giao thông là rất khó, bởi thực tế cho thấy, kinh tế không thể phát triển nếu giao thông không thuận lợi. Do vậy, để tránh những rủi ro cho các dự án giao thông, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, các ngân hàng cần đưa ra một một tỷ lệ cho vay với lĩnh vực giao thông để hạn chế rủi ro thanh khoản, bởi xây cầu đường thường đòi hỏi vốn trung và dài hạn, trong khi vốn ngân hàng chủ yếu là thời hạn ngắn. Bên cạnh đó, do thời gian thu hồi vốn dài nên nhu cầu vốn dài hạn, nên sẽ thích hợp hơn nếu dùng nguồn từ trái phiếu chính phủ, vay ODA hoặc tiền ngân sách./.
Bình luận