"Càng tường minh bao nhiêu, thì chi phí kinh doanh càng giảm bấy nhiêu!"
“Gánh nặng” chi phí
Theo nghiên cứu “Khảo sát về môi trường kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới năm 2017, chi phí kinh doanh của Việt Nam về cơ bản vẫn cao so với các nước trong khu vực ASEAN. Doanh nghiệp Việt Nam phải chịu chi phí nộp thuế ở mức 31,9% so với lợi nhuận; cao hơn 2 lần so với Singapore. Ngoài ra, chi phí về tuân thủ chứng từ xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore, hơn 3 lần so với Philippines.
Đánh giá về số liệu này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, dù số liệu này chính xác hay không chính xác thì đây cũng là lời cảnh tỉnh cho các cơ quan quản lý nhà nước.
Chi phí kinh doanh bào mòn sức khỏe của doanh nghiệp Việt |
Dẫn số liệu của một nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hơn 60% số doanh nghiệp được điều tra đã xác nhận có phải trả chi phí phi chính thức, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, đây là một tỷ lệ tương đối lớn. Đôi khi xã hội đánh giá chi phí chính thức dưới dạng các con số trực quan như thuế, phí, lệ phí… song đó chỉ là một phần. Chi phí thời gian và cơ hội là những chi phí chính thức khó hình dung, lớn hơn nhiều so với các con số chi phí trên giấy tờ. Những rào cản từ vấn đề này đặt ra gánh nặng lớn cho chi phí đầu vào của doanh nghiệp.
Ông Hiếu lấy ví dụ: Thời gian là tiền, hiện để làm thủ tục hành chính doanh nghiệp mất 10 ngày, mỗi doanh nghiệp mất 1 người. Nếu nhân ra tiền, mất 200.000 đồng/người/ngày. Tổng số tiền doanh nghiệp bỏ ra 2 triệu đồng/năm. Nếu nhân với 500.000 doanh nghiệp hiện nay, số tiền đó có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng. Cứ một ngày tăng thêm các thủ tục, là mỗi chi phí, cơ hội của doanh nghiệp bị mất đi, hao mòn đi".
Về vấn đề này, ông Ngô Văn Điển, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cũng phàn nàn rằng, doanh nghiệp đang phải “gánh” rất nặng chi phí, như: chi phí tuân thủ pháp luật, chi phí tiếp cận điện năng, chi phí vận tải…
Lấy ví dụ về phí BOT, ông Điển cho biết: “chỉ riêng Quốc lộ 1A đã tồn tại hơn 40 trạm thu phí. Điều này khiến chi phí vận tải của doanh nghiệp gia tăng”.
Về hậu quả của chi phí kinh doanh quá cao, ông Ngô Văn Điểm, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho rằng, chi phí đầu vào cao không những ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của quốc gia, mà còn ảnh hưởng đến khả năng, năng lực kinh doanh của doanh nghiệp. Chi phí cao khiến lợi nhuận thấp, doanh nghiệp khó có nguồn thu để tái đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, ông Điểm cũng cho biết, lý do khiến nhiều doanh nghiệp vừa ra đời đã giải thể hiện nay cũng là vì tiếp cận nguồn lực với chi phí cao.
“Hầu hết tiếp cận nguồn lực đất đai khan hiếu, ông lớn lobby để có đất rồi, nên doanh nghiệp nhỏ đất khó. Trong khi đó, vay ngân hàng thì không có tài sản thế chấp, do đó, muốn vay thì phải chịu lãi suất của ngân hàng cộng thêm lãi suất ngoài luồng, nên doanh nghiệp càng khổ”, ông Điểm nhấn mạnh.
Ở góc độ khác, ông Đặng Huy Đông nhận định rằng, đúng là có việc doanh nghiệp vừa ra đời đã giải thể là do chi phí đắt. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào rút lui khỏi thị trường cũng do không chịu đựng nổi gánh nặng chi phí.
“Không một nền kinh tế, một bộ máy chính quyền nào đảm bảo doanh nghiệp cứ ra đời là tồn tại mãi. Kodak ngày nào vẫn còn gần gũi trong trí nhớ giờ đã không tồn tại nữa. Đấy không phải lỗi của chính sách, cơ chế. Tôi muốn chúng ta đồng thuận cao về cái này”, Thứ trưởng phân tích.
Càng tường minh bao nhiêu, thì chi phí kinh doanh càng giảm bấy nhiêu!
Để giảm chi phí cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Đông cho rằng cần phải có những giải pháp quyết liệt.
“Nếu chúng ta chỉ nêu vấn đề mà không bàn các giải pháp quyết liệt, thì đầu năm chúng ta nói, giữa năm chúng ta nói và cuối năm vẫn như thế... Đầu nhiệm kỳ, cuối nhiệm kỳ cũng vẫn vậy”.
Theo đó, Thứ trưởng Đông cho biết, cần phải giảm cả chi phí phi chính thức và chính thức.
Đối với chi phí không chính thức, ông Đông nhắc lại lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi đấy là tham nhũng vặt, gây hậu quả kinh khủng cho nền kinh tế.
Để xử lý vấn nạn này, ông Đông cho biết “càng tường minh bao nhiêu, thì chi phí của doanh nghiệp giảm bấy nhiêu”. Do đó, cần phải giảm giao tiếp giữa người – người trong khi thực hiện thủ tục hành chính, như: áp dụng Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công qua mạng...
Đối với chi phí chính thức, ông Đông đề cập đến vấn đề phải công khai, minh bạch, tránh tình trạng tù mù. Dẫn ra ví dụ về đầu tư BOT, ông nói: “Chúng ta đầu tư không theo quy tắc nào dẫn đến hậu quả như bây giờ. Không thể chung chung một câu hài hoà lợi ích giữa các bên được. Đây là câu chuyện về nguyên lý, phải công khai chi phí xây bao nhiêu, lưu lượng như thế nào, sao lại giấu diếm? Chừng nào còn tù mù, xã hội còn ý kiến”.
Thứ trưởng Đông cũng nhấn mạnh cần có cơ chế đối thoại giữa các cơ quan nhà nước mà theo ông là “vì lợi ích chung của đất nước chứ không phải của bộ, ngành, càng công khai tường minh thì càng giảm các vấn đề”.
Còn theo ông Phan Đức Hiếu, thì “chỉ khi môi trường cạnh tranh tốt, thì doanh nghiệp mới tốt”.
Do đó, ông Hiếu kiến nghị, thời gian tới, Chính phủ cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để cải thiện môi trường kinh doanh, thông qua cải cách thể chế, giảm tối đa can thiệp của Nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, để thị trường và người tiêu dùng quyết định./.
Bình luận